Putin sẽ cùng chung số phận với các nhà độc tài bại trận?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Putin sẽ cùng chung số phận với các nhà độc tài bại trận?

12/12/2022 – Thụy My – Lịch sử cho thấy các chế độ độc tài rất dễ tổn thương khi bị bại trận : Đệ nhất lẫn Đệ nhị Đế chế Pháp, cũng như Đức quốc xã đều sụp đổ sau cuộc chiến. Nga thua Nhật năm 1905 do đánh giá quá thấp đối thủ, còn năm 2022 sau khi gây chiến với Ukraina, số phận Putin sẽ ra sao ?

Putin sẽ cùng chung số phận với các nhà độc tài bại trận ?
Một bức ảnh chân dung của tổng thống Nga Vladimir Putin được tìm thấy tại một địa điểm quân Nga dùng để giam cầm và tra tấn người Ukraina trước khi rút khỏi Kherson, ngày 15/11/2022. REUTERS – Valentyn Ogirenko

Nhật Bản 1905, Ukraina 2022 : Nga thất bại vì khinh địch

Bài phân tích của Les Echos khẳng định « Các nhà độc tài không thể sống sót sau những cuộc chiến thất bại ». Tác
giả bài viết mạnh dạn so sánh chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 và cuộc
chiến ở Ukraina năm 2022. Đã có biết bao thay đổi trong 117 năm qua, về
quân sự lẫn địa chính trị. Nhưng trong cả hai trường hợp, Nga đã chọn
lựa chiến tranh với một đối thủ được cho là yếu hơn rất nhiều, và cả hai
cuộc phiêu lưu quân sự đã diễn ra rất tệ hại – cho dù kết luận này có
phần vội vã trong cuộc xâm lược Ukraina.

Trận hải chiến Tsushima
là chiến thắng đầu tiên của một hạm đội châu Á trước châu Âu trong lịch
sử hiện đại. Hải quân Nhật chiến đấu theo kiểu Anh, mạnh hơn và nhất là
được chỉ huy tốt hơn Nga. Năm 2022, không thắng nổi Kiev coi như
Matxcơva đã thất bại, trong khi người Nga vẫn tự cho mình là thượng đẳng
so với người Ukraina.

Các chính quyền toàn trị rất dễ tổn thương
khi bị bại trận. Cả Đệ nhất lẫn Đệ nhị Đế chế Pháp, cũng như Đức quốc xã
đều không tránh khỏi số phận này. Năm 2022, chiến xa Ukraina chưa và sẽ
không tiến vào cửa ngõ Matxcơva như xe tăng Liên Xô vào Berlin, nhưng
việc Putin có sống sót về chính trị hay không đã được bàn luận. Cuộc
chiến tranh là cuộc chiến « của Putin ». Chính ông ta đã quyết định, đã
tiến hành và đã « thua », Putin là người trực tiếp chịu trách nhiệm về
cái chết của hàng trăm ngàn người, và việc hàng triệu người khác phải di
tản.

Chính Putin là mối đe dọa của nước Nga

Tác
giả bài viết những ngày gần đây tại Berlin đã có dịp lắng nghe tranh
luận của những người Nga đã buộc lòng phải chạy khỏi một đất nước không
còn nhận ra được. Đa số cho rằng không nên nói đó là chiến tranh giữa
Nga và Ukraina, mà là một cuộc chiến do Putin tiến hành chống lại
Ukraina. Họ cũng bi quan dự báo có lẽ phải lưu vong chừng mười năm hoặc
hơn nữa.

Không thể không liên tưởng đến câu nói của tổng thống Emmanuel Macron « bảo đảm an ninh cho Nga ». Ai
có thể đe dọa nước Nga ngày nay ? Chẳng lẽ là sự kháng cự của quân đội
Ukraina, hay sự hiện diện ở biên giới của NATO, một liên minh phòng vệ ?
Ngược lại, chính cách suy nghĩ và tính toán của ông chủ điện Kremlin
mới nguy hiểm cho nước Nga, một lối suy nghĩ chừng như hoang tưởng. Tóm
lại, mối đe dọa chính đang đè nặng lên cả nước là bản thân ông Putin.

