Putin được Crimée nhưng đưa nước Nga vào ngõ hẹp
Trong cuộc đọ sức với Tây phương để khẳng định một chỗ đứng ngang hàng với Mỹ trên bán cờ thế giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thắng một ván cờ ngoạn mục. Quân đội Nga đã chiếm được một lãnh thổ của nước ngoài tại châu Âu bất chấp phản ứng bất bình của các thủ đô Tây phương. Khi đưa quân kiểm soát bán đảo Crimée của Ukraina nơi mà đa số dân cư nói tiếng Nga, sau khi thay đổi chính quyền tại Kiev, nước Nga của Vladimir Putin đã tiến thêm một bước dài trong chính sách khẳng định sức mạnh quân sự. Trên đây là nhận định của AFP tổng hợp phân tích của nhiều chuyên gia Nga.
Theo nhà chính trị học người Nga Gleb Pavlovski, nguyên là cố vấn chính trị của điện Kremli, thì ở Tây phương, không một nước nào sẵn sàng đổ máu vì bán đảo Crimée. Ông dự báo Tây phương sẽ phải vất vả tìm một giải pháp. Đoạt được Crimée là đỉnh điểm trong thế đang lên của ông Putin sau khi Thế vận hội mùa đông tại Sotchi kết thúc thành công, một chiến dịch phô trương uy thế cá nhân do chính tổng thống Nga trực tiếp chỉ đạo.
Cựu cố vấn chính trị của Tổng thống Nga kết luận: Putin từ nay là trung tâm của cuộc khủng hoảng này và khả năng hành động của ông gia tăng gấp bốn lần. Chính Putin chứ không phải là Tây phương định đoạt số phận của cuộc cách mạng Ukraina. Cũng trong chiều hướng này, giáo sư Nicolai Petrov, thuộc trường cao đẳng kinh tế Matxcơva thẩm định Tổng thống Nga cảm thấy hăng hái vì nghĩ rằng Tây phương đã yếu và luật chơi mới bây giờ là kẻ mạnh sẽ thắng.
Trước khi can thiệp quân sự vào Crimée với một kịch bản có lẽ được chuẩn bị chu đáo với bước kết tiếp sáp nhập bán đảo này qua trưng cầu dân ý vào chủ nhật tới, chủ nhân điện Kremli đã làm Tây phương thất bại tại Syria. Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga liên tục dùng quyền phủ quyết bác bỏ mọi nghị quyết trừng phạt chế độ Damas rồi tung sáng kiến «hợp tác» kiểm soát vũ khí hóa học của Syria buộc Mỹ, Pháp phải từ bỏ giải pháp oanh kích, nhờ vậy mà chính quyền Bachar al-Assad, đồng minh của Nga, tồn tại đến hôm nay.
Trước đó nữa, vào mùa đông năm 2012, để đối phó với một làn sóng biểu tình có khi lến đến hàng trăm ngàn người phản đối chế độ tham nhũng và gian lận bầu cử, Vladimir Putin đã đáp trả bằng những biện pháp trấn áp thô bạo nhất, kiểm duyệt thông tin, bắt nhốt đối lập nhưng pha lẩn một số động thái xoa dịu như trả tự do cho các nữ ca sĩ ban nhạc Pusy Riot và nhà tỷ phú Mikhail Khodorkovski hồi cuối năm 2013.
Theo giáo sư Nicolai Petrov thì Putin đã bắn một mũi tên mà trúng hai con chim: Khai thác áp lực của Tây phương để gia tăng trấn áp trong nước, vừa cô lập được thành phần xã hội ưu tú vừa chiếm cảm tình của thành phần quần chúng bình dân mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Theo AFP, 14 năm tính từ khi được cố tổng thống Yelsin bổ nhiệm làm thủ tướng trong bối cảnh nước Nga suy sụp, cựu trung tá KGB, năm nay 61 tuổi, đã củng cố được cho mình thế độc tôn và xây dựng một chế độ chính trị độc đoán. Chuyên gia Petrov dự đoán chế độ theo mô hình «pháo đài bị vây hãm» này chỉ tồn tại trong ngắn hạn ít nhất là cho đến khi Putin hết nhiệm kỳ.
Câu hỏi đặt ra là hệ quả sẽ ra sao cho nước Nga và dân Nga?
Giáo sư Nikolai Petrov cho rằng ông Putin thiếu tầm nhìn xa trên hồ sơ Ukraina. Kịch bản đối đầu do ông lựa chọn sẽ đi vào ngõ cụt. Chiến thắng hôm nay nhưng sẽ trả giá rất đắt về chiến lược và kinh tế ngày mai. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, đồng rub trượt giá mỗi ngày, tư bản chạy ra nước ngoài thay vì đầu tư trong nước, nếu các biện pháp trừng phạt được thi hành thì Nga bị thiệt hại nhiều hơn Tây phương.
Vì không thực hiện được lời hứa nâng cao mức sống của người dân, con đường đấu sức với Tây phương sẽ đưa Nga vào lối mòn «liên xô cũ» với ngân sách quốc phòng quan trọng, tiền bạc không dùng để xây trường học và đường xá nhưng lại đổ vào sản xuất súng đạn, xe tăng. Đó là nhận định của bà Lilia Chevtsova, nhà phân tích của viện nghiên cứu Carnegie Center.
Hay nói như Nikolai Petrov: “Nước Nga là con tin của Putin“.