Phương Tây khó cô lập được Putin
Lãnh đạo nhóm G7 họp tại Bruxelles: Nga lại là tâm điểm các cuộc thảo luận – REUTERS /Laurent Dubrule
Trong cuộc khủng hoảng Ukraina, các nước phương Tây đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt Nga. Nhóm G8 hủy bỏ kế hoạch họp tại Sotchi và chuyển thành G7, sau khi gạt bỏ sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thế nhưng, các nước phương Tây khó mà cô lập được ông Putin. Theo giới phân tích, tuy không có mặt trong cuộc họp thượng đỉnh ở Bruxelles, nhưng Tổng thống Nga lại là tâm điểm các cuộc thảo luận trong G7.
Nhân dịp này, lãnh đạo ba cường quốc Châu Âu là Đức, Anh, Pháp đều có chương trình gặp riêng Tổng thống Nga. Cụ thể, hôm nay, 05/06, sau khi ăn tối với đồng nhiệm Mỹ Barack Obama trong một quán ăn ở Paris, Tổng thống Pháp François Hollande ăn khuya cùng với nguyên thủ Nga tại điện Elysée. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron sẽ lần lượt hội đàm với Tổng thống Putin vào ngày mai.
Trong khi đó, từ nhiều tuần qua, Nhà Trắng nhấn mạnh là không có hội đàm giữa hai Tổng thống Mỹ và Nga. Tuy vậy, ông Obama và ông Putin vẫn chạm mặt nhau trong bữa ăn trưa ngày mai, ở Normandie, tại lâu đài Benouville và trong lễ kỷ niệm ở Ouistreham (phía tây bắc nước Pháp). Đây là sẽ cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai người, kể từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraina vào cuối 2013, cho dù trong thời gian qua, nguyên thủ hai nước đã nhiều lần điện đàm với nhau.
Hôm thứ Ba, 03/06, tại Vacxava, Ba Lan, Tổng thống Mỹ nói ngắn gọn là ông chắc chắn sẽ gặp ông Putin, vì ông Putin có mặt trong lễ kỷ niệm ở Pháp. Về phần mình, trên đài Europe 1, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng ông «không có lý do gì để nghĩ rằng Tổng thống Obama không muốn nói chuyện với Tổng thống Nga». Lãnh đạo Nga tuyên bố: «Đó là sự lựa chọn của ông Obama, còn tôi thì sẵn sàng đối thoại» và cho rằng «chính sách hung hăng nhất, nghiêm trọng nhất, đó là chính sách của Mỹ».
Vẫn theo ông Putin: «Chúng tôi hầu như không có lực lượng quân sự ở nước ngoài và các vị hãy nhìn xem, Mỹ có các căn cứ quân sự khắp nơi trên thế giới. Họ can dự vào công việc nội bộ của nước này, nước kia. Do vậy, khó mà cáo buộc chúng tôi là vi phạm».
Theo giới quan sát, các hoạt động ngoại giao trong những ngày này cho thấy phương Tây không dễ dàng tẩy chay, cô lập được Matxcơva, cho dù có cuộc khủng hoảng Ukraina, được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh.
Berlin và Luân Đôn có quan hệ chặt chẽ với Nga trong lĩnh vực kinh tế và năng lượng, còn Paris đang thực hiện hợp đồng có giá trị lớn, bán tàu chiến Mistral cho Matxcơva, bất chấp sự bực bội của Washington.
Trong cuộc khủng hoảng Ukraina, thực ra, từ nhiều tháng qua, Châu Âu và Hoa Kỳ đều hy vọng sẽ có giảm căng thẳng và đối thoại, nhất là với việc Nga rút khoảng 40.000 quân ra khỏi vùng biên giới chung và Ukraina đã tổ chức bầu cử Tổng thống.
Hôm qua, Tổng thống Obama đã có lời khuyên: “Vì Tổng thống Nga đã bắt đầu cho rút quân ra khỏi vùng biên giới chung với Ukraina, ông cũng có thể dùng ảnh hưởng của mình đối với các thành phần ly khai, gặp gỡ Tổng thống được bầu của Ukraina và thừa nhận đó là một cuộc bầu cử chính đáng”. Nguyên thủ Mỹ cho biết thêm là trong các cuộc gặp riêng với ông Putin, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh cũng sẽ nhấn mạnh trên những điểm này.
Một quan chức Mỹ trong phái đoàn của Tổng thống Obama nói với AFP rằng, trong hồ sơ Ukraina, thực ra, Washington tin tưởng có đồng quan điểm với các đối tác và ông bác bỏ mọi thông tin nói tới những khác biệt, mâu thuẫn giữa các nước phương Tây trong cách ứng xử với Nga.