Quan hệ Nga-Trung: một trục đỏ mới

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quan hệ Nga-Trung: một trục đỏ mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch TC Tập Cận Bình, tại điện Kremlin, ngày 08/05/2015. – REUTERS/Sergei Karpukhin

Theo RFI – Thu Hằng – 11-09-2015 

Tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít, ngày 09/05/2015 tại quảng trường Đỏ Matxcơva, Chủ tịch TC Tập Cận Bình là khách mời danh dự. Ngày 03/09/2015, tới lượt Tổng thống Nga vinh dự đứng trên khán đài tại quảng trường Thiên An Môn, nhân lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm “Thế giới chiến thắng chủ nghĩa phát xít” và “Nhân dân Trung Hoa chiến thắng đế quốc Nhật xâm lược”.

Báo Courrier International, số 1296, trích dịch một bài “dự đoán tương lai” của Fiodor Loukianov, được đăng trên trang báo mạng Nga gazeta.ru. Chuyên gia về quan hệ quốc tế Nga cho rằng năm 2025, quân đội TC sẽ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, nhân kỷ niệm ngày Thế Chiến II chấm dứt tại Châu Âu.

Thực vậy, vào nửa sau của những năm 2010, cách hiểu và diễn giải về Lịch sử giữa Nga và các nước trong Liên Hiệp Châu Âu không ngừng khác biệt. Quan điểm cho rằng cuộc Thế Chiến II là tội ác của cả Đức quốc xã và Liên Xô sẽ ăn sâu tại phương Tây; quân đội Xô Viết cũng bị nhìn nhận là kẻ xâm lược và không đáng nhận được sự ghi nhận hay lòng biết ơn về vai trò chiến thắng của họ trước Hitler.

Chính vì vậy, Matxcơva phải tìm cách phản biện. Nga sẽ phải liên tục cáo buộc rằng chưa bao giờ Châu Âu tỏ ra nghiêm túc trong việc kết tội chủ nghĩa quốc xã ; rằng Châu Âu sẵn sàng tập trung mọi lực lượng chính trị để chống Nga, căn cứ vào thái độ khoan dung của các nước phương Tây đối với các phong trào theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, thậm chí là tân quốc xã, tại Đông Âu. Những tài liệu lịch sử chính thức được công bố cho thấy rằng Thế Chiến II là hệ quả thất bại của một bản hiệp định được ký kết giữa Đức quốc xã và các nhà lãnh đạo Anh. Người Anh muốn đưa Đức vào cuộc chiến chống Liên Xô để triệt hạ quân đội Xô Viết.

Bị cô lập trong quan niệm về Lịch sử tại Châu Âu, Nga chỉ còn TC để cùng chia sẻ quan điểm về sự kiện này. Từ vài năm gần đây, Bắc Kinh không ngừng lên tiếng đòi thế giới công nhận vai trò quyết định của nhân dân Trung Hoa trong Thế Chiến II tại Châu Á, cũng như việc nước này đóng một vai trò quan trọng trong việc lập lại trật tự thế giới mới từ năm 1945. Nga không phản đối, nhưng trước những năm 2010, Nga cũng gần như chưa bao giờ đề cập tới sự tham gia của TC.

Hàng năm, nước Nga vẫn rầm rộ kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít vì sự kiện này có vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì bản sắc chính trị và tư tưởng tại Nga. Từ khi Liên bang Xô Viết tan rã, không một giai đoạn lịch sử nào tại Cộng hoà Liên bang Nga có thể thay thế được sự kiện trọng đại trên trong vai trò nền tảng đạo đức và tư tưởng.

Thế nhưng, cuộc duyệt binh thị uy quân sự đều bị các lãnh đạo phương Tây tẩy chay, ngoại trừ năm 2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Matxcơva sau buổi lễ để tưởng niệm những nạn nhân của cuộc chiến. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Tây phương không còn được Nga mời tới dự buổi lễ ngày 09/05 hàng năm. Năm 2025, người đứng đầu TC sẽ là khách mời danh dự và quân đội TC sẽ diễu binh trên quảng trường Đỏ.

Phát triển quan hệ « đối tác » hơn là « đồng minh »

Theo Hoàn Cầu thời báo (Huanqiu Shibao) số ra ngày 12/05/2015, được tờ Courrier International trích dẫn, nhận định Nga và TC xích lại gần nhau để tạo thành một cực mới, một kiểu quan hệ mới đối trọng với mô hình chính trị phương Tây. Tờ nhật báo chính thức của TC đánh giá mối quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh mang tính chất « đối tác hơn là đồng minh », khác hẳn với mọi liên minh quân sự đang tồn tại trên thế giới, trong đó có liên minh quân sự Hoa Kỳ và Nhật Bản được phỏng theo mô hình « nước lớn và chư hầu ».

Thực vậy, Nga và TC duy trì mối quan hệ ngang hàng. Hai nước ngang tầm với những khác biệt rất khó có thể hình thành liên minh. Hơn nữa, bản sắc của hai nước rất khác nhau : TC là một nước Châu Á, trong khi đó Nga là một nước Á-Âu với đặc điểm Châu Âu trội hơn. Nhưng dù sao thì cả Nga và TC đều có lợi khi trở thành đối tác. Không chỉ thúc đẩy hợp tác về mặt kinh tế, mối quan hệ này còn cho phép hai nước được an toàn hơn và điều này giúp duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc trên thế giới.

Phương thức « đối tác chiến lược » – chứ không phải « liên minh » – mà Nga và TC lựa chọn làm xáo trộn khái niệm truyền thống của phương Tây về mối quan hệ giữa các cường quốc. Điều này buộc phương Tây phải « mở to mắt » trước những hình thức bang giao mới giữa các nước lớn trong thế kỷ XXI.

Tờ Hoàn Cầu thời báo kết luận, tại cả hai nước vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược về quan hệ bang giao Trung-Nga. Năm 1991, Nga đã chọn theo hệ thống chính trị Tây phương mặc dù, trên thực tế, cách thức hoạt động và tình hình tập trung quyền lực vẫn còn phổ biến. Còn TC, từ nhiều năm nay, đã lựa chọn hướng phát triển nền kinh tế thị trường, đồng thời xã hội TC mở rộng cho việc đa ý kiến. Vì vậy, tại cả hai nước không tránh được những ý kiến nghi ngại đối với đối tác kia; điều này khiến vấn đề đối tác chiến lược Nga-Trung trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng đa số ý kiến công chúng hai nước ủng hộ sự hợp tác này.