Quốc hội CSVN sẽ bàn nhiều luật liên quan đến xã hội dân sự
Quí bạn đọc thân mến,
Quốc hội CSVN sẽ bàn nhiều luật liên quan đến xã hội dân sự,
Theo Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội … việc ban hành các đạo luật về xã hội dân sự là để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Hiến pháp??
… các nội dung quan trọng của Hiến pháp là gì???
… đó có phải là điều 4 HP???
như vậy … luật liên quan đến xã hội dân sự phải dưới sự chỉ đạo của điều 4 HP???
như vậy … xã hội dân sự phải dưới sự lảnh đạo của ÐCS???
Nghe CS nói nhưng phải nhìn kỹ CS làm.
BBT
Nguyễn Lê – 19-10-2015
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sẽ rất mới, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc…
Đây là thông tin được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, sáng 19/10.
Ban hành các đạo luật về xã hội dân sự, theo Phúc là để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Hiến pháp.
Các dự án luật liên quan đến xã hội dân sự mà Quốc hội sẽ bàn tại kỳ họp này được Phúc nhắc đến như Luật Về hội, Luật tôn giáo tín ngưỡng…
Sẽ rất mới tại kỳ họp này, theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Trả lời câu hỏi của VnEconomy về sự đổi mới này, Phúc cho biết, Quốc hội sẽ không lựa chọn một số vị bộ trưởng đăng đàn như ở những kỳ họp trước. Mà trong 2,5 ngày chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, bao gồm cả Thủ tướng đều phải có mặt, đại biểu chất vấn ai thì người đó sẽ trực tiếp trả lời.
Nếu đại biểu chất vấn thì Thủ tướng cũng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp về những vấn đề bao quát chung, Phúc nói.
Phóng viên Báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề, Chủ tịch Quốc hội từng đề cập đến tình trạng đại biểu đọc bài của người khác (có thể do các ngành viết) khi thảo luận tại các phiên toàn thể. Câu hỏi dành cho Phúc là ông đánh giá thế nào về hoạt động lobby thiếu lành mạnh tại Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có biện pháp ngăn ngừa gì để quyết định tại Quốc hội không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích.
Theo Phúc thì chất lượng hoạt động của ngành nào đó là do cử tri đánh giá, còn qua phát biểu của vài đại biểu thì chưa phản ánh hết ngành đó tốt hay chưa tốt.
Đại biểu phát biểu là quyền của đại biểu, một vài đại biểu ca ngợi ngành nọ ngành kia thì cũng là bình thường, Chủ nhiệm Phúc bày tỏ quan điểm.
Khai mạc ngày 20/10 và dự kiến bế mạc ngày 28/11, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét thông qua 18 dự án luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự luật khác.
Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận, cho ý kiến về nhiều đạo luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp nhằm hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, thông tin từ cuộc họp báo cho biết
Thời gian dành để thảo luận các vấn đề về kinh tế, xã hội ngân sách, tiến hành giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác là 12 ngày.
Kỳ họp này Quốc bầu hội đồng bầu cử trung ương và bầu tổng thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết.
Như thường lệ, các phiên khai mạc, bế mạc, thảo luận về kinh tế xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn vẫn được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước có thể theo dõi.
Nhân quyền sang trang mới: Việt Nam chính thức công nhận Xã hội dân sự
19/10/2015 – Phạm Chí Dũng
(VNTB) ‘Quốc hội sẽ bàn nhiều luật liên quan đến xã hội dân sự’ – đây là thông tin được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, sáng 19/10/2015.
Ban hành các đạo luật về xã hội dân sự, theo Phúc là để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Hiến pháp.
Các dự án luật liên quan đến xã hội dân sự mà Quốc hội sẽ bàn tại kỳ họp này được Phúc nhắc đến như Luật Về hội, Luật tôn giáo tín ngưỡng…
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm đảng Cộng sản Việt Nam, Xã hội dân sự được gọi đúng bằng tên của nó, được luật hóa một số hoạt động và do đó có thể hiểu đang trong quá trình được chính thức công nhận.
Cách đây đúng 3 năm, vào cuối năm 2012, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN là báo Nhân Dân vẫn còn xem ‘Xã hội dân sự – một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình’. Nhiều thành viên của Xã hội dân sự đã bị bắt bởi các điều luật mơ hồ 79, 88 và 258.
Tuy nhiên từ khi nhà nước VN trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vào tháng 11/2013 và trong thời gian gần đây, cách gọi báng bổ như thế đã có phần thuyên giảm.
Luật về hội và Luật tự do tín ngưỡng đã được Quốc hội VN đưa ra thảo luận từ đầu năm 2015. Tháng 5/2015, song trùng với giai đoạn cuối đàm phán Hiệp định TPP, đã phát lộ dấu hiệu đảng và chính quyền VN chấp nhận định chế Công đoàn độc lập – một chủ thể mà giới an ninh thường gán ghép rất sâu với ‘diễn biến bạo loạn lật đổ’ từ dĩ vãng Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Tuy vậy, không thể có được Công đoàn độc lập nếu không có Luật lập hội. Sau một số lần thảo luận và ‘đưa ra lấy ý kiến rộng rãi’, đầu tháng 10/2015 Quốc hội VN bất ngờ trì hoãn việc thông qua Luật về hội mà họ đã chuẩn bị để thỏa mãn đòi hỏi của TPP. Luật này cũng sẽ không được thông qua tại kỳ họp này – khai mạc vào ngày 20/10.
Một khi Luật về hội cố tình bị trì hoãn thông qua, hoặc được thông qua với nhiều rào cản cố tình để ngăn chặn tính chính đáng của Xã hội dân sự, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình Quốc hội Hoa Kỳ và quốc hội một số nước trong TPP xem xét việc VN tham gia vào TPP.
Được hình thành cơ bản vào đầu năm 2013 bằng phong trào ‘Kiến nghị 72’, cho tới nay Xã hội dân sự ở VN đã có gần 30 tổ chức dân sự độc lập.
Không thể nói khác hơn, việc nhà nước VN công nhận Xã hội dân sự là một thắng lợi rất lớn của phong trào đấu tranh đòi dân chủ trong nước cùng cuộc vận động ‘cải cách thể chế’ không ngừng nghỉ và rất có hiệu quả của cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Có thể hiểu rằng kể từ nay trở đi, mọi hoạt động đúng theo đường lối của Xã hội dân sự ở VN và những người tham gia hoạt động đều an toàn như vốn dĩ phải thế.