Putin nhớ Gorbachev, và thương mình
Hùng Tâm
Cách mạng Tháng Tám và ngày tàn Xô Viết
Biến cố đó là cuộc đảo chánh ngày 19 Tháng Tám năm lại Liên Bang Xô Viết nhằm lật đổ Chủ Tịch Mikhail Gorbachev để cứu lấy đảng Cộng Sản – với hậu quả là làm Liên Xô tan rã rồi sụp đổ. Tổng Thống Putin của Liên Bang Nga đang tiến hành một việc tương tự, nhưng trông mong một hậu quả khác.Tuần qua, thế giới lại quên một biến cố xảy ra 25 năm trước. Nếu nhớ ra, người ta có thể hiểu vì sao Liên bang Nga và Vladimir Putin lại chẳng nên mừng…
Tiếp theo kỳ trước, kỳ này nói về chuyện cũ để tìm hiểu tương lai của Putin.
Bè lũ tám tên của Cách Mạng Tháng Tám
Từ nhiều năm rồi, một số lãnh tụ thủ cựu của đảng Cộng Sản Liên Xô bất bình với chánh sách đổi mới của tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch Liên Bang Xô viết là Mikhail Gorbachev. Tám người cầm đầu xu hướng này mới tổ chức một cuộc đảo chánh để cứu vãn tình hình.
Nhằm ngăn ngừa sự sụp đổ của Liên Xô sau mấy thập niên lụn bại trong ổn định của Leonid Brezhnev, Gorbachev tiến hành cải cách theo hai hướng. Một là giải phóng thông tin gọi là glasnost, hai là cải tổ cơ cấu gọi là perestroika. Là một lãnh tụ trẻ, lên cầm quyền năm 1985 ở tuổi 54 nhờ hậu thuẫn của một nhân vật am hiểu về tình báo và thực trạng đất nước là Tổng Bí Thư Yuri Andropov, Gorbachev nắm vững tình hình và muốn cứu đảng. Trong nỗ lực giải tỏa, ông tìm hậu thuẫn của các thành phần bảo thủ, và mời họ vào chính quyền. Trong nỗ lực cải tổ, ông liên kết với các phần tử chủ trương tự do hóa, với mục tiêu dung hòa quyền lợi giữa trung ương và các nước Cộng Hòa trong Liên Bang Xô Viết đang suy sụp dần. Đấy là bài toán ngàn đời của một Đế Quốc Nga quá rộng lớn và có quá nhiều dị biệt,
Khi sáu nước Cộng Hòa lại nhân việc cải tổ cơ cấu để đòi ly khai từ năm 1990 thì Gorbachev tranh thủ sự ủng hộ của tám nước Cộng Hòa còn lại bằng cách phân quyền, cho họ thêm quyền hạn. Nhóm thủ cựu trong chính quyền bèn liên kết với nhau để gây áp lực và đòi Gorbachev ban bố tình trạng khẩn cấp và chế độ thiết quân luật tại các nước Cộng Hòa. Gorbachev từ chối và lại đi nghỉ mát tại biệt thự của ông trên bán đảo Crimea. Tại thủ đô Moscow, nhóm bảo thủ bèn quyết định đảo chánh.
Họ là các đảng viên Cộng Sản cao cấp, bộ trưởng hay tư lệnh quân đội. Cầm đầu cơ quan mật vụ KGB, Vladimir Kryuchkov, là kẻ chủ mưu với hy vọng nắm vững được cơ sở. Khi máy bay của Gorbachev còn chưa hạ cánh tại Crimea, nhóm đảo chánh huy động các lực lượng ưu binh của KGB và quân đội, đưa chiến xa bao vây biệt thự của Gorbachev lẫn tư dinh của Chủ Tịch Cộng Hòa Nga là Boris Yeltsin và cắt hết đường dây điện thoại liên lạc với Gorbachev, kể cả đường dây khẩn cấp. Điện thoại của các nhân vật trọng yếu trong chính quyền cũng bị nghe lén, truyền hình toàn quốc liên hồi tấu lên nhạc khúc Swan Lake của Tchaikovsky và báo chí bị đóng cửa. Khi ấy, Nga là nước Cộng Hòa trọng yếu của cả liên bang đã bị phân quyền và Chủ Tịch Boris Yeltsin là nhân vật quyền thế nhất sau Gorbachev.
