Phát biểu của Tổng thống Obama tại Buổi gặp gỡ Doanh nghiệp Trẻ và Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phát biểu của Tổng thống Obama tại Buổi gặp gỡ Doanh nghiệp Trẻ và Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam

Toàn bộ buổi gặp gỡ của Tổng thống Obama tại Dreamplex

Tác giả: Barack Obama, Bản dịch từ: Đại sứ quán Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

8 Tháng Sáu , 2016

Tổng thống Obama tại Buổi gặp gỡ Doanh nghiệp Trẻ và Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam

2:02 P.M. ICT

TỔNG THỐNG OBAMA: Cảm ơn các bạn. Xin chào. (Vỗ tay.) Cảm ơn các bạn rất nhiều. Cảm ơn các bạn. Thật tuyệt vời khi được đến Thành phố Hồ Chí Minh. Mời các bạn ngồi.

Tôi vừa có cơ hội đến thăm Chùa Ngọc Hoàng. Tôi nghĩ rằng việc đi từ ngôi chùa thiêng liêng 100 năm tuổi cho tới không gian DreamPlex của thế kỷ 21 này đã thể hiện một cách tuyệt vời sự phát triển đang diễn ra ở Việt Nam – một quốc gia vinh danh lịch sử nhưng cũng vững vàng tới tương lai.

Và đó cũng là câu chuyện của thành phố này. Đây là một thành phố lúc nào cũng chuyển động. Khi di chuyển từ sân bay vào nội đô, chúng tôi đã được chứng kiến mọi hoạt động đang diễn ra. Và tôi không chỉ nói về giao thông đâu – (cười) – mặc dù tôi nghĩ di chuyển bằng xe máy sẽ dễ hơn xe hộ tống. (Cười)

Nhưng thành phố này, cũng như đất nước này, tràn đầy năng lượng. Bạn có thể thấy điều đó qua những tòa cao ốc vươn lên trên đường chân trời và những cửa hàng mọc lên ở khắp các ngõ phố. Bạn có thể thấy điều đó trên Internet, nơi hàng chục triệu người Việt đang kết nối với nhau và với thế giới. Bạn có thể cảm nhận điều đó ở đây tại DreamPlex, nơi ý tưởng trở thành hiện thực. Tôi vừa có cơ hội chứng kiến một vài ý tưởng đang được hiện thực hóa – những người trẻ đang thực hiện những việc đó. Tôi đã thấy một trò chơi ảo giúp phục hồi chấn thương dây thần kinh, một cái máy giúp điện thoại bạn điều khiển được máy cắt laser – mặc dù bạn sẽ phải cẩn thận với cái máy đó. (Cười)

Có lẽ một phần năng lượng này là nhờ vào cà phê trứng nổi tiếng của các bạn. Thứ đó rất mạnh, tôi hiểu. Nhưng động lực thực sự của tăng trưởng ở Việt Nam hay thành phố Hồ Chí Minh là tinh thần khởi nghiệp – đó chính là tinh thần đưa chúng tôi đến đây ngày hôm nay.

Và tôi đã chứng kiến điều đó ở mọi nơi tôi đến trên thế giới. Tôi gặp gỡ nhiều người – đặc biệt là những người trẻ, như ba người mà chúng ta sắp gặp tới đây – những người khao khát tự lập nghiệp, bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, và tự quyết định số phận của mình. Rất nhiều người muốn làm được nhiều hơn là chỉ tạo ra một ứng dụng mới tuyệt vời trên điện thoại. Họ muốn đóng góp cho cộng đồng và giúp mọi dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Và đó chính là cốt lõi của tinh thần khởi nghiệp. Đó là xây dựng doanh nghiệp – và hy vọng là thu được lợi nhuận. Đó cũng còn là tạo ra công ăn việc làm, phát triển sản phẩm mới, sáng tạo ra nhiều cách phục vụ khách hàng. Tinh thần khởi nghiệp là nhiên liệu cho sự thịnh vượng, nó giúp hướng nền kinh tế đang đi lên vào con đường tới thành công. Nó đem lại cho những người trẻ như các bạn cơ hội đưa năng lượng và đam mê của mình vào những điều lớn lao hơn. Và nó còn giúp chúng ta xóa bỏ rào cản văn hóa để cùng nhau giải quyết những thách thức lớn mà thế giới đang gặp phải.

Tất nhiên, trở thành một doanh nhân không phải điều dễ dàng. Không dễ để làm vậy ở Hoa Kỳ, ở Việt Nam, hay ở bất cứ đâu trên thế giới. Những bước đầu tiên bao giờ cũng khó khăn. Rất khó để huy động vốn. Rất khó để có được những kỹ năng xây dựng doanh nghiệp. Không phải bao giờ bạn cũng có những cố vấn hay mối quan hệ giúp đỡ bạn suốt cả quá trình. Phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa vì những định kiến xã hội từ xưa, vì không có nhiều cơ hội.

Vì vậy chúng ta sẽ phải thúc đẩy tất cả những người có năng lực trong xã hội. Vấn đề bạn nghèo không có nghĩa là bạn không thể làm chủ một doanh nghiệp. Bạn không trông giống như những doanh nhân khác không có nghĩa là bạn không thể cung cấp những sản phẩm hay dịch vụ tuyệt vời.

Và đó là lý do vì sao DreamPlex lại quan trọng đến vậy. Đây không chỉ là ngôi nhà của những người khởi nghiệp bằng công nghệ như bạn. Đây còn là nơi bạn chia sẻ ý tưởng và cùng xây dựng cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau.

