Phong trào tự ứng cử và Quốc hội ở VN

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phong trào tự ứng cử và Quốc hội ở VN

Image Getty – Một Hội đồng Bầu cử Quốc gia Việt Nam đã được thành lập dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị Đảng CSVN, với Chủ tịch Hội đồng là Nguyễn Sinh Hùng.

Theo BBC – 25 tháng 2 2016
BBC và các vị khách mời Bàn tròn Thứ Năm thảo luận về xu hướng tự ứng cử đang diễn ra và cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp của Việt Nam năm 2016.
Chương trình được phát trực tiếp từ lúc 19h15-20h00 giờ Việt Nam ngày 25/2/2016, trên kênh Youtube của BBC Việt ngữ, mời qu‎ý vị theo dõi tại đây: http://youtu.be/socMFYAIzI8
Bàn tròn có sự tham gia của các khách mời là ứng viên tự ứng cử, cựu dân biểu Quốc hội hay thành viên hội đồng nhân dân và nhà nghiên cứu, quan sát thời sự chính trị, xã hội Việt Nam.
Theo thống kê của một số trang mạng xã hội Việt Nam, tính tới thời điểm hiện nay đã có khoảng trên hai chục trường hợp tự ứng cử tại các địa phương, trong số đó có nhiều nhà hoạt động và vận động dân chủ hóa như Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, luật sư Lê Văn Luân, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, các nhà hoạt động địa phương như Đặng Phương Bích, Nguyễn Thúy Hạnh v.v…
Hôm 24/2, một Hội nghị hướng dẫn cách giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan tổ chức, đơn vị ở Trung ương tại Việt Nam đã được Ban Thường vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, theo trang mạng của Quốc hội Việt Nam.
Trước đó, hôm 21/2, một quan chức lãnh đạo cơ quan này, Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, đã được truyền thông nhà nước trích lời nói “Người tự ứng cử nếu thực sự xuất sắc thì khả năng trúng cử rất cao.”

Phân bổ chỉ tiêu

Một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam mới đây đã đưa ra dự kiến về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.
Theo Nghị quyết này, số lượng được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 198 đại biểu, bằng 39,6%, trong đó, cơ cấu, thành phần được dự kiến phân bổ là:
Các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương) 114 đại biểu, trong đó dự kiến khoảng 20% đại biểu là phụ nữ và khoảng 10% đại biểu là người dân tộc thiểu số; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu, phấn đấu có đại biểu là phụ nữ và đại biểu là là người dân tộc thiểu số.
Bộ Quốc phòng (gồm Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng) 15 đại biểu; Bộ Công an (gồm cả Bộ trưởng Bộ Công an) 3 đại biểu; Tòa án Nhân dân Tối cao 1 đại biểu; Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao 1 đại biểu; Kiểm toán Nhà nước 1 đại biểu;
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên 31 đại biểu, trong đó có đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), đại biểu tôn giáo, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử và nhân sỹ trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu…
Một bản tin tối trên truyền hình Việt Nam hôm 21/2 nêu rõ dự kiến tối đa chỉ có 50 người ngoài Đảng được cơ cấu vào Quốc hội Việt Nam gồm 500 Đại biểu, tương ứng với tỷ lệ 10%.
Vẫn theo trang web của Quốc hội Việt Nam, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành từ ngày 24/2 đến 10/3/2016, còn kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp chính thức được tổ chức vào ngày 22/5/2016.
Một Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã được lập ra dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị với người đứng đầu Hội đồng là đương kim Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Nguyễn Sinh Hùng.