Philippines đàm phán với Mỹ về TPP

Cac Bai Khac

No sub-categories

Philippines đàm phán với Mỹ về TPP

Philippines mong muốn tham gia vào Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương và đã bắt đầu mở đàm phán bán chính thức với Hoa Kỳ. Thông tin về việc Manila muốn vào TPP đã có từ lâu, nhưng đến ngày 04/08/2016 đã được bộ trưởng Thương Mại Philippines Ramon Lopez xác nhận rõ ràng qua bài phỏng vấn dành cho hãng tin Anh Reuters.

Trả lời Reuters bên lề hội nghị các bộ trưởng kinh tế ASEAN cuối tháng 7/2016 tại thủ đô Lào Vientiane, ông Lopez cho biết tân chính phủ Philippines duy trì chính sách tham gia tối đa vào các hiệp định tự do mậu dịch. Theo ông Philippines rất gần với Mỹ và hai bên đã có đàm phán bán chính thức với nhau về việc Manila gia nhập khối TPP.

Ông Lopez tin tưởng Philippines có một vị trí thuận lợi để tham gia khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, vì đã có ký FTA riêng rẽ với 7 trên 12 thành viên TTP. Hiện nay, khối tự do mậu dịch này bao gồm Úc, New Zealand, Brunei, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Mêhicô, Chile, và Peru, tập trung 40% thương mại thế giới.

Giải thích về lý do thúc đẩy Manila gia nhập TPP, bộ trưởng Thương Mại Philippines cho rằng hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương sẽ mang lại lợi ích lớn cho các ngành công nghiệp thiết yếu như điện tử, máy móc tự động và vải sợi may mặc. Trong tình hình đó, nếu không làm gì thì “Philippines sẽ mất đi một số cơ hội mà các nước khác được hưởng. Philippines muốn có phần trong đó”.

Hiệp định TPP được cho là đặc biệt thuận lợi cho các nền kinh tế dựa trên nhân công giá thấp với viễn cảnh thuế quan vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ được cắt bỏ mạnh. Đối với Manila, TPP sẽ mở cửa các thị trường bắc và nam Mỹ cho hàng hóa Philippines.

Tuy nhiên, bộ trưởng Thương Mại Philippines từ chối dự đoán về thời điểm Philippines có thể được kết nạp vào TTP, giải thích rằng hiện thời ngay cả việc các nước thành viên phê chuẩn văn kiện đã ký kết còn bấp bênh.

Đàm phán về TPP kết thúc năm 2015, hiệp định được ký kết đầu năm nay. Nhưng để có hiệu lực thì cần được Quốc hội 12 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018.

Hiệp định TPP được coi là một nỗ lực của tổng thống Mỹ Barack Obama, thế nhưng khả năng văn kiện này được phê chuẩn trước khi ông Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017 rất mong manh, trong bối cảnh chiêu bài chống tự do mậu dịch đang được các ứng viên tham gia các cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây ở Mỹ tận lực khai thác. – RFI