Bên cạnh sự coi trọng tinh thần khởi nghiệp, những nơi ấp ủ ý tưởng như thế này đã khiến các công ty khởi nghiệp phát triển nhiều chưa từng thấy ở Việt Nam. Trong vòng một năm trở lại đây, nguồn vốn cho khởi nghiệp đã tăng lên gấp đôi. Chúng ta đang chứng kiến những thương vụ thâu tóm khổng lồ, như Tập đoàn Fossil mua lại Misfit Wearables, một công ty Việt Nam chuyên sản xuất thiết bị đeo thông minh. Chúng ta đang chứng kiến những người Mỹ gốc Việt đến đây để mạo hiểm – điều đó cho thấy mối quan hệ sâu sắc giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Và cả thế giới đang chú ý. Tập đoàn đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới mang tên 500 Startups vừa mới công bố quỹ đầu tư trị giá 10 triệu USD ở thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị Khởi nghiệp Toàn cầu vào tháng sau – một chương trình mà tôi đã chủ trì từ vài năm nay – tôi sẽ chào đón tám doanh nhân Việt Nam tới Thung lũng Silicon, nơi họ có thể học hỏi từ những doanh nhân, nhà khởi nghiệp, và nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới. Và thành công của các bạn sẽ để lại thông điệp cho nhà đầu tư toàn cầu về tiềm năng đổi mới tuyệt vời của đất nước này. Hy vọng rằng điều đó cũng sẽ khuyến khích những doanh nhân Việt theo đuổi ý tưởng mới và thành lập công ty, để tiếp tục tạo động lực cho nền kinh tế không ngừng phát triển.

Tôi tới đây ngày hôm nay vì Hoa Kỳ cam kết là đối tác khi các bạn phát triển. Tổ chức Hòa bình (Peace Corp) sẽ tới Việt Nam lần đầu tiên, và tình nguyện viên của chúng tôi sẽ giúp các bạn học tiếng Anh – ngôn ngữ thông dụng toàn cầu. Qua những chương trình như Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á, chúng tôi muốn giúp cho hàng nghìn người trẻ Việt có được kỹ năng và mạng lưới cần thiết để họ đưa ý tưởng của mình thành hiện thực. Với chương trình Sáng kiến Kết nối Hoa Kỳ – ASEAN (U.S.-ASEAN Connect Initiative), chúng tôi hy vọng sẽ kết nối những doanh nghiệp ở Việt Nam với nhà đầu tư Mỹ trong những lĩnh vực như là năng lượng sạch. Với trung tâm khởi nghiệp của phụ nữ mà chúng tôi sắp mở cửa ở Việt Nam – chúng tôi đặt tên là WECREATE, chúng tôi sẽ giúp tăng cường năng lực cho thế hệ kế cận những phụ nữ làm kinh doanh.

Và nếu chúng ta thực sự muốn khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới, tôi muốn nói rằng chúng ta cần nhanh chóng thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bởi vì TPP sẽ không những cho phép chúng ta bán được nhiều hàng hóa hơn và mang nền kinh tế hai nước lại gần nhau, hiệp định còn giúp thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam, tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường mới cho các công ty lớn cũng như công ty nhỏ và vừa. Hiệp định sẽ nâng cao các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, và cải thiện môi trường kinh doanh để những người khởi nghiệp như của các bạn có thể phát triển.

Lời nhắn gửi của tôi ngày hôm nay đến tất cả những người khởi nghiệp là tôi tin ở các bạn, nước Mỹ tin ở các bạn, và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào thành công của các bạn. Nói cho cùng, tương lai Việt Nam trong những thập kỷ tới đây nằm trong tay các bạn, những nhà sáng chế và những người có ước mơ, những người mà tôi vừa gặp và chúng ta sẽ sớm gặp lại thôi, và tất cả những người đang lắng nghe tôi ở đây.

Vì thế tôi mong muốn được nghe từ những nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc này. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Cảm ơn. (Vỗ tay)

Giờ tôi sẽ giới thiệu qua về những doanh nhân trẻ xuất sắc đang dẫn đầu ở Việt Nam. Chúng tôi mời họ đến đây để nói về việc điều gì đã có thể làm cho việc khởi nghiệp dễ dàng hơn và họ sẽ tiếp tục nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp như thế nào.

Người đầu tiên là Khoa Phạm, Giám đốc Pháp lý và Hoạt động doanh nghiệp Microsoft Việt Nam. Chúng ta còn có Lê Hoàng Uyên Vy, nhà sáng lập của Adayroi, trang thương mại điện tử với mục tiêu trở thành Amazon của Việt Nam. Và đây là Đỗ Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Seedcom, một quỹ chuyên đầu tư vào các công ty Việt Nam. Hãy cho họ một tràng pháo tay trước khi chúng ta bắt đầu cuộc đối thoại này. (Vỗ tay)

Chúng ta hãy cùng bắt đầu với bạn nhé Vy. Hãy kể cho chúng tôi, có vẻ bạn có hứng thú với kinh doanh từ khi còn rất trẻ.

VY: Chào buổi tối Ngài Tổng thống. Chào buổi tối tất cả mọi người. Đầu tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới chính phủ Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ vì đã tổ chức một chương trình tuyệt vời như thế này. Tôi tên là Vy, và tôi đã tốt nghiệp Đại học Georgetown vào năm 2009 chuyên ngành tài chính. Thực ra, tôi có đam mê với công nghệ khi còn đi học. Khi tôi 13 tuổi, tôi quyết định tự thành lập công ty thiết kế web của mình. Tôi rất thích ý tưởng kết nối người bán và người mua trên cùng một nền tảng trực tuyến, như eBay hay Amazon.

Nhưng lúc đó, tôi còn rất trẻ và không thể tự lập một doanh nghiệp thực sự. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, tối quyết định quay trở về Việt Nam và bắt đầu lập một địa chỉ bán đồ thời trang trực tuyến. Rất may mắn, sau năm năm chúng tôi đã trở thành một trong những địa chỉ hàng đầu cho những tín đồ thời trang ở Việt Nam. Chúng tôi được mua lại bởi tập đoàn lớn nhất ở Việt Nam. Giờ đây tôi đang điều hành trang web Adayroi.com. Về cơ bản, chúng tôi là Amazon của Việt Nam. Chúng tôi bán mọi thứ từ đồ điện tử cho tới hành tạp hóa trên mạng. Mục tiêu của chúng tôi là mang lại cho mọi hộ gia đình ở Việt Nam những sản phẩm an toàn, chất lượng cao với giá phải chăng.

