Ra mắt tác phẩm “Duc, Der Deutsche. Mein Vietnam…” – Nguyễn Hiền
Tiến sĩ Uwe Siemon-Netto trong buổi “Uống cà-phê với Uwe” tại gian triển lãm của nhà xuất bản Brunnen (trên và trên diễn đàn (dưới), Hội Chợ Sách Leipzig 2014
Sau khi tác phẩm “Đức – A reporter’s love for the wounded people of Vietnam” ra mắt năm 2013 (được Lý Văn Quý và Nguyễn Hiền dịch ra Việt ngữ với tựa “Đức – Tình Yêu Của Một Phóng Viên Cho Dân Tộc Việt Nam Nhiều Đau Thương”), được nồng nhiệt đón nhận và tán thưởng, tác giả – Tiến sĩ Uwe Siemon-Netto – đã dành thời gian viết lại tác phẩm này bằng Đức ngữ. Tác phẩm, với tựa đề “Duc, Der Deutsche. Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten (tạm dịch: Đức, ông người Đức. Việt Nam của tôi. Vì sao những kẻ sai trái lại thắng) đã được nhà xuất bản Brunnen (Basel, Thụy Sĩ) cho ra mắt trong Hội Chợ Sách Leipzig 2014, được tổ chức từ 13 đến 16/03/2014. Hội Chợ Sách Leipzig năm nay thu hút được hơn 150.000 lượt người đến xem.
Tiến sĩ Uwe Siemon-Netto đã công tác ở Việt Nam từ 1965 đến 1969 và một lần nữa vào năm 1972 trong cương vị phóng viên chiến trường của tập đoàn Alex Springer, tổ hợp xuất bản sách báo hàng đầu ở Đức. Ông hiện sống ở miền Nam California.
Tác phẩm là một tuyển tập gồm hơn 20 đoản văn ghi lại những kỷ niệm đã in sâu trong trí của ông trong thời gian công tác ở Việt Nam và những cảm nghĩ của ông về cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong tác phẩm, ông đã dành nhiều đoạn ca tụng vẻ đẹp duyên dáng của phụ nữ Việt Nam trong chiếc áo dài, những bất hạnh dân tộc Việt Nam phải gánh chịu, tình bạn thắm thiết giữa ông và những người nơi xứ xa đó… Nhưng xuyên suốt qua tác phẩm, người đọc sẽ nhận ra ngay một sự phi lý mà ông muốn nêu ra: tuy với một quân đội hào hùng anh dũng, người dân tuy nhân hậu đức hạnh nhưng cuối cùng miền Nam Việt Nam lại thua Cộng sản Bắc Việt một cách tức tưởi.
Để lý giải sự kiện này, ông đã trình bày một cách đơn giản nhưng đầy thuyết phục trong hai buổi nói chuyện về cuốn sách tại diễn đàn trong Hội chợ Sách Leipzig 2014 và một buổi tại phòng hội của nhà thờ Michaelis-Friedens, Leipzig, tất cả đều do nhà xuất bản Brunnen tổ chức.
Trong những buổi giới thiệu sách, trước một cử tọa hơn 50 người, nhà báo quốc tế với 57 năm kinh nghiệm đã khẳng định: Giới truyền thông đã tác động dư luận để xoay chiều cuộc chiến mà trong đó biến cố Tết Mậu Thân 1968 là một mốc quyết định quan trọng. Việt Cộng đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trong ngày lễ hội thiêng liêng nhất của người Việt trong năm để tạo yếu tố bất ngờ hòng đoạt chiến thắng. Tuy bị thảm bại về quân sự sau những đợt phản công của quân lực VNCH và đồng minh Hoa Kỳ, cộng thêm những cảnh thảm sát dân lành một cách có hệ thống, với chủ trương được chỉ đạo từ trên, nay đã phơi bày cho toàn thế giới thấy, nhưng nó đã gây nên một sự rúng động trong dư luận quần chúng Mỹ và trong nhiều quốc gia là những viện trợ chống CS đã không mang đến kết quả mong muốn. Rồi luận điệu này lại được thổi phồng thêm bởi những nhà báo, phóng viên nằm nhà viết theo thị hiếu được dẫn dắt bởi một số người trong ngành truyền thông. Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh do đó đã thua trong trận chiến truyền thông bởi những chuyện vô lý kiểu như vậy.
Ông kể lại một kinh nghiệm sống, khi cùng người bạn Peter Braestrup trong đoàn phóng viên đến quan sát một ngôi mộ tập thể mới được phát giác ở Huế sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Peter đã hỏi một người trong toán quay phim cho truyền hình Mỹ vì sao anh chẳng quay gì cả. Và anh chàng trả lời: “Chúng tôi đến đây không phải để quay phim tuyên truyền chống cộng”. Câu trả lời đó làm ông thấy ghê tởm thái độ và lập trường của giới truyền thông trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trong buổi nói chuyện ở nhà thờ Michaelis Friedens, ông đã hỏi cử tọa: “Giả sử có một phóng viên nào đó vác máy quay phim đến trại tập trung Dachau mà không quay gì cả, còn tuyên bố ‘tôi đến đây không phải để quay phim tuyên truyền chống Nazi’ thì quý vị nghĩ sao?” Những người đến nghe đã lộ vẻ xúc động rõ rệt.
