Qatar – Quốc gia lạ kỳ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Qatar – Quốc gia lạ kỳ
Cafef
08/06/2017
Qatar - Quốc gia lạ kỳ

Nhờ tiềm lực tài chính hùng mạnh từ khai thác tài nguyên, quỹ đầu tư của nhà nước Qatar đã hiện đang nắm trong tay 335 tỷ USD tài sản trên khắp thế giới, đủ để thực hiện những thương vụ đình đám.

Những ngày vừa qua, quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh – Qatar – đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới khi là trung tâm của cuộc khủng hoảng ngoại giao với các nước láng giềng. Tuy nhiên, trước khi sự kiện này xảy ra, Qatar vốn đã là 1 đất nước đặc biệt tự đặt mình vào những “ván bài” lớn.
Nhờ vào lượng khí tự nhiên dự trữ dồi dào, 2,6 triệu người dân Qatar được hưởng mức thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới: 129.700 USD mỗi năm. Cũng nhờ tiềm lực tài chính hùng mạnh từ khai thác tài nguyên, quỹ đầu tư của nhà nước Qatar đã hiện đang nắm trong tay 335 tỷ USD tài sản trên khắp thế giới, đủ để thực hiện những thương vụ đình đám như mua Shard – tòa tháp cao nhất châu Âu nằm ở thủ đô London của nước Anh.
Dù nằm trong 1 khu vực đầy bất ổn, Qatar nổi lên là 1 “kẻ môi giới quyền lực” với rất nhiều canh bạc. Tuy nhiên, sự kiện vừa qua cho thấy không phải lúc nào Qatar cũng thắng bạc. Thái độ ủng hộ những nhóm đối lập của Qatar đã khiến các nước láng giềng giận dữ, dẫn đến sự kiện các nước Ả rập đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao, cô lập Qatar trên nhiều khía cạnh.
Vì đâu nên nỗi?
Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập (UAE) và Ai Cập mới đây đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Saudi buộc tội Qatar đã ủng hộ các nhóm khủng bố do Iran hậu thuẫn đang hoạt động ở Saudi Arabia và Bahrain cũng như các nhóm khủng bố khác đang nhắm đến mục tiêu khiến khu vực Trung Đông bất ổn.
Động thái này được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump có chuyến đi tới Trung Đông và có chung tiếng nói với nhà vua Saudi trong việc chỉ trích Iran là nước tài trợ chính cho khủng bố. Phía Qatar gọi đây là những lời buộc tội vô căn cứ.
Trên thực tế, có lẽ cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay xuất phát từ nhiều vết rạn nứt. Sau khi những khoản đầu tư khổng lồ biến Qatar thành nhà xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, tình trạng dư thừa trên toàn cầu lại khiến giá cả sụt giảm và làm quốc gia này nghèo đi.
Lên nắm quyền từ năm 2013, Quốc vương Emir Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani đã tập trung vào những vấn đề đối nội hơn là đối ngoại. Sau khi ngân sách Qatar rơi vào trạng thái thâm hụt lần đầu tiên trong 15 năm, Chính phủ nước này buộc phải cắt giảm chi tiêu. Kênh truyền hình quốc tế được nhà nước Qatar hậu thuẫn Al Jazeera đã mạnh tay cắt giảm nhân viên và ngừng các hoạt động ở Mỹ.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra cho thấy Qatar đã hối lộ để được nhận quyền đăng cai World Cup 2022. Công cuộc chuẩn bị cho World Cup cũng bị “phủ bóng đen” khi có những cáo buộc cho rằng Qatar lạm dụng lao động nhập cư để xây dựng các cơ sở vật chất.
Bất chấp tình hình tài chính khó khăn, quỹ đầu tư của Qatar vẫn chi tiêu rất hào phóng với những thương vụ đình đám như đầu tư vào nhà máy giết mổ gia cầm lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ hay tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga. Quỹ này là cổ đông lớn thứ ba của công ty ô tô Volkswagen (Đức) và hiện vẫn là 1 trong những nhà đầu tư lớn nhất của ngân hàng Anh Barclays (và giúp giải cứu ngân hàng này trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008). Qatar đã cam kết đầu tư 35 tỷ USD vào các tài sản ở Mỹ.
Những “canh bạc” của Qatar
Là một bán đảo nằm gần bờ Đông của Saudi Arabia, Qatar vượt thoát khỏi cái bóng của nước láng giềng hùng mạnh vào năm 1995, khi cựu Quốc vương Hamad Bin Khalifa Al Thani lật đổ cha mình trong 1 cuộc đảo chính không đổ máu và đã quyết định sẽ chèo lái Qatar theo một lộ trình đầy tham vọng.
Năm sau đó, kênh truyền hình Al Jazeera ra đời, phá vỡ truyền thống của khu vực bằng cách đưa cả những tin tức khiến các nhà lãnh đạo Ả rập phải xấu hổ. Khi Saudi Arabia từ chối cho Mỹ mở căn cứ không quân ở khu vực này năm 2003, Qatar lại chấp thuận và ngày nay đang có khoảng 10.000 lính Mỹ đóng quân ở đây.
Khi phong trào Mùa xuân Ả rập nổ ra năm 2010, Qatar là nước duy nhất ở Trung Đông ủng hộ mạnh mẽ những nhóm muốn thay đổi hiện trạng. Các lãnh đạo của Qatar ủng hộ nhóm Anh em Hồi giáo thách thức chính quyền ở Libya, Syria, Tunisia và Ai Cập, tự tin rằng người dân Qatar đang có đời sống sung túc sẽ không nổi dậy.
Năm 2014, trước sức ép từ các nước láng giềng, Qatar không còn hậu thuẫn các nhóm này. Riêng ở Qatar, việc lập mới các đảng chính trị bị nghiêm cấm. Chỉ có khoảng 300.000 người đang sống ở Qatar là người dân nước này, còn lại là các lao động nhập cư bị giới hạn về quyền.
Tham vọng có thành?
Qatar khao khát trở thành “người dàn xếp” không thể thiếu được của khu vực Trung Đông, trở thành 1 quốc gia có khả năng đối thoại với nhiều đảng phái. Tuy nhiên, Saudi Arabia, láng giềng hùng mạnh của Qatar, cho rằng đất nước này nhất định phải chống lại Iran và tổ chức Anh em Hồi giáo.
Giống như những nước sống nhờ vào dầu mỏ khác, Qatar đang quyết tâm đa dạng hóa nền kinh tế để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, dù một số nhà phân tích hoài nghi về những giá trị mà các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup sẽ mang lại.
Dự trữ khí đốt của Qatar sẽ không thể sớm cạn kiệt (theo ước tính sẽ hết trong 135 năm nữa). Dù vẫn bị chỉ trích, Chính phủ Qatar vẫn chưa gặp phải nhiều sự phản kháng. Nhưng chắc chắn 1 điều rằng khi mà nguồn ngân sách cạn kiệt do tài nguyên thiên nhiên không còn dồi dào, đời sống của người dân Qatar sẽ đi xuống. Lúc đó sẽ có nhiều công dân Qatar hoài nghi về “bản hợp đồng” đổi im lặng lấy sự giàu có mà họ đã ký với Chính phủ.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg