Quan hệ Mỹ-Phi vẫn bền, nhưng “đáng lo ngại khi TT Phi tự ví với Hitler” – Mỹ khẳng định tiếp tục chính sách xoay trục sang châu Á – Singapore kêu gọi tìm biện pháp tránh va chạm tại Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhận định những phát biểu của Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte, tự ví mình với lãnh tụ Đức Quốc xã Adolf Hitler là “vô cùng đáng quan ngại”.
Nói chuyện với các nhà báo ở Hawaii sau cuộc họp với các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, ông Carter nói những phát biểu gần đây của Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte và những hành động bên trong nước này không được mang ra thảo luận trong cuộc gặp hôm thứ Sáu, cho nên ông chỉ nói lên quan điểm cá nhân của ông.
Hôm thứ Sáu, ông Duterte mang ông ra so sánh với lãnh tụ Đức Quốc xã, nói rằng “Hitler đã tàn sát 3 triệu người Do thái. Ở nước tôi có 3 triệu người nghiện ma tuý. Tôi sẽ vui vẻ tàn sát họ.”
Từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào cuối tháng 6 cho tới nay, cảnh sát Philippines và những người tình nguyện, tự cho mình có trách nhiệm thực thi pháp luật, đã giết chết ít nhất 3000 người vì đã sử dụng hay bán ma tuý.
Phát biểu của ông đã bị các tổ chức Do thái ở Mỹ lên án là “không thích hợp” và “có tính cách xúc phạm”.
Người phát ngôn của ông Duterte hôm nay đã bác bỏ mối liên kết với Hitler. Ông giải thích: “Chúng tôi không muốn xem thường những sự mất mát to lớn gây ra bởi cái chết của 6 triệu người Do thái trong cuộc Đại diệt chủng… Tổng thống Duterte nhắc tới vụ tàn sát này như một cách phản ứng gián tiếp việc ông bị miêu tả như một kẻ giết người hàng loạt, một kẻ như Hitler, là một cái nhãn mà ông bác bỏ.”
Trong một diễn biến khác, ông Carter hôm thứ Năm nói quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines vẫn “bền chặt”, bất chấp tuyên bố của Tổng thống Philippines mới đây rằng các lực lượng đặc biệt của Mỹ trú đóng tại các căn cứ ở Philippines nên rút ra khỏi nơi này.
Bộ trưởng Carter nói ông đã có những cuộc trao đổi tích cực với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lornzana về các hoạt động hỗn hợp. Ông nói đó là đề tài mà Mỹ sẽ tiếp tục bàn luận với chính phủ Philippines.
Cuộc họp quy tụ các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Hawaii trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu vừa rồi đánh dấu lần đầu tiên ông Carter nói chuyện với người đồng cấp bên phía Philippines sau khi Tổng thống Duterte nói nước ông sẽ theo đuổi “một chính sách đối ngoại độc lập”, và nói thêm rằng “chừng nào mà chúng ta còn về phe Mỹ, chúng ta sẽ không bao giờ có hoà bình.”
Nhưng lời phát biểu đó của ông Duterte đã lập tức bị Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lật ngược, theo ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Nói với VOA, ông Poling nói “Rõ ràng là các quan chức quân sự Philippines không đồng tình với Tổng thống Duterte.”
Các giới chức Mỹ nói với VOA rằng cho tới nay, vẫn chưa có bất cứ động thái nào để rút các lực lượng Mỹ ra khỏi các căn cứ ở miền Nam Philippines.
Ông Carter nói liên minh “Mỹ-Philippines” là một liên minh giữa “hai nước độc lập và mạnh mẽ” mà sự trường tồn “tuỳ thuộc vào việc cả hai quốc gia còn tiếp tục chia sẻ những quyền lợi chung.”
Một quan chức quốc phòng cấp cao nói quan hệ Mỹ-Philippines đã tồn tại bất chấp những thăng trầm trong hơn 60 năm qua.
Chính phủ Mỹ và Philippines đã lên kế hoạch để thực hiện một cuộc tập trận chung vào đầu tháng 10, nhưng các giới chức quốc phòng nói họ không mấy chắc chắn về việc liệu sẽ có thêm các cuộc diễn tập khác nữa trong tương lai hay không. – VOA
***
Hôm qua 30/09/2016, tại hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN – Mỹ ở Hawaii, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ cam kết là chính sách “tái cân bằng” tại châu Á, do tổng thống Obama khởi xướng, vẫn tiếp tục cho dù nước Mỹ sẽ có một tổng thống mới vào tháng Giêng 2017.
Chính sách “tái cân bằng” hay “xoay trục” của nước Mỹ từ khu vực Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo AFP, trong bài diễn văn khai mạc hội nghị không chính thức với 10 đồng nhiệm ASEAN, người đứng đầu bộ Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cùng với các nước Đông Nam Á “thúc đẩy một mạng lưới an ninh châu Á-Thái Bình Dương, vừa dựa trên các nguyên tắc, vừa cởi mở”.
Bên cạnh nguy cơ khủng bố với việc hàng trăm chiến binh thánh chiến Hồi Giáo trở về từ Syria hay Irak, lo ngại bất ổn định và nguy cơ xung đột bùng phát tại Biển Đông với tham vọng gia tăng của Trung Quốc là một mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trong khu vực. Trong những năm gần đây, việc Trung Quốc liên tục cải tạo nhiều thực thể địa lý mà nước này kiểm soát tại Biển Đông thành đảo nhân tạo, với một số công trình quân sự kiên cố, khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế lo ngại.
Bộ trưởng Ashton Carter khẳng định, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ tất cả các nước trong khu vực bảo đảm an ninh và an toàn cho các tuyến đường hàng hải Đông Nam Á. Ông cũng nhiều lần nhấn mạnh là quân đội Mỹ không công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra trên biển và trên không tại khu vực này để khẳng định quyền tự do lưu thông.