TỔNG THỐNG OBAMA: Điều đó thật tuyệt. Bạn trông cũng rất tuyệt nữa. Đây có phải là một trong những sản phẩm thời trang mà bạn bán trên mạng không? (Cười). Có phải bạn mua vòng cổ và đôi khuyên tai này ở đó không?

VY: Những món đồ này đều có ở trên Adayroi.com. (Cười)

TỔNG THỐNG OBAMA: Vậy nếu các bạn đang tìm kiếm món hời thì biết chỗ rồi – (cười). Thật xuất sắc.

Còn bạn, Hằng, bạn bắt đầu với vai trò một doanh nhân. Còn bây giờ bạn đã là một nhà đầu tư. Hãy kể cho chúng tôi nghe về những thách thức bạn gặp phải. Hẳn là có những thách thức đặc biệt khi là một nữ doanh nhân và nhà đầu tư ở Việt Nam.

HẰNG: Thưa Ngài Tổng thống, tôi rất vinh hạnh khi được ở đây ngày hôm nay. Quay ngược lại một chút, khi tôi quay trở lại Việt Nam vào năm năm trước sau chín năm ở Hoa Kỳ. Nước Mỹ như ngôi nhà thứ hai của tôi vậy. Tôi quay trở lại Việt Nam vì tôi có rất nhiều điều gắn bó ở đây. Gia đình tôi ở đây, quê hương tôi ở đây, rất nhiều người ở đây. Môi trường ở đây rất tốt, và tôi đã học được nhiều điều từ những thế hệ đi trước. Tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều mô hình thành công ở đây, vì thế tôi quyết định quay lại.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng là một nữ doanh nhân lại là điểm bất lợi tại môi trường trong nước, bởi vì từ những kinh nghiệm cá nhân tôi có thể tự hào nói rằng phụ nữ Việt Nam được đối xử bình đằng và được tạo nhiều cơ hội. Vì vậy mọi nỗ lực đều phải đến từ bản thân mỗi chúng ta. Chúng ta có thể thấy rất nhiều nữ doanh nhân trong phòng này. Lê Hoàng Uyên Vy, như Ngài vừa nhắc đến, là một người tuyệt vời. Cô ấy không phải là một doanh nhân, nhưng cô ấy đã làm được những việc xuất sắc tại thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi đều yêu quý cô ấy. (Cười và vỗ tay)

Vì vậy nếu thế giới được lãnh đạo bởi phụ nữ — và tôi đang nghĩ đến cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ năm nay – nó sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Như những gì Ngài nói. Ngài luôn nói như vậy.

TỔNG THỐNG OBAMA: Đúng vậy. (Cười.) Vậy giờ bạn đang tìm kiếm những loại hình doanh nghiệp nào để đầu tư?

HẰNG: Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong ngành nông nghiệp. Và trình độ kỹ thuật cũng như năng suất lao động trong ngành vẫn còn thấp. Tại Seedcom, chúng tôi đã làm việc với rất nhiều công ty bán lẻ, công nghệ hay hậu cần. Nhưng dự án mà chúng tôi thích nhất bây giờ là về lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi áp dụng công nghệ vào nông nghiệp truyền thống – như tự động hóa chẳng hạn. Về cơ bản chúng tôi sẽ trực tiếp mang sản phẩm đến cho người tiêu dùng với giá trị cao hơn.

Tôi nghĩ đó chính là làn sóng khởi nghiệp tiếp theo ở Việt Nam, khi cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đến với nhau, sử dụng khoa học kỹ thuật để thay đổi các ngành truyền thống.

TỔNG THỐNG OBAMA: Vậy Phạm, bạn sinh ra ở đây rồi chuyển tới Hoa Kỳ năm 11 tuổi phải không?

PHẠM: Đúng vậy.

TỔNG THỐNG OBAMA: Và bạn học tập ở đó, làm việc ở Washington, cuối cùng thì gia nhập một công ty khởi nghiệp rất ấn tượng mang tên Microsoft. (Cười.) Và bây giờ bạn đang đại diện cho Microsoft ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nói cho chúng tôi, Microsoft đang thấy những cơ hội gì? Và theo bạn thì làm thế nào mà các công ty Mỹ có thể tương tác hiệu quả nhất với doanh nhân Việt Nam, các công ty khởi nghiệp và những người khởi nghiệp?

PHẠM: Chào mừng đến Việt Nam, Ngài Tổng thống. Tôi biết giờ mới là sáng sớm ở Thủ đô Washington. –

TỔNG THỐNG OBAMA: Tôi hết mệt mỏi do lệch múi giờ rồi.

PHẠM: — Vậy tôi mừng vì ông đang tỉnh táo. (Cười.) Lý do tôi trở lại Việt Nam giống với lý do mà ba mẹ tôi đã mang tôi ra khỏi Việt Nam khi tôi còn là một cậu bé, và đó là do họ muốn tôi có cơ hội cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và chúng tôi đã có điều đó ở Mỹ. Và sau 35 năm sống ở Mỹ, tôi quyết định trở lại Việt Nam để mang lại cơ hội tương tự như vậy và tạo nên sự khác biệt cho những người trẻ Việt Nam – có thể vài người trong số họ đang ngồi ở đây hôm nay.

Và như vậy, cách mà tôi nhìn nhận chuyến trở về của tôi là Microsoft cho tôi cơ hội để tạo nên sự khác biệt, để cải thiện cuộc sống của người dân, để sản xuất công nghệ, cũng như để thúc đẩy phát triển của đất nước này thông qua công nghệ, bằng cách nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ của chúng ta. Tôi thấy có rất nhiều nhà đầu tư, doanh nhân khởi nghiệp trẻ, và tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam. Và đó là lý do tôi trở lại Việt Nam.

