Raymond Aron và Tôi – Đoàn Thanh Liêm

Cac Bai Khac

No sub-categories

Raymond Aron và Tôi – Đoàn Thanh Liêm

I — Tóm lược: Thân thế và Sự nghiệp.

(Raymond Aron: 1905 – 1983)

Raymond Aron sinh năm 1905 tại Pháp, ông là con của vị luật sư gốc Do Thái.  (Xin viết tắt cho gọn : RA). Ông là người đương thời và cũng là bạn đồng môn với Jean – Paul Sartre, khi cùng theo học tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale Superieure) ở Paris. Cả hai vị này, mỗi người mỗi vẻ, đều để lại một sự nghiệp đồ sộ, làm vinh dự cho nước Pháp vào nửa sau của thế kỷ 20. Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Sư Phạm, RA đã được sang bên nước Đức nghiên cứu thêm về Triết học, Xã hội học, và trở về dậy học tại một trường trung học ở miệt tỉnh. Ông đậu bằng Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ một cách dễ dàng, và được các bạn đồng môn đánh giá là có trí thông minh vượt trội, ngang ngửa với Jean-Paul Sartre.

Vừa mới bắt đầu lên dậy bậc Đại học, thì chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) xảy ra. Và sau khi nước Pháp bại trận năm 1940, thì RA phải lưu vong sang nước Anh. Tại đây RA đã nhận làm chủ biên cho Tập san “La France Libre” (Nước Pháp Tự Do) do Chánh Phủ lưu vong của Tướng De Gaulle chủ trương. Hết chiến tranh, RA tham gia vô ngành báo chí và viết cho báo Le Figaro là một tờ báo vào loại hàng đầu của Pháp với lập trường “thiên hữu”. Từ giữa thập niên 1970, thì ông sang viết cho tuần báo Express. Đồng thời ông cũng dậy ở Đại học Sorbonne, Học viện Chính trị (Sciences Po.), nhưng vẫn tham gia viết báo. Có thể nói RA vừa là nhà giáo, mà cũng vừa là nhà báo.

RA không những dậy học ở Pháp, mà ông còn được mời đi dậy ở Đức, ở Mỹ và tại nhiều nước khác nữa. Ông còn được mời đến dậy ở Collège de France (Học viện Pháp quốc) là cơ sở giáo dục bậc cao nhất của nước Pháp.Về sự nghiệp viết báo, thì ông đã có nhiều công trình biên khảo được đăng trên những tập san chuyên môn hàng đầu của thế giới, kể cả trong bách khoa toàn thư Enclycopedia Britannica. RA còn là tác giả của trên 40 cuốn sách, mà phần đông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Anh, và được rất đông người đọc mến chưộng.

Khác với Sartre là người có lập trường thiên về phía cộng sản, RA phân tích mổ xẻ rành mạch những khuyết điểm, sai lầm tai hại của phe cộng sản, nhất là tại Liên Xô. Vào thập niên 1950-60, phần đông giới trí thức ở Pháp thiên vị về phía công sản, do vậy mà RA bị coi là ở phe thiểu số. Dầu vậy, ông vẫn kiên định trong lập trường chống độc tài cộng sản, và không bao giờ tỏ ra có sự chao đảo như một số nhà trí thức khác ở Âu châu thời sau chiến tranh. Cũng vì thế, mà Raymond Aron đã không được bầu vào trong Hàn Lâm Viện của Pháp, danh dự mà ông rất xứng đáng được trao tặng.

Những phân tích, nghiên cứu của ông rất nghiêm túc, chính xác theo tinh thần khách quan của giới hàn lâm khoa học. Điều này đã được thực tế xã hội chứng minh rành rành, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Đông Âu và ở chính Liên Xô vào cuối thập niên 1980, nơi mà xưa kia phe cộng sản vẫn tung hô là “thiên đường của chủ nghĩa xã hội”. Chỉ tiếc là đến lúc đó, thì Aron đã ra người thiên cổ mất rồi (ông qua đời năm 1983).