Nhưng thế lực quan trọng nhất của toàn cuộc lại là quần chúng. Họ không chấp nhận cuộc đảo chánh và xuống đường biểu tình. Tại thủ đô Moscow, Yeltsin vượt khỏi vòng vây quân sự và gia nhập cuộc biểu tình trong khi Gorbachev vẫn ở tại biệt thự của mình. Yeltsin kêu gọi dân chúng nổi dậy chống cuộc biểu tình của “các phần tử phản động.” Đám ưu binh của KGB và quân đội chùn tay, không dám đàn áp và cuộc đảo chánh thất bại sau ba ngày căng thẳng…
Đám chủ mưu sa lưới nhưng nỗ lực cải cách của Gorbachev cũng tan rã.
Trong vòng bốn tháng sau, nhiều nước Cộng Hòa như Ukraine và Belarus cũng tách khỏi cơ chế Xô Viết và sự chỉ huy của Moscow. Đêm 25 tháng 12, 1991 Gorbachev lên truyền hình tuyên bố từ chức chủ tịch và hôm sau chính thức giải tán Liên Bang Xô Viết. Người hùng chống đảo chánh là Boris Yeltsin lên lãnh đạo một nước Cộng Hòa tân lập mà suy yếu là Liên Bang Nga.
Gorbachev cùng Liên Xô trở thành dĩ vãng là nhờ cuộc đảo chánh bất ngờ mà luộm thuộm này của các đảng viên Cộng Sản cao cấp nhất! Mãi về sau, Gorbachev mới giác ngộ rằng chủ nghĩa Cộng Sản là tai họa cho nhân loại. Còn người kế nhiệm Boris Yeltsin để lãnh đạo Liên Bang Nga là Vladimir Putin lại gọi sự sụp đổ của Liên Xô là “một thảm kịch lớn của thế kỷ!”
Được phe bảo vệ an ninh cất nhắc làm thủ tướng cho Yeltsin từ năm 1999, rồi lãnh đạo từ năm 2000, ngày nay, sau hai nhiệm kỳ tổng thống (2000-2008) và một nhiệm kỳ thủ tướng (2008-2012), Tổng Thống Putin đang giáp mặt với một thảm kịch mới – mà lại như cũ. Có lẽ, ông nên thông cảm với Gorbachev.
Thảm cảnh Putin
Trong 16 năm qua, kể từ khi làm quyền tổng thống vào năm 2000, Vladimir Putin đi lại lộ trình của Mikhail Gorbachev.
Ông cũng dung hòa hai phe là tự do và cấp tiến với phe độc tài và bảo thủ để củng cố quyền lực trong mục tiêu xây dựng lại sức mạnh cho Liên Bang Nga. Vì vậy, chế độ của ông có vẻ dân chủ về hình thức, qua hiến pháp và bầu cử, trong khi vẫn giữ thực chất độc tài và thủ đoạn gian hiểm. Cái khác là chủ nghĩa dân tộc Nga đã thay thế chủ nghĩa Cộng Sản.
Vì chiến lược dung hòa đó, Putin xoay trở giữa hai hướng trái ngược, về cả nội chính lẫn đối ngoại.
Về nội chính, phe tự do và cấp tiến thì muốn Liên Bang Nga giải phóng kinh tế và về đối ngoại thì có quan hệ thân hữu Tây phương. Phe bảo thủ ưu tiên lo cho an ninh thì muốn Liên Bang Nga chinh phục lại những nước Cộng Hòa từng ở trong Liên Bang Xô Viết để làm vùng trái độn quân sự, đấy là chuyện tấn công Georgia năm 2008 và Ukraine năm 2014, và họ đòi vừa dứt quan hệ với Tây phương vừa bành trướng ảnh hưởng qua các khu vực khác.
Putin đong đưa ở giữa như vậy được 15 năm, nay đi vào giông bão vì làm cả hai thế lực cùng bất mãn và sinh tà ý.
Xuất thân là nhân viên KGB và lạnh lùng thấu hiểu sự tình, ông cảm nhận được sự lung lay của quyền bính nên bắt đầu thanh trừng bên trong và thậm chí xây dựng hệ thống quân sự cho cá nhân, là lực lượng vệ binh quốc gia mới thành lập đầu tháng 4 vừa qua. Nhìn theo cách nào đó, Putin dụng quyền chẳng khác gì Tập Cận Bình, Boris Yeltsin hay nhiều lãnh tụ trước đó, kể cả Leonid Brezhnev.
Khi Brezhnev đảo chánh Nikita Krushchev để lên cầm quyền vào năm 1964, ông thừa hưởng di sản của cách mạng vô sản: Liên Xô bị khủng hoảng vì mâu thuẫn hữu cơ và tự tại của chủ nghĩa Cộng Sản.
