Sài Gòn mắc kẹt trong lễ Độc lập

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sài Gòn mắc kẹt trong lễ Độc lập

Mấy hôm nay không khí Sài Gòn nhộn nhịp và gấp gáp hơn hẳn. Ngoài đường cờ xanh cờ đỏ tung bay trong tiếng còi cảnh sát, an ninh trật tự hú hét khiến nhiều người bắt đầu cảm thấy sức nóng  của những ngày mừng giải phóng. Có lẽ nhân dịp 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn độc lập, nam bắc thống nhất một nhà nên chính phủ không ngại đầu tư cho những dàn sân khấu, âm thanh, hoa đèn, màn hình, xe di diễu hành, mô hình các kiểu các thể loại…có quy mô phải đến chục ngàn khách chứ chẳng đùa.

Nhìn lại 40 mươi năm độc lập

Mấy đứa trẻ con trên đường đến trường bắt đầu hỏi ba mẹ chúng: “30-4 là gì hả ba?” hay “…hả mẹ?” Ba mẹ chúng cố lách qua những hàng xe đông nghẹt, kẹt tắt đường để rồi trả lời con trẻ một cách ngắn gọn nhất “là ngày miền Nam và miền Bắc sum họp một nhà, nước ta hoàn toàn giải phóng”. Đắng cay là mấy đứa trẻ không chịu buông tha ba mẹ chúng, vẫn cố yêu cầu các bậc phụ huynh giải thích miền Nam là đâu? Miền Bắc là nơi nào? Tại sao bị chia rẽ, và khi thống nhất rồi thì đất nước thật sự có đổi thay?

Bọn trẻ bây giờ lanh lợi. Internet, tivi, báo chí cho chúng kiến thức tưởng chừng là cơ bản, nhưng khi đặt vấn đề thì những người làm cha, làm mẹ cũng phải lúng túng. “Ờ thì đất nước giàu hơn, dân sống sung sướng hơn, trẻ em được học hành tử tế, người già được chăm nom cẩn thận. Đại loại là rất nhiều thành tích”, các vị phụ huynh trả lời được đến đấy đã là may mắn đến hú hồn.

Không may sao được khi trẻ con cũng chỉ dừng ở những câu hỏi ngây ngô và dễ bị người lớn  lừa gạt (một cách tương đối) như thế. Chúng chẳng hề nhận ra lớp học của chúng đang quá tải, và nhiều đứa trẻ trong số chúng là nạn nhân của một nền giáo dục với nhiều điểm ủ mục, điển hình như quá tải kiến thức, học nhồi nhét trong những ngôi trường chật hẹp, dưới sự dạy dỗ của không ít người làm thầy, làm cô nhưng chưa bao giờ có tâm thật sự với nghề bởi lương thì thấp còn vật giá cứ mãi leo thang.

Nhưng ông bà chúng, và đôi khi ba mẹ chúng thì lại thấm hơn bao giờ hết. Đó là những ngày người Sài Gòn từ kinh tế thị trường lại quay về thời bao cấp, để rồi phải thiếu gạo ăn dù bản thân Sài Gòn lại sống cạnh khu vực vốn được xem là chén cơm của nhiều quốc gia châu Á. Đó là những ngày ăn cơm độn khoai mì, khoai lang, bắp ngô… để đối đầu với cấm vận từ Mỹ. Hay đó là những ngày mà Sài Gòn, vốn từng là hòn ngọc viễn đông, bắt đầu trở nên đông đúc hơn một cách vô tội vạ do người dân lũ lượt kéo nhau vào đất Sài Gòn vì đây là “đất lành chim đậu”. Nhưng thực tế nhìn lại, hạ tầng, cơ sở vật chất vẫn cứ nghèo hoài.

Nếu tôi nói trên tầm vĩ mô hơn, Sài Gòn – vốn từ một chỉ điểm địa lý của nhiều nước về thương mại, du lịch… – thì nay đã thu nhỏ khiêm tốn thành một Sài Gòn đậm chất địa phương với hàng loạt những bế tắc: nạn kẹt xe, ô nhiễm, ngập nước, trộm cướp,… Và tất nhiên, khi Singapore chưa mất đến 50 năm để từ một hòn đảo vốn chẳng có tài nguyên mà chỉ có “sức người” trở thành một trung tâm kinh tế tài chính của châu Á = hay còn gọi là rồng châu Á – thì đến nay Việt Nam sau 40 năm độc lập hàng tá vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội vẫn còn là những bài toán chưa có lời giải đáp.

Và hàng trăm nỗi lo

“Không lo sao được khi mất 40 năm, các thế hệ trẻ cho đến nay vẫn còn quá nhiều thứ phải quan tâm và chia sẻ nhưng không có bất kỳ gợi ý thỏa đáng nào”, tôi ngồi nói vu vơ với vài ba đứa bạn. Một thằng bạn ngắt lời “mày lo gì xa thế, lo kia kìa” – nó chỉ sang giàn sân khấu, âm thanh khủng cùng đội ngũ cộng tác viên trước Dinh Độc Lập kéo dài gần hết con đường Lê Duẩn chào mừng 40 năm ngày độc lập.

