Phúc thẩm Đồng Tâm: Luật sư tự đánh máy biên bản phiên tòa nhưng “bị tịch thu”
8/3/21 – Sáng ngày 8 tháng 3 năm 2021, Tòa án cấp cao tại Hà Nội mang 6 người có kháng cáo trong vụ Đồng Tâm ra xét xử phúc thẩm ngày thứ nhất, tuy nhiên có nhiều điểm bất thường được bộc lộ.
Đây là vụ án liên quan đến vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, hôm 9/1/2021 khiến 1 dân thường và 3 công an thiệt mạng. 29 người dân Đồng Tâm tại phiên sơ thẩm hồi tháng 9/2020 đã bị kết tội giết người và chống người thi hành công vụ.
Luật sư Ngô Anh Tuấn là người thường tự đánh máy biên bản phiên tòa và sau đó đăng tải lên Facebook cá nhân – điều mà ông đã làm trong phiên tòa sơ thẩm.
Tuy nhiên, vào trưa nay khi ông lấy ổ cứng di động USB có chứa tệp biên bản phiên tòa mà ông dùng máy tính của tòa phát đánh máy, nhằm sao lưu ra máy tính cá nhân để đăng tải thì bị công an ngăn cản.
Ông Tuấn vào tối cùng ngày nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Thế thì tôi vào tôi đánh máy làm việc đàng hoàng hết, khi mà buổi trưa tôi ra tôi lấy USB để post (đăng tải lên Facebook-PV) thì họ không cho đăng tải tài liệu.
Tôi phản ứng: “Sao không cho đăng tài liệu thì phát USB để làm gì?”
Thì họ nói: phát để cho các luật sư làm việc ở trong nội bộ trong tòa đó!
Nếu mà chỉ làm nội bộ trong tòa đó thì tôi lấy gì để sao chép khi mà máy tính và điện thoại của tôi bị tịch thu?
Họ phát cho chúng tôi xong rồi cuối buổi họ lấy tư liệu của chúng tôi thì thế như vậy là không được, điều này tôi đưa ra trước tòa thì họ chối họ không nói gì cả.
Cuối cùng chiều nay chúng tôi thay đổi phương hướng, chúng tôi tự ghi biên bản phiên tòa vào giấy, chúng tôi ghi mấy chục trang giấy.“
Theo tường thuật của báo chí nhà nước, tại phần thủ tục phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, luật sư Đặng Đình Mạnh bào chữa cho các bị cáo có kiến nghị về quyền tiếp xúc với thân chủ của mình theo điều 256 Bộ luật Tố tụng Hình sự tuy nhiên không được chấp thuận.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng chỉ ra những điểm bất thường khác trong ngày đầu xét xử:
“Hội đồng xét xử tuyên bố rõ là các luật sư đã có nhiều thời gian để tiếp xúc với bị cáo trước khi phiên tòa diễn ra rồi, thế nên là khi mà luật sư Đặng Đình Mạnh có đề nghị là được tiếp xúc với thân chủ trong quá trình xét xử thì hội đồng xét xử, chủ tọa phiên tòa từ chối thẳng thừng luôn.
Ông Ngô Tự Học từ chối thằng thừng không cho xem xét nội dung đấy. Nhiều nội dung khác nữa, nói chung là liên quan đến tố tụng như chúng tôi yêu cầu triệu tập một số người liên quan đến sự kiện ngày hôm đó, đặc biệt là những những người trong tổ công tác của Công an thành phố Hà Nội nhưng họ không chấp nhận.
Trong quá trình các luật sư hỏi những vấn đề nhạy cảm trong vụ án thì hội đồng xét xử chủ tọa phiên tòa liên tục ngắt các nội dung đó và không cho đi sâu vào nội dung.“
Ông Lê Đình Công – người bị tuyên án tử hình vì bị cáo buộc là chủ mưu, trong phiên tòa sáng nay đã thay đổi nội dung kháng cáo, thay vì “xin giảm nhẹ hình phạt”, ông Công đã kêu oan.
Theo ông Công, kết luận điều tra và luận tội của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm là chưa đúng, bị cáo không phân công, bàn bạc để chống đối cảnh sát và không có cuộc họp nào “để chống đối lực lượng công an” diễn ra.
Tuy nhiên sau đó, con trai của cụ Lê Đình Kình cũng thay đổi trở về nội dung kháng cáo ban đầu là xin giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư Lê Văn Hòa, người bào chữa cho ông Lê Đình Công và một số bị cáo khác xác nhận thông tin này, ông cho biết thêm trong 6 người chỉ có bà Bùi Thị Nối, con nuôi cụ Kình thì “không đồng tình với bản án sơ thẩm”.
Ngày 9 tháng 3 phiên tòa sẽ tiếp tục tới phần tranh luận, đối đáp của các luật sư với đại diện Viện Kiểm sát. Phiên tòa dự tính diễn ra trong vòng 3 ngày.