Quyền được cười nhạo
(Nhân vụ Charlie Hebdo nghĩ về vũ khí phê phán)
Hà Sĩ Phu
1. Về vụ khủng bố tòa báo Châm biếm Charlie Hebdo
Sự cọ xát, phân định, và đấu tranh giữa các yếu tố đúng-sai, tốt-xấu, thiện-ác, giữa nhân tính và thú tính, lạc hậu với văn minh…của thế giới con người đã làm phát sinh một thứ “vũ khí” đặc biệt là “vũ khí phê phán”, mà mức độ cực đoan tồi tệ nhất là “phê phán bằng vũ khí”. Phê phán là đấu tranh với nhau dưới mọi hình thức, là hoạt động thiêng liêng để tiến hóa chỉ loài người mới có, thiếu nó xã hội sẽ rơi vào tình trạng hỗn mang của loài vật. Phê phán xuất hiện và tồn tại cùng với loài người và cũng dần dần văn minh hóa cùng với loài người. Nhưng một hoạt động quan trọng và bao trùm như thế tất nhiên không bao giờ đơn giản.
Hãy tạm gác ra ngoài sự “phê phán bằng bạo lực, bằng vũ khí” là hình thức kém văn minh mà nhân loại đang phấn đấu để loại trừ (nhưng nhân loại còn lâu mới đạt được ước vọng đó), sự phê phán hòa bình có thể tạm gom lại dưới 3 hình thức tùy theo vị thế tương quan mà người phê phán tự xác định trước đối phương:
– Phê phán chính luận, vạch cái sai cái xấu của đối tác bằng ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ “chính thống” của đối thoại, trong đó người phê phán đặt đối tác , đối phương ngang hàng với mình.
– Chửi theo đúng nghĩa đen là hình thức phê phán thường là của giới bình dân bị trị, thấp cổ bé họng, tuy bề ngoài có vẻ “ghê gớm” nhưng thực chất đây là vũ khí của kẻ yếu, tự thấy bất lực trước tình hình, không tìm được một “cơ chế” chính thống nào để giành thắng lợi, thôi thì không thành công cũng thỏa nỗi bực trong lòng một chút. Rất ít khi giành được thắng lợi cụ thể. Ở phạm vi nhỏ thì đó là những cuộc “chửi mất gà” nhưng ở tầm lớn chính là sự “chửi mất nước”- “chửi quốc hận”, nên dân tộc nào chất chứa căm giận nhưng bất lực thì thường đưa vũ khí “chửi” lên tầm quốc hồn quốc túy.
– Châm biếm, cười cợt mới là vũ khí phê phán rất đặc biệt. Ở đây, sự khinh ghét hoặc căm giận lại chuyển dạng thành tiếng cười, cười nhạo nhẹ nhàng hoặc sâu cay nhưng tê tái cho đối phương, bởi người phê phán, dù mạnh hơn hay chưa mạnh hơn, nhưng đã đặt mình ở tư thế đứng trên đối phương mà khuyến cáo, mà cười nhạo cho đối phương biết mà sửa, dù sâu cay mấy thì vẫn ngầm một ý khoan dung, không thèm chấp kẻ dưới tầm. Vì thế kẻ bị châm biếm sâu cay thường bị “ngấm đòn”, thấy bị nhục, bị đau hơn rất nhiều . Trong 3 hình thức phê phán ôn hòa thì châm biếm gây cười có lẽ là lịch sự và sang trọng hơn cả, nhưng khốn nỗi lịch sự và sang trọng chính là điều mà kẻ bị phê phán không thể chịu được, bởi họ thấy kẻ phê phán đứng ở tầm trên mà họ không cãi được.Vậy không nên ngạc nhiên khi thấy những tín đồ Hồi giáo cực đoan lại căm thù tờ báo châm biếm Charlie Hobdo, chuyên gây cười cho thiên hạ đến thế. Đối với kẻ bị phê phán bằng cách châm biếm thì ẩn sau lòng căm thù là tiềm thức tự ái,vô vọng, tự ty. Tự thấy không thể ngang hàng đối chất. đối thoại, đối biếm, nên chỉ còn cách “phê phán bằng vũ khí”, thứ vũ khí dao búa man rợ của thằng khùng. Dù giết được bao nhiêu người nhưng sâu thẳm trong vô thức họ biết họ thua, càng thua càng khùng càng tàn độc. Càng tàn độc càng thua, đó là cái vòng tự kích không có lối ra của tình trạng văn hóa thấp kém trong cuộc đấu tranh và đào thải.