Cuốn sách “L’opium des intellectuals” (Nha phiến của giới trí thức) xuất bản năm 1955 lúc ông vừa 50 tuổi, được coi là một công trình biên soạn thời danh, gây chấn động khắp thế giới, cùng lúc với 2 cuốn khác là cuốn “Giai cấp mới” của Milovan Djilas người Nam Tư và cuốn “Doctor Zhivago” của văn hào Nga mà được giải thưởng Nobel về Văn chương là Boris Pasternak. Khác với văn hào Andre’ Malraux là người chỉ biết xưng tụng tôn vinh De Gaulle, mà cũng khác với Jean Paul Sartre là người luôn thiên về phe cộng sản, Aron thật sự nghiêm túc trong sự phân tích khoa học về các vấn đề chính trị xã hội có tầm mức ảnh hưởng toàn cầu. Là nhà báo, ông có cơ hội tiếp cận thường xuyên với tình hình thực tế khắp nơi trên thế giới, và trao đổi với các đồng nghiệp trong ngành truyền thong, cũng như gặp gỡ tiếp súc với giới lãnh đạo chính trị tại nhiều nước. Mà cũng vì là nhà giáo, Aron cũng rất thận trọng, khúc chiết mạch lạc trong cách trình bày lý luận của mình nơi các bài giảng cho sinh viên tại Sorbonne, cũng như cho sinh viên tại Mỹ, tại Đức v.v… Chính Henry Kissinger, một bậc kỳ tài của Đại học Harvard, mà còn phải tôn Raymond Aron là sư phụ của mình, như được ghi trong Lời Giới thiệu cuốn Hồi ký RA, bản dịch sang tiếng Anh xuất bản năm 1990.

Raymond Aron rất chững chạc trong lối phát biểu, cũng như trong lối viết. Ông không bao giời dùng những lời “đao to búa lớn” như Sartre là người sử dụng những từ ngữ miệt thị vô trách nhiệm đối với giới tư bản trưởng giả, như là chữ “cochons, salauds” (đồ con heo, đồ đểu giả) nhằm mỵ dân, lôi cuốn giới trẻ người non dạ. Hoặc đưa ra những khẩu hiệu như: “l’enfer, c’est les autres” (người khác là địa ngục đối với ta) v.v…Về đời sống gia đình riêng tư, Aron cũng rất mực thước, phải chăng, vợ chồng con cái thuận hòa êm thắm. Khác hẳn với Sartre vốn là người thường tự cho mình được quyền ở ngoài vòng cương tỏa của luân lý xã hội, tha hồ tung hoành vối lối sống phóng túng, bất cần đời, coi thường cái khuôn khổ luân thường lễ giáo xưa nay của xã hội.

Về cuối đời của ông, học giới tại nước Pháp đã thành lập một trung tâm nghiên cứu lấy tên ông là: “Centre  de Recherches Politiques Raymond Aron – CRPRA” đặt tại Trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội (Ecole des Hautes Etudes des Sciences Sociales – EHESS). Trung Tâm được khởi sự từ năm 1982, đúng một năm trước khi RA qua đời vào năm 1983, và sau này được hoàn chỉnh nhằm khuếch trương công cuộc nghiên cứu thâm sâu về khoa học xã hội, đặc biệt dành cho giới sinh viên bậc cao học và tiến sĩ. Mỗi năm lại có việc Trao Giải Thưởng Raymond Aron cho các công trình nghiên cứu xuất sắc về các đề tài đã được RA khai mở. Cho đến nay, vào tháng 12/2007, thì đã có tới 38,120 vị ân nhân đóng góp cho Trung tâm CRPRA này.

Gần đây học giới ở Pháp đã phục hồi lề lối nghiên cứu khoa học xã hội theo “truyền thống Raymond Aron”, đó là tách việc nghiên cứu khoa học xã hội ra khỏi sự chi phối của “ý thức hệ” như các trí thức phe tả thường lấn áp trong thời kỳ sau chiến tranh thứ hai, với cao điểm của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản. Và đây chính là sự đóng góp vĩ đại của RA trong lãnh vực học thuật và tư tưởng hiện đại trên thế giới ngày nay.

Có thể nói RA đã góp phần rất đáng kể trong việc phát triển ngành xã hội học chính trị (political sociology) nối tiếp truyền thống của những Alexis de Tocqueville, Max Weber, Joseph Schumpeter v.v…Và RA cũng giống như Karl Popper là những người đều chủ trương sự cải thiện xã hội bằng phương thức bất bạo động, kiên nhẫn và khiêm tốn, chứ không bằng lối cưỡng bức sắt máu như của cộng sản. Cái khẩu hiệu “Piecemeal Social Engineering” của Karl Popper hiện nay đang được người môn đệ nổi danh từ London School of Economics, là George Soros khai triển và ứng dụng qua chủ trương của cơ quan “Open Society Institute” (OSI) với trụ sở chính đặt tại New York, để góp phần phục hồi Xã hội Dân sự tại các nước Đông Âu và Nga kể từ ngày chế độ cộng sản sụp đổ gần 20 năm nay.