Năm
1905, hội nghị San Francisco đã kết thúc cuộc xung đột Nga-Nhật. Chiến
thắng của hạm đội Nhật Bản trước Nga đã tạo cơ hội cho nước Mỹ của tổng
thống Theodore Roosevelt bước vào sân chơi của các « ông lớn », áp đặt
giải pháp ngoại giao cho hai bên tham chiến. Emmanuel Macron ngày nay
muốn đóng vai trò của Roosevelt xưa kia, Paris cũng là một San Francisco
cho một hội nghị hòa bình mang tính quyết định ? Một tham vọng đáng
quý, nhưng nước Pháp năm 2022 không phải là nước Mỹ năm 1905. Đó là một
cường quốc mà những đề nghị lưng chừng bị phản đối ngay trong nội bộ.

Ukraina : Không có quốc gia nào mong muốn hòa bình hơn chúng tôi

Về khả năng đàm phán, La Croix dẫn lời ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba nói với báo chí hôm 09/12 « không có quốc gia nào mong muốn hòa bình hơn chúng tôi ».
Tương tự đối với Oleksandra Matviïtchouk, chủ tịch Trung tâm Ukraina vì
các quyền tự do dân sự (CCL) trong lễ nhận giải thưởng Nobel Hòa bình ở
Oslo hôm 10/12. Cả hai nhân vật trên đều khẳng định các điều kiện để
biến khao khát hòa bình thành hiện thực hãy còn xa vời, cho dù Vladimir
Putin nhìn nhận « rốt cuộc, cần phải tìm ra một thỏa thuận ». Nhưng tổng thống Nga nói về « thỏa thuận », « dàn xếp » chứ không phải hòa bình.

Trên
thực tế, không thể có hòa bình không công lý, và việc chiếm đóng một
phần lãnh thổ Ukraina rõ ràng cản trở yêu cầu này. Cũng như không có hòa
bình không sự thực, một sự thực mà tới nay không có quyền đề cập đến
tại Nga. Tòa án bỏ tù tất cả những ai chỉ trích cuộc chiến tranh ở
Ukraina hay bảo vệ nhân quyền. Trong bối cảnh đó, hầu như chỉ có Đức
giáo hoàng là còn tin vào hòa bình, khiến Kiev bất bình vì Matxcơva vẫn
tiếp tục tấn công Ukraina. Theo tờ báo, có những tiếng kêu trong sa mạc,
đến một ngày nào đó cũng sẽ được lắng nghe.

Nga : Bản án kịch khung cho nhà đối lập tố cáo chiến tranh Ukraina

Le Monde nói
về bản án tám năm rưỡi tù giam mà tòa án Matxcơva vừa tuyên hôm thứ Sáu
tuần trước đối với nhà đối lập 39 tuổi Ilia Iachine vì phổ biến « thông tin sai lạc » về
quân đội Nga. Đây là bản án nặng nhất về tội danh này, dành cho một
trong những khuôn mặt cuối cùng chống lại chế độ Vladimir Putin. Được
chất vấn trong cùng ngày, bên lề một hội nghị ở Kyrgyzstan, ông Putin
làm ra vẻ ngơ ngác : « Ai vậy ? Một blogger à ? ». Y như thái
độ trong nhiều năm trời đối với nhà đối lập Alexei Navalny. Trong khi
Iachine là nhà đấu tranh thân cận với Boris Nemtsov, bị ám sát ngay
trước điện Kremlin tháng 2/2015.

Iachine tố cáo « công tố thời Stalin » và tuyên bố : « Chính quyền muốn đe dọa nhưng chỉ bộc lộ sự yếu kém », ông nhắc lại câu nói lúc bị bắt « Tôi không sợ ! ». Trong phiên tòa trước đó, ông thẳng thừng lên án Putin : «
Vladimir Vladimirovitch (…). Tên ông nay gắn liền với chữ “chết chóc”
và “hủy diệt”. Ông đã gây đau thương khủng khiếp cho nhân dân Ukraina,
họ sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng ta (…). Ông đưa hàng trăm ngàn
người Nga vào chỗ chết, nhiều người sẽ chẳng bao giờ còn được trở về
nhà. Nhưng đối với ông đó chỉ là những con số thống kê ».

