Quan hệ Trung – Mỹ: Từ tranh chấp thương mại sang đối đầu toàn diện

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quan hệ Trung – Mỹ: Từ tranh chấp thương mại sang đối đầu toàn diện

Tác giả: Mai Nhật Dương

Kế từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời ngày 1/10/1949 đến nay, chưa từng có một nhà lãnh đạo nước ngoài nào đưa ra “ tối hậu thư” với lời lẽ “trịch thượng” như Tổng thống Donald Trump tuyên bố cách đây ít ngày với lãnh đạo Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình cần phải dự và gặp ông Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka cuối tháng 6/2019. Nếu không gặp, ông Trump sẵn sàng đánh thuế “ngay và luôn” đối với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc chưa bị đánh thuế trong tổng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

“Chiến tranh thương mại” hay “chiến tranh tổng lực”?

Mặc dù cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra hết sức quyết liệt và sức nóng của cuộc chiến đang tăng lên từng ngày, nhưng về thực chất đây không phải là cuộc chiến thương mại đơn thuần, mà là cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa hai cường quốc – một bên đã xác lập được vị trí số một, còn một bên tìm mọi cách vươn lên, soán ngôi vị bá chủ và xác lập vị trí mới do mình lãnh đạo.

Dù cả Trung Quốc và Mỹ đều tránh đề cập, nhưng trên thực tế các nhân tố giúp duy trì ổn định quan hệ Mỹ – Trung trong hơn 40 năm qua đã lung lay tận gốc. Nói cách khác, mối quan hệ Mỹ – Trung như chúng ta từng chứng kiến đang đổ vỡ từng ngày, từng giờ, nhường chỗ cho mối quan hệ mới đang định hình. Sự đổ vỡ này thể hiện trên tất các phương diện: Quan hệ chính trị, ngoại giao ngày một xấu đi; lòng tin chiến lược giữa các nhà lãnh đạo hai nước cũng không còn và thay vào đó là sự ngờ vực chiến lược. Trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, Trump và chính quyền Mỹ đang tìm cách quân bình cán cân thương mại, không để Trung Quốc “trục lợi” với con số thâm hụt thương mại khổng lồ lên tới gần 400 tỷ USD trong năm 2018, và kéo dài trong hàng chục năm liền.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngày 1/1/1979 đến nay, quan hệ Trung – Mỹ trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm như sự kiện Thiên An Môn (từ 1989-1993), vụ máy bay Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc (1998), vụ máy bay EP3 (2001), nhưng chưa khi nào quan hệ Trung – Mỹ lại xấu như thời điểm hiện nay. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia được công bố tháng 12/2017 và Báo cáo Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 1/6/2019 vừa qua, Mỹ chính thức coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ không bao giờ “dung thứ” cho việc Trung Quốc soán ngôi vị số 1 thế giới.

Nhìn bề ngoài, quan hệ Trung – Mỹ tưởng chừng chỉ do “sự hiếu chiến” của cá nhân ông Trump và chính quyền của ông ta. Điều này là đúng, nhưng có lẽ chỉ phản ánh một phần. Thái độ của Quốc hội Mỹ, giới hoạch định chính sách ở Washington cũng như nhiều học giả Mỹ đối với Trung Quốc vào thời điểm hiện nay cũng không khác nhau nhiều so với quan điểm của chính quyền Trump, thậm chí trong nhiều trường hợp còn “hiểu chiến” hơn. Trong xã hội, tỷ lệ cử tri Mỹ ngày càng lo lắng về Trung Quốc tăng lên tới 58%, trong khi chỉ cách đây 6 tháng con số này mới dừng ở mức 46%.

Đây là hiện tượng “đồng thuận mới” ở Washington mà giới hoạch định chính sách của Trung Quốc cần phải tính đến. Theo quan điểm của giới tinh hoa Mỹ, đây có lẽ là lần cuối cùng nước Mỹ có thể “bắt nạt” được Trung Quốc và nước Mỹ cần phải hành động ngay trước khi quá muộn.