II — Raymond Aron và Việt Nam… và Tôi.
Là một nhà báo thượng thặng, ông chú trọng đến chuyện chiến tranh Việt nam ngay từ hồi cuối thập niên 1940. RA có kể lại chuyến viếng thăm VN vào năm 1953, nhưng coi như không có mấy tiếp xúc với chính quyền Bảo Đại trong dịp này. Mãi đến năm 1968, RA mới chú ý đến tài liệu của cựu Đại sứ Phạm Duy Khiêm, người bạn cùng học chung ở Cao Đẳng Sư Phạm hồi 40 năm trước. Bản thông báo của Đại sứ Khiêm về cuộc thảm sát ở cố đô Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 rõ ràng là có sức thuyết phục đối với giới trí thức ngay thẳng, lương thiện như Aron, sự kiện mà tác giả đã ghi lại khá chi tiết trong cuốn hồi ký với tựa đề nguyên văn là “Cinquante ans de reflexion politique” (Năm mươi năm suy ngẫm chính trị). Nói chung, thì lập trường của RA đối với cuộc chiến tranh VN trong suốt 30 năm là “thiên hẳn về phía Mỹ và Tây Âu”, chứ không có thiên vị về phe cộng sản như Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre v.v…

Tư tưởng của RA được giới trí thức miền Nam VN theo dõi, tán thưởng. Cụ thể như Luật sư Trần Văn Tuyên, học giả Nguyễn Hiến Lê, các giáo sư Vũ Quốc Thông, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Ngoc Huy …, các nhà báo Hà Thượng Nhân, Phan Lạc Phúc, Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Quý Toàn v.v…Phần đông học giới ở VN hồi trước 1975 đều tỏ ra rất khâm phục cái lối lý luận sắc bén, khúc chiết, vô tư và thẳng thắn của vị giáo sư khả kính và khả ái này. Đã có một vài bản dịch sách của RA, nhưng hầu hết giới trí thức của ta thời ấy đều đọc trực tiếp từ nguyên tác bằng tiếng Pháp. Sinh viên các ngành thuộc khoa học xã hội ở miền Nam hồi trước 1975 phần đông cũng đều được học tập về môn xã hội học chính trị, mà RA là một giáo sư tiêu biểu cho sự chính xác, trung thực và sắc xảo.

Bản thân tôi, thì bắt đầu “mê RA” từ năm 65-66, lúc đang say sưa với công tác xã hội trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon. Cuốn “18 lecons sur la societe industrielle” là tài liệu của khóa giảng tại Sorbonne và tiếp theo là cuốn “Lutte des classes” và cuốn “Democratie et Totalitarisme” đã làm tôi say mê theo dõi cái môn phân tích xã hội học về phương diện chính trị của vị “đại sư” này.

Rồi sau 1975, với nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi lại hay ra chợ sách phía sau rạp Đại Nam để tìm kiếm thêm sách đọc về loại này. Nhờ vậy mà tích lũy thêm được một số kiến thức vững vàng hơn, mà thời trước vì bận rộn với chuyện làm ăn, tôi đã không có dịp trau dồi, học tập để bắt kịp với sự tiến bộ của ngành khoa học xã hội này.

Tôi có dịp thường xuyên trao đổi với cụ Nguyễn Hiến Lê, và được cụ cho đọc thêm nhiều cuốn sách chỉ có trong tủ sách riêng của cụ.Vào năm 1979-80, cụ có cho tôi cuốn sách “Les désillusions du progres” do RA viết năm 1969. Đây là bản Pháp văn của mục phân tích về “tình hình xã hội đương thời” tác giả đóng góp cho Encyclopedia Britannica. Cụ đã đọc rất kỹ và ghi chú bằng bút chì trên lề nhiều trang sách. Tôi thật cảm động vì lời đề tặng của cụ cho tôi như sau: “Xin tặng ông Đoàn Thanh Liêm. Xin ông giữ làm kỷ niệm – NHL”.

A/ —  “Nước Pháp là Nước Pháp, không có tĩnh từ”.

