Phương Tây lên án bầu cử Syria
Ông Assad đã nắm quyền ở Syria từ năm 2000
Theo BBC – 04:22 GMT – thứ ba, 22 tháng 4, 2014
Hoa Kỳ gọi kế hoạch bầu cử tổng thống của Syria vào ngày 3/6 tới là ‘nhại nền dân chủ’.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng lên án cuộc bầu cử này vì cho rằng nó có thể phá hoại nỗ lực môi giới một thỏa thuận để chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài suốt ba năm qua với khoảng 150.000 người thiệt mạng.
Quân đội chính phủ đã có phần thắng thế trong thời gian qua. Tuy nhiên, phe nổi dậy vẫn kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn và khó có khả năng bầu cử sẽ được tổ chức ở những nơi này.
Tổng thống Bashar al-Assad được cho là muốn có nhiệm kỳ bảy năm lần thứ ba liên tiếp.
Chính phủ Syria gần đây đã đưa ra luật bầu cử mới trong đó quy định những người sống ở Syria trong 10 năm mới được ra ứng cử.
Hầu hết các lãnh đạo đối lập đều đã rời khỏi đất nước, đồng nghĩa với việc họ không thể ứng cử.
Nhà hoạt động đối lập Ahmad Alqusair đã cáo buộc ông Assad là “tổ chức bầu cử trên xương máu nhân dân Syria” và cho rằng chỉ có những người ủng hộ ông ta mới đi bỏ phiếu.
“Đến bánh mỳ chúng tôi còn bị ngăn cản không có mà ăn thì làm sao mà đi bầu cử,” ông nói với hãng thông tấn Mỹ AP.
Một nghị sỹ cho biết bầu cử sẽ không được tổ chức ở những khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức.
Truyền thông nhà nước đăng hình ảnh cuộc diễu hành ủng hộ ông Assad
Hoa Kỳ, EU và Liên Hiệp Quốc đều nhất trí lên án kế hoạch bầu cử.
“Việc tổ chức một cuộc bầu cử trên thực tế vào lúc này là sáo rỗng vì chính quyền vẫn tiếp tục tàn sát những cử tri mà họ muốn đại diện,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, nói.
Ông Ban đã cảnh báo cuộc bầu cử sẽ ‘làm tổn hại tiến trình chính trị và cản trở cơ hội tìm kiếm một giải pháp chính trị’.
Mỹ và EU đều gọi cuộc bầu cử này là “nhại nền dân chủ.”
Chủ tịch Quốc hội Syria Mohammed al-Lahham đã công bố cuộc bầu cử và nói kiều dân Syria có thể bỏ phiếu từ ngày 28/5.
Hiện chưa rõ chính phủ sẽ tổ chức bầu cử ra sao ở những khu vực giao tranh, cũng như việc sáu triệu người dân đã rời bỏ nhà cửa sẽ bỏ phiếu như thế nào.
Bên cạnh đó, hơn 2,7 triệu người Syria đang tỵ nạn ở các nước láng giềng và nhiều người khác đang sống ở những quốc gia mà Sứ quán Syria đã đóng cửa từ năm 2011.
Thông cáo bầu cử được đưa ra chỉ vài giờ sau khi một quả đạn cối nổ cách trụ sở Quốc hội ở trung tâm thủ đô Damascus khoảng 100m, khiến 5 người thiệt mạng, truyền thông chính phủ cho biết.
Tấn công hóa học
Nhiều người dân Syria đang sống trong điều kiện hết sức khó khăn
Tổng thống Assad đã kế nhiệm cha mình là cố Tổng thống Hafez hồi năm 2000 và tái đắc cử vào năm 2007 với 98% số phiếu bầu trong một cuộc bầu cử.
Ông Assad chưa chính thức tuyên bố là có ra tranh cử hay không, tuy nhiên, không ai nghi ngờ về việc ông sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba, phóng viên BBC Lyse Doucet ở Damascus nhận định.
Những tu chính pháp được thông qua sau cuộc trưng cầu dân ý bị nhiều chỉ trích hồi năm 2012 đồng nghĩa với việc có thể có nhiều ứng viên tranh cử tổng thống.
Tuy nhiên, phóng viên của chúng tôi cho rằng khó có khả năng có ai sẽ thật sự thách thức ông Assad.
Trong một diễn biến riêng lẻ, bà Psaki cũng nói Hoa Kỳ đang điều tra thông tin về việc một khu vực do phiến quân kiểm soát đã bị tấn công bằng vũ khí hóa học.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 20/4 cho biết ông có ‘thông tin’ nhưng chưa có bằng chứng cho thấy việc lực lượng thân Assad vẫn sử dụng vũ khí hóa học.
Chính phủ Syria đã đồng ý hoàn tất việc bàn giao toàn bộ kho vũ khí hóa học của họ vào Chủ nhật tới.
Kế hoạch bàn giao này được ông Assad chấp nhận sau khi hàng trăm người thiệt mạng trong một vụ tấn công ở ngoại ô Damascus hồi năm ngoái.