Le Monde cho
biết hôm 07/04 trong một video dài ba tiếng đồng hồ trên YouTube (1,4
triệu lượt xem), Ilia Iachine đã đưa những hình ảnh về vụ thảm sát Bucha
cùng với những phát biểu chính thức của quân đội Nga, tình trạng tang
thương của thành phố Mariupol. Không chịu di tản theo lời khuyến cáo của
những người thân, hai tháng sau, ông bị bắt.

Cuộc sống dưới hầm và trong bóng tối vì bom Nga

Về tình hình Ukraina, bài phóng sự của Le Figaro tả lại « Cuộc sống trong lòng đất ở Avdiivka, trong tiếng gầm thét của bom đạn ». Thành
phố 30.000 dân nay chỉ còn 3.000. Họ sống trong những căn hầm vốn là
kho hàng của siêu thị hay những tòa nhà lớn, sưởi ấm bằng củi, chỉ leo
lên mặt đất để mua thức ăn và gọi điện cho người thân, niềm vui duy nhất
là thăm viếng từ boong-ke này đến boong-ke khác. Nhà máy than cốc của
thành phố có 4.000 công nhân thường trực nay phải ngưng hoạt động, bị
lãnh đến 500 quả đạn pháo kể từ khi Putin bắt đầu cuộc xâm lăng. Dân
biểu Musa Magomedov cho biết Avdiivka nằm cạnh Donetsk, là « cục xương trong cổ họng » kẻ thù, nên quân Nga muốn chiếm bằng mọi giá.

« Tại Kherson, hy vọng tìm được bằng chứng nơi những thi thể », đó là tựa bài phóng sự của Le Monde.
Các đặc phái viên tờ báo tường thuật một số cuộc khai quật tại làng
Tavriska và Nova Zorya nhằm chuẩn bị hồ sơ cho vụ kiện tương lai về tội
ác chiến tranh của Nga. Tư pháp Ukraina tuân thủ mọi quy trình cần
thiết. Nhà báo Pháp chứng kiến việc quật mồ bà Anna Manzirokha và người
anh họ Guennadi Vengrenovski. Cách đây 8 tháng, trên đường di tản chiếc
xe của họ gặp một đoàn xe tăng Nga. Để tiêu khiển, lính Nga xả súng vô
cớ vào dòng xe cộ, xe của Anna trúng hơn 50 phát đạn cỡ lớn khiến cả hai
thiệt mạng. Ít lâu sau, một xe tăng Nga cán bẹp chiếc xe dưới bánh xích
và đẩy vào một chiếc hố.

Ngay tại thủ đô Kiev, thông tín viên La Croix mô
tả cuộc sống thường nhật với những vụ cúp điện từ hơn một tháng qua,
được minh họa bằng bức ảnh một phụ nữ ngồi co ro trong bóng tối, ánh
sáng duy nhất được hắt ra từ một món đồ trang trí dùng đèn led, chạy
bằng bình điện xe hơi. Paris ngày mai tổ chức một hội nghị nhằm giúp
người dân Ukraina vượt qua mùa đông khó khăn này, với sự tham dự của 47
nước và 22 tổ chức quốc tế, có sự hiện diện của phu nhân tổng thống
Olena Zelenska. Trên 500 doanh nghiệp Pháp đã đăng ký tham gia hội thảo
về tái thiết Ukraina.

Phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu bị bắt : Xì-căng-đan gây rúng động

Khoảng
20 vụ khám xét, 6 người bị câu lưu tại Bruxelles và 2 tại Ý. Nghị Viện
Châu Âu từ thứ Sáu 09/12 trở thành trung tâm một vụ tham nhũng lớn. Một
bên là Qatar, quốc gia dầu lửa giàu có đang là nước chủ nhà World Cup
2022, bên kia là một số nghị sĩ châu Âu. Tư pháp Bỉ nghi ngờ Qatar muốn « gây ảnh hưởng lên các quyết định chính trị và kinh tế của Nghị Viện Châu Âu »
bằng tiền bạc và những món quà giá trị lớn. Đến Chủ nhật 11/12 bốn
người bị tạm giam trong đó có phó chủ tịch Eva Kaili người Hy Lạp, thành
viên nhóm Xã hội-Dân chủ.

