Phong trào chống sắc lệnh di trú của D. Trump lan rộng trên thế giới
RFI – Trọng Nghĩa
Đăng ngày 30-01-2017
Biểu tình chống sắc lệnh nhập cư của Donald Trump tại nhà ga số 4 sân bay San Francisco International, California, Hoa Kỳ, ngày 29/01/2017REUTERS/Kate Munsch
Từ Canada đến Anh Quốc, không kể đến các nước trong khối Ả Rập-Hồi Giáo, càng lúc càng có thêm những tiếng nói và hành động cụ thể phản đối sắc lệnh của tân tổng thống Mỹ Donald Trump cấm cửa công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi Giáo. Nổi bật nhất là bản kiến nghị đòi chính quyền Anh Quốc hủy bỏ chuyến công du cấp Nhà nước của tân tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ghi nhận của AFP, vào trưa nay, theo giờ Paris, đã có hơn một triệu người ký vào bản kiến nghị phản đối chuyến thăm Anh Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào năm nay, để phản đối sắc lệnh chống nhập cư của ông.
Bản kiến nghị được công bố trên trang web của Nghị Viện Vương Quốc Anh xác định rằng ông Trump « có thể thăm Anh Quốc trong tư cách là người đứng đầu chính phủ Mỹ », nhưng không thể thực hiện một chuyến thăm cấp Nhà nước, với tất cả những nghi thức trang trọng kèm theo.
Theo ghi nhận của giới quan sát, kiến nghị yêu cầu không đón tiếp ông Trump trong một chuyến thăm cấp Nhà nước đã được đưa ra từ cuối năm ngoái, với lý do là tránh cho Nữ Hoàng Anh phải tiếp một con người thô tục. Tuy nhiên kiến nghị đó chỉ được vài trăm chữ ký.
Thế nhưng, sau khi ông Trump ký sắc lệnh cấm nhập cư đối với 7 quốc gia có phần đông người theo Hồi Giáo và ngưng tiếp nhận người tị nạn, số lượng người ký đã tăng vọt, tựa như mọi người muốn qua đó biểu thị thái độ chống chính sách kỳ thị của ông Trump.
Một quốc gia khác là Canada, thì đã dùng hành động cụ thể trong thẩm quyền của mình để tỏ thái độ phản đối sắc lệnh di trú của tổng thống Mỹ. Vào hôm qua, Ottawa loan báo quyết định cấp giấy tạm trú cho tất cả những công dân 7 nước bị ông Donald Trump vạch mặt chỉ tên và bị kẹt lại ở Canada vì sắc lệnh vừa ban hành.
Đây được xem là một cử chỉ gián tiếp chỉ trích chính sách của nước láng giềng.
Phản ứng mạnh nhất trước sắc lệnh của Donald Trump dĩ nhiên là 7 nước bị tổng thống Mỹ nêu tên nói riêng, và các quốc gia trong khối Ả Rập Hồi Giáo nói chung.
Vào hôm nay, Quốc Hội Irak, một trong số 7 nạn nhân của Donald Trump, đã thông qua một nghị quyết trả đũa Hoa Kỳ, áp dụng biện pháp gọi là ăn miếng trả miếng nhắm vào người Mỹ nhập cảnh Irak.
Ngay từ hôm qua, Liên Đoàn Ả Rập bao gồm 22 nước đã lên tiếng quan ngại về sắc lệnh của ông Trump, nêu bật một số điểm phi lý trong sắc lệnh này.
Qua ngày hôm nay, đến lượt Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo OCI, tập hợp 57 quốc gia, đã đả kích sắc lệnh của ông Trump, cho đấy là một động thái chỉ có tác dụng kích động ý hướng cực đoan trong thế giới Hồi Giáo, tạo cơ sở cho các hoạt động khủng bố.
Giới quan sát đều nêu bật nghịch lý trong hành động của tân tổng thống Mỹ. Trong lúc ông nêu lên vụ khủng bố ngày 11/09/2001 để giải thích lý do hạn chế nhập cảnh đối với 7 nước bị ông cho vào danh sách đen, thì các quốc gia là quê hương của các tên không tặc ngày 11/09 lại không nằm trong danh sách, từ Ai Cập, Ả Rập Xê Út, cho đến Liban, và Các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Bốn nước này đều là đồng minh của Mỹ.