Quân đội Thái đảo chính và nắm quyền
Binh lính đứng gác tại khu vực người biểu tình chống chính phủ tuần hành phản đối
Theo BBC
Cập nhật: 11:34 GMT – thứ năm, 22 tháng 5, 2014
Người đứng đầu quân đội Thái Lan tuyên bố đảo chính quân sự và nói quân đội hiện đang nắm quyền kiểm soát chính phủ.
Trong một diễn văn trên truyền hình, tổng tư lệnh Prayuth Chan-ocha nói quân đội sẽ vãn hồi trật tự và ban bố cải tổ chính trị.
Lệnh giới nghiêm từ 22:00 giờ đến 5:00 giờ địa phương cũng sẽ được áp dụng.
Quân đội đã phong tỏa một khu vực tại Bangkok, nơi các phe phái chính trị đang có các cuộc đàm phán trong ngày thứ hai và đem các nhà lãnh đạo đi nơi khác.
Một số lãnh đạo đảng chính trị, trong đó có lãnh đạo đảng đối lập Suthep Thaugsuban bị bắt giữ ở địa điểm diễn ra đàm phán.
Đây là các diễn biến vừa xảy ra sau hàng tháng hỗn loạn chính trị và sau việc áp lệnh thiết quân luật hôm thứ Ba.
Các phóng viên bị yêu cầu rời khỏi khu vực đang diễn ra các cuộc đàm phán
Binh lính vào khu trại của người biểu tình ủng hộ chính phủ tại tỉnh Nakhon Pathom
Những người biểu tình chống chính phủ dọn dẹp khu lều trại tại Bangkok trước khi tới hạn giới nghiêm 22:00
Phóng viên Jonah Fisher của BBC tường thuật từ Bangkok:
Những gì chúng ta đang chứng kiến là việc quân đội nhanh chóng củng cố vai trò của mình, di chuyển tới khu trại của “phe áo đỏ”, với các hoạt động biểu tình dính dáng tới chính phủ, bên ngoài thủ đô bangkok.
Họ cũng đang tiến về phía trại của người biểu tình phản đối chính phủ ở trung tâm thành phố.
Lệnh giới nghiêm đã được tuyên bố, như vậy là quân đội rõ ràng đã cố gắng đảm bảo sao cho không có phản ứng lập tức nào trước thông báo này. Những người đã bỏ phiếu cho chính quyền được chính thức bầu ra này sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu và chán nản trước những gì đang xảy ra.
Đa phần dân chúng mong đợi “phe áo đỏ” biểu tình vào lúc này và cực kỳ lo lắng trước khả năng xảy ra va chạm.
Truyền thông chính thống từ nay chỉ được phát đi các thông điệp của quân đội
Vụ đối đầu gần đây nhất diễn ra ở thủ đô của Thái Lan hồi năm ngoái, khi bà Yingluck Shinawatra – lúc đó còn là thủ tướng – cho giải tán hạ nghị viện.
Người biểu tình đã chặn một số khu vực ở Bangkok trong suốt nhiều tháng qua.
Hồi đầu tháng này, tòa Hiến Pháp yêu cầu bãi nhiễm bà Yingluck do các cáo buộc lạm quyền.
Thái Lan đã phải chịu cuộc đấu tranh quyền lực kể từ khi anh trai bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra bị quân đội lật đổ khỏi ghế thủ tướng vào năm 2006.
Ông Thaksin và bà Yingluck được ủng hộ mạnh mẽ ở các khu vực nông thôn và trong nhóm những cử tri nghèo hơn.
Các phóng viên cho rằng họ bị tầng lớp thành thị và giàu có hơn ghét bỏ và buộc tội tham nhũng và lạm quyền.