Quốc hội Iraq tan rã, các nhà lập pháp bỏ chạy khỏi Baghdad
Thủ đô Baghdad của Iraq hôm nay đang ở bên bờ vực rơi vào xáo trộn chính trị. Thành phố này đang trong tình trạng khẩn cấp, những người biểu tình đang chiếm đóng những khu vực từng là khu an toàn quốc tế, gọi tắt là IZ, các nhà lập pháp đã tháo chạy trong khi quân đội đang trong tình trạng báo động đỏ.
Tới sáng Chủ nhật, những người biểu tình do Giáo sĩ Hồi giáo Shia Moqtada al-Sadr cầm đầu, tiếp tục kéo nhau xuống đường, đứng chật tiền đình quốc hội Iraq, giờ đã vắng tanh bóng người, đồng thời tụ tập tại khu vực được biết dưới tên “quảng trường Ăn Mừng”.
Các nhà lập pháp Iraq đã tháo chạy hôm qua sau khi những người biểu tình xông vào toà nhà quốc hội. Khoảng 60 nhà lập pháp, phần lớn thuộc nhóm thiểu số người Kurd và người Hồi giáo Sunni, đã chạy thoát khỏi thủ đô về hướng Irbil và Suleymania, thuộc vùng tự trị của người Kurd ở Bắc Iraq.
Một giới chức quốc hội xin dấu tên vì sợ bị trả thù, nói với VOA rằng tình hình rất nguy hiểm đối với người Kurd và người Sunni. Ông nói một số nhà lập pháp đã bị hành hung.
Giới chức này cho hay hàng ngàn người biểu tình vẫn ở trong khu an toàn quốc tế IZ trong ngày chủ nhật, họ cắm trại trước các công ốc chính phủ quan trọng.
Bình thường chỉ có những người có thẻ đặc biệt được cho phép vào khu an toàn được bảo vệ, vì đây là nơi toạ lạc của nhiều đại sứ quán nước ngoài, và trụ sở của Liên Hiệp Quốc.
Nguồn tin này nói rằng tình hình rất nguy hiểm, và các đám đông biểu tình có thể tấn công bất cứ đại sứ quán nào hoặc bất cứ định chế nào, hay bất cứ người nào họ muốn.
Vụ chiếm đóng quốc hội Iraq là cao điểm của nhiều tuần lễ giằng co chính trị và bất ổn leo thang, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden đến thăm Baghdad.
Người phát ngôn của Tòa Bạch ốc Josh Earnest nói chuyến thăm này là một dấu hiệu khả quan cho thấy Mỹ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Thủ Tướng Haider al-Abadi nhằm thống nhất Iraq, và đối đầu với Nhà Nước Hồi giáo. Nhưng chuyến đi của phó tổng thống Mỹ Biden đã không đủ để ngăn chận Iraq rơi sâu hơn vào cuộc khủng hoảng chính trị.
Giáo sĩ Sadr đòi hỏi phải lập một chính phủ Iraq mới gồm nhiều nhà kỹ trị. Ông Abadi đã hứa sẽ cải cách nhưng đã không thực hiện được thay đổi thực sự nào giữa lúc các chính đảng ngăn cản việc bổ nhiệm phần lớn các ứng cử viên do ông tiến cử, vì sợ mất quyền lực. – VOA