Resort tại Vườn Ba Vì ‘đúng chủ trương’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Resort tại Vườn Ba Vì ‘đúng chủ trương’

Vụ phanh phui này, theo tin ngoài luồng, Trọng muốn loại vây cánh Đỗ Mười. Trong vụ tiền polymer, Lương Ngọc Anh, Lê Đức Thuý là mặt nổi của ĐM – BBT Website TÐV

Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì khẳng định với BBC hôm 1/3 rằng việc xây resort 4 sao trong Vườn là ‘đúng chủ trương nhà nước’.

Vườn Quốc gia Ba Vì tọa lạc tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.

Hôm 29/2, một số báo trong nước đưa tin Vườn Quốc gia Ba Vì nhận của Công ty Phát triển Công nghệ (CFTD) 7,5 tỷ đồng (trả chậm trong 50 năm) và ‘góp’ 53ha đất rừng cho doanh nghiệp xây dựng khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa 4 sao ngay vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Báo trong nước ghi nhận việc xây dựng bắt đầu từ 2014 cho đến nay.

“Khu nghỉ dưỡng đang trong quá trình chạy thử. Giá thuê phòng từ 2,5 – 4 triệu đồng/đêm”, Tuổi Trẻ hôm 1/3 tường thuật.

Hôm 1/3, trả lời phỏng vấn của BBC từ Hà Nội, Đỗ Hữu Thế, Phó giám đốc phụ trách du lịch, văn hóa, tâm linh Vườn Quốc gia Ba Vì, phủ nhận con số 7,5 tỷ đồng.

“Không có chuyện đổi giá như vậy. Chỉ là chuyện liên kết, liên doanh giữa hai bên mà nếu phóng viên đến tận nơi thì chúng tôi sẽ cho xem văn bản hợp tác. Và việc này thực hiện theo đúng chủ trương của nhà nước. Dự án đã được Bộ Nông nghiệp thông qua và Bộ Tài nguyên – Môi trường đánh giá tác động về môi trường”, ông nói.

“Về dự án Le Mont Bavi Resort & Spa, đã có lúc chúng tôi chưa kiên quyết và đối tác nôn nóng muốn đẩy nhanh tiến độ trong lúc thủ tục chưa hoàn chỉnh. Dự án đã bị đình chỉ xây dựng trên thực tế từ tháng 10/2015 chứ không phải đợi đến khi các báo lên tiếng. Khu này hiện cũng chưa đón khách như các báo trong nước viết. Hiện chúng tôi đang chờ quyết định của cấp trên về việc xử lý khu này”, Phó giám đốc Vườn, cho biết thêm.

Cũng trong hôm 1/3, Nguyễn Thành Sơn, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì nói với BBC: “Chúng tôi chưa nắm nội dung vụ việc. Vườn Quốc gia Ba Vì là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý nên chúng tôi không biết nội tình”.

‘Nóng ruột’

Cùng ngày, báo Lao Động dẫn lời Lương Ngọc Anh, Giám đốc Công ty CFTD: “CFTD đã sai sót khi chưa hoàn tất hồ sơ, chưa được cấp phép đã đầu tư xây dựng. “Đây là sự nóng ruột của nhà đầu tư”.

“Ông cho rằng, chủ đầu tư thì luôn mong muốn cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho dự án vốn đúng quy hoạch, đúng chủ trương. Việc liên kết khai thác hoạt động du lịch sinh thái tại vườn là chủ trương của Bộ Bộ Nông nghiệp. Bộ cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, đồng ý cho Vườn quốc gia Ba Vì và CFTD ký hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái từ năm 2008 nhưng 8 năm sau vẫn chưa phê duyệt đề án là quá chậm trễ”, báo này viết.

Hôm 29/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra thông báo: “Đình chỉ thi công xây dựng công trình trái phép tại vườn quốc gia từ ngày 1/3/2016 và tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra làm rõ việc xây dựng các công trình trái phép tại khu vực này”.

Năm 2012, Lương Ngọc Anh, tức Đại tá an ninh Lương Ngọc Anh, bị tố cáo liên quan nghi án hối lộ tiền polymer.

Thời điểm đó, tám cựu lãnh đạo của hai công ty, Securency và Note Printing Australia, bị cáo buộc lập quỹ đen và chi hàng triệu đôla để có hợp đồng in tiền ở các nước châu Á, gồm cả Việt Nam.

Lương Ngọc Anh từng làm việc với công ty in tiền Securency nhằm giúp giành được hợp đồng in tiền polymer cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông bị nghi “có thể nhận tới 20 triệu đôla Úc” trong vai trò trung gian.

Anh cũng bị hai tờ báo Úc là The Age và The Sydney Morning Herald tiết lộ có quan hệ tình ái bí mật với một quan chức Australia – bà Elizabeth Masamune, khi bà này làm đại diện của cơ quan xúc tiến thương mại Úc (Austrade).

Phóng viên điều tra của hai tờ báo dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên “xác nhận trong khi bà Masamune khuyến khích Securency trả những khoản đáng kể cho Đại tá Lương để nhờ giúp giành hợp đồng, bà cũng có quan hệ tình cảm với ông này”.

Báo The Age cho hay cảnh sát bang Victoria của Úc cũng trả Anh hàng trăm ngàn đôla để xuất khẩu công nghệ an ninh sang Việt Nam.

Tuy vậy, vụ xử cáo buộc công ty Úc hối lộ để có hợp đồng in tiền polymer ở Việt Nam đã bị tòa ở Úc bác bỏ vì ‘không có đủ bằng chứng’. – Theo BBC