Một điều khiến cho cục diện phê phán trở nên phức tạp vì khi anh A phê phán-chê cười anh B là sai là xấu thì ngược anh B cũng có thể làm như vậy với anh A. Có vẻ như vậy là thật giả bất phân, sẽ “hòa cả làng” ư? Không đâu, trọng tài sẽ là sự thật, sự thật minh định bởi thời gian và quần chúng nhân dân tự do. Nhân dân có thể mất tự do nên bị định hướng trong một giai đoạn nào đấy nhưng không bao giờ mất tự do vô thời hạn.
Song cũng chưa cần đến thời gian và công chúng, sự phân định có thể tức thời. Người mất gà thật mới có sức mạnh tự thân để làm cho tiếng chửi có hồn để thuyết phục. Thủ phạm ăn cắp gà thì dù có tài lấp liếm bao nhiêu cũng không sao có được sức mạnh ấy, họ chỉ có thể dùng những sức mạnh khác để cầm cự, như dùng bạo lực hay quyền lực chẳng hạn.
Trở lại vụ Charlie Hebdo.
Bọn Hồi giáo cực đoan cũng châm biếm các họa sĩ Pháp đi, rất công bằng, ai cấm? Nhưng châm biếm sao nổi? Họ không có sức mạnh của lẽ phải để thốt nên lời châm biếm. Cho nên họ khùng, họ chỉ có thể dùng vũ khí cố hữu của thằng khùng là bạo lực khủng bố. “Phê phán bằng bạo lực” là sự đồng quy của hai thái cực, hoặc của bọn phi nghĩa cực đoan hoặc của chính nghĩa nhưng đang còn hèn yếu, bế tắc chưa tìm ra cách.
Vì thế, tôi đứng hẳn về phía những người châm biếm, mặc dù biết không phải sự phê phán bao giờ cũng đúng, sự phê phán cũng được quyền sai như mọi thứ khác trên đời. Phải biết tôn trọng các Tôn giáo ư? Những hoạt động khủng bố của các lực lượng Hồi giáo cực đoan đã có từ lâu, đã xảy ra trước sự châm biếm của Charlie rất nhiều, ai mà chẳng biết? Sự châm biếm là lời cảnh báo rất nhân đạo của nhân loại đối với loại Tôn giáo cực đoan. Những người Hồi giáo không cực đoan dù oan uổng cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trước bọn đồng đạo cực đoan kia. Chừng nào những người Hồi giáo nhân ái chưa có tiếng nói chính thức chối bỏ và có hành động trừng trị hữu hiệu đối với bọn đồng đạo cực đoan thì họ phải chịu chung sự phê phán là đương nhiên. Cũng giống như chừng nào đảng Cộng sản không có khả năng trừng trị bọn tham nhũng và bán nước từ trong đảng của mình sinh ra thì chừng ấy chính ĐCS phải gánh lấy sự phê phán tội “tham nhũng và bán nước” trước lịch sử, làm sao khác được?
Những kẻ bịt toàn thân trong tấm trùm đen, tay lăm lăm cây dao nhọn, chuẩn bị cắt cổ, chọc tiết, phanh thây những con tin để đòi tiền chuộc …vân vân… thì không được quyền nhân danh một con người, làm gì có quyền nhân danh một tôn giáo? Và tôn giáo nào cho chúng được phép nhân danh thì cái gọi là “tôn giáo” ấy hoàn toàn không còn chỗ đứng trong cộng đồng các tôn giáo của nhân loại. Phê phán thứ quá khích đội lốt tôn giáo ấy hoàn toàn không phải là đả kích tôn giáo, xin các nhà hảo tâm, đạo đức nhẹ dạ đừng lầm. Dùng hình thức châm biếm để phê phán tính thú vật ấy là còn quá nhẹ nhàng và nhân ái đối với chúng. Toàn nhân loại phải hiệp lực để đẩy lùi đại nạn thú tính ấy, để đẩy chúng vào bóng đêm rừng rú của thời tiền sử, trả lại cho nhân loại sự yên bình, chứ không thể vì chúng quá “mạnh”, quá ác hoặc quá tinh vi mà Chính nghĩa phải rút lui rồi tự trách đồng đội của mình sao lại dại dột phê phán chúng, dù chỉ phê phán bằng sự chê cười! Kẻ thù càng hung hãn xảo quệt thì càng phải hiệp lực để tìm bằng được cách trừng trị. Thế giới Nhân tính lại thua thế giới Thú tính hay sao, nếu thế làm gì có Tiến hóa? Bênh vực hay tránh né bọn tà giáo cực đoan không phải là tôn trọng tôn giáo mà là làm nhục danh hiệu tôn giáo, làm nhục các tôn giáo chân chính.