Một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ xin ẩn danh cho biết là Washington cần nắm lấy “rất nhiều cơ hội hợp tác” và chính quyền Obama muốn bảo đảm là Hoa Kỳ hiện diện “vững chắc” tại khu vực này, trước khi phó thác sứ mạng cho tân tổng thống kể từ tháng 1/2017.
Trong hội nghị tại Hawaii, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ có các cuộc gặp riêng với từng đồng nhiệm Đông Nam Á.
Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN – Hoa Kỳ, được khởi sự từ năm 2014, là một sáng kiến quan trọng thể hiện quyết tâm xoay trục của Hoa Kỳ sang châu Á, đặc biệt là sang vùng Đông Nam Á. – RFI
***
Bên lề cuộc gặp của các bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và các nước Đông Nam Á (ASEAN), tại Hawai, Hoa Kỳ, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, ngày hôm qua, 30/09/2016, đã kêu gọi các quốc gia cần có các biện pháp cụ thể để tránh xẩy ra các sự cố tại Biển Đông.
Theo AP, bộ trưởng Ng Eng Hen nói với báo giới rằng các sự cố va chạm trên biển không chỉ liên quan đến tàu chiến. Hơn nữa, hải quân của nhiều nước đã phối hợp thiết lập một quy trình tránh va chạm.
Thế nhưng, nguy cơ đụng độ, va cham giữa các tàu cá hoặc các tàu dân sự ngày càng tăng. Theo lãnh đạo quốc phòng Singapore, nước này không có tranh chấp về biển đảo, nhưng rất quan tâm đến vấn đề này vì Biển Đông là nơi có nhiều tuyến hàng hải thương mại quan trọng.
Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore nhấn mạnh, các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc mang tính pháp lý nhưng trên thực tế, vẫn có những quan ngại thực sự. Ông nói: Đối với Singapore, một nước không có đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông, cho dù có phán quyết hay không, thì lợi ích chính của nước này là bảo đảm an toàn và ổn định và cần phải có những cơ chế phòng ngừa va chạm, leo thang căng thẳng.
Abbott lo ngại nguy cơ xung đột Mỹ-Trung
Cựu thủ tướng Úc Tony Abbott cảnh báo nguy cơ xẩy ra đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc do căng thẳng ngày càng gia tăng tại Biển Đông.
Theo báo Daily Telegraph, phát biểu tại một diễn đàn ở New York vào tối thứ Năm 29/09/2016, ông Abbott cho rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay giống như tình hình trước khi xẩy ra đại chiến thế giới lần thứ nhất. “Một nền dân chủ tự do thống trị trên phạm vi thế giới bị thách thức bởi một một cường quốc chuyên quyền đang trỗi dậy và điều này đáng để suy ngẫm về sự tương đồng giữa Anh Quốc và Đức, cách nay một thế kỷ và Trung Quốc và Mỹ hiện nay”.
Cựu thủ tướng Úc nhấn mạnh, “mối lo ngại ám ảnh mọi người vào lúc này là lịch sử có thể lập lại”.
|
|
4.
Bầu cử tổng thống Mỹ: FBI lo ngại tin tặc gây rối
Liệu tin tặc có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 08/11/2016 hay không? Câu hỏi này đã được đặt ra từ nhiều tháng qua, và từ hôm qua, 30/09/2016, thì trở nên thực sự đáng lo ngại.
Bởi vì cơ quan phụ trách an ninh quốc nội Mỹ cho biết là hệ thống tin học của hơn 20 tiểu bang Mỹ là đối tượng tấn công của tin tặc. Trên nguyên tắc, tin tặc không thể tác động đến việc bỏ phiếu, do quy trình này không kết nối với mạng internet, nhưng nếu danh sách cử tri được quản lý qua các hệ thông tin học bị xáo trộn, thao túng thì sao?
Từ Washington, thông tín viên Grégoire Pourtier gửi về bài tường trình:
“Đã từ lâu, người ta biết là các tiểu bang Arizona và Illinois là đối tượng tấn công của tin tặc và trong tuần qua, lãnh đạo Cục điều tra liên bang FBI đã công khai bày tỏ mối lo ngại này.
Thế nhưng tình hình dường như còn tồi tệ hơn người ta tưởng: Thực vậy, trong những tháng qua, có hơn 20 tiểu bang, tức là gần một nửa tổng số tiểu bang của nước Mỹ, đã bị tin tắc nhắm tới.
Các quan chức Mỹ xin ẩn danh đã khẳng định thông tin này, nhưng không cho biết rõ nguồn gốc và động cơ của các vụ tin tặc tấn công. Các động thái đầy nghi ngờ trong hệ thống tin học này dường như là những cú thăm dò, nhằm trắc nghiệm khả năng bảo đảm an ninh mạng của hệ thống tổ chức bầu cử.
Trong trường hợp ở tiểu bang Arizona và Illinois, cũng như vụ tấn công nhắm vào đảng Dân Chủ của bà Hillary Clinton, các quan chức Mỹ đã tố cáo thủ phạm là các tin tặc người Nga.
Vậy liệu chính phủ Nga có đứng đằng sau các vụ tấn công này hay không? Và nếu đúng như vậy, thì phải chăng các hành động này sẽ có lợi cho ứng viên Donald Trump?
Ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa đã nhiều lần tố cáo là cuộc bầu cử có thể bị thao túng bởi giới lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ. Duy trì những căng thẳng và làm gia tăng những nghi ngờ về tính hợp lệ của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ: đó là mục tiêu đầu tiên của tin tặc”. – RFI