Quốc hội VN sắp ngưng bỏ phiếu tín nhiệm

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quốc hội VN sắp ngưng bỏ phiếu tín nhiệm

17:19 GMT – thứ sáu, 21 tháng 2, 2014

Quốc hội Việt Nam sắp dừng việc đánh giá tín nhiệm đối với quan chức do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, theo lãnh đạo Quốc hội Việt Nam.

Ý kiến này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam hôm 21/2/2014.

“Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5/2014 sẽ tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu lần sau sẽ chờ Quốc hội chấp thuận việc bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 35”, ông Hùng được tờ VnExpress trích lời.

Cùng ngày, trang mạng của Bấm Quốc hội cho biết lý do của việc dừng đánh giá tín nhiệm là do nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng một số nội dung trong Nghị quyết 35/2012/QH13 về đánh giá tín nhiệm các chức danh”còn có nhiều ý kiến khác nhau” sau lần lấy phiếu tín nhiệm năm ngoái.

Thế nhưng đến bây giờ mình lại dừng công việc đó thì rõ ràng có thể gây ra thất vọng cho nhiều người, đặc biệt tôi phải nhấn mạnh việc này đã được quy định trong luật giám sát của Quốc hội

GS Nguyễn Minh Thuyết

“Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII (tháng 5/2014) sẽ tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, chờ đánh giá rút kinh nghiệm trong việc sửa Nghị quyết 35 để tiếp tục thực hiện”, trang mạng của Bấm Quốc hội cho biết.

Bình luận về diễn biến này, hôm thứ Sáu, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, cho rằng nếu việc đánh giá tín nhiệm bị dừng lại sẽ là một điều đáng thất vọng.

Ông nói với BBC: “Thực ra kỳ họp Quốc hội trong năm nay còn tháng Năm, tháng Sáu và kỳ họp thứ II là tháng Mười, tháng Mười Một, nếu tháng Năm và tháng Sáu không kịp, thì tháng Mười và tháng Mười Một vẫn còn kịp trình đề án mới để Quốc hội thông qua và thực hiện,

“Nhưng hiện nay, tôi không thấy là tạm dừng cho đến lúc nào, cho nên thực sự đây là một điều mà tôi thấy hết sức là nghi ngại, tôi cũng cho có khả năng là công việc này khó tiến hành được.”

‘Để nhắc nhở quan chức’

Dừng đánh giá tín nhiệm là ‘đáng tiếc’

Quốc hội Việt Nam dừng đánh giá tín nhiệm với các quan chức là ‘đáng tiếc’ và đáng ‘nghi ngại’, theo GS Nguyễn Minh Thuyết.

Theo Giáo sư Thuyết, việc đánh giá tín nhiệm có tác dụng cảnh báo với những người được Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn để nhắc nhở họ làm việc tốt hơn.

Ông nói: “Thế nhưng đến bây giờ mình lại dừng công việc đó thì rõ ràng có thể gây ra thất vọng cho nhiều người, đặc biệt tôi phải nhấn mạnh việc này đã được quy định trong luật giám sát của Quốc hội.”

“Luật hoạt động giám sát của Quốc hội quy định rằng khi có một cơ quan của Quốc hội hoặc 20% Đại biểu Quốc hội trở lên đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một chức danh nào đó, thì Quốc hội sẽ phải thảo luận để bỏ phiếu tính nhiệm đối với chức danh đó.”

Nhân dịp này Giáo sư Thuyết cũng bình luận cho rằng việc đặt ra hai nấc hay bước đánh giá tín nhiêm và ba mức đo tín nhiệm như đã được tiến hành trong các đợt đánh giá năm 2013 là bất hợp lý và không tương hợp với thông lệ đánh giá tín nhiệm của quốc tế.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

Giáo sư Thuyết lưu ý việc đánh giá tín nhiệm giới chức đã được quy định trong luật giám sát của quốc hội.

Ông cũng cho rằng về nguyên tắc, các tổ chức độc lập trong xã hội của người dân, như các tổ chức trong xã hội dân sự có vai trò trong việc tham gia giám sát hoạt động và hiệu quả hoạt động của nhà nước và các quan chức trong bộ máy chính quyền, và điều này không hề phạm pháp.

Trước câu hỏi liệu các tổ chức dân sự, giới blogger có thể có những hình thức giám sát thông qua đánh giá, thăm dò tín nhiệm độc lập hay không, Giáo sư Thuyết lưu ý:

“Trong bất kỳ một xã hội dân chủ nào thì người dân cũng có quyền thể hiện ý kiến của mình bằng nhiều cách, và những việc như thế là không phải vi phạm pháp luật,

“Nhưng mà chỉ có điều là tính chính xác của những điều tra đó đến đâu và nó có được công nhận hay không thì tôi rất nghi ngờ điều đó.”

Tuy nhiên, cựu Đại biểu Quốc hội thừa nhận việc điều tra dư luận của một số cá nhân, tổ chức nhất định cũng có vai trò tác động tới “dư luận trong xã hội” cũng như tới “sự nhìn nhận của chính quyền” đối với một số chức danh đã được Quốc hội bầu và phê chuẩn.