Phi thuyền Rosetta sắp đáp xuống sao chổi 67P
Một phi thuyền đã bay qua Thái dương hệ trong mười năm nay để đuổi theo một sao chổi giờ đây đang chuẩn bị để thực hiện vụ gặp gỡ có tính chất lịch sử.
Phi thuyền Rosetta của Cơ quan Không gian Châu Âu hôm nay sẽ giáp mặt Sao Chổi 67P/Churymov-Gerasimenko sau những thao tác chót để phi thuyền đi vào quỹ đạo cách bề mặt sao chổi khoảng 100 kilomét.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, phi thuyền 1 tỉ 700 triệu đô la này sẽ trở thành phi thuyền đầu tiên hội ngộ với một sao chổi.
Các nhà khoa học hy vọng Rosetta sẽ cung cấp thêm thông tin về những mảnh vỡ đông lạnh còn sót lại từ khi thái dương hệ được tạo thành.
Ông Stephan Ulamec, Giám đốc Dự án Rosetta cho biết như sau.
“Thách thức ở đây là chúng tôi hầu như không biết gì về sao chổi này. Và khi chúng tôi chế tạo phi thuyền này thì những điều mà chúng tôi biết về sao chổi còn ít hơn nữa. Khi đó chúng tôi không biết bề mặt của nó như thế nào, không biết nó mềm hay cứng như nước đá.”
Chu kỳ ban ngày ban đêm thì được biết khá rõ. Nhưng mãi cho tới hồi gần đây chúng tôi mới biết được sao chổi này như thế nào, hình thù ra sao. Và đó chính là sự khác biệt lớn so với những phi vụ lên mặt trăng hay sao hỏa, những nơi mà chúng ta đã biết khá rõ.
Sau khi tiến vào quỹ đạo, phi thuyền Rosetta sẽ đi theo Sao chổi 67P trong vòng một năm để quan sát trong lúc sao chổi bay về hướng mặt trời. Cao điểm của phi vụ này sẽ diễn ra vào tháng 11, khi phi thuyền Rosetta thả ra một phi thuyền đổ bộ để đáp xuống Sao Chổi 67P và trở thành phi thuyền đầu tiên đáp xuống sao chổi.
Các nhà khoa học tin rằng các sao chổi chứa đựng những nguồn gốc của sự sống trên trái đất, mang tới nước và những thành tố thiết yếu khác khi chúng tông vào bề mặt hành tinh này.
Phi thuyền Rosetta đã bay hơn 6 tỉ kilomét kể từ khi được phóng đi hồi tháng 3 năm 2004. – VOA