Quân kháng chiến Myanmar chiếm thêm tiền đồn ở biên giới với Ấn Độ ///Bị quân nổi dậy tấn công, thêm nhiều lính Myanmar chạy trốn sang Ấn Độ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quân kháng chiến Myanmar chiếm thêm tiền đồn ở biên giới với Ấn Độ ///Bị quân nổi dậy tấn công, thêm nhiều lính Myanmar chạy trốn sang Ấn Độ

15/11/2023 – Reuters


Các binh lính kháng chiến thuộc sắc tộc Ta'ang đang huấn luyện tại một căn cứ của họ ở trong rừng ở bang Shan ở phía bắc
Các binh lính kháng chiến thuộc sắc tộc Ta’ang đang huấn luyện tại một căn cứ của họ ở trong rừng ở bang Shan ở phía bắc

Quân kháng chiến chống chính quyền quân sự ở bang Chin của Myanmar đang cố gắng giành quyền kiểm soát một phần biên giới mất an ninh với Ấn Độ, sau khi chiếm hai tiền đồn quân sự trên biên giới miền núi, một chỉ huy quân kháng chiến cho biết, một phần của cuộc tiến công trên diện rộng chống chính quyền quân sự.

Hàng chục quân nổi dậy hôm 13/11 đã giao chiến với quân đội Myanmar từ bình minh đến hoàng hôn để giành quyền kiểm soát hai trại quân sự nằm sát bang Mizoram của Ấn Độ, Sui Khar, phó Chủ tịch Mặt trận Quốc gia Chin (CNF), cho biết.

Các tướng lĩnh Myanmar đang đối mặt thách thức lớn nhất kể từ sau khi lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2021 sau khi ba lực lượng thiểu số phát động tấn công phối hợp vào cuối tháng 10, chiếm một số thị trấn và đồn quân sự.

Tổng thống Myanmar do quân đội bổ nhiệm hồi tuần trước cho biết nước này có nguy cơ tan rã vì phản ứng không hiệu quả trước cuộc nổi dậy – cuộc chiến quan trọng nhất kể từ cuộc đảo chính của quân đội hồi năm 2021 lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi.

Các tướng lĩnh Myanmar nói họ chiến đấu với ‘quân khủng bố’.

Cuộc tấn công, được quân kháng chiến gọi là ‘Chiến dịch 1027’ theo ngày tháng bắt đầu chiến dịch, ban đầu xâm nhập vào các khu vực do chính quyền quân sự kiểm soát ở biên giới với Trung Quốc ở bang Shan, nơi chính quyền quân sự đã mất quyền kiểm soát một số thị trấn và hơn 100 tiền đồn.

“Chúng tôi đang tiếp tục các cuộc tấn công ở phía bắc bang Shan,” Kyaw Naing, phát ngôn nhân của Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, vốn là một bên nằm trong chiến dịch, cho biết.

Giao tranh cũng nổ ra trên hai mặt trận mới trong tuần này ở các bang miền tây Rakhine và Chin, khiến hàng ngàn người phải sơ tán đến Mizoram.

Khoảng 80 quân nổi dậy đã mở các cuộc tấn công vào các trại quân sự Rihkhawdar và Khawmawi ở bang Chin vào khoảng 4 giờ sáng ngày 13/11, và cuối cùng đã kiểm soát cả hai tiền đồn này sau vài giờ giao tranh, ông Sui Khar nói.

Sau các cuộc tấn công của quân nổi dậy, 43 binh sĩ Myanmar đã vượt qua biên giới sang phía Ấn Độ và bị lực lượng an ninh Ấn Độ ở Mizoram bắt giữ, quan chức cảnh sát Lalmalsawma Hnamte cho biết.

Khoảng 39 binh lính trong số đó đã được phía Ấn Độ cho lên máy bay đưa đến một cửa khẩu ở bang Manipur lân cận và bàn giao cho chính quyền Myanmar, một quan chức an ninh cho biết với điều kiện giấu tên vì ông không được phép nói chi tiết về vụ việc.

Ông Sui Khar và Tổ chức Nhân quyền Chin cho biết họ tin rằng một số binh lính này có thể đã tham gia vào các hành động tàn ác đối với hường dân. Họ không nói rõ chi tiết.

Quân kháng chiến Chin giờ đây sẽ tìm cách củng cố quyền kiểm soát của họ dọc theo biên giới Ấn Độ-Myanmar, nơi quân đội Myanmar có thêm hai trại, ông Sui Khar nói.
“Chúng tôi sẽ tiến về phía trước,” ông nói với Reuters. “Chiến thuật của chúng tôi là từ làng mạc đến thành thị đến thủ đô.”

Cuộc nổi dậy của người Chin được người dân địa phương ở Mizoram ủng hộ, một phần do mối quan hệ sắc tộc gần gũi, và hàng chục ngàn người từ Myanmar đã tìm chỗ ẩn nấp ở bang nhỏ bé này của Ấn Độ, trong đó các nghị sỹ bang và liên bang bị lật đổ.