TỔNG THỐNG OBAMA: Vậy thì, Vy, bạn đã đề cập rằng muốn thành lập Amazon của Việt Nam đến thế nào. Nói cho tôi về những thách thức bạn đối mặt khi nỗ lực xây dựng một nền tảng công nghệ phục vụ thương mại ở Việt Nam, và điều gì khiến việc phát triển nền tảng đó ở Việt Nam khác với ở Mỹ, nơi rõ ràng là có nhiều nền tảng công nghệ và sự tham gia nhiều hơn. Tôi đang cho rằng, đặc biệt nếu bạn muốn vươn tới những vùng nông thôn, thì một số thách thức hậu cần là khác nhau. Vì thế, nói cho chúng tôi về một vài khía cạnh khó khăn nhất trong việc xây dựng tầm nhìn của bạn, và theo bạn thì làm thế nào để Chính phủ Việt Nam, hay Chính phủ Hoa Kỳ, hay những công ty quan tâm đến hợp tác với bạn hay với các doanh nhân khởi nghiệp khác có thể trở nên có ích nhất. Cản trở lớn nhất mà bạn thấy nằm ở chỗ nào?

VY: — về việc mang các tiện ích và lối sống lành mạnh hơn đến với người dân Việt Nam. Hãy tưởng tượng rằng những bà mẹ đi làm phải làm việc từ 9h đến 6h, và sau 6h chiều, cô ấy lại phải chạy vội ra siêu thị, ra chợ để chuẩn bị cơm tối, và có thể mất đến 1 tiếng mới về đến nhà, rồi sau đó nấu nướng cho gia đình.

TỔNG THỐNG OBAMA: Bởi vì giao thông ở đây –

VY: Đúng vậy, tắc đường. (Cười.) Vì thế hãy tưởng tượng rằng một ngày nào đó cô ấy có thể ngồi ngay ở văn phòng và đặt các nguyên liệu, và khi cô ấy về nhà thì mọi thứ đã ở đó để cô ấy có thể nấu bữa tối cho gia đình. Như vậy, chúng ta có thể tiết kiệm cho cô ấy 1 tiếng đồng hồ để cô ấy dành thời gian đó cho gia đình. Hãy tưởng tượng rằng chúng ta có thể tiết kiệm cho cô ấy 360 tiếng một năm, nghĩa là 7.300 giờ trong 20 năm, số giờ đó tương đương gần một năm. Như thế, trong 20 năm thì chúng ta có thể tiết kiệm cho một phụ nữ 1 năm. Đó là giấc mơ của chúng tôi.

Nhưng về cơ bản, điều này rất thách thức bởi thậm chí những cửa hàng rau củ trực tuyến như vậy cũng khó khăn vì cơ sở hạ tầng. Rất khó cho chúng tôi để giao hàng đến cho khách đúng giờ, và đặc biệt khi bạn cam kết sẽ giao hàng trong 2 tiếng, điều này khá là bất khả thi khi chúng tôi mới bắt đầu. Nhưng chúng tôi quyết giữ cam kết. Và thế là chúng tôi tự đi giao hàng. Và cho đến giờ thì tôi nghĩ chúng tôi biết về việc này, vì thế chúng tôi có thể giao hàng nhanh hết mức có thể để làm hài lòng khách hàng.

Một vài thách thức mà tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam hay Chính phủ Mỹ đều có thể giúp chúng tôi là, trước hết, giúp chúng tôi phát triển cơ sở hạ tầng của chúng tôi – dịch vụ hậu cần, hệ thống thanh toán, và mang công nghệ đến Việt Nam. Đó luôn luôn mà ước mơ của tôi.

TỔNG THỐNG OBAMA: Như vậy, một trong số những thách thức chỉ là đảm bảo rằng các bạn có cơ sở hạ tầng vật lý để các bạn có thể giao hàng đủ nhanh chóng. Nhưng còn cơ sở hạ tầng số, có phải đã phát triển tốt rồi không vì mọi người giờ đều có điện thoại thông minh?

VY: Cơ sở hạ tầng số hiện tốt hơn rất rất nhiều rồi bởi mọi người đều quen sử dụng điện thoại thông minh để đặt hàng trực tuyến. Ba năm trước, khi tôi mới bắt đầu, rất khó để kéo mọi người lên mạng. Nhưng giờ thì điều đó rất dễ dàng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng vận hành thì vẫn chưa có ở đây, vì thế chúng tôi cần học hỏi từ những công ty thành công như Amazon, hoặc chúng tôi cần đưa ra những giải pháp của chính chúng tôi ở Việt Nam. Bởi ngành này ở Việt Nam không giống như ở Mỹ. Ông hiểu là như vậy, phải không? Vì thế tất cả những người giao hàng của chúng tôi đều dùng xe máy. Và họ phải biết đường đi lối lại. Rất là khó để cài đặt định vị GPS.

TỔNG THỐNG OBAMA: Và chỉ một câu hỏi cuối nữa. Về vấn đề vốn, đặc thù ở đây là các công ty khởi nghiệp đều tự xoay vốn, hoặc vay vốn từ ngân hàng? Ở đây có đủ cơ sở hạ tầng ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không? Hay bạn – và hầu hết doanh nhân khởi nghiệp đang sử dụng tiền tiết kiệm của gia đình? Có quỹ đầu tư mạo hiểm không? Mọi người ở đây bắt đầu như thế nào?

VY: Câu hỏi rất hay. Thành thật mà nói, tôi nghĩ ở Việt Nam, rất khó để có được nguồn vốn đầu từ ngay từ đầu. Đặc biệt là không có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm ở đây. Tài trợ hạt giống và nhà đầu tư, rất hạn chế. Tôi nghĩ hầu hết các nhà đầu tư ở Việt Nam, họ muốn đầu tư vào các công ty có kinh nghiệm quản lý vốn, điều đó quả là một thách thức đối với một công ty khởi nghiệp ở Việt Nam. Chúng tôi có cộng đồng khởi nghiệp ở đây. Đó là tin tốt cho chúng tôi. Và chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hơn đến Việt Nam, đặc biệt từ Mỹ, để giúp chúng tôi phát triển tất cả các doanh nghiệp mới.

TỔNG THỐNG OBAMA: Được rồi, tôi đang cố quảng cáo cho bạn ở đây. (Cười). Hy vọng ai đó ở Mỹ đang chú ý.