Ở góc độ ngược lại, phía Trung Quốc cũng bắt đầu “mất kiên nhẫn” và tìm cách “phản công”. Một mặt, Trung Quốc tìm cách phản bác toàn bộ các cáo buộc của chính quyền Trump, không chấp nhận các điều kiện đơn phương, bất bình đẳng buộc Trung Quốc từ bỏ quyền phát triển của mình. Mặt khác, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường nội lực và thích ứng với cuộc chiến mà Trung Quốc biết chắc sẽ trường kỳ và khó khăn gấp bội so với bất kỳ các cuộc “đối đầu” nào mà Trung Quốc từng gặp trong quá khứ để hóa giải nguy cơ chưa từng có từ phía Mỹ.

Trump: Lợi thế trước mắt và các con bài trong tay

Với biệt danh “ông Thuế quan” (Tariffs Man), Trump là người tin tưởng đặc biệt vào sự hữu dụng và tính hiệu quả của công cụ thuế quan trong việc gây sức ép buộc đối phương, dù đó là đồng minh như EU, Mexico, Canada hay đối thủ như Trung Quốc… phải thuận theo ý Mỹ. Bài học thành công trong quá khứ khi Mỹ sử dụng công cụ thuế quan buộc Nhật phải “phất cờ trắng” và ký Thỏa ước Plaza 1985 và gần đây là việc ép Mexico chấp nhận các điều kiện đơn phương của Mỹ nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào Mỹ qua ngả Mexico đã khiến Tổng thống Trump khá “tự tin” trong việc gây sức ép với Trung Quốc.

Hỗ trợ cho chính sách thuế quan cứng rắn của Trump là nền kinh tế Mỹ đang ở chu kỳ tăng trưởng kéo dài gần 120 tháng liên tục với tốc độ tăng trưởng GDP 3,2% năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp thấp 3,6% (thấp nhất trong hơn 50 năm qua), chỉ số chứng khoán Dow Jones tăng gần 30% trong vòng 2 năm rưỡi kế từ khi Trump lên cầm quyền. Trump cũng tin tưởng thuế quan cao sẽ làm cho các công ty Mỹ và nước ngoài chuyển dịch đầu tư về phía Mỹ, tạo thêm công ăn việc làm, giúp chính quyền Mỹ tăng thu hoặc ít nhất cũng chuyển đầu tư ra khỏi hoặc gây khó khăn kinh tế cho đối phương mà Mỹ đang gây sức ép.

Điều này trái ngược với bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa của Trung Quốc trong hơn 1 năm qua kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước nổ ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống còn 6,2% năm 2018 – mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua, chỉ số tăng trưởng công nghiệp và chỉ số chứng khoán giảm, mức thất nghiệp gia tăng trong khi khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ một thời đang bốc hơi nhanh. Chắc chắn chiến tranh thương mại càng gia tăng, các vấn đề kinh tế – xã hội mà Trung Quốc đang phải đối mặt cũng tăng lên theo cấp số nhân.

Trump với “kinh nghiệm thương trường” của mình đã nắm bắt rất nhanh điều này nên rất “tự tin” ép Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại, buộc nước này phải thay đổi hơn 100 nội luật, kèm với các cơ chế theo dõi, chế tài tự động trừng phạt nếu nước này có dấu hiệu vi phạm.

Điều làm cho Trung Quốc không khỏi “lạnh người” là việc liên tưởng đến số phận người “anh em” đồng minh Nhật Bản của Mỹ. Từ siêu cường kinh tế số 2 thế giới đang vươn lên mạnh mẽ và dẫn đầu thể giới trong lĩnh vực bán dẫn và nhiều lĩnh vực khác, Nhật Bản đã trượt dài, kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ trong hơn 3 thập kỷ kể từ sau khi bị ép ký Hiệp định Plaza năm 1985.

Trung Quốc tất nhiên không muốn rơi vào tình trạng như vậy. Tuy nhiên, lựa chọn của Trung Quốc lúc này khá hạn chế: Nếu chấp nhận thỏa thuận thương mại mang tính áp đặt của Mỹ, Trung Quốc có thể thoát được khó khăn tạm thời nhưng về lâu dài thì sẽ khó thoát được những thòng lọng vô hình lẫn hữu hình do Mỹ bủa vây. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc buộc phải từ bỏ giấc mơ cạnh tranh ngôi vương với Mỹ. Trong trường hợp không chấp nhận thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ buộc phải đối mặt với một loạt các khó khăn chồng chất ngay tức thì với những hệ quả khôn lường.