Một cư dân ở thủ phủ Sittwe của bang Rakhine và các bài đăng trên mạng xã hội cho biết xe tăng đã được nhìn thấy trên đường phố ở nơi này sau khi giao tranh nổ ra ở bang miền tây.

Chính quyền quân sự đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở Sittwe và cư dân đã được lệnh không rời khỏi nhà sau 9 giờ tối và các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa trước 8h30 tối nếu không sẽ bị xử lý theo pháp luật, theo một tài liệu của chính phủ và tin tức trên truyền thông.

Bị quân nổi dậy tấn công, thêm nhiều lính Myanmar chạy trốn sang Ấn Độ

16/11/2023


Lực lượng nổi dậy đưa những bin h sĩ chính phủ đã đầu hành lên xe tải ở Vùng Kokang, Myanmar, 14/11/2023.
Lực lượng nổi dậy đưa những binh sĩ chính phủ đã đầu hành lên xe tải ở Vùng Kokang, Myanmar, 14/11/2023.

Một quan chức cảnh sát Ấn Độ cho hay ít nhất 29 binh sĩ Myanmar đã chạy sang Ấn Độ hôm thứ Năm 16/11 để trốn tránh cuộc tấn công của quân nổi dậy vào căn cứ quân sự Tuibal của họ ở Bang Chin, gần biên giới Ấn Độ, giữa lúc quân nổi dậy tăng cường tấn công chống lại chính quyền của giới quân đội.

Trước đó, cũng trong tuần này, 43 binh sĩ Myanmar đã đi sang bang Mizoram của Ấn Độ sau khi các căn cứ quân sự của họ bị quân nổi dậy đè bẹp. Gần 40 người đã được nhà chức trách Ấn Độ trả về Myanmar qua một cửa khẩu biên giới khác cách đó vài trăm kilomet về phía đông.

Nhóm nổi dậy có tên Đội quân Arakan (AA) vốn đấu tranh giành quyền tự trị ở Bang Rakhine cho biết hôm 15/11 rằng hàng chục cảnh sát và quân nhân đã đầu hàng hoặc bị bắt khi lực lượng của họ tiến quân.

Trong một diễn biến riêng rẽ, các lực lượng chống quân đội ở Bang Kayah đăng trên mạng xã hội một đoạn video và được Reuters kiểm chứng cho thấy nhiều binh sĩ của chính quyền quân sự bị thương đã đầu hàng quân nổi dậy. Các hình ảnh cho thấy quân nổi dậy sẵn sàng cứu chữa.

Quân đội Myanmar đã giao chiến với các nhóm thiểu số và các nhóm nổi dậy khác trong nhiều thập kỷ nhưng cuộc đảo chính năm 2021 đã đưa các lực lượng chống quân đội lại với nhau và đạt được sự phối hợp chưa từng có, điều này đang đặt ra thách thức lớn nhất đối với quân đội so với nhiều năm trước.

Tin Maung Swe, bí thư hội đồng hành chính ở thủ đô Naypyitaw nói hôm 16/11 rằng các nhà lãnh đạo quân đội của đất nước đã ra lệnh cho tất cả nhân viên chính phủ và những người có kinh nghiệm quân sự hãy chuẩn bị phục vụ trong trường hợp khẩn cấp, sau khi chính quyền quân quản ghi nhận rằng “có các cuộc tấn công rất lớn” ở vài địa điểm.

Tin Maung Swe nhấn mạnh rằng tình hình ở thủ đô thuộc miền trung Myanmar khá yên tĩnh.

Một chính phủ song hành, được thành lập bởi các chính trị gia ủng hộ dân chủ để chống lại giới quân đội và liên minh với một số phe phái nổi dậy, đã phát động chiến dịch “Đường đến Naypyitaw” mà họ nói là nhằm mục đích giành quyền kiểm soát thủ đô.

Người phát ngôn của chính quyền quân quản Zaw Min Tun nói vào tối 15/11 rằng quân đội đang phải đối mặt với “các cuộc tấn công quy mô lớn từ phía khá đông binh sĩ nổi dậy có vũ trang” ở Bang Shan ở miền đông bắc, Bang Kayah ở miền đông và Bang Rakhine ở miền tây.

Zaw Min Tun cho hay một số cơ sở quân sự đã được sơ tán và quân nổi dậy đã sử dụng máy bay không người lái để thả hàng trăm quả bom vào các đồn quân sự.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính năm 2021, khi quân đội lật đổ chính phủ do Khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi làm lãnh đạo, chấm dứt một thập kỷ được xem là có những cải cách dân chủ.

Giới quân đội đã cai trị Myanmar bằng bàn tay sắt trong 50 năm sau khi nắm quyền vào năm 1962, khẳng định đây là thể chế duy nhất có khả năng gắn kết đất nước đa dạng này lại với nhau.

VOAViet