Năm 1981, lần đầu tiên Đảng Xã Hội Pháp có đại diện là Francois Mitterand được bầu làm Tổng Thống. Lúc đó RA đã già yếu rồi, nhưng ông cũng đóng góp một bài báo gây chấn động với nguyên văn tựa đề như sau: “La France, c’est la France ou la Republique Francaise; sans adjectifs” (Nước Pháp là nước Pháp hay Cộng Hòa Pháp quốc, chứ không cần thêm một tĩnh từ nào khác). Tư tưởng này đã nung nấu trong tôi suốt bao nhiêu năm, vì kể từ năm 1976, đảng cộng sản đã tự ý ngang nhiên đổi tên nước Việt Nam thành “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN” (Socialist Republic of VN – SRV). Tức là người cộng sản đã gắn cái chủ nghĩa xã hội của họ vào danh tánh của nước Việt nam đã có từ ngàn đời do cha ông chúng ta xây dựng tạo thành và truyền lại cho thế hệ chúng ta ngày nay. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên vào thời đó, chế độ cộng sản còn quá hung hãn, bạo ngược. Với lại hoàn cảnh chiến tranh với Trung quốc, tại Cambodia; cho nên anh em trí thức chúng tôi cũng chưa thể làm cái gì cụ thể nhằm góp phần chấn chỉnh lại tính thế được. Mà phải đợi đến sau 1986 với phong trào “Đổi mới” từ Liên Xô lan tới Đông Âu và dĩ nhiên cũng bắt đầu ảnh hưởng tới Việt nam, thì chúng tôi mới bắt đầu thảo luận trao đổi với nhau về những chuyện căn bản của đất nước, của dân tộc. Và với sự sụp đổ của cộng sản tại Đông Âu cuối năm 1989, cùng với sự rệu rã của hệ thống Xô Viết tại chính nước Nga, thì vào đầu năm 1990, tôi đã soạn thảo một văn bản “Năm điểm thỏa thuận căn bản” chỉ ngắn gọn trong nửa trang giấy, nhằm góp phần vào việc làm “guideline cho việc soạn thảo một bản Hiến pháp mới cho nước Việt Nam sau này”. Xin ghi lại điểm 1 trong văn bản này như sau:

“Điểm 1: Quốc gia Việt nam không công nhận một tôn giáo nào làm quốc giáo.

Quốc gia cũng không áp đặt một chủ thuyết nào làm giáo điều chính thức của dân tộc.

Nhằm tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ của các tổ chức tôn giáo”.

Cũng vì bản văn 5 điểm này, mà công an đã theo dõi và bắt giữ tôi, khi tôi mới từ Saigon bay ra Đà nẵng vào ngày 23/4/1990. Rồi họ đưa tôi ra xét xử trong phiên tòa ngày 14/5/1992 tại tòa án Saigon, với bản án 12 năm tù về tội “Tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội”, y hệt như các vụ xử linh mục Nguyễn Văn Lý, các luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài gần đây vậy.

B/ — Tranh chấp chủng tộc, chứ không phải tranh đấu giai cấp.

Tôi vẫn còn nhớ lối biện luận của RA, là: Hầu hết các tranh chấp trên thế giới ngày nay đều phát sinh từ chuyện “tranh chấp chủng tộc” (lutte des races) chứ không phải là “tranh đấu giai cấp” (lutte des classes) như người cộng sản thường chủ trương. RA nêu ra trường hợp tranh chấp đẫm máu ở Bắc Ái nhĩ lan, căng thẳng ở Québec, Canada v.v…, thì đều là tranh chấp chủng tộc lồng trong sự khác biệt tôn giáo, chứ không hề có sự đấu tranh giai cấp tại các nơi như thế này. Điều này lại càng sáng tỏ hơn trong trường hợp của Bosnia, Kosovo sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Nam tư vào đầu thập niên 1990.

Đó là lý do tại sao tôi viết “Điểm 2” trong “Bản văn 5 điểm” ghi trên.

“Điểm 2: Dân tộc Việt nam gồm nhiều sắc tộc có truyền thống lịch sử và văn hóa khác nhau.

Như vậy nền tảng của xã hội VN phải được đặt trên cơ sở đa chủng tộc, đa văn hóa”.

Tại phiên tòa, chánh án Lê Thúc Anh gọi tôi: “Anh là thứ cáo già chính trị”, vì chủ trương “đa nguyên, đa đảng” mà khôn khéo ngụy trang trong điểm này. Cũng như Đại tá Quang Minh trong lúc điều tra, thì lại gọi tôi là thứ “assassin de genie” (Kẻ sát nhân ngoại hạng). Nói chung là người cộng sản vẫn còn rất “dị ứng” (allergic) với loại suy nghĩ rất bình thường trong bất kể xã hội dân chủ, tự do nào.

(Ghi chú:  Toàn văn Bản “Năm điểm thỏa thuận căn bản ” sẽ được ghi nơi “Phần Phụ lục” kèm theo bài viết này.)
III  —   Đôi lời tâm tình.