Hằng, bạn đã nói về nông nghiệp. Rõ ràng là phần lớn Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp cơ bản và những tiểu nông. Liệu có mục tiêu nào giúp họ có thể đưa sản phẩm của mình ra thị trường với mức giá tốt hơn và nhanh chóng hơn không? Hay bạn mong muốn đưa sản phẩm lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, như vậy sẽ thực hiện nhiều hơn các công đoạn chế biến, và như vậy không chỉ là gạo hay các loại nông sản, mà là các sản phẩm được chế biến từ những giống cây lương thực đang được trồng cấy? Hay là tất cả những điều trên đây? Nói cho tôi thêm một chút nữa về bạn thấy cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam tăng tốc như thế nào.

HẰNG: Tôi nghĩ là tất cả. Tất nhiên, bản thân tôi, chúng tôi không thể thay đổi (không nghe rõ), nhưng nhiều nhà đầu tư và doanh nhân khởi nghiệp đang làm việc cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra ảnh hưởng. Như tôi đã đề cập, có hai đối tác trong công việc kinh doanh của chúng tôi. Một có nhiệm vụ áp dụng công nghệ nhiều hơn. Một số công nghệ thực sự rất rất đơn giản. Các bạn có thể nhắn tin. Các bạn có thể (không nghe rõ) trên đồng ruộng… Như thế sẽ tăng năng suất rất lớn, và như thế giúp nông dân tăng sản lượng và cuối cùng là tăng thu nhập cho họ.

Và thứ hai, một cách cơ bản, là có niềm tin và nhiều giá trị hơn, và mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng với mức giá cao hơn. Và tất nhiên kết quả của tất cả những công việc đó là một thu nhập cao hơn. Và chúng tôi hiểu rằng có rất nhiều thách thức như ông đề cập. Dịch vụ hậu cần thì chưa đáp ứng được, còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng chúng tôi là một đội ngũ rất trẻ, và họ là nhà nông, và họ có rất nhiều – cá nhân tôi biết rằng rất nhiều người, những người trẻ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Và chúng tôi giàu đam mê, năng lượng và động lực, trên tất cả, chúng tôi có một chiến lược và kế hoạch hành động để thực hiện ước mơ. Vì thế, hy vọng rằng, trong vài năm tới đây ông sẽ thấy những thay đổi rất tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.

TỔNG THỐNG OBAMA: Phạm, khi bạn nghĩ về kinh doanh ở đây so với kinh doanh ở Hoa Kỳ mà bạn vẫn thường thấy, khác biệt lớn nhất là gì? Có lĩnh vực cụ thể nào mà bạn cho rằng một sự đầu tư chiến lược sẽ tạo ra một thay đổi lớn giúp tất cả các công ty khởi nghiệp cất cánh không? Và về chiến lược của Microsoft, khách hàng chính của các bạn là các doanh nghiệp lớn và các bạn chỉ giúp họ về vấn đề công nghệ thôi, hay các bạn đang làm việc cùng các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn để xem làm thế nào các bạn có thể phát triển kinh doanh của họ và hy vọng rằng họ sẽ thực sự cất cánh?

PHẠM: Tôi chắc chắn rằng ông có nghe từ — công ty của chúng tôi. Sứ mệnh của công ty chúng tôi là nâng cao năng lực cho mỗi cá nhân và mỗi tổ chức trên hành tinh này để họ đạt được nhiều hơn. Và tôi nghĩ Việt Nam là thị trường tốt nhất để thực hiện điều đó, bởi ở đây chúng ta có những doanh nhân khởi nghiệp trẻ và sự thâm nhập, hạ tầng di động mà chúng ta có cùng với những con người trẻ tuổi. Và tôi nghĩ về mặt nắm bắt cơ hội, tôi nghĩ quan trọng là chúng tôi cần nhìn vào – chính phủ của chúng ta – và doanh nghiệp và các doanh nhân khởi nghiệp để thực sự cân bằng cơ hội và trách nhiệm trong một thế giới mới mà chúng ta đang sống, một thế giới di động.

Và nếu chúng ta nhìn thẳng vào thách thức ở khía cạnh đó, tôi nghĩ chính sách công, và môi trường luật pháp – cần phải hiệu quả hơn, và cần được hiện đại hóa để phù hợp với nền kinh tế số. Và tôi nghĩ rằng Việt Nam không phải là duy nhất trong không gian của các thị trường đang phát triển. Tôi nghĩ Mỹ cũng đang đối mặt với những điều tương tự, về việc làm thế nào để giải quyết thương mại điện tử xuyên biên giới, các vấn đề thuế suất, và những thứ khác liên quan. Tuy nhiên tôi nghĩ Việt Nam có thế (không nghe rõ) thị trường khác, và nhìn ra và nắm bắt cơ hội đó.

Về phần Microsoft Việt Nam nói riêng, chúng tôi có một kế hoạch nâng cao năng lực quốc gia về cơ bản phản ảnh kế hoạch ICT của Chính phủ tới năm 2020 nhằm thực sự đưa Việt Nam thành một quốc gia ICT tiên tiến. Và vì thế, với kế hoạch này, chúng tôi nhắm tới 3 trụ cột chính, đóng vài trò là cơ sở hạ tầng ICT của một quốc gia, thực sự giúp đảm bảo hệ thống an ninh mạng của Việt Nam, thực sự chú trọng đến vấn đề riêng tư cùng với sự bảo vệ của cơ sở hạ tầng ICT cho một hệ thống đám mây (cloud) quốc gia – nhằm thực sự tận dụng được những lợi ích đó.

Và về đầu tư của chúng tôi, ở trụ cột thứ 2 liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa – tôi nghĩ đó sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở đất nước này. Chúng tôi có khoảng 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở đây, và vì thế tôi nói rằng cộng đồng khởi nghiệp với những công ty cực nhỏ đang bắt đầu. Và chúng tôi có những chương trình cung cấp phần mềm miễn phí, dịch vụ đám mây miễn phí cho các công ty khởi nghiệp. Với cách này, họ có thể thực sự tập trung vào phát triển những sản phẩm tốt nhất.

