Phương Tây sẽ bỏ rơi Crimée cho Nga để Ukraina bảo toàn độc lập?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phương Tây sẽ bỏ rơi Crimée cho Nga để Ukraina bảo toàn độc lập?
Bán đảo Crimée bên bờ biển Đen về lại với nước Nga? Ảnh chụp ngày 11/3/2014 – REUTERS/Thomas Peter
Theo RFI – Đức Tâm –Thứ tư 12/3/2014
Ngày 16/03/2014, vùng tự trị Crimée tổ chức trưng cầu dân ý để tách ra khỏi Ukraina và sáp nhập vào Nga. Phương Tây đã cực lực phản đối hành động này và đe dọa gia tăng trừng phạt Matxcơva. Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây đang tranh luận về câu hỏi phải chăng việc bỏ rơi Crimée cho Nga là cái giá phải trả để đưa đất nước này thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Matxcơva và xích lại gần Châu Âu hơn.
Thế nhưng, việc chia chác giữa các cường quốc, cụ thể là để cho vùng Crimée sáp nhập vào Nga, liệu có đủ để thỏa mãn tham vọng của Tổng thống Vladimir Putin muốn được lịch sử lưu danh như một người hùng phục hồi được sức mạnh của liên bang Nga, sau khi Liên Xô tan rã ?

Mặt khác, chiến lược làm dịu căng thẳng này có thể sẽ bị chỉ trích mạnh mẽ từ phía Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nước Đông Âu, trước đây là vệ tinh của Liên Xô, hiện đang lo ngại cho an ninh của mình.

Có một thực tế là không một cường quốc nào tỏ ra sẵn sàng đối đầu trực diện với Nga để bảo vệ Crimée, vùng lãnh thổ mà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrouchev, vào năm 1954, đã rứt ra khỏi Nga để « tặng » cho Ukraina, trong khuôn khổ Liên bang Xô Viết.

Đồng thời, các nước phương Tây lại muốn đưa Ukraina thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của Matxcơva, và có được một quốc gia hữu hảo ở biên giới phía tây, tiếp giáp với Nga.

Ông Alexander Motyl, đại học Rutgers, New Jersey, Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn, nhận định : « Phương Tây có thể quyết định bịt mũi, mắt nhìn đi nơi khác để khỏi phải thấy việc chiếm đóng vùng Crimée, nhưng chỉ với điều kiện là ông Putin công nhận chính phủ Ukraina hiện nay ». Do vậy, theo vị giáo sư này, « ông Putin sẽ phải đưa ra các bảo đảm rõ ràng đối với phương Tây. Thế nhưng, rất tiếc là không có gì trong phát biểu hoặc hành động của ông Putin để cho phép nghĩ rằng ông ta sẽ dừng lại ở vùng Crimée ».

Ngược lại, chuyên gia James Nixey, thuộc cơ quan tư vấn Chatham House, Luân Đôn, Anh Quốc lại cho rằng ít có khả năng Tổng thống Putin đi xa hơn, vì ông ta « đã đạt được mục tiêu mong muốn » và « vùng Crimée đã mất rồi ».

Cho đến lúc này, ý tưởng về sự thỏa hiệp như vậy không phải là quan điểm chính thức tại phương Tây. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tony Blinken tuyên bố : « Nếu có sự sáp nhập Crimée, một cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vùng Crimée của Ukraina và Nga, chúng tôi sẽ không công nhận việc này ».

Thủ tướng Đức Angela Merkel, vốn rất thận trọng trong quan hệ với Matxcơva, cũng nói thẳng với Tổng thống Putin rằng cuộc trưng cầu dân ý 16/03 là « bất hợp pháp ». Các nước vùng baltic, vốn bị xâm chiếm và sáp nhập vào Liên Xô sau đệ nhị thế chiến, tỏ ra rất lo ngại. Tổng thống Litva hối thúc các lãnh đạo Châu Âu cần « ý thức được việc Nga tìm cách vẽ lại bản đồ và các đường biên giới Châu Âu thời hậu chiến ».

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, ông Putin chỉ tìm cách « trừng phạt » giới lãnh đạo mới tại Ukraina, đồng thời vẫn duy trì vẻ bề ngoài là muốn có quan hệ với phương Tây.

Ông Erik Nielsen, thuộc tập đoàn ngân hàng Ý UniCredit, cho rằng, đối với nước Nga, mất ảnh hưởng với Ukraina là một việc, nhưng từ bỏ kiểm soát Crimée với hậu quả là một trong hai hạm đội chính của hải quân Nga mất đi lối ra biển là một việc quan trọng hơn nhiều và Matxcơva rất khó chấp nhận điều này. Vẫn theo nhà phân tích này, nếu ông Putin tìm cách trừng phạt Ukraina vì nước này tỏ ra thân phương Tây, thì ông ta cũng không muốn để cho các căng thẳng với phương Tây vượt quá mức có thể chấp nhận được về mặt chính trị và kinh tế.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia phương Tây vẫn chủ trương phải lên án mạnh mẽ việc sáp nhập Crimée vào Nga, nếu không, ông Putin sẽ còn can thiệp mạnh hơn vào Ukraina.

Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraina, ông Geoffrey R. Pyatt, cho biết, nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, Thủ tướng Ukraina Arseni Iatseniouk và các quan chức nước này đã nhiều lần tuyên bố là Kiev sẵn sàng dành cho người dân vùng Crimée quyền tự trị rộng lớn hơn. Tuy nhiên, đây là công việc mà người dân Ukraina phải tự quyết định trong khuôn khổ Hiến pháp, chứ không phải dưới sự đe dọa của vũ lực.