Phục hồi bang giao giữa Hoa Kỳ và Cuba – Phạm Đức Duy
Ngày 17 tháng 12 vừa qua, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro tuyên bố ý định tái lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba.
Trong khung cảnh căng thẳng toàn cầu, giá dầu giảm, bạo lực, bất ổn chính trị và khoảng trống lãnh đạo hiện nay trên toàn thế giới, thông báo bất ngờ này về sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Havana đã khiến nhiều người ngạc nhiên và cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Dư luận nghĩ rằng quyết định khó khăn của Obama trong mối quan hệ song phương này có thể sẽ khích lệ các nhà lãnh đạo khác trên thế giới có những bước đi táo bạo tương tự để giải quyết các xung đột lâu đời như ở Trung Đông chẳng hạn. Mặc dù Obama đã phải công khai thừa nhận sự thất bại của chính sách chính trị suốt nhiều thập niên dài đối với Havana, nhưng quyết định tái lập quan hệ với Cuba chắc sẽ nâng cao hình ảnh của Ông không chỉ ở châu Mỹ Latin, mà còn trên thế giới.
Sự thay đổi trong quan hệ Mỹ-Cuba cũng là một tin vui đối với Mễ tây cơ. Nhiều lần trong quá khứ, Mễ tây cơ đã có những căng thẳng với Tòa Bạch Ốc về vấn đề Cuba, đặc biệt trong các vấn đề về di dân, thương mại và buôn bán ma túy. Tổng thống Peña Nieto cũng đã thực hiện nhiều nỗ lực đáng kể để cải thiện quan hệ với Havana, là người nguyên thủ đầu tiên trong nhiều năm của Mễ tây cơ chính thức sang thăm Cuba và còn bỏ qua một phần đáng kể khoản nợ của nước này. Các nước trong vùng nói chung đều muốn Cuba trở thành một phần không thể thiếu của khu vực, đóng vai trò tích cực và bắt đầu tiến trình loại bỏ các vết tích cuối cùng của thời chiến tranh lạnh ở châu Mỹ Latin.
Tại Hoa Kỳ, giới doanh nghiệp tư bản từ nhiều năm đã không thể có những hoạt động kinh tế, đầu tư với Cuba vì bị cản trở bởi lệnh cấm vận và các hạn chế khác trong lúc những nhà tư bản từ châu Mỹ Latin, châu Âu, Nga, và Trung Cộng đã được hưởng lợi nhuận từ giao dịch kinh tế với Havana. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, cũng như trong việc thúc đẩy bình thường hóa với CSVN dưới thời Clinton, đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của Tòa Bạch Ốc đối với Cuba.
Người Mỹ gốc Cuba, mặc dù từ những năm 1960 đến những năm cuối của thập niên 2000 từng chống Castro mạnh mẽ, đã thay đổi theo thời gian và ủng hộ việc nới lỏng các luật cấm du lịch, kiều hối, v.v… Một cuộc thăm dò đáng tin cậy cho thấy trong năm 2014, 71% người gốc Cuba cho rằng lệnh cấm vận Havana của Mỹ đã không đem lại kết quả gì hết hoặc chỉ đạt được kết quả rất ít. 68% số người được hỏi cũng ủng hộ việc Mỹ khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba. Cũng không có gì ngạc nhiên, thế hệ trẻ của người Mỹ gốc Cuba vì thiếu hiểu biết và không có kinh nghiệm sống về một Cuba cộng sản đã không còn giữ lập trường cứng rắn đối với Cuba như thế hệ ông bà, cha mẹ họ và đã hình thành quan điểm ôn hòa. Cuộc thăm dò cũng chỉ ra rằng 90% thế hệ trẻ người gốc Cuba tại Mỹ ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với Havana. Cộng đồng người Mỹ gốc Cuba hiện là một khối cử tri quan trọng trong các cuộc bầu cử tại Mỹ, đặc biệt là ở các tiểu bang “swing state” như Florida.
Một số lãnh đạo thuộc đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội Mỹ đang tỏ vẻ rất tức giận về hành động của Obama và tuyên bố sẽ quyết liệt chống lại những nỗ lực của Tòa Bạch Ốc đới với việc cải thiện quan hệ với Cuba. Nhiều thành viên trong Quốc Hội đã nhanh chóng lên tiếng rằng Hoa Kỳ không nên công nhận Cuba cho đến khi chính quyền Havana có cải thiện về nhân quyền và cải cách dân chủ. Thượng Viện sẽ phải bỏ phiếu về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và một cuộc chiến giữa các vị dân cử Mỹ chắc chắn sẽ xảy ra. Mặc dù chính quyền Obama đã hướng tới việc cải thiện quan hệ với Cuba ít nhất từ khoảng một năm rưỡi nay nhưng sẽ còn phải rất vất vả trong những ngày tháng tới để thay đổi những quy định và luật lệ về quan hệ với Cuba ngõ hầu biến lời tuyên bố hôm nay thành hiện thực.
Phục hồi quan hệ ngoại giao với Cuba, Obama đã áp dụng luật biến cải, một trong những đặc tính của chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, ngõ hầu giúp đảng Dân Chủ tạo thêm ưu thế từ giới doanh nghiệp tư bản Mỹ và cử tri trẻ gốc Cuba trong kỳ bầu cử Tổng Thống tới đây vào năm 2016.
Thời gian sẽ cho thấy việc bình thường hóa -nếu được thông qua- có thực sự đem lại nhân quyền và dân chủ cho người dân Cuba hay không. Điều này tùy thuộc vào những người lãnh đạo tại D. F. Không có một Trung Hoa đỏ ở xát bên và chỉ cách bờ biển Florida hơn 100 dặm, hy vọng Havana sẽ không hành động giống những kẻ ở Bắc bộ phủ.
Dân Mỹ đang hy vọng sớm được thưởng thức Cuban cigars chính gốc mà không bị phạm luật quốc cấm.
Phạm Đức Duy (20/12/2014)