Tóm lại:
– Cười hay châm biếm gây cười là hình thức phê phán lịch sự, văn minh, ở tầm cao hơn đối tượng được/bị châm biếm
– Châm biếm là một động lực thúc đẩy tiến hóa, thúc đẩy văn minh, nên châm biếm phải là một quyền trong nhân quyền, như một bộ phận của tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí.
– Mỗi người có quyền thích hay không thích hình thức châm biếm nhưng đã là quyền thì phải được pháp luật quốc tế và luật trong nước bảo vệ, không ai được ngăn cản hay ngăn cấm.
– Cũng như mọi hình thức phê phán ôn hòa khác, châm biếm có thể đúng cũng có thể sai nên tất nhiên ai cũng có quyền “phản châm biếm”. Châm biếm khác với vu cáo, vu cáo thì đã có quy định rất cụ thể trong luật mà nước nào cũng có.
Nói một cách dễ hiểu thì một người trong xã hội có quyền “Cười” châm biếm và rất nên biết cười và gây cười để “giã từ những hư hỏng, tệ đoan một cách vui vẻ”.
2. Dân tộc tự phê phán.
– Có nên viết về khuyết tật của người mình không?
Trong các quy mô phê phán thì sự phê phán các tính cách của Dân tộc mình có một ý nghĩa vô cùng trọng đại, nó giúp cho sự canh tân và phát triển toàn cục của một xã hội, một quốc gia. Biết ưu điểm của Dân tộc để tự hào và biết nhược điểm để sửa chữa, cà hai mặt đều quan trọng, nhưng khi người ta bằng lòng với quá khứ và hiện tại thì thường thiên về tự hào, trái lại khi muốn có thay đổi cho hiện tại và tương lai thì tự nhiên sẽ xuất hiện nhu cầu phải tự phê phán Dân tộc, giống như khi con người muốn chạy về phía trước thì môi trường tự nhiên sinh sức cản và ta phải làm sao thắng được các lực cản ấy. Ví dụ khi Hồ Chí Minh muốn vận động dân chúng làm cách mạng thì năm 1926 trong một bài giảng ở Quảng Châu đã đề cập đến “hai nhược điểm lớn của dân Việt là mất đoàn kết và …không biết hay biết rất ít về tình hình toàn cầu”, ngoài ra “vấn đề lớn nhất ở làng bản Việt Nam là vấn đề sĩ diện và ngôi thứ” (1). Muốn vận động dân chúng để cứu nước các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu cũng phải phê phán nhau và phê phán dân tộc quyết liệt. Từ khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, trước nhu cầu phải đưa xã hội thoát khỏi một giai đoạn sai lầm nghiêm trọng, nhu cầu tự phê phán những nhược điểm của người Việt mình lại một lầ nữa nổi lên, lôi cuốn nhiều tác giả với nhiều bài viết, trong đó nhà văn Vương Trí Nhàn là một tác giả có nhiều đóng góp.
