Phụ nữ Pakistan
NGUYỄN ĐẠT THỊNH
Mahira Khan đóng vai một phụ nữ Pakistan, nạn nhân của hủ tục coi rẻ người đàn bà; cô là giáo viên Sara trong phim Verna -một sản phẩm điện ảnh của Pakistan; ngoài đời cũng như trong phim ảnh, cô có nét đẹp của một người đàn bà Âu, Mỹ, và là diễn viên xuất sắc nhất, cao giá nhất trên màn ảnh, cũng như trên sân khấu ca kịch Trung Đông.
Cô giáo bị con trai của một viên thống đốc quyền thế hiếp dâm, và bị cảnh sát, nhân viên công tố, giả điếc, giả đui không truy tố kẻ tội phạm, nhưng cô không nhịn nhục như thông lệ cổ hủ của nữ giới Pakistan – chấp nhận bị khinh miệt, bị xem không có một giá trị nhỏ nào cả; cô quyết liệt đưa tên vô lại đó ra tòa.
Một chuyện phim như vậy có thể cũng ăn khách nếu là phim Mỹ, phim Nhật, hay phim Pháp, nhưng tại Pakistan thì đó là một cuộc cách mạng, đòi hỏi xã hội phải trả phụ nữ nhân phẩm và quyền sống như người đàn ông.
Dĩ nhiên, cuộc đấu tranh cho nữ quyền diễn ra trong thế kỷ này chỉ tố giác là Pakistan quá chậm tiến, mặc dù họ cũng là một quốc gia có vũ khí nguyên tử.
Trở lại với phim Verna và minh tinh Khan trong vai nữ giáo viên Sara, sống với ông chồng tàn tật Aami; câu chuyện mở đầu bằng một cuộc đi dạo ngoài công viên của vợ chồng Sara và cô Mahgul, em gái của Aami.
Cuộc vui giản dị của gia đình trở thành mấu chốt cho một tấn thảm kịch xã hội, ngay khi một chiếc SUV ngừng lại, cậu công tử lái xe -cậu Sultan, con trai viên thống đốc địa phương ra lệnh cho hai tên đàn em xuống bắt Mahgul, đem về nhà cho cậu.
Sara chống cự không cho bọn tay sai của Sultan bắt em chồng cô; cậu công tử bảo cô lựa chọn -hoặc để cậu ta bắt cô Mahgul về làm đồ chơi ít ngày, hoặc cô lên xe đi với cậu. Sara quay lại thảo luận với Aami, rồi -trước thái độ nhu nhược của chồng- cô bước lên xe, chấp nhận là nạn nhân thế mạng cho Mahgul.
Mahira Khan đóng vai giáo viên Sara trong phim Verna
Sau ba ngày làm đồ chơi trong tay Sultan, Sara tìm biết rõ lý lịch, thành tích ông bố thống đốc của Sultan, rồi được hắn lái xe đưa trả cô về với gia đình.
Cô cho gia đình biết chuyện cô bị hiếp dâm và bảo ông bố ruột và ông chồng tàn tật của cô gọi cảnh sát để khởi tố tên tội phạm, nhưng cả hai cùng khiếp sợ không dám làm điều mà chưa người Pakistan nào làm.
Aami bảo vợ là tên thống đốc đó có thể sắp được chỉ định vào chức vụ thủ tướng chính phủ; cô trả lời là “thủ tướng cũng phải tuân hành luật pháp” -một góc nhìn còn mới toanh tại Pakistan bị nhiều người cho là phạm thượng.
Tên công tử cuồng dâm, sau khi thỏa mãn nhục dục với Sara, lại trở thành si tình; hắn sai tài xế đem hoa và nhiều tặng phẩm đến tặng cô để xin cô bỏ chồng, về làm vợ hắn. Aami đổ ghen, bỏ vợ; Sara tiếp tục ý định tố cáo tên công tử dựa thế bố làm những điều phi pháp và vô luân.
Cô tiếp xúc với một người bạn luật sư, và hai người bàn tính kế hoạch đem nội vụ ra trước ánh sáng pháp lý; Sara bắt đầu ý thức được thế cô đơn của cô giữa vô vàn khó khăn của một xã hội thụ động chấp nhận mọi lộng quyền phạm pháp.
Ông bố Sara tự tử vì cô bị Sultan làm nhục; giữa cảnh bốn bề tang, khó, mẹ cô bỏ đi Mỹ; trước cảnh bơ vơ của vợ, anh Aami trở về; anh bảo Sara là anh sẽ làm những gì cô muốn anh làm để đưa Sultan ra trước pháp luật.
