Quan chức Mỹ – Trung “đấu khẩu” về Biển Đông, Huawei

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quan chức Mỹ – Trung “đấu khẩu” về Biển Đông, Huawei
17/02/2019

Mỹ và Trung Quốc đã lời qua tiếng lại về vấn đề Huawei và Biển Đông tại một diễn đàn an ninh khi cả hai nước đều tìm cách thể hiện tầm nhìn về an ninh khu vực.

Quan chức Mỹ - Trung “đấu khẩu” về Biển Đông, Huawei  - 1
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu tại hội nghị an ninh Munich. (Ảnh: Bloomberg)

Trong bài phát biểu kéo dài gần 30 phút tại Hội nghị An ninh Munich hôm qua 16/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi các lãnh đạo chính trị tham dự hội nghị “tẩy chay” Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc.

“Mỹ đã nói rất rõ ràng với các đối tác an ninh của chúng tôi về những mối đe dọa do Huawei và các công ty viễn thông Trung Quốc khác gây ra. Luật của Trung Quốc yêu cầu họ phải cung cấp cho bộ máy an ninh khổng lồ của Bắc Kinh khả năng tiếp cận với bất kỳ dữ liệu nào có liên quan tới mạng lưới hoặc thiết bị của họ”, ông Pence nói, đồng thời khuyến cáo các đồng minh của Mỹ phải bảo vệ hạ tầng viễn thông quan trọng của mình.

Phát biểu ngay sau Phó Tổng thống Mỹ, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc không theo đuổi “sự bá quyền về công nghệ”.

“Chúng ta cần theo đuổi cách tiếp cận mới, trong đó các bên cùng đạt được lợi ích và hợp tác để cùng giành được thắng lợi, từ bỏ những thành kiến về tư tưởng và lối suy nghĩ lỗi thời về việc một mất một còn hay kẻ thắng giành được tất cả”, ông Dương cho biết.

Trong phiên hỏi đáp sau bài phát biểu, ông Dương Khiết Trì nói rằng Huawei vẫn đang hợp tác chặt chẽ với các nước châu Âu về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Luật Trung Quốc không yêu cầu các công ty phải thiết lập cửa hậu hay thu thập dữ liệu tình báo”, ông Dương nói thêm.

Liên minh tình báo Five Eyes gồm các nước Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand, cùng Nhật Bản đã cấm hoặc lên kế hoạch cấm Huawei tham gia vào việc xây dựng hạ tầng mạng di động 5G tại những nước này. Một số nước khác như Đức cũng tham vấn các nhà mạng viễn thông trước khi quyết định có cấm cửa Huawei hay không.

Đàm phán thương mại

Cuộc đấu khẩu Mỹ – Trung tại hội nghị Munich diễn ra một ngày sau khi các quan chức cấp cao của hai nước kết thúc vòng đàm phán thương mại mới nhất ở Bắc Kinh. Tổng thống Donald Trump nói rằng các cuộc đàm phán diễn ra “cực kỳ tốt đẹp” và hai bên sẽ gặp lại nhau tại Washington vào tuần tới. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận trước khi thời hạn đình chiến thương mại kết thúc vào ngày 1/3.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thống Mike Pence cho rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc “không chỉ đơn thuần là về mất cân bằng thương mại”.

“Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề dài hạn liên quan tới đánh cắp sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và các vấn đề cấu trúc khác tại Trung Quốc, vốn đặt gánh nặng lên nền kinh tế của chúng tôi cũng như các nền kinh tế khác trên toàn thế giới”, ông Pence nói, đồng thời cho biết quan hệ thương mại mà Mỹ mong muốn là “tự do, công bằng và có đi có lại”.

Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì cũng khẳng định tại hội nghị rằng Trung Quốc muốn thắt chặt hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, ông Dương cũng chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của Washington và thể hiện sự không hài lòng với các chiến dịch tuần tra bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông. Quan chức Trung Quốc kêu gọi hai bên lựa chọn đối thoại để giải quyết xung đột và nhấn mạnh sự cần thiết của chủ nghĩa đa phương.

“Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải. Chúng tôi kịch liệt phản đối bất kỳ hành động nào gây tổn hại chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc với cớ tự do hàng hải”, ông Dương nhấn mạnh.

Phó Tổng thống Pence đề cao chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ với sự ủng hộ của Australia và Nhật Bản. Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì cũng nhấn mạnh Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ mang lại thịnh vượng chung cho toàn thế giới.

Theo SCMP