Tuy chưa “lộ bài”, nhưng khả năng Trump sử dụng “liên hoàn” nhiều con bài cùng lúc trong trường hợp Trung Quốc không chấp nhận thỏa thuận thương mại mang tính áp đặt.

Một là, ngay trong lĩnh vực thương mại Trump mới chỉ sử dụng một phần con bài thuế quan. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế 45% đối với tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc (tương đương 500 tỷ USD) sang Mỹ. Nếu Mỹ thực hiện như đã hứa khi chiến tranh thương mại leo thang, điều này đồng nghĩa với việc “cấm cửa” gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Hai là, Mỹ bắt đầu để ý và tấn công vào các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Sau thành công trong việc “trừng phạt”, đẩy công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc đến bờ vực phá sản và chỉ được “giải cứu” sau khi ZTE chấp nhận thay toàn bộ ban lãnh đạo, nộp 1,4 tỷ USD tiền phạt và 500 triệu USD tiền đặt cọc.  Giờ đây Huawei, công ty 5G hàng đầu thế giới của Trung Quốc đang đối mặt với lệnh trừng phạt khắc nghiệt. Không chỉ mảng 5G mà tương lai của Huawei hiện cũng khá bấp bênh. Chắc chắn danh sách các công ty công nghệ của Trung Quốc bị đưa vào tầm ngắm sẽ kéo dài thêm trong thời gian tới, bất kể việc Trung Quốc và Mỹ có đạt được thỏa thuận về thương mại hay không.

Bà là, các công cụ khác vẫn đang được Mỹ “dền dứ” như khả năng đặt Trung Quốc vào tầm ngắm là quốc gia thao túng tiền tệ; gây sức ép trong vấn đề Biển Đông; năng lượng (thắt chặt cấm vận dầu lửa và kinh tế với Iran); sử dụng “con bài” Đài Loan (lần đầu tiên kế từ 1/1/1979 Đài Loan được gọi là một “quốc gia” trong Báo cáo Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 1/6 vừa qua – một động thái chắc chắn khiến Trung Quốc tức giận)… Ngoài việc “tấn công” trên phương diện song phương, Mỹ đang có những động thái vận động, lôi kéo các đồng minh, đối tác, bạn bè thể hiện thái độ đối với Trung Quốc trên các diễn đàn đa phương.

So sánh một cách hình ảnh, Trump đang lên gân cốt, diễu võ giương oai, tấn công đối phương bất ngờ, tấn công liên tiếp, tấn công toàn diện, tấn công hội đồng.

Là một cường quốc lớn thứ hai thế giới với tinh thần dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, Trung Quốc sẽ rất khó chấp nhận những yêu sách này của Mỹ. Hơn nữa, hơn ai hết, lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ việc chấp nhận thỏa thuận thương mại này mà không có những sửa đổi hay điều chỉnh quan trọng, sẽ không chỉ làm kìm chân Trung Quốc về mặt kinh tế, mà còn là sự tự sát về mặt chính trị.

Điều này giải thích việc Trung Quốc không chỉ “phớt lờ” các yêu sách của Tổng thống Trump, mà còn lớn tiếng yêu cầu rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải dựa trên cơ sở có đi có lại và tôn trọng lẫn nhau. Trung Quốc cũng tự tin cho rằng với dân số 1,4 tỷ người, nền kinh tế phát triển năng động và nhiều tiềm năng chưa khai phá hết, Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng chế ngự và hóa giải bất kỳ sức ép nào từ bên ngoài.

Với việc cả Mỹ và Trung Quốc cùng cao giọng như vậy, quan hệ cạnh tranh Trung – Mỹ này sẽ đi về đâu?

Quan hệ Trung – Mỹ: Bóng ma Chiến tranh lạnh 2.0

Tác giả bài viết tạm gọi cuộc đối đầu Trung-Mỹ toàn diện hiện nay là Chiến tranh lạnh kỹ thuật số hoặc Chiến tranh lạnh 2.0, một cuộc chiến tranh mới hoàn toàn khác với Chiến tranh lạnh “kiểu cũ” 1.0 trước kia giữa Mỹ và Liên Xô trong giai đoạn từ năm 1945 đến 1990.

