Quyền Bất Tuân Dân Sự và Cách Mạng Dân Chủ – Lê Minh Nguyên
Bất tuân dân sự, một hình thức công khai từ chối tuân theo các luật lệ hay quy định khắc nghiệt, bất công của chính quyền, nhất là các chính quyền độc tài mà người dân không có tiếng nói trong tiến trình hình thành luật pháp hay các quy định chi phối đời sống của họ.
Cuộc bãi thị và biểu tình của khoảng 2,000 tiểu thương trước chợ An Đông ở Quận 5, Saigon sáng ngày 19/9/2017 là một trường hợp điển hình. Tiểu thương Quận 5 phản đối Ban Quản Lý chợ và Ủy Ban Nhân Dân Quận 5 vì thiếu minh bạch trong số tiền khoảng 200 tỷ đồng mà họ đóng góp để sửa chợ, không thực hiện lời hứa thi công mà còn bắt họ ký hợp đồng thuê sạp trong khi họ đã mua trước đây rồi.
Các cuộc phản đối trạm thu phí Bến Thủy 1 ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh hồi tháng 4/2017 cho đến BOT Cai Lậy trong thời gian vừa qua có tính cách nhẹ nhàng hơn trong các cách bất tuân dân sự, bởi vì nó công khai và TUÂN THEO quy định là phải nộp tiền mãi lộ dù không dùng tuyến đường của BOT, các tài xế “bạn hữu đường xa” không có làm điều gì vi phạm luật hay quy định. Nếu họ có qua lại trạm thu phí trên 10 lần một ngày thì họ cũng vẫn trả tiền để tuân thủ các quy định thổ phỉ này, và thổ phỉ không thể nói như trong Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 của thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc rằng họ là “các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.” Việc “Sáu ôtô liên tục quay đầu nhiều lần để qua lại BOT Sóc Trăng khiến nhà đầu tư xả trạm 4 lần trong ngày cuối tuần” mà trong đó có chiếc “Ôtô quay đầu 17 lần” (Zing 20/1/18) cũng là bình thường thôi vì có thể họ sinh sống bằng nghề giao hàng hay nghề lái taxi v.v..
Tối hôm 18/1/18 ông Phúc đã gởi công điện yêu cầu Bộ Giao Thông Vận Tải cung cấp cho Bộ Công an hồ sơ, tài liệu về đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm BOT và Bộ Công an xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm (http://bit.ly/2n0oMSW), ngoài ra ông còn lôi kéo bộ Quốc phòng, công an các địa phương và Uỷ Ban Nhân Dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào cuộc để chuẩn bị đàn áp những người không chấp nhận việc cướp đường có bảo kê này.
Cánh đây hơn một tháng, ngày 4/12/2017 ông Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1-2 tháng (http://bit.ly/2BjJu4w), trên danh nghĩa là “để Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn”, nhưng đến hôm nay, qua Công điện số 82, đã cho thấy rõ là CSVN dùng kế hoãn binh để có thời gian bày mưu tính kế đàn áp phong trào phản đối rất ôn hoà này.
Hồ sơ CSVN từ xưa đến nay cho thấy là họ không bao giờ chấp nhận sai lầm hay nhượng bộ người dân, khi yếu thì họ có thể lùi một bước để tìm cách tiến lên ba bước trong việc đàn áp. Dù CSVN thông đồng với các nhóm lợi ích để cướp đường mà chính Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết là “cả nước có 8 trạm BOT đặt vị trí bất hợp lý kiểu đặt trên đường hiện có nhưng thu phí cho tuyến tránh, tương tự BOT Cai Lậy-Tiền Giang”, như các trạm thu phí Tào Xuyên ở Thanh Hoá, trạm thu phí BOT Quốc lộ 5, trạm thu phí Bắc Thăng Long ở Nội Bài, trạm BOT cầu Bến Thủy, trạm BOT quốc lộ 6 Lương Sơn ở Hoà Bình, trạm BOT Tam Nông trên Quốc lộ 32, trạm BOT quốc lộ 1 qua Hà Nam đoạn tránh Phủ Lý, trạm BOT Thái Nguyên ở Chợ Mới Bắc Kạn (http://bit.ly/2BiKm9D), nhưng thay vì sửa sai thì họ lo bảo vệ các nhóm lợi ích, cho thấy việc ông Trọng chống tham nhũng chẳng qua là một sự thanh trừng nội bộ để giành ăn.
Bất tuân dân sự còn được thể hiện qua các vụ như phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tháng 5/2014 với hàng chục ngàn người, các cuộc biểu tình phản đối chặt hạ cây xanh, các cuộc đỉnh công của công nhân năm 2015, việc người dân tự cô lập phong tỏa các lối vào thôn ở Đồng Tâm, biểu tình bảo vệ môi trường và phản đối Formosa ở Saigon tháng 5/2016 mà số người tham gia lên đến khoảng 5 ngàn…
Phong trào bất tuân dân sự càng ngày càng phát triển và khởi sắc hơn, vụ truớc tạo kinh nghiệm và nguồn cảm hứng cho vụ sau. CSVN với thái độ bất tương nhượng và mưu mô đàn áp, trong khi chính đầu não lãnh đạo của họ đang bị chia rẽ không hàn gắn được là điềm báo hiệu rằng đất nước đang đi vào thời buổi hừng đông cho một cuộc cách mạng dân chủ.
