Quốc tế phải giám sát việc thực thi Công ước chống tra tấn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quốc tế phải giám sát việc thực thi Công ước chống tra tấn

Khẩu hiệu chống tra tấn của tổ chức Ân xá Quốc tế

Mặc dù đã ký và phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về tra tấn, nhưng tình trạng bức cung, nhục hình dẫn đến tử vong và thương tích của những người bị công an tạm giữ, tạm giam vẫn còn rất phổ biến ở Việt Nam, mà điển hình là vụ Đỗ Đăng Dư, một thiếu niên 17 tuổi, bị chết sau hai tháng bị tạm giam.
Vào tháng 11 năm ngoái, Quốc hội CSVN đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn (tên đầy đủ là Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người), mà CSVN đã ký kết vào năm 2013. Đến ngày 05/02/2015, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn.
Sau đó, Thủ tướng CSVN đã ra quyết định ngày 17/03/2015 phê duyệt kế hoạch việc triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn. Tiếp đến, Bộ Công an Việt Nam cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành về việc thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn.
Thế nhưng, trong khi Việt Nam đang triển khai những bước nói trên, thì các vụ bức cung, dùng nhục hình đối với những người bị công an tạm giam, tạm giữ vẫn tiếp diễn và thường xuyên có những thông tin về các trường hợp tử vong hoặc thương tích trong trại giam, trong đồn công an….
Một trong những vụ mới nhất là vụ anh Huỳnh Ngọc Lợi ở xã Hòa Khánh, Buôn Ma Thuột, đã tự tử chết vào ngày 06/10/2015, để lại một lá thư tuyệt mệnh tố cáo anh bị công an ép cung và dọa nạt, khi bị Công an Buôn Ma Thuột gọi lên để lấy lời khai về một vụ ẩu đả giữa anh Lợi với một người khác. Nhưng vụ gây chấn động dư luận nhất trong thời gian đó là cái chết của thiếu niên Đỗ Đăng Dư, chỉ sau hai tháng bị tạm giam trong một trại tạm giam của công an Hà Nội và điều đáng nói là thiếu niên này đã bị tạm giam chỉ vì ăn trộm 2 triệu đồng của hàng xóm. Vụ này gây chấn động dư luận đến mức bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã phải ra lệnh cho Giám đốc Công an Hà Nội điều tra.
Theo một báo cáo được đưa ra tại Quốc vào tháng 4 năm nay, trong vòng 3 năm, đã có đến 260 người chết khi bị tạm giam, tạm giữ, cho thấy tầm mức của vấn đề này rất nghiêm trọng.
Trả lời RFI Việt ngữ, luật sư Trần Vũ Hải, Hà Nội ,cho rằng tình trạng nói trên đã và đang xảy ra ở Việt Nam, như “Vụ án Vườn điều“ cách đây 17 năm của Huỳnh Văn Nén (cũng tố cáo bị bức cung, nhục hình) mà ông có tham gia. Theo luật sư Hải, một trong những nguyên nhân đó là do những người công an chịu áp lực phải phá án.
Nhưng theo luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt, tình trạng bức cung, nhục hình vẫn còn phổ biến là do chưa có giám sát những hành động của công an đối với người tạm giam, tạm giữ.
Như vậy, trong bối cảnh mà Việt Nam đang triển khai thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về chống tra tấn, nên có những biện pháp gì để hạn chế các vụ bức cung, nhục hình? Luật sư Trần Vũ Hải nêu lên hai giải pháp: tách trại tạm giam, tạm giữ ra khỏi sự quản lý của công an và đặt camera giám sát việc lấy lời khai của những người bị tạm giam, tạm giữ. Đồng thời phải sửa đổi một số luật như luật tố tụng hình sự, Luật tạm giam, tạm giữ, …
Về phần luật sư Trần Thu Nam cũng cho rằng chừng nào các trại tạm giam, tạm giữ vẫn còn nằm dưới sự quản lý của công an thì vẫn khó tránh khỏi sự lạm quyền dẫn đến bức cung, nhục hình. Nhưng những đề xuất chuyển giao quyền quản lý các trại tạm giam, tạm giữ chẳng hạn cho bộ Tư pháp thì chưa được thực hiện, có lẻ là do tranh chấp về quyền lực.
LS Trần Thu Nam cũng thấy là tuy đang triển khai thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về chống tra tấn, nhưng Việt Nam lại bảo lưu một số điều khoản của Công ước này, cho nên rất khó cho quốc tế giám sát.
Về phần LS Trần Vũ Hải thì hy vọng Việt Nam sẽ chấp nhận cho những đoàn giám sát của quốc tế đến kiểm tra các trại tạm giam, tạm giữ ở Việt Nam, vì nếu chính phủ Hà Nội khẳng định mình thực hiện tốt Công ước Liên hiệp quốc về chống tra tấn, thì không có gì phải ngại sự giám sát của quốc tế.
Trước mắt, vấn đề được đặt ra ra đối với những vụ bức cung, nhục hình gây tử vong hoặc thương tích đối với những người bị công an tạm giam, tạm giam, đó là những người gây hại phải bị trừng trị ra sao? Nhưng theo luật sư Trần Thu Nam, do không có giám sát, cho nên rất khó xác định được trách nhiệm của những công an bức cung, dùng nhục hình.
Hiện vẫn còn rất ít công an bị đưa ra tòa vì những vụ bức cung, nhục hình gây tử vong. Có một điều trớ trêu là trong khi công an không bị gì, thì những người thân của nạn nhân lại bị phạt tù, như vụ hai người thân của học sinh Tu Ngọc Thạnh ở Khánh Hòa bị công an xã đánh chết, nhưng người bác họ Mai Đình Tâm và cậu ruột Nguyễn Văn Ly thì lại bị tòa tuyên án mỗi người 1 năm 3 tháng tù trong phiên xử vào tháng 6 năm nay, với tội danh “ gây rối trật tự công cộng”!.
 Dầu sao, một khi đã tham gia Công ước Liên hiệp quốc về chống tra tấn , Việt Nam sẽ phải thực hiện những trách nhiệm cụ thể trong việc phòng chống tra tấn, chẳng hạn như:
Hình sự hóa hành vi tra tấn, quy định những hình phạt thích đáng với hành vi tra tấn.
Điều tra, truy tố và xét xử nhanh chóng, hiệu quả những hành vi tra tấn trong các hoàn cảnh khác nhau.
Giáo dục, tuyên truyền về cấm tra tấn, bao gồm việc đưa vấn đề cấm tra tấn vào các luật lệ về chức năng, nhiệm vụ của các đối tượng có liên quan như cán bộ thực thi pháp luật, nhân viên dân sự, quân sự, y tế, công chức…
Rà soát, giám sát và kiểm tra việc thực hiện các luật lệ có liên quan và các cơ sở giam giữ để bảo đảm hành vi tra tấn không xảy ra.
Bảo đảm các quyền tố tụng của bị can, bị cáo, các quyền khiếu nại, tố cáo và quyền được bồi thường của nạn nhân tra tấn, quyền được bảo vệ của nhân chứng và nạn nhân.
Không sử dụng lời khai lấy được từ sự tra tấn làm chứng cứ trong mọi giai đoạn tố tụng.