Rồi sau đó, chân thành mà nói, về mặt giáo dục, chúng ta thực sự cần chú ý vào mảng xây dựng năng lực, và đó là yếu tố giúp người Việt Nam đi từ một nền kinh tế dựa vào sức lao động sang một nền kinh tế tri thức, một nền kinh tế dựa vào tri thức. Và giáo dục sẽ giúp họ có được những kỹ năng cần thiết cho ICT và chúng tôi cũng cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục STEM (Khoa học – Công Nghệ – Kỹ thuật – Toán học). Và chúng tôi đang thực hiện việc đó – và giảng dạy công nghệ trong các lớp học, trong các cộng đồng khởi nghiệp, không gian làm việc chung, các sự kiện cộng đồng để thúc đẩy giải mã, bởi tôi nghĩ điều đó rất quan trọng. Và tôi nghĩ (không nghe rõ) – tôi nghĩ đó cũng là điều mà chúng tôi làm ở đây thường niên.

TỔNG THỐNG OBAMA: Tôi nghĩ điểm này rất tuyệt vời, và Vy và Hằng, các bạn có thể muốn nói thêm một chút về điểm này. Suy cho cùng, chính những ý tưởng tốt và nguồn lực con người là yếu tố mang đến thành công cho các công ty khởi nghiệp và doanh nhân khởi nghiệp. Rõ ràng các nhà đầu tư quan trọng và cơ sở hạ tầng cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất là con người. Và khi các bạn nhìn vào Việt Nam ngày nay, có vẻ như là văn hóa khởi nghiệp đang thực sự phát triển. Nhưng một trong số các câu hỏi mà tôi luôn tự hỏi ở Mỹ là liệu hệ thống giáo dục của chúng tôi có đang trang bị cho trẻ em đủ hiệu quả để tiến lên phía trước với những ý tưởng của họ hay chưa.

Cả hai bạn đều trẻ, vì thế các bạn có thể vẫn nhớ thời đi học như thế nào. (Cười). Còn tôi thì quên mất rồi. Nhưng tôi vẫn sẽ nói rằng thời tôi đi học, chúng tôi không có máy tính. Ừ thì các bạn đã có những cái máy tính to đùng, nhưng lúc đó các bạn chưa có máy tính cá nhân. (Cười).

Các bạn thấy hệ thống giáo dục ở đây thích ứng với nhu cầu của nền kinh tế mới thế kỷ 21 thế nào?

VY: Tôi vẫn còn nhớ những buổi học các lớp về khởi nghiệp ở Mỹ, và tôi thấy cực kỳ hữu ích khi học về cách viết một kế hoạch kinh doanh, chọn nhà đầu tư – và tôi nghĩ khi tôi trở lại đây, tôi không thấy có nhiều lớp khởi nghiệp ở Việt Nam. Vì thế tôi nghĩ khu vực này còn trống và chúng ta có thể nhảy vào.

Và thứ hai, tôi nghĩ sau khi công ty khởi nghiệp có vốn, tôi nghĩ họ cần có những chương trình chia sẻ kinh nghiêm. Đó là những điều sẽ giúp cộng động khởi nghiệp ở Việt Nam. Và tôi cũng nghĩ rằng – tôi từng là một sinh viên chương trình trao đổi. Tôi đến Mỹ khi tôi 17 tuổi. Tôi rất biết ơn điều đó bởi tôi học được rất nhiều về sự đổi mới và tôi đã học cách mơ những giấc mơ lớn và luôn luôn hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Vì thế tôi nghĩ có cơ hội cho chúng ta tạo ra các chương trình trao đổi, không chỉ cho sinh viên mà cho cả những người đi làm. Đặc biệt là chúng ta có thể gửi những người khởi nghiệp trẻ tham gia các chương trình vừa học vừa làm hoặc chương trình thực tập ở một số công ty Mỹ. Đó là những điều tôi thực sự muốn chia sẻ với người khán giả.

TỔNG THỐNG OBAMA: Tốt.

Hằng?

HẰNG: Tôi muốn bổ sung thêm những gì Vy vừa nói – sức mạnh của công nghệ. Lần nữa, tôi quay lại chủ đề này. Sinh viên ngày nay, họ có thể tiếp cận với rất nhiều thông tin, và giáo dục là khu vực mới cho khởi nghiệp tiến vào và về cơ bản (không nghe rõ). Một người bạn, anh ấy là một khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. Một người bạn khác tôi biết khá rõ, cô ấy đã thành lập một công ty khởi nghiệp giúp các bạn sinh viên học Tiếng Anh thông qua một ứng dụng. Đó là những ví dụ cho bạn thấy rằng về cơ bản công nghệ mở ra cánh cửa và mở ra cơ hội cho sinh viên Việt Nam tiếp cận với tri thức toàn cầu.

Và một bằng chứng cho điều đó là hầu hết các đội ngũ tôi làm việc cùng ở Việt Nam trong dự án khởi nghiệp trước đây của tôi – tất cả họ đều học ở Việt Nam. Tôi là một trong số ít những người may mắn được học vài năm ở Mỹ. Nhưng tôi luôn rất tôn trọng đồng nghiệp – họ rất thông minh. Họ học tập ở Việt Nam. Họ không chỉ học ở trường mà còn học hỏi thông qua làm việc, chuyện trò với những người lớn tuổi hơn, và đương nhiên là học từ Internet nữa. Vì vậy, tôi nghĩ công nghệ đang thay đổi giáo dục.

TỔNG THỐNG OBAMA: Phạm đang nói về bước nhảy vọt. Một trong những điều các bạn thấy ở các quốc gia trên toàn thế giới là nếu họ chưa phát triển một cơ sở hạ tầng điện thoại với điện thoại cố định và các cột điện thoại và những đường ngầm dưới lòng đất, giờ đây, bỗng nhiêm, họ tiến thẳng đến các tháp sóng di động và điện thoại thông minh. Và hệ thống ngân hàng cũng đã có, và thương mại đã được thực hiện qua điện thoại. Và như vậy họ đã nhảy vượt qua cả những yêu cầu cơ sở hạ tầng cho cả hai hệ thống đó.

