Quốc Hận Tần Hoài – Giáo Già
cõi thiền nữa tỉnh nữa mê
cõi tâm rộng mở đi về chốn không
chân như ở chốn hồng trần
niết bàn ẩn hiện khi gần khi xa
dạo chơi trong cõi ta bà
cửa sinh cửa tử khi ra khi vào
cõi thiền nghe lắm xôn xao
cõi tâm an tịnh bước vào hư không…
bận gì
….sắc sắc
….không không…
[Như Nhiên / 02182012]
(Giáo Già xin tiếp…)
Kim Cang tụng niệm…
…nghe lòng nôn nao
Thiền hành biết đến nơi nào
Hạc vàng chấp cánh trên cao Má nhìn
Mương Khai mất dấu bờ kinh
Bầy con cúng giỗ đứng nhìn khói bay
Rượu tràn ly uống không say
Mồi ngon đũa gắp mỏi tay cười… ruồi
Đông anh em nhắc chuyện vui
Ấp Ga tiệm thuốc chú Mười Yên xưa
Bỏ quê về chợ Thủ Thừa
Cơm chang nước mắt đong đưa đói nghèo
Lưa thưa hột nắng cheo leo
Xuyên qua mái lá gió reo không lời
Thuyền ra cửa biển đổi đời
Lưu cư tỵ nạn hết thời gian nan
Bần sinh trì tụng Kim Cang
Stoneman lượm đá lang thang chợ Trời
Tám Thông du lịch rong chơi
Xe anh Chín sửa rã rời đôi tay
Khánh Ly “ếch luột”* mặt “dầy”
Bất tri thương nữ** đợi ngày cáo chung
Thư Cho Con thời @ còng
“Chống Tàu Diệt Cộng” quyết không tha Tàu
Từ bây giờ đến mai sau
Thuyền ra cửa biển đón chào cố nhơn
Bận gì hai chữ sắc không
Uống ly rượu đỏ đắng lòng nhớ quê
Bốn mươi năm dọn đường về
Bầy con lánh nạn cơn mê sắp tàn
Làm thơ trên lá cờ vàng
Cho người áo tím áo vàng ngày xưa
Hỏi người năm cũ về chưa?!
Tóc hong nắng ấm đong đưa sợi dài
Cầm lon beer lạnh thèm say
Tàn nhang cúng giỗ… Mương Khai hẹn về
Chưa say đầu lưỡi chưa tê
Nếm êm hương vị cơn mê ngọt ngào
Giáo Già [Đầu mùa Quốc Hận / 1-4-2015]
(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)
Chú thích: *Xin xem lại bài “Khánh Ly và những con ếch luột Việt kiều” trên Thư Cho Con tập 23, từ trang 97 đến 110.
**Mượn ý từ bài thơ “Bạc Tần Hoài” của Đỗ Mục:
Bạc Tần Hoài
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
Giáo Già phỏng dịch
Quốc Hận Tần Hoài
Khói sông trăng cát lạnh lùng
Thuyền ai đậu bến ca lồng rượu say
Cộng thù quốc hận không hay
Ca nhi hát xướng trắng tay Hậu Đình
Tần Hoài: tên con sông từ tỉnh Giang Tô chảy lên phía Bắc vào sông Trường Giang.
Hậu Đình Hoa: tên khúc hát làm trong buổi tiệc của vua Trần Hậu Chủ thời Nam Bắc triều (420-587).
Trần Hậu chủ (583-587) tên Trần Thúc Bảo, là một ông vua nổi tiếng tài tử phong lưu. Hậu cung lúc nào cũng có hàng ngàn mỹ nhân tuyệt sắc, tổn phí nhiều tiền của. Suốt đêm ngày Trần Hậu chủ bỏ cả việc triều chính, say sưa bên cạnh những mỹ nữ ca hát bên tiệc rượu làm cho đất nước suy đồi. Vua nhà Tùy (589-617) là Văn Đế thừa dịp đó sai tướng Lý Uyên và Dương Tố đem quân sang đánh phá, đột nhập thành. Nhà Hậu Trần bị diệt vong do khúc hát “Hậu Đình Hoa” ấy. Từ đó, “Hậu Đình Hoa” ám chỉ khúc ca vong quốc.
Đỗ Mục: thi hào nổi tiếng đời nhà Đường (618-907), nhân một đêm ghé thuyền trên bến Tần Hoài, gần một quán rượu. Đêm đã khuya, hơi sương mù như khói tỏa trên mặt nước. Bãi cát chiếu sáng lồng trong ánh trăng xanh. Bấy giờ trong quán, khách còn đang say sưa ăn uống, bên cạnh những ca nhi hát xướng cho khách mua vui. Lắng nghe giọng hát réo rắt bên kia sông đưa sang, Đỗ Mục xúc cảnh sinh tình nhắc lại chuyện xưa…