Để dẫn chứng truyền thông đã tác động ra sao trong quần chúng Mỹ khi ấy, ông đã dùng điệu bộ vẽ ra cảnh một quân nhân khi về đến hậu cứ, lục tìm trong thùng thơ quân bưu, lấy được lá thư của người yêu. Anh ta hí hửng mang về phòng, đặt ngay ngắn trên gối. Sau đó anh khoan khoái đi tắm, cạo râu, khoác bộ đồ trận mới ủi, thoải mái nằm xuống giường, mơ tưởng những gì người yêu viết trong thư… Sau đó anh từ từ mở thư thì trong đó rơi ra tấm ảnh chụp người yêu đang cặp kè bên một người đàn ông lạ, còn lá thư cho biết cô đã bỏ anh để đi theo anh chàng phản chiến kia. Trong tình cảnh đó làm sao cản nổi anh lính nổi điên xách súng bắn loạn đả vào những người chung quanh.
Và chuyện một quân nhân vừa trở về từ chiến trường Việt Nam sau khi mãn hạn phục vụ. Anh hãnh diện thắng bộ đồ mới ủi đến nhà thờ xem lễ thì bị ông mục sư chỉnh: “Anh đừng có quay lại đây cho đến khi nào tóc anh dài trở lại và ăn mặc đúng cách hơn!” Qua hai câu chuyện, ông Uwe chua chát kết luận: “Truyền thông khi đó không những đã giết VNCH mà còn làm cho con người trở nên vô ơn và vô nhân đạo với chính đồng bào của họ nữa.”
Ông nhấn mạnh: “Qua quyển sách, tôi chỉ muốn mang lại sự thực cho những người đã nghe và đã tin vào cái “bi kịch bị hiểu lầm” (missverstandene Tragödie) đó.
Những mẩu chuyện về chiến tranh Việt Nam của ông Uwe và những nhận định của ông về thời cuộc đã lôi cuốn người nghe tột bực khi ông chỉ ra nguyên ủy thất bại của Hoa Kỳ qua dẫn chứng bằng câu nói của Võ Nguyên Giáp: “Kẻ thù không có được các phương tiện tâm lý và chính trị để theo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài,” và ông tiếp: “Osama bin Laden đã nhanh chóng học được bài này.” Trong tất cả những buổi giới thiệu cuốn sách, lời nhận định này ngay lập tức đã làm dấy lên một loạt câu hỏi về hiện tình chính trị tại Syria, về thái độ của Tổng thống Nga Putin trong vấn đề bán đảo Crimea đang nóng hổi. Trả lời cho câu hỏi là những quốc gia tự do dân chủ học được bài gì qua cuộc chiến Việt Nam vừa qua, ông Uwe thú nhận: “Nó nằm ở bản chất của sự độc tài. Chúng ta cho dù có biết nhưng cũng chẳng làm gì được vì bản chất của những chế độ độc tài bạo lực là sử dụng phương tiện khủng bố lên mỗi cá nhân để răn đe tập thể. Chỉ trừ khi nào mọi người dứt khoát không chấp nhận bạo lực thì mới có hy vọng.” Ông đưa ra một trường hợp ông đã chứng kiến ngay sau khi vụ việc xảy ra, là Việt cộng đã tập trung dân trong một xã để bắt buộc họ phải chứng kiến cảnh tra tấn đến chết toàn bộ gia đình ông xã trưởng, bắt đầu từ đứa con nhỏ, đi lần lên cho tới người cha, chỉ vì gia đình ông có cảm tình với chính phủ quốc gia.
Trong những buổi giới thiệu tác phẩm, ông Uwe đã trích đọc một số đoạn trong cuốn sách. Người Đức tỏ ra rất thích thú với đoạn ông thuật lại cuộc gặp gỡ và kết bạn với Đức, một em bé bán báo trên đường Tự Do Saigon, ở chỗ ông giải thích thêm là “đức” trong tiếng Việt có ba nghĩa: tên Đức, người Đức và đức hạnh. Đó là lý do và cũng là ý nghĩa của chữ “Duc” trong tựa sách.
