Poroshenko đề ra kế hoạch hòa bình

Cac Bai Khac

No sub-categories

Poroshenko đề ra kế hoạch hòa bình
Tổng thống Ukraine nói hai bên đã sử dụng lời lẽ cứng rắn trong suốt cuộc gặp

Theo BBC – 15:32 GMT – thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Ông Petro Poroshenko đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Ukraine hôm thứ Bảy, đề ra kế hoạch mang lại hòa bình cho khu vực phía đông.

Nhà tài phiệt 48 tuổi, người chiến thắng trong bầu cử hôm 25/5, nói sẽ có nhượng bộ với người dân ở phía đông.

Nhưng ông cho hay đã nói với Tổng thống Nga Putin rằng Crimea vẫn “luôn là của Ukraine”.

Đại sứ Nga nói diễn văn là “tuyên bố hứa hẹn”.

Trước đó, ông Petro Poroshenko gọi cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin là sự khởi đầu cho đối thoại về khủng hoảng ở đông Ukraine.

Lãnh đạo hai nước đã gặp mặt bên lề lễ tưởng niệm cuộc đổ bộ D-Day ở bờ biển Normandy, Pháp.

Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp của Ukraine gặp ông Putin kể từ sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich bỏ chạy khỏi Kiev.

Trong một diễn biến riêng lẻ, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng đề cập với ông Putin về việc cần xuống thang xung đột ở đông Ukraine.

Phe nổi dậy thân Nga hôm 6/6 đã bắn rơi một phi cơ của quân chính phủ ở gần thành phố Sloviansk.

Một phát ngôn viên quân đội nói chiếc máy bay này mang theo hàng hóa cứu trợ, tuy nhiên thông tin này chưa thể được kiểm chứng độc lập.

Trước đó, quân chính phủ cũng đã triển khai một đợt tiến công bằng xe tăng gần một thị trấn ở thành phố.

Bộ Nội vụ Ukraine cũng cho biết một thành viên của lực lượng an ninh đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một vụ tấn công bằng súng cối ở ngoại ô Sloviansk.

‘Lời lẽ cứng rắn’

Hai tổng thống Pháp và Hoa Kỳ ngồi giữa các cựu chiến binh từ Thế chiến 2 trong lễ ở Normandy

Ông Putin và ông Poroshenko, cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã nói chuyện khoảng 15 phút, sau khi lãnh đạo các nước đứng chụp hình chung.

“Hai bên đã sử dụng lời lẽ cứng rắn trong cuộc gặp. Tuy nhiên, khía cạnh tích cực của buổi gặp mặt này là ít nhất, đối thoại đã bắt đầu,” ông Poroshenko nói với các phóng viên.

Poroshenko cũng cho biết ông kỳ vọng Nga sẽ có một tuyên bố chính thức thừa nhận kết quả bầu cử ở Ukraine “trong tương lai gần”, và các bước đối thoại đầu tiên sẽ bắt đầu vào ngày 8/6.

Ông Putin nói ông hoan nghênh lập trường của ông Poroshenko, tuy nhiên cũng cho biết ông sẽ chờ đợi hành động từ tân tổng thống Ukraine.

“Tôi chỉ có thể hoan nghênh lập trường của ông Poroshenko rằng xung đột ở đông Ukraine cần phải chấm dứt ngay lập tức”, ông nói, đồng thời cho rằng điều này có nghĩa là chính phủ Ukraine phải ngưng các hoạt động quân sự.

“Nếu tình hình tiếp diễn như hiện nay thì sẽ có thêm các điều kiện được đặt ra cho quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực khác”.

Tổng thống Nga cũng nói thêm rằng hai nước đang tiến gần đến việc chốt lại thỏa thuận khí đốt, sau khi tập đoàn Gazprom tăng giá bán khí đốt lên gấp đôi và yêu cầu thanh toán trước.

Được biết ông Poroshenko sẽ chính thức lên nhậm chức vào ngày 7/6/2014 sau khi thắng cử tuyệt đối ở Ukraine vào tuần cuối tháng 5.

Điện Kremlin sẽ cử quan chức đi dự lễ nhậm chức ở Kiev của ông Poroshenko như một dấu hiệu thay đổi không khí trong quan hệ.

Kể từ khi ông Yanukovich bị phế truất, Moscow không thừa nhận chính quyền lâm thời ở Kiev, gọi họ là ‘phát-xít’.

Nhưng nay ông Putin đã thay đổi thái độ và còn nói Nga “không liên quan gì’ đến các nhóm ly khai nói tiếng Nga ở vùng Đông Ukraine khi trả lời phỏng vấn truyền hình Pháp.

Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở đông Ukraine

Từng là đồng minh

Buổi lễ kỷ niệm ngày phe Đồng minh chống phát-xít Đức trong ngày 6/6/2014 tại bờ biển Normandy, Pháp do Tổng thống nước này, ông Francoise Hollande chủ trì.

Nguyên thủ quốc gia của Anh, Nữ hoàng Elizabeth II cũng có mặt để chào đón các cựu chiến binh từ Thế chiến 2 và tham gia lễ tưởng niệm các liệt sỹ.

Thủ tướng Anh, David Cameron cũng đến Pháp dự lễ ngày D-Day và đã trao đổi tay đôi với ông Putin.

Trong khi các lãnh đạo, gồm cả ông Putin, đều tỏ ý muốn tình hình Ukraine ổn định trở lại, các vụ tấn công lẫn nhau vẫn diễn ra trên thực địa.

Chính quyền Ukraine vừa công bố giai đoạn ‘chủ động’ trong chiến dịch họ gọi là ‘chống khủng bố’ gần Sloviansk, địa phương bị phe vũ trang ly khai thân Nga chiếm vài tuần trước.

Nhưng trên mặt trận ngoại giao cũng vẫn có những bất đồng.

Pháp vừa nói sẽ vẫn bán cho Nga hai tàu chiến mà Paris giải thích là “Moscow đã đặt hàng từ lâu”.

Hợp đồng này bị Hoa Kỳ phê phán và Tổng thống Obama nhắc Pháp không nên tiếp tục thực hiện nói vì lý do tình hình bất ổn ở Ukraine.

Nhưng Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius nói với báo chí rằng hợp đồng đã ký từ 2011 và tạo ra nhiều việc làm cho công nhân quân khí Pháp.

Đây là hai tàu chở trực thăng lớp Mistral sẽ được chuyển đế cho Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea, nơi Nga đã sáp nhập thành lãnh thổ của mình dù Ukraine phản đối hồ̉i tháng 3 năm nay.