Quan hệ Mỹ-Trung “xuống hố”, tương tác liên tục Trump-Putin thành tâm điểm
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán càn quét thế giới khiến nhiều nước rơi vào tình trạng đình trệ các hoạt động xã hội, kinh tế thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng đang khiến quan hệ Mỹ – Trung Quốc vốn đã xấu lại càng tệ hơn khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban đầu che giấu dịch bệnh lại đổ vạ cho Mỹ gieo rắc virus. Trong diễn biến khác, gần đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường tương tác với Tổng thống Nga Putin, trong “Ngày Elbe” họ đã cùng tìm lại lịch sử tình hữu nghị, động thái gây chú ý về quan hệ Mỹ – Nga trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay.
Vào ngày 25/4, Mỹ và Nga đã ra tuyên bố chung kỷ niệm 75 năm cuộc gặp giữa quân đội Mỹ và Liên Xô cũ tại sông Elbe ở Đức. Tuyên bố cho biết gặp gỡ quân sự Mỹ – Liên Xô tại sông Elbe báo trước thất bại cuối cùng của Đức Quốc xã, “tinh thần Elbe” là mẫu mực về việc từ bỏ sự khác biệt, xây dựng niềm tin và hợp tác vì sự nghiệp lớn lao hơn. “Ngày nay khi chúng ta đối mặt với nhiều thách thức quan trọng nhất của thế kỷ 21, chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với những người dũng cảm đã chiến đấu bên cạnh nhau để đánh bại chủ nghĩa phát xít. Công lao của họ sẽ được ghi nhớ mãi mãi.”
Cuộc gặp quân đội Mỹ – Liên Xô trên sông Elbe diễn ra vào ngày 25/4/1945 giữa tiểu đội 4 người của Mỹ và quân tiền trạm của Hồng quân Liên Xô, họ bắt tay nhau trên cây cầu bỏ hoang qua sông Elbe ở miền đông nước Đức. Hai tuần sau, Đức Quốc xã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Điều đáng chú ý là lần cuối cùng Mỹ – Nga có tuyên bố chung kỷ niệm “Ngày Elbe” là vào năm 2010, vì nhiều năm qua quan hệ Nga – Mỹ đã xấu đi nhiều vì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và vấn đề Crimea. Giờ đây một lần nữa hai bên có tuyên bố chung ôn lại tình hữu nghị thời Thế chiến thứ Hai đã làm dấy lên quan tâm và suy đoán.
Trên Epoch Times (Mỹ), nhà bình luận thời sự Hạ Tiểu Cường (Xia Xiaoqiang) cho biết, tại thời điểm quan trọng và nhạy cảm của đại dịch toàn cầu, những hành động hiếm hoi của ông Trump và ông Putin có ý nghĩa rất lớn.
Hiện nay cả hai nước Mỹ và Nga đang bị đại dịch viêm phổi Vũ Hán tấn công nghiêm trọng, Mỹ đã xác nhận hơn 1,2 triệu trường hợp nhiễm virus với hơn 70.000 người thiệt mạng, làm hoạt động kinh tế bị ngừng trệ. Còn Nga thì liên tục trong 4 ngày với mỗi ngày hơn 10.000 trường hợp nhiễm viêm phổi Vũ Hán, trên toàn nước Nga đã có 165.929 trường hợp nhiễm virus và tổng cộng 1.537 trường hợp tử vong. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin thề “truy tìm thủ phạm”.
Ông Hạ Tiểu Cường nhận định, tuyên bố chung này của ông Trump và ông Putin không chỉ báo cho thế giới tín hiệu quan hệ Mỹ – Nga đang ấm lên, còn báo cho thế giới một thông điệp rằng hai nước sẽ hợp tác chống lại ĐCSTQ và buộc họ phải chịu trách nhiệm.
Nhưng đây không phải là tương tác duy nhất gần đây giữa Mỹ và Nga. Trước đó ngày 11/4, ông Trump và ông Putin đã trao đổi điện thoại về các vấn đề như cắt giảm sản lượng dầu. Có nhận định rằng do can thiệp của ông Trump mà cuối cùng Moscow đã chấp nhận giảm sản lượng mà Ả Rập Saudi khơi mào. Trước đó ngày 30/3, ông Trump cũng trao đổi với ông Putin để bày tỏ mong muốn cùng nhau đối phó với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Nhật báo kinh tế Hồng Kông (Hket) có nhận định, nguyên thủ Mỹ và Nga vốn dĩ đối đầu nhau nhưng liên tục trong một tháng qua lại nhiều lần trao đổi liên lạc, trong khi nguyên thủ hai bên Trung – Mỹ và Trung – Nga chỉ có một lần liên lạc điện thoại, cho thấy đây không phải điều ngẫu nhiên.