Từ sau năm 1975 bên cạnh xu hướng tự sướng, tự ca ngợi, ngồi trễm trệ ở chốn bình yên mà nhấm nháp ly rượu chiến thắng thì nhà văn hóa Cao Xuân Hạo đã kịp thời cảnh báo “Một nhà hiền triết cổ đại có nói rằng, một trong những nhân tố quan trọng nhất khiến cho một dân tộc, một triều đại, một nhà vua, một tướng lĩnh sa đọa nhanh nhất chính là một trận đại thắng lẫy lừng khiến cho người ta có ảo giác là mình bất khả chiến bại, mình là tinh hoa của nhân loại, mình là tuyệt đối hoàn hảo. Đó chính là dấu hiệu chắc chắn nhất của sự suy đốn và đồi bại. Cho nên, sau một thắng lợi lớn, nguy cơ suy vong của một dân tộc không những không mất đi, mà còn tăng gấp bội” (2) . Trái với lời răn đã quen khi viết phê bình là phải “nghiêm túc, đúng mực, không quá lời, để đối tượng dễ tiếp thu” GS Cao Xuân Hạo nói thẳng ra rằng phê phán Dân tộc
là : “phải phóng tay phát động lòng dũng cảm của họ lên, dẹp lòng tự ái dân tộc đến tối đa”, có thể dùng “giọng điệu giễu cợt cay độc đến đâu chăng nữa”, “còn phải làm cho mỗi người Việt thấy xấu hổ những nhược điểm ấy một cách sâu xa”, “dù những lời chê bai của họ chỉ đúng với một thiểu số không đáng kể”.
Vậy đó, ý kiến GS Cao Xuân Hạo mà tôi tin chắc mỗi người trí thức còn nặng lòng và còn “khổ tâm” với dân tộc mình đều phải đồng tình, là những ý kiến quyết liệt, minh bạch và chính xác, nên đọc kỹ lại nhiều lần.
3. Nhưng tự phê phán Dân tộc mình lúc này coi chừng nguy hiểm.
Ở đây tôi xin phép được dẫn một ví dụ thiết thân vì nghĩ rằng nó có tính điển hình: một phía đang “đắc ý” với Dân tộc để giữ yên, một phía muốn “phê” Dân tộc để có đổi mới nên người ta ghét nhau đến mức quy kết nhau đến tội “phản quốc”, tội nặng nhất trong luật hình sự.
Ấy là vào năm 2000. Sau khi thấy khối Cộng sản Đông Âu đổ sụp, không ít người tin chắc chế độ CS Việt Nam cũng sắp đổ theo, từ đó rủ nhau ký một kế hoạch hành động chuẩn bị cho sự đổ ấy, kế hoạch có tên “Kết ước năm 2000”. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn tôi đã quả quyết “CS Việt Nam không dễ đổ như Đông Âu, đừng vội mừng” ( tôi nói y như giọng bênh vực Đảng của Ban Tuyên giáo CS vậy). Hai ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp viết thư hỏi tôi đại ý “căn cứ vào đâu mà tôi có ý kiến ngược đời như vậy”, tức là cần phân tích những đặc điểm riêng của Việt Nam. Tôi viết 2 bức thư trả lời (3), tuyên bố không ký vào văn bản “Kết ước” đó và giải thích vì sao tôi không ký. Nếu chỉ có thế thì chắc ĐCS đã “khen thưởng” tôi rồi. Nhưng khốn nỗi ở nội dung của lời giải thích, trong đó có mấy ý nổi bật khiến cho chúng tôi, tôi và ông Mai Thái Lĩnh (4) bị khởi tố tội “phản bội Tổ quốc”, cấm tự do đi lại và ngày hai buổi lên làm việc hỏi cung với An Ninh của Bộ Công an suốt 8 tháng trời!
Đại ý luận điểm của tôi về tính cách của Dân Việt Nam và ĐCSVN như sau:
– Là thân phận bị mấy nghỉn năm cai trị bởi vua chúa và kẻ thù khổng lồ phương Bắc nên đã hun đúc trong người VN tính khôn vặt, khôn lỏi, không thể chống đối ra mặt nên phải giả vờ phục tùng để tồn tại, nhưng bên trong phải tính toán sao cho có lợi nhất. Vì thế Dân với Đảng cùng giả vờ tôn vinh nhau nhưng bên trong tìm cách vô hiệu hóa ngón đòn của nhau để giữ gìn hoặc vun vén lợi ích riêng. Cặp hôn phối “mạt cưa mướp đắng” này cứ thích nghi với nhau, còn sống được với nhau mấy chục năm nữa. Khi ĐCS nói “Đổi mới hay là chết” là họ khiêm tốn quá đấy, cứ yên tâm, ở Việt Nam này CS không đổi mới tử tế gì cũng chưa chết như Đông Âu đâu.