Hai vợ chồng Sara và cô em Mahgul lẻn vào tư gia Sultan trong lúc anh này đang chơi thuyền ngoài biển; Aami lội ra và dùng gậy đánh anh bất tỉnh, kéo ghe vào bờ và đưa anh về nhà họ. Sara nhốt Sultan vào một cái quan tài đặt cạnh quan tài ông bố cô.
Đạo diễn Shoaib Mansoor và hãng phim Shoman Productions của ông khai thác một đề tài rất ăn khách -kể cả khách Pakistan lẫn khán giả thế giới; ông Mansoor cũng nuôi tham vọng đó, nên ông dự trù ra mắt tác phẩm Verna cùng một ngày –17 tháng 11, 2017- trên hàng trăm rạp khắp thế giới.
Nhưng ông thất bại, vì đa số những ngòi bút phê bình điện ảnh đều chê tác phẩm của ông là đầu voi, đuôi chuột -ông đưa ra một tệ trạng bất bình đẳng, coi rẻ đàn bà, và bắt đầu rất sôi nổi bằng cảnh cậu ấm Sultan muốn làm tình với một phụ nữ nào thì chỉ cần giản dị bảo gia nhân bắt đem bỏ người đàn bà đó lên giường cậu..
Nhưng đoạn kết lại chỉ là một cuộc trả thù của cá nhân cô giáo Sara, để nạn nhân chết dần trong quan tài, bên cạnh quan tài của bố cô.
Nhà phê bình Rahul Aijaz chỉ cho Verna 2 sao trên tổng số 5 sao; ông viết trên tờ The Express Tribune, ví tác phẩm Verna như một chiếc thuyền plastic trong một cuộc hải hành; “nó sẽ nhanh chóng bị sóng và gió dìm xuống đáy biển.”
Ký giả điện ảnh Shafiq Ul Hasan khen, “Chuyện phim có nhiều đoạn gay cấn, diễn viên Mahira Khan xuất sắc trong vai nữ giáo viên Sara,” nhưng ông cũng chỉ cho Verna 2 sao.
Hamna Zubair viết trên tờ tạp chí điện ảnh DAWN Images “Verna không chuyên chở được tiếng thét đau đớn của người phụ nữ Pakistan; cảnh chót -cảnh vợ chồng cô giáo Sara đưa nhau đi vacation, để mặc Sultan chết trong quan tài nói lên điều gì?”
Bà luật sư Asma Jilani Jahangir chủ tịch sáng lập Hội Nhân Quyền Pakistan viết rất nhiều bài bênh vực nhân quyền và nữ quyền; bà dẫn chứng là hiếp dâm không chỉ là hành động cuồng dâm của kẻ vũ phu, mà còn là một hình thức trừng phạt của pháp luật nữa, vì pháp luật hậu thuẫn cho hành động hiếp dâm
Cho mãi đến năm 2015, vẫn còn trên 2 triệu người nô lệ Pakistan; họ bị bán cho những địa chủ, gia chủ, làm việc không công, và làm nô lệ tình dục cho chủ.
Bà Jahangir ước lượng có tới 72% nô lệ và nữ tù nhân bị hiếp dâm; nhiều người nô lệ yên trí việc phục vụ tình dục cho chủ là bổn phận của họ.
Trung thực nói lên tiếng nói của phụ nữ Pakistan -những người bị lợi dụng tình dục từ thủa khai thiên lập địa- không thể nào là chuyện giản dị, nhất là anh đạo diễn Shoaib Mansoor lại chọn cách diễn tả bằng thứ ngôn ngữ khó nhất của nghệ thuật: điện ảnh.
Tài diễn xuất của nữ tài tử Khan giúp anh thành công hơn một nhà văn trong cố gắng mô tả sự đau khổ của người đàn bà bị cưỡng bức, nhưng chính sự thành công đó làm lệch tác phẩm của anh, vì âm thầm giết một cậu công tử bột cuồng dâm không giải quyết ách nạn của phụ nữ Pakistan.
Để hiểu cái khó và sự thất bại của Verna, xin thử hình dung một cuốn phim mô tả thủ đoạn độc ác của Việt Cộng trong chiến tranh và trong hòa bình. Cái khó đó, chúng ta chưa dám đối phó sau 42 năm học hỏi trên trường nghệ thuật thế giới.