Tương tác Mỹ – Nga đáng chú ý hơn vì từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát và lây lan trên thế giới, ĐCSTQ không chỉ che giấu dịch bệnh mà vu khống đại dịch do quân đội Mỹ gieo rắc virus, khiến Trump phải phản công bằng cách gọi “virus Trung Quốc”, tạm ngừng hỗ trợ kinh phí cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấu kết với ĐCSTQ. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra nguồn gốc của dịch bệnh, ám chỉ Phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán là nguồn gốc của virus, khiến ĐCSTQ từ hổ thẹn thành tức giận, thường xuyên dùng bộ máy truyền thông Nhà nước tấn công dữ dội Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khiến quan hệ Trung – Mỹ không ngừng xấu đi.
Thực tế những năm qua, Mỹ và Trung Quốc đã xung đột trên nhiều mặt trận, từ cuộc chiến thương mại, cuộc chiến thuế quan, cuộc chiến khoa học công nghệ, đến cuộc chiến trong lĩnh vực y tế công cộng, làm xung đột giữa hai bên bùng phát với mức độ chưa từng thấy.
Ông Hạ Tiểu Cường cho biết, sau khi ông Trump nhậm chức đã bắt đầu xoay trục chiến lược “liên kết Trung Quốc chống Nga” kể từ thời Nixon vào những năm 1970. Lý do chính là ngày nay xảy ra tình trạng xâm nhập và phá hủy toàn diện của ĐCSTQ đối với Mỹ và thế giới, gây đe dọa chí mạng đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Việc ông Trump và ông Putin tăng cường tương tác ngay vào thời điểm quan trọng lây lan dịch bệnh toàn cầu do ĐCSTQ gây ra, đánh dấu bước tiến thực sự trong chiến lược “liên kết Nga kiềm chế Trung Quốc” của ông Trump.
Epoch Times cũng dẫn nhận định của học giả Tiết Trì (Xue Chi) chuyên về vấn đề Trung Quốc cho rằng, trong Chiến tranh Lạnh đã từng có khi phổ biến quan điểm “thế giới ba cực” là Mỹ – Nga – Trung. Nhưng tình hình quốc tế ngày nay cho thấy xu hướng lớn vẫn là đối đầu hai cực giữa Mỹ và Trung Quốc. Bề ngoài thì thấy Nga và ĐCSTQ dường như có mối quan hệ rất tốt, nhưng thực tế là “đồng sàng dị mộng”. Nga chỉ nắm lấy cơ hội để thu về lợi ích nhiều nhất có thể từ Trung Quốc, dùng ngôn từ mà Putin từng nói là “tọa sơn quan hổ đấu” (ngư ông đắc lợi).
Phân tích của học giả Tiết Trì cho rằng quan hệ Trung – Nga hiện đang nổi rõ có vấn đề, như vấn đề giá dầu liên quan đến lợi ích kinh tế to lớn của hai nước, giá dầu luôn trở thành vấn đề trong hợp tác thương mại và năng lượng giữa Trung Quốc và Nga, rất khó để họ có bất kỳ nhượng bộ lớn nào với nhau. Ông cho biết: “Nga đang nắm lấy cành ô liu từ Mỹ bằng tay trái, mặc cả với ĐCSTQ bằng tay phải. Rõ ràng Nga yêu thích đối đầu giữa ĐCSTQ và Mỹ, nhưng không có nhiều khả năng để Nga liên minh với ĐCSTQ đánh Mỹ một khi Trung Quốc và Mỹ thực sự vào cuộc chiến chống lại nhau, giữ thái độ trung lập là khả năng lớn hơn. Còn với Mỹ cũng chỉ cần Nga giữ thái độ trung lập, vì hiện nay thực lực Mỹ vẫn vượt trội Trung Quốc nên Mỹ không cần bao nhiêu hỗ trợ từ Nga trong cuộc đấu với Trung Quốc, thêm nữa trong ngắn hạn xung đột giữa Nga và Mỹ cũng khó giải quyết. Còn tâm thái của ĐCSTQ với Nga thì trong tình trạng yêu hận đan xen, nhưng không có cách nào khác.”
Theo Epoch Times – 7/5/20