Phong tỏa 3 bệnh viện tại Đà Nẵng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phong tỏa 3 bệnh viện tại Đà Nẵng

Toàn thành phố Đà Nẵng sẽ giãn cách xã hội từ 0h ngày 28/7, riêng khu vực 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và khu dân cư xung quanh sẽ phong tỏa để tránh lây lan dịch COVID-19, truyền thông trong nước đưa tin.

Khu vực 3 bệnh viện lớn tại Đà Nẵng, gồm cả khu dân cư xung quanh sẽ bị khoanh vùng cách ly từ 0h ngày 28/7. (Ảnh: W.D)

Sau buổi họp sáng 27/7, kết thúc thảo luận với lãnh đạo địa phương và ngành y tế, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quyết định sẽ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 tại khu vực có 3 cơ sở y tế là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng, bao gồm cả khu dân cư xung quanh các tuyến đường Quang Trung, Hải Phòng, Đống Đa.

Chính quyền Đà Nẵng tự quyết định việc thực hiện các biện pháp được nêu trong Chỉ thị 16 tại quận Liên Chiểu và một số nơi có các ca lây nhiễm, khoanh vùng ổ dịch.

Còn toàn thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 từ 0h ngày 28/7, ông Phúc cho hay.

Ông Phúc không đưa ra thời hạn cho các biện pháp “giãn cách xã hội” và “cách ly xã hội” này.

Cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng ra công văn yêu cầu bắt đầu từ 0h ngày 28/7, trong vòng 15 ngày, người dân tại các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu hạn chế tiếp xúc cộng đồng, ở tại nhà trừ các trường hợp thật cần thiết (mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy); đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Dừng toàn bộ hoạt động vận tải trên thành phố, bao gồm xe buýt nội thành và liên tỉnh, vận tải khách thủy nội địa, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch… trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Các loại hình được phép mở cửa gồm khám chữa bệnh; bán thuốc và vật tư y tế; chất đốt; ngân hàng; bưu chính viễn thông; công chứng; cấp điện, cấp nước; hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất. Đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Thành phố phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và phong tỏa khu vực các tuyến đường: Quang Trung, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Thị Minh Khai  từ 0h ngày 28/7- cho đến khi có thông báo mới.

Hàng không, đường sắt chạy đua đưa khách rời Đà Nẵng

 

Sau quyết định cách ly, giãn cách nói trên, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không gửi gấp kế hoạch bay và tăng cường huy động máy bay để đưa hành khách ra khỏi Đà Nẵng trước 0h ngày 28/7.

Trước đó, trong ngày 26/7, sau khi có tin Đà Nẵng giãn cách toàn thành phố, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép cho các hãng hàng không tăng 17 chuyến  khứ hồi đi, đến Đà Nẵng (thông thường gần 100 chuyến/chiều/ngày), ngoài ra cho phép một số hãng được chuyển sang khai thác máy bay cỡ lớn.

Cục này cho biết trong 5 ngày từ ngày 27/7 – 31/7, 80.000 hành khách đã đến và đang ở tại Đà Nẵng, theo số liệu đặt chỗ của các hãng hàng không.

Theo thông báo mới, tối 27/7, Vietnam Airlines sẽ tăng cường 12 chuyến bay (7 chuyến tăng cường từ Đà Nẵng ra Hà Nội và 5 chuyến đến TP.HCM). Còn Vietjet Air cho biết chưa có kế hoạch tăng chuyến trong hôm nay.

Hôm qua (26/7), sân bay Đà Nẵng đã có 261 chuyến cất hạ cánh, tăng 30% so với khoảng 200 chuyến hàng ngày vào dịp cao điểm hè.

Ngành đường sắt cũng tham gia vào cuộc chạy đua đưa người rời khỏi Đà Nẵng này. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tăng thêm 2 đoàn tàu từ Đà Nẵng đi Hà Nội và TP.HCM.

Ngoài ra, ngành đường sắt cho miễn phí đổi, trả vé cho hành khách có ga đi hoặc đến là các ga Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi trong khoảng thời gian từ 27/7 đến 12/8/2020. Vé cá nhân trả trước giờ tàu chạy 4 tiếng, vé tập thể trả trước giờ tàu chạy 10 tiếng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết sẽ lập 2 tổ thường trực tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn để kiểm soát, phát hiện hành khách có biểu hiện nhiễm bệnh. Toàn bộ các đoàn tàu khách sau khi về ga đều phải phun thuốc khử trùng, lau rửa bên trong và bên ngoài trước khi chở khách chuyến tiếp theo.

Trong hai ngày 25-26/7, khoảng 2.000 khách đã rời Đà Nẵng bằng tàu hỏa.

trithucvn.net – 27/7/20