Trước hết, cần hiểu rõ từ “Chiến tranh lạnh” được đề cập ở đây là để nói đên tình trạng xấu đi hoặc trạng thái “đóng băng” trong quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc hàng đầu thế giới. Và để hiểu cuộc Chiến tranh lạnh “kiểu mới” 2.0, cần biết rõ các đặc trưng của Chiến tranh lạnh “kiểu cũ” 1.0 để từ đó thấy được sự khác biệt căn bản giữa Chiến tranh lạnh 1.0 và Chiến tranh lạnh 2.0.

Các đặc trưng của Chiến tranh lạnh “kiểu cũ” 1.0

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh 1.0 (từ năm 1945-1990), sự đối đầu  Xô – Mỹ có một số đặc điểm đáng chú ý sau:

Một là, sự cạnh tranh quyết liệt về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa;

Hai là, chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ và Liên xô cũ xoay quanh việc giành ưu thế bộ ba vũ khí chiến lược: tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, máy bay ném bom hạt nhân chiến lược và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm;

Ba là, sự ngăn cách gần như tuyệt đối giữa phương Đông và phương Tây bởi “bức màn sắt” (iron curtain). Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh 1.0, có rất ít các hoạt động tương tác giữa hai bên như: viếng thăm cấp cao; quan hệ chính trị – ngoại giao; quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục hoặc giao lưu nhân dân giữa người dân thuộc hai khối đối lập.

Mỹ – Trung trước thềm cuộc chiến toàn diện

Trước khi diễn ra tình trạng đối đầu toàn diện Mỹ – Trung Quốc hiện nay, sự tương tác, đan xen về lợi ích giữa hai bên lớn tới mức tưởng chừng không thể tách rời nhau:

Về gặp gỡ, trao đổi đoàn cấp cao: Lãnh đạo cấp cao Trung – Mỹ gặp nhau thường xuyên hàng năm qua các chuyến viếng thăm song phương, cũng như bên lề các diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng như Cấp cao Đông Á (EAS), APEC và G20. Ngoài ra, các quan chức cấp cao hai nước còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi trong hơn 100 cơ chế khác nhau trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế hàng năm giữa Mỹ và Trung Quốc.

Về kinh tế, thương mại: Hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ràng buộc lẫn nhau bởi khối lợi ích kinh tế khổng lồ, đan xen lẫn nhau có giá trị lên tới trên 2000 tỷ USD – một hiện tượng được nhà sử học của Đại học Harvard Niall Ferguson gọi là “Chimerica” (viết tắt tiếng Anh từ Trung Quốc là China và Mỹ là America). “Chimerica” bao gồm tổng thương mại hai chiều hàng năm trị giá khoảng 650 tỷ USD, hơn 1000 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc vào Trái phiếu chính phủ Mỹ và hàng trăm tỷ USD đầu tư hai chiều vào nền kinh tế của nhau.

Về giao lưu dân gian, mối quan hệ “khăng khít” Mỹ – Trung này còn được củng cố thêm bằng khối lượng khổng lồ hàng chục triệu du khách Mỹ và Trung Quốc thăm viếng nhau hàng năm và hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học và trên đại học khắp nước Mỹ.

Tất cả những điều trên tạo ra sự khác biệt lớn khi so sánh quan hệ Mỹ – Xô và Mỹ – Trung ở hai thời điểm khác nhau khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh lạnh 1.0 và 2.0

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh 1.0, “giọt nước tràn ly” làm cho người Mỹ thức tỉnh bởi mối đe dọa và ưu thế vượt trội của Liên xô là “sự kiện Sputnik” năm 1957. Sự kiện này không chỉ cho thấy sự thiếu an toàn của nước Mỹ trước ngụy cơ bị tấn công hạt nhân từ xa bằng tên lửa vượt đại châu của Liên xô, mà còn là nguy cơ bị “tụt hậu” trong cuộc đua khoa học – kỹ thuật. Chính điều này đã buộc nước Mỹ đầu tư mạnh mẽ hơn vào giáo dục, khoa học để giành lại ưu thế trong những năm sau.

Còn “giọt nước tràn ly” khiến người Mỹ tỉnh ngộ về nguy cơ bị “soán ngôi” hiện nay có lẽ là sự xuất hiện của “quả bom tấn”, một cuốn sách “best seller” có tựa đề “Siêu cường Trí tuệ nhân tạo: Trung Quốc, Thung lũng Silicon và Trật tự thế giới mới” (AI Superpowers: China, the Silicon Valley and the New World Order) xuất bản năm 2017.