Tôi hỏi “có gì phải lo?” Thằng bạn cười nhạt rồi nói “tao lo sau chương trình, khi người ta chưa kịp tỉnh tâm suy nghĩ về chuyện gì vừa mới diễn ra, thì lại phải chết ngất với số tiền khủng mà chương trình đã bỏ ra, vốn cũng là tiền của dân tích góp”. Kinh nghiệm cho thấy nhiều vị quan chỉ tiết lộ số vốn của các dự án xã hội ngay sau khi chương trình kết thúc, đẩy dân vào thế đã rồi, chẳng cần dân phản biện hay lý lẽ.  Con số tiền ấy có khi lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Một cách hình tượng hóa, số tiền ấy có khi được quy ra thành nhiều nhà ở, trường học, trang thiết bị bệnh viện, dự án xã hội, giúp trẻ em vượt khó… Nhưng vào hội hè thì số tiền ấy cũng chẳng khác gì “chuyện tình một đêm” – một đi không trở lại.

Chẳng phải mới đây để “nhớ ơn mẹ Việt Nam anh hùng” ở Quảng Nam, các bác cũng xây tượng đài các mẹ hơn 400 tỷ đồng mà đến khi khánh thành tượng đài thì dân mới tá hỏa vì cái giá phải trả. Chiến tranh và tội ác đã cướp đi gia đình và cả cuộc đời của các mẹ anh hùng. Nhiều người mẹ còn sống ở đời nhưng tâm hồn đã “chết” từ lâu – vốn chẳng thể vì một cái tượng đài bằng gạch đá có thể bù đắp được. Đó là chưa kể, phần lớn mẹ Việt Nam anh hùng vẫn sống đời cơ cực, đến một mái nhà ấm cúng, một bữa ăn đàng hoàng cũng còn bấp bênh, gập ghềnh đến chua xót. Cũng chẳng còn ai đủ sức để đến xem tượng đài khổng lồ, để rồi chẳng còn nước mắt để rơi. Các mẹ cần một cuộc sống thảnh thơi, thực tế hơn vào những phút cuối đời, chứ không phải một cuộc đời mỉa mai theo kiểu “sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi”.

Bản thân tôi cũng chợt thấy lo, cũng như tượng đài mẹ anh hùng, chẳng biết bao nhiêu người đủ tâm trí để đến dự chương trình mà bản thân họ chẳng biết phải trả bao nhiêu tiền cho show diễn ấy. Và rồi cũng chẳng biết có bao nhiêu anh hùng chiến trường xưa, nhiều người trong số đó vẫn nặng chuyện cơm áo gạo tiền, tất bật giữa một cuộc sống ngày càng khắc nghiệt, còn đủ tâm huyết để về Sài Gòn hồi tưởng ký ức hào hùng khi xưa? Họ cần một ngày lễ thân mật, ấm áp và một cuộc đời được các quan sòng phẳng.

Còn nhỏ bạn tôi thì lại lãng mạn hơn. Nó bảo “tao lo cho hình ảnh Việt Nam sẽ bị bêu riếu trên báo chí quốc tế sau khi tiệc tàn’”. Đó là hình ảnh một bãi chiến trường đầy rác và rác mà ban tổ chức chẳng màn để ý và không đủ sức để quản lý, để rồi “những người áo cam” phải vất vả cả đêm cho đến hết ngày hôm sau để dọn dẹp. Nhiều lần như thế, chúng tôi cũng đâm ra hoảng và lấy làm xấu hổ.

Cả bọn đang lơ mơ thì còi xe, âm thanh báo âm ĩ giờ “cấm đường” diễn tập 30-04. Cả bọn lủi thủi dẫn xe, rồ máy rồi chẳng ai nói với ai câu nào, chúng tôi trở về nhà giữa hai hàng đèn hoa rực rỡ màu giải phóng. Và rồi vừa ra khỏi vòng vây của hàng trăm cảnh sát cơ động, mắt chúng tôi tối sầm lại khi giao thông ngoại vi tê liệt. Trên đầu trời không một ánh sao, dưới đất kèn bóp inh ỏi đến nhức óc. Rất nhiều người chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra khiến xe của họ kẹt cứng. Thấp thoáng vài ba người kháo tai nhau “Cấm đường vì 30-04”.

Đất nước vẫn đang mắc kẹt bởi hàng tá những thứ không mấy hay ho, thì có sá gì chuyện kẹt xe. Nghĩ vậy mà tự an ủi để rồi chạy về cho kịp trước khi bị cảnh sát cơ động giữ chân kiểm tra hành chính.