Ngoài ba buổi giới thiệu và bán sách, nhà xuất bản Brunnen còn tổ chức ba buổi “uống cà-phê với Uwe” trong gian triển lãm của họ cho những người muốn “tâm tình” thêm với tác giả. Trong không khí thân mật, với hơn chục người nghe mỗi lần, ông Uwe đã kể thêm những mẩu chuyện vui trong đời làm báo của ông, về quê hương Leipzig nơi hồi nhỏ ông đã phải nhiều lần chui hầm trốn bom Anh… Trong buổi uống cà-phê nào ông cũng dành ít phút để ca tụng tà áo dài Việt Nam mà mỗi buổi sáng sớm từ khách sạn Continental trên đường Tự Do ông đã ngắm không chán mắt “cuộc diễn hành áo dài” diễn ra dưới phố.
Cho người Việt, một buổi giới thiệu sách đã được tổ chức tại trường học Holzkamp (thị xã Witten) vào chiều ngày thứ bảy 22/03/2014, lồng trong chủ đề: “Việt Nam Một Thời Để Nhớ”. Hội trường 150 chỗ chật kín, nhiều người phải đứng bên ngoài và ban tổ chức cũng có đặt nhiều quầy hàng ăn uống tại đây. Trong số người tham dự có một số lớn các em thuộc thế hệ thứ hai. Buổi sinh hoạt được thực hiện do Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản vùng Ruhr, với sự yểm trợ của Liên Minh Đảng Xanh vùng Ennepe-Ruhr. Trong phần phát biểu, bác sĩ Trần Văn Tích, Chủ Tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức và Tiến sĩ Uwe Siemon-Netto đã lần lượt bày tỏ nhận định và cảm nghĩ về cuộc chiến Việt Nam vừa qua, dựa trên tác phẩm “Duc, Der Deutsche…” Đây cũng là dịp để tác giả kể thêm về lai lịch quyển sách, cho câu hỏi trong phần trao đổi với tác giả, vì sao sau gần 40 năm tác phẩm này mới ra mắt. Ông cho biết lý do chính là cần phải có một thời gian cho những cảm xúc nhất thời lắng xuống, thêm vào đó là phải tìm tài liệu và theo dõi những diễn biến tiếp theo thì mới đưa ra được những phán đoán khách quan có dẫn chứng.
Nhân dịp, ông cũng nói thêm về bản Anh ngữ. Sau khi bổ túc thêm một số chi tiết, hình ảnh, bản Anh ngữ đã được tái bản vào đầu năm nay (2014) với tựa đề “Triumph of the Absurd. A reporter’s love for the abandoned people of Vietnam”. Bản Việt ngữ vì thế cũng được hiệu đính theo và mang tựa đề “Vinh Quang của sự Phi Lý. Tình yêu của một phóng viên cho dân tộc Việt Nam bị bỏ rơi”. Bản tiếng Việt cũng được bán trong buổi ra mắt sách.
Bàn về tựa của bản Đức ngữ, ông Uwe nói: “Quý vị thử nhìn xem. Trước kia có ai từ miền Nam chạy ra miền Bắc tị nạn hay chỉ có người miền Bắc vào Nam lánh nạn Cộng sản? Rồi sau tháng tư 1975, có ai từ nước ngoài chạy vào Việt Nam không, hay chỉ có người trong nước đổ xô ra biển chạy trốn? Như thế đủ hiểu nơi nào là thiên đường, chẳng cần phải nói cũng biết ai phải ai trái.
Khi từ giã thành phố Witten, quay về Berlin trên đường về lại California, Tiến sĩ Uwe Siemon-Netto cho biết trong suốt 2 tuần lễ làm việc liên tục tại nhiều địa điểm khắp nơi, tuy mệt mỏi nhưng ông rất hài lòng trước cảm tình mọi người đã dành cho ông, nhất là người Việt.
Được biết, để tạo thêm cơ hội tiếp xúc cho tác giả, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức đã giới thiệu ông với cơ quan Gedenkbibliothek für die Opfer des Stalinismus (Thư viện Tưởng niệm các Nạn nhân Chế độ Stalinít) có trụ sở ở Berlin và buổi gặp mặt đã diễn ra hôm thứ năm 20.03 lúc 19 giờ với kết quả mỹ mãn. Phía Việt Nam có năm nam nữ hiện diện mà một vị nữ lưu là người gốc Nùng rất xinh đẹp, theo như lời kể lại của Uwe Siemon-Netto. Ngày kế tiếp buổi hội luận tại Witten, chủ nhật 23.03.2014, cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam qua tổ chức Danke Deutschland (Cám ơn nước Đức) cũng triệu tập một buổi sinh hoạt đấu tranh chính trị giữa Siemon-Netto và tập thể đồng hương cư trú tại thủ đô Cộng hoà Liên bang Đức (theo bản tin nhận được từ Liên Hội).
Nguyễn Hiền
Hình ảnh: Nguyễn Hiền & Từ Vĩnh Thuận
Duc, Der Deutsche…: 316 trang, bìa xếp.
ISBN: 978-3-7655-2024-2
Nhà xuất bản: Brunnen, Basel, Thụy Sĩ.
www.brunnen-verlag.ch