Then chốt của ngày xảy ra cách mạng dân chủ là khi bộ máy đàn áp, thanh gươm lá chắn của họ bị bất khiển dụng, Tunisia hay Ukraine là những trường hợp điển hình. Việc này đang trên đường xảy ra khi ông Trọng càng tóm thu quyền lực chừng nào thì nội bộ Đảng càng phân tán rã rời chừng nấy. Những 200 uỷ viên trung ương đảng ngày nay không còn lòng dạ để bảo vệ đảng như trước kia, bởi vì chính bản thân, gia đình và tài sản của họ không còn được bảo vệ, họ ở vào thế bấp bênh khi nhìn thấy đương kim uỷ viên trung ương (muốn tước bỏ tư cách này phải chờ đến hội nghị trung ương 7 khoảng tháng 4/2018) và là cựu uỷ viên bộ chính trị Đinh La Thăng đang vừa phải khạc ra tiền tham nhũng và vẫn bị đi tù. Có ai trong đám 200 trung ương uỷ viên này mà không tham nhũng? Ngay cả chính ông Trọng qua vụ Ciputra.
Có nhiều người cho rằng CSVN là thành đồng vách sắt, không thể bị sụp đổ, CSVN đang xem vấn đề chống tham nhũng là chủ trương lớn của Đảng, họ học kinh nghiệm của Trung Quốc đã và đang làm, họ được TQ hậu thuẩn, giúp bảo vệ chế độ. Lý luận này không sai, nhưng nó không thể ngăn cản cách mạng dân chủ xảy ra và đi đến thành công, Ba Lan là một trường hợp điển hình. Trong lịch sử các quốc gia trên thế giới, cách mạng xảy ra là do dân chứ không phải do yếu tố bên ngoài, và dân Việt Nam không ngồi chờ TQ thay đổi để VN thay đổi, mà là ngược lại, chính VN thay đổi qua dân chủ để yếu tố ven biên ảnh hưởng vào TQ. Người viết cách đây hơn mười năm đã có lần đánh cá với anh Lê Chí Quang về điều này.
Đặc điểm của các chế độ độc tài là như cành cây khô, nó rắn chắc nhưng rất dòn nên dễ gãy. Việc CSVN hủy bỏ đêm ca nhạc của Đoàn nghệ thuật Nội Mông Trung Quốc tại Hà Nội, đúng vào ngày trận Hoàng Sa 19/1 cho thấy CSVN tuy bị TQ xỏ mũi nhưng vẫn lo sợ việc cho biểu diễn này có thể châm ngòi cho một cuộc cách mạng (http://bit.ly/2Bjkzho).
CSVN gia tăng đàn áp nhân quyền trong năm 2017 là chỉ dấu của sự bất an và lo sợ (http://bit.ly/2BjGsxb). Trước đây sự chia rẽ trong nội bộ của họ còn là các vụ nổ ở bên trong hệ thống, nhưng ngày nay nó đi đến cái độ không hàn gắn được và có thể nổ tung ra ngoài làm vỡ hệ thống độc tài độc đảng mà họ muốn bảo vệ. Chính vì vậy mà họ ra tay triệt hạ các nhà dân chủ trước, nghĩ rằng dù phe phái trong nội bộ có đánh nhau tơi tả thì sẽ cũng như trước đây thôi, một phe sẽ toàn thắng dù đã bị yếu đi nhưng phe dân chủ không còn để đe doạ họ. Nhưng đó là họ nghĩ theo cách nổ bên trong hệ thống, khi đã nổ từ bên trong tung ra bên ngoài thì dù họ có đàn áp khốc liệt các nhà dân chủ thì cũng không ngăn được cách mạng sẽ xảy ra, bởi vì sự vùng lên là từ dân chứ không phải từ các nhà hoạt động. Ngay ông thánh Hồ của họ cũng công nhận điều này khi ông lập lại rằng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Đất nước ta đang đi vào thởi kỳ bình minh của cách mạng dân chủ và các hình thức bất tuân dân sự là những dạo khúc ban đầu, cho dù CSVN với Công điện 82 để ra tay trù dập. Qua việc ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh khóc lóc xin xỏ ông Trọng tại toà, việc CSVN bị TQ xỏ mũi qua Đoàn nghệ thuật Nội Mông… cho thấy lãnh đạo CSVN tuy đa mưu nhưng hèn, nhưng dân tộc VN là một dân tộc thông minh và dũng cảm, dân tộc này không thể nào nằm dưới sự lãnh đạo hèn mãi được. Dân tộc này sẽ đứng lên và ngày mai tươi sáng ấy sẽ không xa.
Lê Minh Nguyên