Từng là người dẫn chương trình truyền
hình, bà Kaili, 44 tuổi không được hưởng quyền đặc miễn vì phạm pháp quả
tang. Một số tiền mặt lớn được tìm thấy tại nhà bà. Trong số những
người bị bắt còn có Francesco Giorgi, người bạn đời của bà Kaili và là
cố vấn về Trung Đông & Bắc Phi của Nghị Viện ; cựu nghị sĩ
Pier-Antonio Panzeri với nhiều chiếc túi đựng 600.000 euro tại nhà. Vụ
này gây khó khăn lớn cho nhóm Xã hội-Dân chủ.

Tất cả các báo đều có bài bình luận, chỉ riêng nhật báo thiên tả Libération đặt nghi vấn vì cho rằng ảnh hưởng của Nghị Viện Châu Âu rất hạn chế. Trả lời Les Echos,
chuyên gia Olivier Costa nhận định, đã từng có những ca xung đột lợi
ích nhưng tinh tế hơn. Còn trong vụ này, nhận tiền của một nước thứ ba
để bán đứng lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu đã nằm trong ranh giới giữa
gián điệp và phản quốc.

Uy quyền Tập Cận Bình lung lay trước làn sóng phản kháng

Nhìn sang châu Á, xã luận của Le Monde nhận định về « Chiến thắng của thực dụng và các công dân tại Trung Quốc ». Đại
hội đảng 20 vừa vinh danh một Tập Cận Bình « bất khả chiến bại », thì
vài ngày biểu tình chưa từng thấy và những lời kêu gọi từ chức đầu tiên,
đủ để chế độ phải từ bỏ chính sách zero Covid khắc nghiệt. Tờ báo cho
rằng dù có mù quáng nhưng chế độ cũng chưa đến nỗi mù hẳn, trước sự cần
thiết phải lắng nghe người dân và để cho họ được bày tỏ ý kiến. Mặc cho
việc kiểm soát gắt gao từ hơn một thập niên qua, xã hội dân sự bị bịt
miệng, dân Hoa lục đã vượt qua được nỗi sợ.

Cũng theo Le Monde, « Trung Quốc đang tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới »,
bên cạnh Covid, nước này đang đứng trước nạn lão hóa dân số và nhu cầu
tự chủ được công nghệ. Bắc Kinh muốn tăng cường quan hệ với các nước
đang phát triển nhất là châu Á để chủ động nguyên liệu và bán hàng,
nhưng sự cứng rắn về ý thức hệ đã làm hại chủ trương này. Tham vọng quốc
tế hóa đồng nhân dân tệ cũng thất bại. Dù được Quỹ Tiền tệ Quốc tế
(IMF) ưu ái, đồng tiền Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá 3 % dự trữ của
các ngân hàng trung ương cũng như trong thanh toán. Chất độc khủng hoảng
địa ốc đang ngấm dần : vụ phá sản của Hằng Đại (Evergrande) lây lan ra
toàn bộ nền kinh tế ; cả cung và cầu đều suy sụp.

Le Figaro nhận định « Uy quyền tối thượng của Tập Cận Bình bị phong trào biểu tình chống phong tỏa làm lung lay ».
Hoàng đế đỏ ngạo mạn bỗng chạm trán với thực tế phũ phàng, phải quay
lui 180 độ, một thất bại vô cùng cay đắng. Theo nhà phân tích độc lập
Lôi Cường (Wu Qiang) ở Bắc Kinh, việc đột ngột thay đổi chiến lược dưới
áp lực của phong trào nổi dậy là chưa từng thấy. Mục tiêu là để tránh
cho quyền lực của Tập Cận Bình và đảng cộng sản không bị thách thức
nhiều hơn nữa. Một sự thối lui thực dụng, đầy ý nghĩa chính trị, và điều
này có nghĩa chiến lược của ông Tập là sai lầm. 

RFIViet