Và điều đó cũng đúng đối với giáo dục. Nếu được thực hiện đúng cách, cơ hội cho giáo dục trực tuyến vốn rẻ hơn rất nhiều mà vẫn đảm bảo chất lượng cao sẽ có thể tăng cường cơ hội cho một trẻ em ở Việt Nam được học về mật mã, biết được các bài học kinh doanh, và như thế, không cần chi phí đắt đỏ cho giáo dục hay du học nước ngoài, vô cùng quan trọng. Và với đóng góp của chúng tôi thông qua Tổ chức Hòa bình (Peace Corps), thông qua những hội nghị khởi nghiệp, thông qua tài trợ mà chúng tôi sẽ kéo nhiều công ty khác nhau tham gia vào, hy vọng của chúng tôi là, đó là chúng tôi sẽ có thể mang lại loại hình đào tạo cho giới trẻ mà sau này sẽ vô cùng có ích cho họ.

Và tôi muốn cảm ơn Chính phủ Việt Nam cho sự hợp tác của họ, bởi chúng tôi sẽ không thể hoàn thành nhiều cấu phần trong hệ thống mà chúng tôi đang cố gắng xây dựng nếu chúng tôi thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ của họ.

Tuy nhiên, các bạn có suy nghĩ nào mà các bạn cho rằng cả Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch nước Việt Nam hoặc bất kỳ một lãnh đạo doanh nghiệp nào ở đây nên lắng nghe không?

HỎI: Ngài Tổng thống, cho tôi được hỏi Ngài một câu. (Cười)

TỐNG THỐNG OBAMA: Ồ, chắc chắn rồi. Dòng triều đổi hướng. (Cười)

HỎI: Khi là một cậu bé, Ngài có mơ ước một ngày sẽ trở thành Tổng thống không?

TỔNG THỐNG OBAMA: Không.(Cười). Tôi nghĩ có một số người vạch ra tầm nhìn rõ rệt cho bản thân họ. Tôi thực sự lại không – Khi còn trẻ, tôi không có tính tổ chức quy củ như tất cả các bạn đây. Tôi nghĩ là phải đến khi tôi học đại học thì tôi mới bắt đầu có ý thức muốn tạo ra sự thay đổi. Và thậm chí là sau đó tôi cũng chẳng biết chính xác tôi có thể làm điều đó như thế nào.

Lúc đó tôi thực sự rất đa nghi về chính trị vì tôi nghĩ rằng chính trị gia không phải lúc nào cũng quan tâm tới nhân dân; đó là điều mà tôi đã nghĩ, họ chỉ chăm lo cho bản thân họ thôi. Do đó tôi đã thực sự làm việc trong các cộng đồng, cố gắng suy nghĩ về trách nhiệm của chính trị gia. Đó là công việc đầu tiên tôi đã làm trong một khu vực phi lợi nhuận.

Do vậy, mãi cho đến khi tôi tốt nghiệp trường luật, tôi mới nghĩ rằng tôi có thể quan tâm tới dịch vụ công. Thực tế, tôi đã học trường luật cùng với người mà giờ là Đại diện Thương mại của tôi, Đại sứ Michael Froman của chúng ta. Và anh ấy sáng dạ hơn tôi. (Cười). Song mãi cho tới khi tôi rời trường luật tôi mới nghĩ rằng có lẽ tôi sẽ tranh cử vào một thời điểm nào đó.

Nhưng điểm quan trọng tôi muốn nói đến là quá nhiều bạn trẻ có mặt ở đây hôm nay – chắc chắn là tất cả các bạn – đúng, các bạn đủ tiêu chuẩn được coi là trẻ. (Cười). Trẻ trung. (Cười). Hai bạn này trẻ. Các bạn trẻ hơn tôi (Cười). Nhưng, tôi cho rằng, rất nhiều người trong số các bạn trẻ tôi gặp gỡ hôm nay có ý tưởng khác nhau về nghề nghiệp và cuộc sống của họ. Tôi nghĩ họ sành điệu hơn nhiều. Tôi cho rằng Internet đã mang lại cho họ nhiều ý tưởng hơn về những gì họ có thể làm. Tôi tin tưởng nhiều bạn trẻ nhận ra rằng hệ thống trước đây mà trong đó bạn tìm được cho bản thân một công việc và làm cùng một công việc đó trong thời gian 30 hoặc 40 năm không hẳn là con đường cho họ ngày nay bởi vì nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng.

Và tôi cho là có rất nhiều đam mê trong tất cả các bạn trẻ mà tôi gặp – chắc chắn tại nơi đây ở Đông nam Á này, tại Hoa Kỳ, Châu Phi, Châu Âu, bất kỳ nơi đâu tôi tới – họ đều cố gắng tự xoay xở, và cố gắng tìm kiếm sự hợp tác với các nhóm người có cùng mối quan tâm để thử xem liệu họ có thực hiện được đam mê không. Tôi cho đó là một điều tuyệt vời. Cũng rất thách thức. Tôi nghĩ một trong những quy tắc nổi tiếng của Thung lũng Silicon là nếu như bạn chưa thất bại một vài lần, bạn có thể không phải là một nhà doanh nghiệp rất tốt bởi vì ý tưởng ban đầu của bạn không phải lúc nào cũng thực hiện được.Và các bạn phải kiên trì, phải có thể học được nhiều điều từ thất bại của các bạn cũng như từ những thành công.

Song, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng thế hệ này không những chỉ có tinh thần doanh nghiệp khi nghĩ về thương mại, mà cũng có tinh thần doanh nghiệp khi nghĩ về việc cố gắng giải quyết các vấn đề xã hội; có tinh thần doanh nghiệp khi thế hệ này suy nghĩ về chính phủ và làm cho chính phủ đáp ứng nhiệt tình hơn và có trách nhiệm hơn trước thường dân. Và điều đó khiến tôi rất hy vọng về tương lai.

HỎI: Tôi cho rằng nhân dân Việt Nam rất thấm sâu tinh thần kinh doanh, giống như đối với người Mỹ. Và Ngài đã thấy, ở ngay đây thôi, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sống động tại đây, thành phố Hồ Chí Minh. Hãy hình dung sẽ gặt hái được nhiều hơn chừng nào nếu như có nhiều trao đổi hơn nữa về kiến thức, vốn đầu tư, các bí quyết kỹ thuật giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam.

