Phụ nữ Việt Nam và ngày Tết Nguyên Tiêu
Hạ Vũ, thông tín viên RFA, 2016-02-21
Rằm tháng Giêng, còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười) là ba ngày rằm lớn nhất trong năm theo tín ngưỡng của người Việt.
Tết Nguyên Tiêu là một trong những ngày rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Bởi vậy mới có câu: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Vào ngày này, người dân thường đi chùa lễ Phật, cầu mong an lành cho bản thân và gia đình. Việc cúng rằm tại nhà cũng được hết sức chú trọng.
Ngày lễ đặc biệt này, có ý nghĩa thế nào với phụ nữ Việt Nam ngày nay?
Rằm tháng Giêng chính là ngày vía Phật tổ Adiđà, là ngày của mọi người, của những đôi nam thanh nữ tú đến chùa cầu duyên. Rằm tháng giêng còn là ngày vía Thiên quan, trong dân chúng đây là dịp lên chùa cúng dâng sao giải hạn (hoặc cúng tại nhà), giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành.
“Cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng” cho nên mình phải chu đáo. Cái lễ đầu năm bao giờ cũng phải rất quan trọng, mình cầu xin tài lộc, bình an cho gia đình. – cô Ngân
Vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.
Vào ngày này, người Việt thường đi chùa lễ Phật để cầu mong quanh năm an lành cho bản thân và gia đình. Lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khỏe mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn Tết bù…
Đứng về khía cạnh văn hóa, rằm tháng Giêng là một lễ lớn theo tín ngưỡng Việt Nam. Là một nước thuần nông, tháng Giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi hạ điền, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mùa màng bội thu.
Theo Phật giáo thì ngày mồng Một và ngày rằm hằng tháng được coi là ngày của Phật, các tín đồ đến ngày ấy phải đi lễ chùa. Rằm tháng Giêng là rằm đầu tiên, nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của Phật tử, lại thêm cái không khí vui xuân còn đậm đà cho nên số người đi chùa đông đảo hơn. Bởi vậy mới nói: “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”.
Người Việt, với số đông theo phong tục thờ cúng ông bà thì rằm tháng Giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm lớn. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài hoặc cúng âm hồn các đẳng… nhưng luôn có cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.
Với những ý nghĩa trọng đại đó, vào rằm tháng giêng, các gia đình thường sắm hai lễ: một là cúng Phật, thần linh và hai là lễ cúng gia tiên vào giờ Ngọ. Cúng Phật: Là mâm lễ chay tinh khiết cùng hương hoa đèn nến. Cúng gia tiên: Là mâm lễ mặn với các món ăn ngày tết đầy đủ, tinh khiết. Các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu. Bánh trôi được nhiều gia đình dâng cúng rằm tháng Giêng để mong mọi việc trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.
Tết nguyên tiêu ở Hội An.
“Cúng rằm thì đầu tiên là mình cúng tổ tiên nhà mình, gia tiên nhà mình. Xong rồi cúng đến thần linh thổ địa, xong rồi đến các bên nội, bên ngoại, gia tiên, tiền tổ, các vong linh, người có tên cũng như người không có tên. Nếu cúng chay thì cúng chay nếu không thì có mâm cơm mặn để mời các cụ về hưởng để các cụ phù hộ độ trì cho. Ngày rằm là ngày xá tội vong nhân. Nhưng ngày rằm này là ngày rằm tháng giêng, người ta bảo “cúng quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Nghĩa là cúng quanh năm nhưng ngày rằm này là ngày Tết, mới xuân ra, phải cúng để cho có lộc cho cả năm. Thế thôi chứ không có cái gì cả.
Mình làm mâm cơm như cúng giỗ thôi. Ngày rằm này phải cúng. Các rằm kia thì chỉ cần có hoa quả thôi. Đấy là quyền của mình chứ có phải mình hứng thú gì đâu. Đấy là tục lệ của dân Việt Nam. Đến ngày rằm mình cúng để cho quanh năm mạnh khỏe này, cầu tài, cầu lộc.”
Cụ Xuân, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ.
Cụ cũng chia sẻ thêm rằng, gia đình cụ là một gia đình nhỏ, nề nếp, theo đạo Phật nên việc cúng bái rất giản tiện, thanh tao, tùy thuộc vào khả năng tài chính của gia đình, chủ yếu thể hiện lòng thành để các cụ chứng giám.
