Quan hệ Việt–Trung sau chuyến thăm TQ của TBT Việt Nam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quan hệ Việt–Trung sau chuyến thăm TQ của TBT Việt Nam

12/01/2017

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội tháng 11/2015
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội tháng 11/2015
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thăm Trung Quốc lần đầu tiên từ khi được bầu lại tại Đại hội 12.
Chuyến thăm, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, diễn ra từ 12 đến 15/1.
Mục đích chuyến thăm?
Đây là hoạt động trao đổi cấp cao nhất giữa hai đảng cầm quyền.
Theo thông lệ, sau khi hoàn tất Đại hội Đảng năm năm một lần tại Việt Nam, Tổng Bí thư Việt Nam sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao thăm Trung Quốc.
Mùa thu 2017 dự kiến diễn ra Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc. Tương tự, Tổng Bí thư được bầu ra tại Đại hội này cũng sẽ được trông đợi có chuyến thăm Việt Nam.
Nhưng nhà nghiên cứu chính trị từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chỉ ra rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có ý nghĩa quan hệ giữa hai nhà nước.
Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và sắp kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Đây cũng là dịp hai nước nhìn lại quá trình quan hệ với các bước thăng trầm, hướng đến thời gian tới làm sao để quan hệ được củng cố theo chiều hướng tốt,” theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
Vướng mắc lớn nhất?
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông đầu năm 2017
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông đầu năm 2017

Các nhà ngoại giao Trung Quốc thường nói vấn đề trên biển là “vấn đề duy nhất còn tồn tại, chưa được giải quyết giữa hai nước”.
Tháng Chín năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng được dẫn lời nói “hiện không có trở ngại trong quan hệ song phương, ngoài vấn đề duy nhất do lịch sử để lại là vấn đề trên biển”.
Căng thẳng Biển Đông sẽ tăng hay giảm trong 2017?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chỉ ra rằng Trung Quốc luôn nói không có tranh chấp ở Biển Đông.
“Họ chỉ nói có thể ngồi lại để cùng hợp tác, bàn làm sao để có quy tắc ứng xử trên biển. Họ cũng chia rẽ Asean.”
Ông Hợp cho rằng tranh chấp trên biển “chỉ trở nên khó khăn hơn trong 2017”.
Trong khi đó, từ Đại học Vinh, ông Nguyễn Hữu Quyết, nhận bằng tiến sĩ từ Viện Nghiên cứu chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS), có vẻ lạc quan hơn.
Theo Tiến sĩ Quyết, kinh tế song phương có thể giúp giảm căng thẳng.
“Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam. 2017, hai nước sẽ tập trung đẩy mạnh thương mại, giảm nhập siêu cho Việt Nam.”
“Khi kinh tế nóng, nó sẽ giúp làm ấm quan hệ chính trị.”
    Việt Nam đứng giữa Mỹ và Trung Quốc, không bao giờ ngả theo nước nào, đây là rút ra từ bài học lịch sử.
    Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quyết
Nên ông dự đoán tình hình Biển Đông có thể giảm căng thẳng trong năm 2017.
Nhưng ông Quyết cũng nhìn nhận: “Trung Quốc không từ bỏ chiến lược biển của họ. Vì vậy, về lâu dài, Việt Nam cần có đối sách dài hạn hơn.”
Chính sách ngoại giao của Việt Nam?
Việt Nam nhấn mạnh chính sách ngoại giao đa phương, tham gia vào các cơ chế đa phương ở khu vực và quốc tế hướng tới việc ngăn ngừa xung đột, giải quyết tranh chấp trong hòa bình, trong đó có tranh chấp Biển Đông.
Một ưu tiên của ban lãnh đạo Việt Nam là “đa phương hóa, đa dạng hóa độc lập tự chủ, làm bạn với tất cả các quốc gia “.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quyết nhận xét Việt Nam thiết lập quan hệ toàn diện với nhiều nước, “coi trọng các nước lớn”.
“Việt Nam giữ quan hệ hữu hảo, tăng cường đối thoại, nhưng không thể đánh mất chủ quyền.”
Chính sách của Việt Nam thay đổi sau bầu cử tại Mỹ?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp không nghĩ như vậy.
“Dù có thay đổi trong chính trị Mỹ, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều.”
    Dù có thay đổi trong chính trị Mỹ, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều.
    Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
“Nhiều nhà phân tích nghĩ rằng Việt Nam phải cân bằng bên nọ bên kia, nhưng Việt Nam đã khẳng định chính sách đa phương, đa dạng hóa.”
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quyết cũng đồng tình.
“Việt Nam đứng giữa Mỹ và Trung Quốc, không bao giờ ngả theo nước nào, đây là rút ra từ bài học lịch sử.”
“Về dài hạn, Việt Nam vẫn sẽ không liên minh với ai, nhưng tìm kiếm đối tác chiến lược với các nước là giải pháp tốt để kiềm hãm sự hung hăng của Trung Quốc.”
Một điểm mới trong đối sách ngoại giao của Việt Nam, được Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chỉ ra, trong diễn văn tháng 8/2016 ở Singapore của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.
Bài phát biểu này “đặc biệt nhấn mạnh tiến trình ngoại giao và pháp lý”.
“Đó là lần đầu tiên một nguyên thủ Việt Nam có công bố mạnh mẽ về khả năng dùng tiến trình pháp lý để xử lý tranh chấp với Trung Quốc,” theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
(BBC)