Phạt Tuổi Trẻ, sao không phạt Sài Gòn Giải Phóng?
Trân Văn
17-7-2018
Bộ Thông tin – Truyền thông của chính phủ Việt Nam vừa buộc tờ Tuổi Trẻ nộp phạt 220 triệu đồng và tạm đình bản “Tuổi Trẻ Online” – phiên bản của Tuổi Trẻ trên Internet – trong vòng ba tháng vì “thông tin sai sự thật” và “gây mất đoàn kết dân tộc” (1).
***
Cáo buộc “thông tin sai sự thật” liên quan tới bài tường thuật buổi gặp gỡ giữa Đại biểu Quốc hội Trần Đại Quang với cử tri TP.HCM hồi hạ tuần tháng trước. Theo tờ Tuổi Trẻ, ông Quang đã công khai bày tỏ sự đồng tình với cử tri rằng cần có Luật Biểu tình! Còn theo Bộ Thông tin – Truyền thông thì ông Quang không hề nói như vậy!
Trong bối cảnh Luật Biểu tình được xem như một món nợ mà hệ thống công quyền Việt Nam chỉ hứa chứ chưa chịu trả, dù nhiều giới, nhiều người, trong số này có cả hàng chục đại biểu quốc hội, thúc giục trả nợ (2), việc ông Quang trong vai Đại biểu Quốc hội biểu thị sự đồng tình với đề nghị của cử tri về việc phải sớm có Luật Biểu tình là bình thường.
Điểm đáng chú ý chỉ nằm ở chỗ ông Quang còn giữ hai vai khác: Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN và Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng vì vậy, ngoài việc ủng hộ, ông Quang còn hứa sẽ báo cáo Quốc hội nguyện vọng của cử tri về Luật Biểu tình trở thành sự kiện khiến nhiều người quan tâm.
Bao nhiêu người tin Tuổi Trẻ – một trong những tờ báo hàng đầu tại Việt Nam – phạm phải sai lầm hết sức cơ bản: Bịa đặt thông tin, ngụy tạo sự kiện? Bao nhiêu người tin có cơ quan truyền thông chính thức nào đó tại Việt Nam dám tạo ra, gắn vào môi, miệng một nhân vật nào đó trong nhóm “tứ trụ” những tuyên bố thuộc loại hết sức nhạy cảm?
***
Cáo buộc “thông tin sai sự thật” về buổi gặp gỡ giữa Đại biểu Quốc hội Trần Đại Quang với cử tri dẫu đáng ngờ nhưng vì Tuổi Trẻ làm thinh, tự nguyện “giơ đầu chịu báng”, dứt khóat không phản biện nên khó phân định thực hư, tuy nhiên cáo buộc Tuổi Trẻ “gây mất đoàn kết dân tộc” thì rõ ràng là hết sức… tầm bậy, tầm bạ!
Căn cứ để Bộ Thông tin – Truyền thông xác định Tuổi Trẻ “gây mất đoàn kết dân tộc” là bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?”, được đưa lên Internet cách nay hơn một năm (26/05/2017). Xét về tính chất, “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?” không phải là bài viết. Đó là một diễn đàn dành cho độc giả.
Theo trình bày của Tuổi Trẻ ở phần đề dẫn “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?” thì sau khi tường thuật kết luận của Thủ tướng Việt Nam về phương án đầu tư cho Dự án cao tốc Bắc – Nam, nhiều độc giả đã nêu thắc mắc về “cao tốc cho miền Tây” và đó là lý do Tuổi Trẻ quyết định thu thập thêm ý kiến độc giả (3).
Khó có thể bảo rằng “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?” thành công về mặt dư luận. 133 ý kiến mà độc giả Tuổi Trẻ góp cho “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?” chỉ xoay quanh những vấn đề dẫu đúng song không mới: Miền Tây (13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) đóng góp đủ thứ (nông sản, thủy sản) cho tiến trình phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam nhưng chưa bao giờ được đầu tư thỏa đáng. Hạ tầng giao thông ở miền Tây vừa thiếu, vừa yếu và điều đó kìm hãm sự phát triển của miền Tây. Sắp hết thập niên thứ hai của thế kỷ 21, đường đất, cầu khỉ vẫn tràn lan ở miền Tây trong khi miền Bắc rất nhiều cao tốc chẳng có bao nhiêu xe qua lại, nhiều con đường thênh thang, phẳng lì chỉ có… bò đi lang thang. Sau khi ngắm nghía bản đồ quy hoạch cao tốc, một số độc giả phát giác, cao tốc ở miền Bắc chằng chịt như mạng nhện, còn cao tốc ở miền Nam chỉ thấy loẹt quẹt vài ba đường…
Chẳng lẽ tổ chức thu thập ý kiến độc giả, để độc giả so sánh thực tế đầu tư cho hạ tầng giao thông giữa miền Bắc và miền Tây “gây mất đoàn kết dân tộc”? Nếu nhận định – hành xử như thế là đúng thì không những không thể tha Sài Gòn Giải Phóng mà còn phải trừng phạt cơ quan ngôn luận này của Thành ủy TP.HCM nặng hơn.
Cùng thời điểm Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?”dành cho độc giả, Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Đầu tư cho giao thông khu vực Nam bộ” với sự tham dự của các chuyên gia, đại diện một số tổ chức kinh doanh vận tải, viên chức hữu trách trong lĩnh vực giao thông – công chánh của nhiều địa phương.
Tường thuật của Sài Gòn Giải Phóng về cuộc tọa đàm này xác định: Đầu tư cho giao thông của Nam bộ (Sài Gòn, khu vực Đông Nam bộ, miền Tây) bị… “lệch pha“!
Những người tham dự cuộc tọa đàm vừa kể cùng khẳng định, dẫu Nam bộ là khu vực có hoạt động sản xuất, kinh doanh năng động nhất Việt Nam nhưng đầu tư cho hạ tầng giao thông của khu vực này chưa tương xứng. Tập trung đầu tư cho những khu vực mức độ tăng trưởng thấp như thời gian vừa qua, không những không bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội, mà còn không công bằng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của Nam bộ.
Có một điểm đáng lưu ý là tờ Sài Gòn Giải Phóng tuyên bố, sẽ đeo đuổi đề tài qui hoạch – phát triển hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ và sẽ tổ chức nhiều cuộc tọa đàm tương tự nhằm làm rõ hơn quan điểm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam nên như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất (4) song Sài Gòn Giải Phóng vẫn… bình an vô sự.
***
Chưa rõ chuyện Tuổi Trẻ bị phạt 220 triệu, phải tạm đình bản Tuổi Trẻ Online trong ba tháng vì “thông tin sai sự thật” và “gây mất đoàn kết dân tộc” sẽ giúp bao nhiêu “nhà báo cách mạng” nhận ra thân phận của mình. Chỉ có thể đoan chắc, quyết định phạt tờ Tuổi Trẻ của Bộ Thông tin – Truyền thông sẽ giúp dân chúng Việt Nam hiểu tường tận hơn cả vai trò, vị trí của “báo chí cách mạng” lẫn bản chất thật của những “nhà nước do dân, vì dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “chính phủ kiến tạo”. Âu là trong rủi có may!
Chú thích