Chiến tranh lạnh kỹ thuật số 2.0

Tác giả cuốn sách trẽn là Lý Khai Phục (Kai-Fu Lee), một người Mỹ gốc Đài Loan và là Tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Carnegie Mellon (Mỹ). Lý Khai Phục – người từng giữ các chức vụ quản lý cao cấp tai Microsoft, Facebook và Google và hiện đứng đầu một quỹ đầu tư chuyên đỡ đầu cho các dự án khởi nghiệp công nghệ cao ở Trung Quốc – được coi là kỹ sư, nhà khoa học giỏi nhất Trung Quốc hiện nay trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Lý Khai Phục cũng được coi là người thúc đẩy sự đổi mới và đột phá công nghệ của Trung Quốc trong 20 năm qua. Với tài khoản Weibo có hơn 51 triệu người theo dõi (nhiều hơn toàn bộ dân số Tây Ban Nha), Lý là người có nhiều ý tưởng có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Trong cuốn sách của mình, Lý Khai Phục đưa ra một số luận điểm đáng chú ý:

    • Trong khoảng thời gian 10 năm từ 2020-2030, lĩnh vực AI dự kiến sẽ tạo ra 16.000 tỷ USD giá trị, 70% trong số đó sẽ “rơi vào túi” nhóm G7 hàng đầu trong lĩnh vực AI, bao gồm 4 công ty của Mỹ (cụ thể là Microsoft, Facebook, Apple và Google Alphabet) và 3 công ty Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent (BAT).
    • AI, chứ không phải sức mạnh cứng về quân sự, là yếu tố quyết định sự vượt trội và “ai thắng ai” trong cuộc Chiến tranh lạnh mới 2.0 giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc quyết định ai sẽ làm chủ cuộc chơi trong việc xác lập trật tự thế giới mới.
    • Mặc dù Mỹ đi đầu so với Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu AI, nhưng Trung Quốc hiện lại đi trước và vượt trội so với Mỹ trong việc triển khai và áp dụng thành tựu nghiên cứu AI và khoa học công nghệ.
    • Mỹ có thể gây khó khăn, cản trở hoặc trì hoãn tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, nhưng không có cách nào ngăn cản Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng AI.

Cuốn sách của Lý Khai Phục được xuất bản vào thời điểm Huawei đã vượt qua Nokia và Erickson để trở thành nhà cung cấp số 1 về hệ thống giải pháp 5G hoàn chỉnh và đang chuẩn bị “soán ngôi” Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 trên thế giới.

Thêm vào nỗi lo ngại của Mỹ là động thái tích cực của Trung Quốc trong việc thực hiện các mục tiêu hết sức tham vọng trong chiến lược “Made in China 2025”, nhằm biến Trung Quốc từ trung tâm chế tạo trở thành trung tâm công nghệ của thế giới trong các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, robot, tự động hóa, công nghệ thông tin (IT), điện toán lượng tử (Quantum Computing), AI…

Nói một cách khác, đối đầu Mỹ – Trung trong Chiến tranh lạnh 2.0 thực chất là cuộc chạy đua tổng lực về công nghệ với một số đặc trưng sau:

Một là, cạnh tranh về mặt ý thức hệ sẽ được thay thế bằng cạnh tranh giữa các hệ sinh thái internet (internet ecosystems) và “chuẩn” công nghệ mới. Khi cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ và lan rộng, nhiều khả năng thế giới sẽ bị chia rẽ bởi những người sử dụng hệ thống internet của Trung Quốc và hệ thống của Mỹ; hệ điều hành Hong Meng của Huawei hay hệ điều hành Android của Google hay IOS của Apple dành cho điện thoại di động; sử dụng thiết bị 5G của Huawei hay 5G của Nokia, Erickson, Quancom…

Trong trận chiến đó, bạn bè, đồng minh, đối tác hay quan hệ thân sơ không còn bị chi phối nhiều bởi sự song trùng về ý thức hệ, mà về loại chuẩn công nghệ hay hệ sinh thái internet mà họ ứng dụng.