Sản lượng công nghiệp suy sụp trong khi yêu cầu an ninh thu hút gần hết tài nguyên quốc gia. Hệ thống tập trung kế hoạch kiểu Xô Viết – hay kiểu Mao Hồ sau này tại Châu Á – không giải quyết được bài toán quốc kế dân sinh. Và chế độ không quản lý nổi nền kinh tế phức tạp của một quốc gia quá rộng lớn với quá nhiều dị biệt. Khi ấy, Brezhnev cũng muốn dung hòa, vừa tiếp nhận một số lý luận cải cách của giới kinh tế và luật gia của chế độ vừa muốn bảo vệ an ninh bằng sức mạnh quân sự.
Khốn nỗi, giải pháp kinh tế cho chiến lược dung hòa ấy chính là sản xuất dầu khí!
Trong hai thập niên, sản lượng dầu tăng gấp bốn, cho phép chế độ vừa có gạo vừa có súng, nhất là súng. Nhưng cơ cấu kinh tế, cụ thể là đầu tư vào kỹ nghệ và nông nghiệp, thì vẫn tụt hậu. Khi giá dầu suy sụp, từ gần 40 đô la xuống 10 đồng một thùng (tương đương với 117-22 đồng theo hiện giá), kinh tế suy thoái và ba năm mất mùa gây ra nạn khan hiếm lương thực. Mà khi ấy Liên Xô lại đưa quân vào Afghanistan để bành trướng ảnh hưởng! Brezhnev tạ thế vào năm 1982 thì tình hình đã thành cùng quẫn…
Gorbachev lên cầm quyền cũng chẳng cứu được chế độ và cuộc đảo chánh chỉ đẩy mạnh đà tan rã. Thảm cảnh ngày nay của Putin là những gì đã có thể thấy từ ngày xưa.
Ảo giác anh hùng
Putin lập thành tích khôi phục được ảnh hưởng của Liên Bang Nga với hai cuộc phiêu lưu quân sự vào Georgia và Ukraine. Nhưng lực đẩy cho đà thắng lợi ấy vẫn là dầu khí lên giá, một ảo ảnh phú cường.
Yếu tố năng lượng lại khiến Putin không cải cách kinh tế theo hướng đa diện hóa để khỏi lệ thuộc vào dầu thô và khí đốt. Các tài phiệt lãnh đạo khu vực này là tay chân thân tín của Putin nên cũng là trở lực cho cải cách. Khi dầu thô sụt giá và kinh tế suy sụp, Putin nhấn tới và tìm thắng lợi ở bên ngoài, tại chiến trường Syria ở Trung Đông. Ông gây ảo giác về một nước Nga anh hùng có thể thách đố áp lực của Âu Châu và thế lực của Hoa Kỳ về vụ cưỡng đoạt bán đảo Crimea của Ukraine. Ông còn chiêu dụ chính quyền lúng túng của Barack Obama về một giải pháp cho Syria và Trung Đông và vừa mới biểu diễn khả năng hợp tác với hai cường quốc Hồi giáo trong khu vực là Iran thuộc hệ phái Shia và Turkey theo hệ phái Sunni.
Sự thật thì sức mạnh quân sự Nga tại Syria chưa thể sánh với thế lực Hoa Kỳ trong khu vực. Việc Putin khai thác thành quả ngoại giao là dùng căn cứ quân sự của Iran để tấn công các lực lượng chống chế độ độc tài Syria chỉ nổi được ba ngày thì chìm. Vì quyền lợi của Iran, các Giáo chủ tại Tehran cần bảo vệ Syria nhưng chưa khi nào tin Liên Bang Nga. Việc Putin siết chặt quan hệ với Turkey cũng chẳng có kết quả gì vì chính quyền của Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan vẫn nghi ngờ ý đồ của Nga trong vùng Hắc Hải.
Những ảo ảnh đó chỉ là màn khói che phủ sự thật:
Putin không nuốt nổi cái gân gà Ukraine, có ảnh hưởng giới hạn tại Trung Đông, chẳng thể hồi phục nền kinh tế, và lại làm các công thần đang suy nghĩ lại về tương lai của chính bản thân. Xưa nay, các thành phần này đã có thể truất bãi Krushchev và trao quyền cho Brezhnev hoặc đưa Putin lên thay Yeltsin… Ngày nay, Putin đang sống với kịch bản đó
Kết luận ở đây là gì?
Khi lãnh tụ tập trung quyền lực thì đấy là triệu chứng của bệnh sợ hãi vì họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù – mà kẻ thù gần nhất là những kẻ thân cận!
Vladimir Putin có thể không hoàn tất nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2018. Nhưng ai sẽ đảo chánh một hệ thống tan rã để cứu lấy một nước Nga không thể cứu vãn được?
* Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website. BBT