Quốc hội CSVN thông qua về dự án xây sân bay Long Thành
Theo BBC – 25 tháng 6 2015
Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM (HASCON) cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị lên Quốc hội Việt Nam về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dù chủ trương xây dựng sân bay này đã được tán thành.
Trong phiên họp sáng ngày 25/6, các đại biểu Quốc hội CSVN đã tán thành chủ trương này với 428 phiếu thuận, 17 phiếu chống và 16 phiếu trống.
Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ đôla).
“Tôi đã hết lòng nêu ra những cái sai trái, bất cập của ‘Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi’ của sân bay Long Thành”, Tiến sỹ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch HASCON, cho biết.
“Quốc hội xét vấn đề này không phải dựa trên những cái chung chung mà dựa trên báo cáo này, do một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp làm ra để chủ đầu tư trình lên Quốc hội.”
“Chúng tôi đã phân tích bản báo cáo có bảy điểm sai lớn và trước thềm cuộc bỏ phiếu thì chúng tôi vẫn nói là giữ nguyên bảy quan điểm đó.”
Hồi cuối tháng Tư, HASCON đã trình Bộ Chính trị và Quốc hội kiến nghị với tên gọi ‘Tóm tắt những bất cập của Báo cáo đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành”.
Hasco chỉ trích báo cáo của chủ đầu tư “xác định sai vai trò” của sân bay Long Thành trong mục tiêu phát triển đất nước và “tính toán sai hiệu quả kinh tế xã hội”.
Kiến nghị cũng đề cập đến việc bản báo cáo của chủ đầu tư “không kèm thiết kế sơ bộ” và “lựa chọn phương án đầu tư sơ sài”.
HASCON cũng đặt nghi vấn trước tỷ suất lợi nhuận thấp, cũng như việc huy động vốn cho dự án.
Một trong các điểm bất cập khác là sai trái về pháp luật, bao gồm chín điểm nhỏ khác.
Các điểm này bao gồm sai phạm trong trình tự thiết lập, cách thiết lập và nội dung báo cáo cũng như các quy định về việc thu hồi vốn đầu tư.
“Rất tiếc là Quốc hội đã thông qua, biết làm thế nào được”, ông Phúc nói.
“Nhưng không phải Quốc hội thông qua ngày hôm nay rồi thì cứ như thế mà làm.”
“Còn một đợt thông qua thứ hai của Quốc hội, và chúng tôi, với tấm lòng trung thực, mong muốn cho đất nước tiến lên, sẽ tiếp tục xem xét các bước tiếp theo của chủ đầu tư để ý kiến với Quốc hội sau.”
‘Không đáp ứng kiến nghị’
Ông Phúc cho biết Bộ giao thông Vận tải Việt Nam đã từ chối cộng tác với HASCON để xem xét các điểm bất cập xung quanh dự án sân bay Long Thành.
“Chúng tôi đã đưa ra tổng cộng ba kiến nghị”, ông nói.
“Kiến nghị thứ nhất, đề nghị Quốc hội chưa thông qua [dự án sân bay Long Thành].”
“Thứ hai là đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tranh luận sòng phẳng với chúng tôi, dự các cuộc họp, phân tích giữa các nhóm chuyên gia với nhau.”
“Sau đó, Trung ương Đảng yêu cầu Bộ Giao thông làm lại bản Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.”
“Chúng tôi lại tiếp tục kiến nghị, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu với chúng tôi và cho các tổ chuyên gia làm việc với nhau.”
“Chúng tôi cũng đề nghị các tổ chuyên gia làm việc công khai, có sự chứng kiến của truyền thông, và các cuộc họp của các chuyên gia đều có biên bản, cái nào đã đồng thuận cái nào chưa đồng thuận.”
“Tất cả những cái đó sau đó sẽ trình lên cho trung ương đảng, cho Quốc hội, chính phủ, như vậy mới đáp ứng đúng thông cáo của Hội nghị trung ương lần thứ 11, trong đó yêu cầu Bộ Giao thông phải lắng nghe, phải giải trình để làm sao các tổ chức khoa học đồng ý với ý kiến của Bộ Giao thông.”
“Kiến nghị thứ hai của chúng tôi không được đáp ứng một chút nào cả.”
Ông Phúc cho biết Thứ trưởng Bộ Giao thông Phạm Quý Tiêu đã “trả lời thẳng thừng” là Bộ Giao thông sẽ không làm việc với hội HASCON, vì “bản tư vấn đã được trình lên cho Bộ chính trị rồi”.
“Trước thềm phiên biểu quyết tại Quốc hội, chúng tôi đã viết kiến nghị thứ ba lên Quốc hội chứ không qua Bộ giao thông nữa.”
“Trong kiến nghị, chúng tôi nhắc lại 7 điểm bất cập trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đồng thời vạch ra các điểm sai trái về pháp luật.”
“Chúng tôi đã hy vọng là Quốc hội sẽ không thông qua một nghị quyết trên cơ sở một văn bản hoàn toàn trái pháp luật như các điểm chúng tôi đã phân tích.”
“Nói tóm lại chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Bộ giao thông nhưng họ chưa bao giờ trả lời chúng tôi bằng văn bản, điện thoại hay mời chúng tôi lên, trừ câu chối bỏ thẳng thừng của ông Phạm Quý Tiêu.”