– Ở châu Âu nếu có tảng đá khổng lồ chắn ngang xa lộ thì người ta hò nhau giải quyết tảng đá, nhưng người Việt Nam chẳng dại đối đầu với tảng đá, mỗi anh đều khôn lỏi tìm đường hẻm để lách qua, cuối cùng ai cũng đi qua nhưng tảng đá vẫn còn nguyên, mọi người gặp nhau đều khoái trí, phục nhau là khôn.
– Ở VN sẽ chẳng có gì đổ hết, vì muốn đổ thì vật phải có một hình dạng để đứng lên như cái chai, cái cốc. Việt Nam là một thể vô định hình như một khối bùn nhão, không định hình thành một chủ nghĩa gì cả, chỉ vá víu chắp nhặt hẩu lốn mỗi thứ một tí để tồn tại nên chẳng có hình thù gì để mà “đổ”! Vả lại một dân tộc lạc hậu vẫn có thể “đi lên” theo đuôi nhân loại văn minh theo kiểu ký sinh như con chấy con rận bám trên lưng con hổ thì cũng tung hoành khắp nơi như con hổ đó thôi.
– Xã hội Việt Nam như một con đường làng chật hẹp, đoàn người cứ phải đi sau Đảng như đi sau một con trâu mộng sừng nghênh ngang nhọn hoắt, ai vượt lên thì nó húc chết, đành kiên trì đi sau nó một cách chậm chạp, thỉnh thoảng nó lại ị cho một bãi… Xã hội Việt Nam như một đồng cỏ khô nhưng một que diêm không thể làm bùng cháy vì đồng cỏ đã được Đảng phun chất chống cháy rồi…
– Tất cả những đặc điểm ấy của người Việt Nam là do truyền thống quý báu 4000 năm để lại cũng chỉ đúng một phần, phần lớn là nhờ Đảng ta đã dày công “tôn tạo” !…
Đại lược là như thế, đã không ký vào văn bản chống Đảng, lại bảo Đảng này còn lâu mới đổ, bênh Đảng hơn cả Ban Tuyên giáo nhưng chỉ vì cái giọng cười cợt châm biếm, khinh bạc mà bị khởi tố đến tội phản quốc.
Nhưng chẳng hiểu sao sau 8 tháng hỏi cung, chúng tôi chuẩn bị tinh thần ra tòa với cái án tù hai chục năm là nhẹ cho tội phản quốc, thì đùng một cái có lệnh đình chỉ vụ án, thật là súyt chết! (nghe đồn chúng tôi thoát chết vì trong Bộ Chính trị không nhất trí, từ đấy cứ thấy trong BCT có mâu thuẫn với nhau là chúng tôi mừng lắm).
Nhưng chưa xong, vụ án bị đình chỉ, không ra tòa, nhưng cái “tội” dám châm biếm cả ý Đảng lẫn lòng Dân thì không tha được. Nguyễn Như Phong, phó biên tập của tờ An Ninh Thế giới viết một bài dài “Mặt thật của một vài người mượn danh hiền sĩ” (5), cứ như báo An ninh có quyền thay mặt quan tòa quy tội chúng tôi đủ điều, trong đó có một đoạn dài trích lời châm biếm của HSP đối với thực trạng xã hội Việt Nam:
“Hà Sĩ Phu viết về nhân dân Việt Nam bằng ngôn từ như thế này: Vô lý, nhân dân chết cả rồi sao? Chết cả rồi, bị tiêm thuốc chết cả rồi. Số còn ngoắc ngoải thì không phải là nhân dân, hay nói cho công bằng thì họ chỉ được là công dân loại hai, như dân thiểu số vùng cao. Đừng thấy đám đông phóng xe máy, nghe máy bộ đàm, gõ máy vi tính, hát karaoke, báo cáo trên tivi về thành tích biết làm giàu, lĩnh giải này giải khác mà tưởng nhân dân đang sống mãnh liệt. Vẫn tưởng có cơm ăn áo mặc, vẫn ngày biết thêm một vài thứ văn minh mà trước đây chưa từng được biết tới…vẫn được nước ngoài viện trợ, vẫn có khối thứ để tự hào, vẫn thấy con hơn cha tưởng nhà có phước… Bao kẻ anh hùng đánh giặc ngoại xâm lại trở nên hèn mạt và vô cùng nhỏ bé trước danh lợi, thần quyền và thế quyền. Kẻ có dũng thì ngu dốt, kẻ có trí thì hèn, kẻ có trí có dũng thì láu cá vị kỷ bất nhân…”
Và theo Nguyễn Như Phong thì một kẻ đã phê phán Dân tộc mình như thế thì “phải trục xuất Hà Sĩ Phu ra khỏi Đà Lạt. Nhưng thưa bà con, trục xuất đi đâu, liệu có quốc gia nào sẵn lòng nhận những người như vậy không, còn trên đất này đâu chả là đất Việt và chỗ nào là chỗ mà ông ta yêu quý?. Trong vụ án này Hà Sĩ Phu đóng vai trò là người cầm đầu, hung hăng nhất trong việc đòi xóa bỏ chế độ XHCN và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận động các tổ chức quốc tế, các chính phủ gây sức ép làm xâm hại đến độc lập, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam”.