Bài viết này được chuẩn bị vào cuối năm 2007. Năm hết, Tết đến, tác giả xin được ghi ra ít lời tâm tình sau đây:

Năm 2008 là năm kỷ niệm 25 năm ngày qua đời của Raymond Aron. Nhân dịp này, tôi xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với vị giáo sư và tác giả khả kính là người đã soi sáng, hướng dẫn rất nhiều cho kẻ hậu sinh, cả về phương pháp luận (methodology), cả về nội dung những khám phá tìm kiếm của ông trong lãnh vực khoa học xã hội hiện đại. Đọc RA, tôi thấy toát ra một tinh thần nhân bản cao độ, một tác phong cao quý của bậc mô phạm, và nhất là sự kiên trì nhẫn nại hiếm có nơi lớp người trí thức thường bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh ý thức hệ tại Âu châu thời kỳ sau thế chiến thứ hai.Có thể nói RA là một thứ sĩ phu quân tử ở phương Tây.

Tiếp theo, người viết cũng xin bày tỏ niềm thương tiếc và quý mến đặc biệt đối với Luật sư Trần Văn Tuyên, Học giả Nguyễn Hiến Lê là những vị đã chỉ dẫn cho tôi trong các vấn đề chính trị xã hội mà Raymond Aron đã nêu lên. Tác giả cũng không thể nào quên được nhà báo Đỗ Ngọc Yến, là người đã tặng cho tôi khá nhiều sách báo, trong đó có cuốn Hồi ký Raymond Aron, bản dịch tiếng Anh – mà nhờ đó tôi đã có thể đào sâu được nhiều chi tiết chính xác cho bài viết này.

Sau cùng tác giả còn muốn ghi nhận cái công lao của Anh Vũ Ngọc Trân là thân phụ của nhạc sĩ Trường Kỳ vì đã chuyển cho cuốn Hồi Ký RA nguyên tác tiếng Pháp vào đầu năm 1990 ở Saigon. Lúc đó tôi đã say sưa đọc cuốn sách này. Nhưng chưa kịp trả lại anh Trân, thì tôi bị công an bắt giữ. Và khi ở trong tù, tôi đã ân hận vì không kịp trả cuốn sách cho anh Trân. Nay anh lại vừa mới ra đi vài năm gần đây tại Saigon. Nhưng chắc anh cũng thông cảm cho hoàn cảnh bất khả kháng của tôi, khiến làm thất lạc mất cuốn sách quý này. Chuyện này có vài chi tiết lý thú khác nữa, người viết xin được kể lại đày đủ hơn trong một dịp khác, bởi lẽ bài này hiện đã quá dài rồi.

Đoàn Thanh Liêm

 

PHỤ LỤC

Năm Điểm Thỏa Thuận Căn Bản.

Điểm 1:

Quốc gia Việt nam không công nhận một tôn giáo nào làm quốc giáo.

Quốc gia cũng không áp đặt một chủ thuyết nào làm giáo điều chính thức của dân tộc.

Nhằm tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ của các tổ chức tôn giáo.

Điểm 2:

Dân tộc Việt nam gồm nhiều sắc tộc có truyền thống văn hóa và lịch sử khác nhau.

Như vậy, nền tảng của xã hội VN phải được đặt trên cơ sở đa chủng tộc, đa văn hóa.

Điểm 3:

Phát huy truyền thống nhân bản và nhân ái của dân tộc, hệ thống chính trị và luật pháp VN sẽ được xây dựng trên những nguyên tắc đã được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Điểm 4:

Về phương diện kinh tế, vai trò của Nhà nước là làm trọng tài để bảo vệ công bằng xã hội và trật tự xã hội.

Như vậy, Nhà nước không thể vừa làm trọng tài, vừa làm một bên đương sự trong các hoạt động kinh doanh làm ăn được (không thể vừa thổi còi, vừa đá banh).

Hệ quả là hệ thống quốc doanh hiện nay sẽ được giảm tới mức tối thiểu.

Điểm 5:

Thể hiện tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, quốc gia sẽ ban hành lệnh khoan hồng đại xá đối với mọi vi phạm do cá nhân, hay do tập thể gây ra.

Nghiêm cấm mọi sự tùy tiện báo ân, báo oán.

Mọi khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại sẽ được xử lý theo đúng thủ tục luật pháp.

Làm tại Saigon, Tháng Hai năm 1990

Đoàn Thanh Liêm