Hai là, địa bàn cạnh tranh và đối đầu không còn còn giới hạn trên không, trên biển hay mặt đất như Chiến tranh Lạnh 1.0, mà mở rộng ra toàn cõi không gian thực lẫn không gian ảo. Do đó, an ninh mạng đóng vai trò đặc biệt then chốt trong việc bảo vệ chủ quyền và không gian phát triển.

Ba là, Mỹ và phương Tây bắt đầu bắt tay nhau dựng “bức tường sắt về công nghệ” vô hình lẫn hữu hình để bảo vệ các bí quyết công nghệ của họ, trong khi ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công nghệ của phương Tây. Động thái rõ nhất là việc Mỹ hạn chế tối đa sinh viên và kỹ sư Trung Quốc theo học và làm việc trong các lĩnh vực công nghệ “nhạy cảm” như: hàng không vũ trụ, tự động hóa, AI ..

Bốn là, “vũ khí chiến lược” trong cuộc Chiến tranh lạnh 2.0 không còn là bộ ba vũ khí hạt nhân mà là cuộc chạy đua nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo và vận hành các máy tính lượng tử với tốc độ nhanh gấp hàng triệu lần so với các máy tính thông thường.

Năm là, Chiến tranh lạnh 2.0 sẽ diễn ra hết sức quyết liệt với tốc độ và cường độ cao trong rất nhiều lĩnh vực. Không giống như Chiến tranh Lạnh 1.0 kéo dài hơn 45 năm cho đến khi Liên xô và hệ thống XHCN cũ tan rã, Chiến tranh Lạnh kỹ thuật số 2.0 sẽ sớm được phân định, có thể chỉ trong vòng 4-6 năm, thậm chí còn nhanh hơn.

Trường hợp Công ty Nokia của Phần Lan trong lĩnh vực sản xuất điện thoại là một ví dụ điển hình. Hơn 10 năm trước, Nokia từng thống trị thị trường điện thoại thế giới với gần 60% thị phần. Tuy nhiên, gã khổng lồ Phần Lan đã bị buộc phải rời khỏi mảng điện thoại di động trong vòng chưa đầy 2 năm do sự chậm trễ trong việc sử dụng hệ điều hành Android. Nhiều khả năng Huawei cũng sẽ rơi vào tình trạng kinh doanh ảm đạm, thậm chí không loại trừ khả năng phá sản, nếu không có thỏa thuận giữa chính quyền Mỹ và công ty trong vòng 3-5 tháng tới.

Thời gian từ 4-6 năm tới sẽ cho chúng ta một bức tranh và câu trả lời rõ hơn về khả năng liệu Trung Quốc có thể bắt kịp Mỹ về tiến bộ công nghệ và tiến tới thách thức địa vị sự thống trị số 1 của Mỹ hay không.

Mỹ muốn gì từ cuộc đối đầu quyền lực mới với Trung Quốc?

Có thể thấy khá rõ, mục tiêu của Mỹ với Trung Quốc là kiếm soát chứ không phải làm cho Trung Quốc sụp đổ hay chia năm xẻ bảy vì điều này sẽ tạo ra sự bất ổn cho toàn bộ khu vực và thế giới và đe dọa ngược trở lại đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Điều mà Mỹ cần và đang nỗ lực hết mình là buộc Trung Quốc phải từ bỏ tham vọng, hoặc nếu còn tham vọng thì cũng không thể  biến ước mơ hay tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới của mình thành hiện thực. Một Trung Quốc “phát triển hòa bình”, không có tham vọng địa-chính trị toàn cầu và không đủ khả năng soán ngôi Mỹ như Anh, Nhật Bản hay Brazil… là điều phù hợp với lợi ích của nước Mỹ.

Hơn ai hết, Trung Quốc biết rõ những khó khăn chồng chất mà mình đang phải đối mặt. Tuy nhiên, địa vị cường quốc và niềm kiêu hãnh dân tộc khiến Trung Quốc không bao giờ chấp nhận các áp đặt đơn phương từ phía Mỹ mà không tìm mọi cách chống lại. Do đó, “trận thư hùng” Mỹ – Trung sắp tới sẽ hết sức khốc liệt và gay cấn vì kẻ thua cuộc có lẽ sẽ sớm lui về dĩ vãng và chìm vào bóng tối như số phận của bao kẻ thua cuộc khác trong quá khứ.