Thực tình thì HSP mới chỉ làm mỗi một việc là phê phán ôn hòa, nhưng cái giọng thì hay ví von, châm biếm: phê phán chủ nghĩa Mác-Lê phi khoa học và độc đoán, phê phán những những nhược điểm của tính cách dân Việt Nam đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa kia mọc rễ và nương náu, chậm bị đào thải, chứ HSP đã làm được gì đâu mà đại tá công an Nguyễn Như Phong đã quá phong tặng? Có người bạn đã thân ái nhận xét: “Cũng nội dung ấy nhưng ông đừng ví von, châm biếm người ta mà cứ nghiên cứu, kiến nghị, góp ý như một con dân trong hệ thống thì đâu khiến ngưới ta phát khùng lên như thế? Thôi rút kinh nghiệm!”. Vâng, nhưng bảo một người có máu châm biếm như Charlie Hebdo đừng vẽ biếm họa nữa mà hãy viết một bài góp ý chân tình với Hồi giáo đi thì cuộc đời đã chẳng còn là cuộc đời.
Lời kết
Phê phán là một vũ khí mà Tạo hóa đã ban cho để Con người biết dìu dắt nhau thoát khòi thế giới xúc vật dã man và ngày càng biết sống cho ra Con người. Vũ khí phê phán ôn hòa đang mở ra hy vọng để có thể chấm dứt sự “phê phán bằng vũ khí”. Nhưng những hệ quyền lực chỉ biết chọn độc tài làm phương thức sinh tồn thì họ rất ưa miệt thị người khác chứ không chấp nhận cho người khác phê phán mình, nên họ không thể dùng vũ khí phê phán ôn hòa và công bằng, mà cứ kiên trì con đường “phê phán bằng vũ khí”, từ dao búa và chất nổ, đến trại giam, tù ngục, hay bạo lực côn đồ.
Châm biếm là một hình thức đặc biệt trong vũ khí phê phán, người phê phán tự xác định mình đứng ở tầm cao hơn cái Ác, chọc để phát ra tiếng cười, để nhân loại có thể giã từ những khuyết tật của mình một cách vui vẻ.
Vì thế, con người văn minh rất cần biết và cần quen với vũ khí châm biếm, biết cười nhạo những bất toàn của chính mình cũng như của đồng bào, đồng loại.
H.S.P (3/2/2015)
———————
(1) GS Trần Quốc Vượng- Cần sửa đổi lề lối nghiên cứu lý luận- Xưa và nay 20/2/2001
(2) GS Cao Xuân Hạo- Có nên viết về khuyết tật của người mình không – http://www.chungta.com/co_nen_viet_ve_khuyet_tat_cua_minh_khong.html
http://diendan.nuocnga.net/showthread.php?p=43175 (10-11-2009)
(3) Hai bức thư HSP gửi NGK và ĐMT (http://www.hasiphu.com/vuanIII_20.html)
(4) Năm 2000 tôi vẫn bị khống chế lai rai nên chưa có Internet, thư Email phải nhờ ông Mai Thái Lĩnh chuyển giúp.
(5) Báo An ninh thế giới, từ số 210, ra ngày 4/1/2001
Nguồn: Tiếng Dân