Trong khi đó, cô Ngân, chia sẻ:
“Mình cúng xôi, gà thịt, nói chung là đầy đủ tất cả mọi thứ, ở nhà cũng như ra chùa. “Cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng” cho nên mình phải chu đáo. Cái lễ đầu năm bao giờ cũng phải rất quan trọng, mình cầu xin tài lộc, bình an cho gia đình.”
Chị Mai, dâu trưởng một chi họ chia sẻ về lễ nghi cúng rằm tháng Giêng, ở quê chị còn gọi là “cúng họ”:
Mình làm mâm cơm như cúng giỗ thôi. Ngày rằm này phải cúng. Các rằm kia thì chỉ cần có hoa quả thôi. Đấy là quyền của mình chứ có phải mình hứng thú gì đâu. Đấy là tục lệ của dân Việt Nam. – Cụ Xuân, Hà Nội
“Ông ấy là trưởng Chi. Tức là mai là 14 là họ nhỏ, ông ấy là trưởng chi, phải đứng chủ trì. Ngày kia là họ lớn, ông ý là một trong hai chi thì phải đứng cúng. Khi cúng thì họ đọc tên ông ấy với một ông nữa là họ lớn. Còn mai là ông ấy phải đứng đầu tiên, còn những người đứng sau là cúng. Cu Bin (con trai chị) cũng lên 5 tuổi là phải về rồi. Về cũng phải mặc đồ ngày xưa của các cụ, rồi đứng cúng.
Ví dụ 13 là họ nhỏ, 14 – 16 là họ lớn. Cúng họ nhỏ thì trong nhà phải làm. Sau đó cúng họ lớn thì phải rước ra họ lớn. Rước lọng đi trước, phía sau có người khênh như ngày xưa. Các ông bà có tuổi phải mặc đồ như xưa, vừa đi vừa khấn. Phong tục thế thôi. Ý là ngày này thì đưa các cụ từ nhà mình sang nhà họ lớn để ăn tiệc. Ở quê đến ngày này tùng tùng cheng cheng ầm ĩ cả làng.
Giờ lễ nghĩa mà. Phú quý sinh lễ nghĩa. Ngày xưa bỏ đi bớt giờ thì lại càng bày ra các kiểu.”
Mâm cỗ, cũng như lễ nghi của những người Việt trẻ chuẩn bị cho các dịp lễ tết truyền thống này không hề có xu hướng giản tiện, giảm thiểu đi mà còn gia tăng, phức tạp và cầu kỳ hơn, như một sự thể hiện sự thành đạt về mặt vật chất của bản thân và tinh thần tôn trọng, giữ gìn truyền thống.
Cũng giống như mọi nghi lễ, tập tục, tín ngưỡng khác, việc cúng rằm tháng Giêng, với người Việt trẻ chỉ là theo nhau làm, coi đó là “truyền thống dân tộc”. Mà phàm cái gì đã là “truyền thống” thì đều cần phải được tuân thủ thực hiện.
Trong “thế giới phẳng” ngày nay, mạng xã hội chính là nơi người Việt trẻ chia sẻ thông tin, cách thức thực hiện mọi công việc trong cuộc sống. Chuẩn bị mâm cỗ cúng rằm, bài khấn cúng rằm… cũng là những nội dung được chia sẻ nhiều nhất trong tuần làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán. Chị em vui vẻ chia sẻ hình ảnh mâm cỗ của những năm trước và cùng nhau thảo luận về việc chuẩn bị mâm cỗ năm nay. Cách thức chia sẻ “nhanh như internet” này, khiến thông tin, vấn đề được lan truyền tốt nhất, tạo ra hiệu ứng tốt nhất trong cộng đồng người Việt trẻ. Tuy nhiên, thói quen “follow” (làm theo, bắt chước) thiếu kiểm chứng, thiếu sự định vị nhu cầu và mong muốn của bản thân chính là cách khiến cho rất nhiều những tập quán, thói quen, cách hành xử xấu cũng được lan truyền rộng rãi, nhanh chóng, dễ dàng hơn trong giới trẻ. Có thể cũng vì lẽ đó, ngay cả trong việc thực hiện các lễ nghi truyền thống, người Việt trẻ cũng ít “cá tính” như ông cha xưa.
Trong số tất cả những người được phỏng vấn kể trên, không ai biết nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa của việc cúng rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, chỉ có cụ Xuân là cho rằng, việc cúng hay không là do ở mình, cúng lớn hay bé là ở điều kiện của mình, không ai bắt buộc:
“Tục lệ từ ngày xưa, các cụ để lại cho nên là mình chỉ theo tục lệ, thế thôi chứ không bắt buộc, ai thích cúng thì cúng.”
Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.