Riyadh cảnh báo về những hậu quả của việc áp dụng đạo luật 11/9 của Mỹ
Tác giả: Andrei Popescu | Dịch giả: Kim Xuân
Ả-rập Xê-út đã lên án một dự luật được Quốc hội Mỹ thông sẽ cho phép gia đình các nạn nhân của các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ khởi kiện Hoàng gia về những thiệt hại. Riyadh tuyên bố đạo luật vừa được thông qua là một vấn đề “đáng lo ngại”.
Tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại Thế giới bốc cháy ngày 11 tháng 9, 2001. (Ảnh chụp màn hình)
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út đã đề nghị Quốc hội Mỹ thực hiện các bước để sửa đổi luật mới và để tránh những hậu quả nghiêm trọng và không lường trước được có thể xảy ra.
Lời đề nghị được đưa ra sau khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư đã thông qua với một đa số áp đảo để bác quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama về đạo luật JASTA (Đạo luật Công lý chống tài trợ chủ nghĩa khủng bố). Đạo luật cho phép thân nhân của những người Mỹ bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công năm 2001 có quyền yêu cầu bồi thường từ chính phủ Ả-Rập Xê-út tại tòa án liên bang Mỹ.
Riyadh đã vận động hành lang quyết liệt để chống lại JASTA trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út, được hãng thông tấn nhà nước SPA trích dẫn, đã tuyên bố rằng luật mới này là một nguồn “lo ngại lớn”.
“Sự suy yếu của miễn trừ quốc gia sẽ có tác động tiêu cực đối với tất cả các nước, kể cả Mỹ”, bản tuyên bố nêu rõ.
Mặc dù 15 trong số 19 tên không tặc tham gia vào các cuộc tấn công khủng bố năm 2001 trên lãnh thổ Mỹ là công dân Ả Rập Xê Út, nhưng không có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy chính phủ là thủ phạm. Riyadh, một đồng minh quan trọng của Mỹ, đã dứt khoát bác bỏ những cáo buộc rằng chính phủ đã tham gia vào các cuộc tấn công, làm chết khoảng 3.000 người.
Những hệ quả tiêu cực
Tổng thống Obama cũng đã bày tỏ quan ngại về đạo luật JASTA, khi cho rằng luật mới có thể khiến Mỹ phải đối mặt với các vụ kiện từ phía một số người muốn đòi bồi thường cho những người bị thương hoặc bị chết khi đang thực hiện nhiệm vụ quân sự của Mỹ ở nước ngoài.
Trong khi đó, các nhà phân tích đã cảnh báo sự không chắc chắn xung quanh đạo luật này có thể ảnh hưởng xấu đến thương mại song phương, đến đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực thông tin tình báo với một đồng minh lớn.
“Nó sẽ rất khó khăn cho Ả Rập Xê Út để hợp tác trong lĩnh vực thông tin tình báo khi [Mỹ] áp dụng một lập trường thù địch như vậy”, Jamal Khashoggi, nhà báo Ả Rập Xê Út kỳ cựu và là nhà phân tích, nói với AFP.
Ông lưu ý rằng các quan chức Ả-Rập Xê-út bây giờ có thể tự hỏi nên hành động ngay hoặc “chờ cho đến khi đơn kiện đầu tiên được đệ lên tại một thị trấn nhỏ ở Mỹ”. – Việt Đại Kỷ Nguyên