Quân sự tăng, Ngoại giao giảm dưới ngân sách của ông Trump
VOA
17/03/2017
Tổng thống Donald Trump
Giảm
Tổng thống Donald Trump ngày 16/3 gửi đề nghị ngân sách sang Quốc hội thay đổi mạnh những ưu tiên chi tiêu của quốc gia, chi hàng tỷ đô la cho quốc phòng trong khi cắt giảm đáng kể ngân sách cho ngoại giao, bảo vệ môi trường, y tế, cùng các chương trình viện trợ nước ngoài, xóa đói giảm nghèo.
Ngân sách này giữ đúng lời hứa của ông Trump khi ra tranh cử bằng cách cắt giảm lực lượng nhân sự của chính phủ.
Theo đó, Bộ Ngoại giao bị cắt 29% ngân sách, từ 54 tỷ đô la xuống còn 39 tỷ đô. Cơ quan Bảo vệ Môi trường bị giảm 31% ngân sách. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh bị mất 16%. Công quỹ dành cho Bộ Nông nghiệp giảm 21%. Bộ Lao động cũng mất 21% ngân sách.
Bộ Giáo dục bị giảm 14%. Đề nghị cắt giảm ngân sách của ông Trump cũng kêu gọi giảm tài trợ cho các chương trình trao đổi văn hóa-giáo dục của Mỹ với các nước trên thế giới. Nhiều chương trình trong số này được xem là các khoản đầu tư thiện chí lâu dài như chương trình nổi tiếng Fulbright thành lập từ 70 năm trước.
Nơi bị cắt giảm mạnh nhất là Cơ quan Bảo vệ Môi trường, nơi mà chính quyền Tổng thống Trump cho là đã được hưởng ngân sách quá mức cần thiết. Ông Trump muốn giảm ngân sách trị giá 2,6 tỷ đô la cho cơ quan này, một phần bằng cách xóa sổ 3.200 công việc, tức khoảng 1/5 lực lượng nhân công của sở này.
Nếu được thi hành, đề nghị của ông Trump sẽ đẩy mức ngân sách dành cho cơ quan này xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm nay. Điều này cũng có nghĩa là sẽ cắt ngân quỹ cho nghiên cứu về biến đổi khí hậu, đóng cửa các chương trình môi trường nội địa và chấm dứt các dự án khu vực.
Ông Trump cũng giảm ngân quỹ tài trợ cho Liên hiệp quốc trong các dự án biến đổi khí hậu, bớt ngân khoản đóng góp của Mỹ cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình.
Đóng góp của Hoa Kỳ cho Ngân hàng Thế giới, từ đề nghị này, sẽ bị giảm 650 triệu đô la. Hỗ trợ của Mỹ về kinh tế và phát triển sẽ được xem lại, chỉ tập trung tới các nước có lợi ích chiến lược lớn nhất đối với Mỹ mà thôi.
Khoản cắt giảm lớn nhất trong Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh sẽ nhắm vào Viện Y tế Quốc gia, trung tâm nghiên cứu y khoa của Mỹ. Ngân khoản 403 triệu đô la dùng để huấn luyện y tá và y-bác sĩ sẽ bị hủy bỏ.
Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đề nghị nhiều khoản cắt giảm đối với lĩnh vực giáo dục công, Sở phát triển Đô thị và Nhà cửa, kể cả loại bỏ chương trình cấp quỹ cho các chương trình dân túy như cung cấp bữa ăn cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp, cùng các nỗ lực hỗ trợ cộng đồng khác.
Tăng
Phần lớn số tiền tiết kiệm từ các khoản cắt giảm này sẽ được chi cho các chương trình an ninh quốc gia.
Ngân sách Tổng thống đề nghị cho Bộ Quốc phòng tăng 10%, ở mức 54 tỷ đô la. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ chiến dịch gầy dựng Ngũ Giác Đài của Tổng thống Ronald Reagon vào thập niên 1980.
Bộ An ninh Nội địa được tăng ngân sách 7%. Phần nhiều trong số 2,8 tỷ đô la ‘tăng viện’ cho Bộ này sẽ được dành cho bức tường biên giới với Mexico và thuê mướn 500 nhân viên biên phòng cùng 1000 viên chức cho Cơ quan Thực thi Hải quan và Di trú trong năm sau. Ngân sách này cũng được dành phần để thuê mướn 20 luật sư trong Bộ Tư pháp để hỗ trợ công tác xây tường biên giới.
Theo dự kiến, Tòa Bạch Ốc sẽ yêu cầu thêm ngân khoản 1,5 tỷ đô la để khởi sự lên kế hoạch và xây dựng tường thành biên giới trong năm nay.
Ngân sách chính phủ cho năm tài khóa hiện nay kéo dài tới ngày 28/4, và ngân sách cho năm 2018 phải được thi hành từ tháng 10 năm nay.
Các nhà lập pháp bên đảng Dân chủ tuần này khuyến cáo rằng có thể sẽ xảy ra tình trạng tạm đóng cửa chính phủ nếu phe Cộng hòa nhất mực đòi gộp ngân khoản tài trợ cho tường biên giới vào trong đề nghị ngân sách của họ.
Theo sau kế hoạch ngân sách trị giá 1,1 ngàn tỷ đô la này sẽ là một khoản ngân sách lớn hơn được công bố vào mùa xuân, trong đó có bao gồm các đề nghị của Tổng thống về thuế khóa và về chi tiêu cho an sinh xã hội, các chương trình chăm sóc y tế như Medicare, Medicaid, cùng các chương trình khác.
Liệu có được thông qua?
Giới phân tích cho rằng các khoản cắt giảm do ông Trump đề nghị được xem là ‘mạnh tay’ nhất trong nửa thế kỷ nay.
Tuy nhiên, cơ hội để đề nghị ngân sách đầu tiên của ông Trump được Quốc hội thông qua hiện còn mong manh.
Nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu nói bơm tiền vào Bộ Quốc phòng trong khi ‘cắt xén’ ngân sách của Bộ Ngoại giao là điều vô lý vì chức năng của hai Bộ này song hành với nhau.
Mức đề nghị tăng 54 tỷ đô la cho chi tiêu quân sự cũng đòi hỏi phải hủy bỏ mức trần chi tiêu ban hành bởi Đạo luật Kiểm soát Ngân sách 2011.
Ngân sách đề nghị của Tổng thống hiện vấp phải sự phản đối và chỉ trích của phe Dân chủ lẫn phía đảng Cộng hòa. Nhiều khoản trong đề nghị này đối với phe Dân chủ là không hợp lý và có vấn đề đối với phe Cộng hòa, đảng của ông Trump.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida nói các khoản viện trợ nước ngoài là đầu tư nhỏ nhưng có vai trò lớn cho an ninh quốc gia.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang South Carolina gọi các khoản cắt giảm ngân sách ông Trump đề nghị áp dụng cho Bộ Ngoại giao là “một cái chết lâm sàng.”
Lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện, bà Nancy Pelosi mô tả: ‘Ngân sách này thật sự là một cái tát vào mặt tương lai của chúng ta.’
Bà Pelosi nói sức mạnh của Hoa Kỳ không chỉ dựa vào quân đội hùng mạnh, mà còn dựa vào các thế hệ trẻ được đào tạo giáo dục tốt, vào sự đầu tư cho an sinh của dân, vào các công trình nghiên cứu y khoa, và vào một môi trường không ô nhiễm. Vì thế, dân biểu này dự đoán ngân sách đề nghị của ông Trump sẽ chết ‘ngay từ trong trứng nước.’
NYT/WP