Với suy nghĩ như vây, câu hỏi của tôi dành cho Ngài sẽ là: nếu con gái của Ngài có một năm trống ở trường Harvard College, cô nói với Ngài rằng tuần tới cô ấy muốn sống ở Việt Nam trong vòng một năm, Ngài sẽ nói gì với con gái?

TỔNG THỐNG OBAMA: Oh, tôi sẽ khuyến khích điều đó. Nhưng những gì tôi đã thấm thía là,–con gái tôi Malia sẽ tròn 18 tuổi vào tháng tới, và cô ấy đã không nghe tôi từ trước rồi, bất cứ điều gì tôi nói.(Cười). Vì vậy nếu bạn muốn cô ấy tới Việt Nam, tôi không nên là người nói điều ấy với cô ấy. (Cười). Có lẽ bạn nên nói với cô ấy. Vâng, hoàn toàn là như vậy. Nhưng chắc chắn tôi sẽ giới thiệu với các sinh viên Hoa Kỳ hãy tới và học tập tại đây nhiều như là tôi đang khuyến khích các sinh viên Việt Nam đến và học tập tại Hoa Kỳ.

Những người trẻ tuổi chuẩn bị sống trong một thế giới kết nối, trong một thị trường toàn cầu. Và mỗi doanh nghiệp phải suy nghĩ một cách tổng thể. Thậm chí là doanh nghiệp nhỏ. Nếu bạn có một sản phẩm tốt ngày hôm nay, bạn có thể chào hàng tới hàng tỷ người nếu bạn có một chiến lược tốt, bạn có tiếp thị tốt, bạn có thể xử lý các công việc hậu cần. Và do vậy, những rào cản đối với việc thâm nhập mà trước đây từng tồn tại, chỉ cho phép tập đoàn Boeing hay GE hoặc một công ty rất lớn có thể hoạt động ở Việt Nam, thì giờ không còn là như vậy. Và cũng tương tự đối với các doanh nghiệp nhỏ tại đây ở Việt Nam. Nếu bạn có một sản phẩm thú vị, đó là sản phẩm độc nhất và có lẽ là rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng không ai biết đến ở Hoa Kỳ, thông thường một số cách tốt nhất để khởi động một doanh nghiệp là hãy lấy một cái gì đó mà là rất phổ biến ở một nơi, nhưng lại không được biết đến ở nơi khác và là người đầu tiên bán sản phẩm đó ở một quốc gia khác.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng một mảng giáo dục mà thanh niên cần phải có là hiểu về các nền văn hóa khác và hiểu về các thị trường khác. Nếu bạn đủ may mắn để có thể đi du lịch, thì đó là một cách để làm điều đó. Nhưng một trong những điều tuyệt vời của Internet là nó mang lại cho bạn một cơ hội để tìm hiểu về một nơi khác, ngay cả khi bạn không thể đặt chân đến đó. Vì vậy, đó là cái mà tôi liên tục nhấn mạnh.

Câu hỏi hoặc nhận xét cuối cùng.

PHAM: Tôi có một câu hỏi. Phát biểu khai mạc của Ngài đã đề cập về TPP, và chúng ta chưa có dịp để trao đổi về điều đó. TPP được coi là một hiệp định thương mại thế kỷ 21, liên quan trực tiếp tới nền kinh tế kỹ thuật số, bàn về pháp quyền, mở rộng ra cả an ninh và quyền riêng tư và cũng tốn kém hơn (không nghe rõ). TPP rất quan trọng đối với Việt Nam, và tôi biết rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ nó. Với tư cách là một nhân viên của Microsoft, tôi có thể khẳng định rằng công ty của chúng tôi ủng hộ TPP.

Khi chúng ta nhìn vào báo cáo mới nhất do Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đưa ra, báo cáo chỉ ra rằng, nếu được thực hiện đầy đủ, TPP sẽ mang lại khoảng 57 tỉ đô la cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng rõ ràng, Mỹ – giới chính trị Mỹ lại quay ra phản đối TPP. Vì vậy, tôi muốn nghe ý kiến của Ngài. Ngài nghĩ TPP sẽ ra sao – cần phải có những gì để TPP được thông qua tại Washington, D.C. Và Ngài sẽ làm gì trong quyền hạn của Ngài để thực hiện được điều đó?

TỔNG THỐNG OBAMA: Vâng, một câu hỏi tuyệt vời. Và trước tiên, chỉ cần mô tả để thấy được tại sao TPP quan trọng như vậy. Cái mà TPP làm là đưa 12 quốc gia dọc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đại diện cho số đông của thị trường toàn thế giới, TTP tuyên bố rõ rằng chúng ta sẽ tạo ra các tiêu chuẩn về ngoại thương và thương mại công bằng; tạo ra một sân chơi bằng phẳng; có tiêu chuẩn cao; khuyến khích pháp quyền; khuyến khích bảo vệ sở hữu trí tuệ – vì vậy nếu Vy hoặc Hằng có một ý tưởng tuyệt vời, ai đó sẽ không được ăn cắp nó từ Internet, mà ý tưởng họ tạo ra đây phải được bảo vệ; có các điều khoản về môi trường mạnh mẽ vì vậy các quốc gia không lợi dụng việc không bảo vệ môi trường để cạnh tranh với các đối thủ – những người tuân thủ thông lệ bảo vệ môi trường có trách nhiệm hơn.

Và không chỉ tất cả các quốc gia đang tham gia đều được lợi từ thương mại gia tăng, mà đặc biệt là Việt Nam, tôi nghĩ là các nhà kinh tế, những người đã nghiên cứu TPP, tin tưởng rằng sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất.

Từ quan điểm của Hoa Kỳ, đó là một việc làm bình thường bởi vì, thẳng thắn mà nói, thị trường của chúng tôi đã mở hơn rất nhiều so với nhiều thị trường của các quốc gia ký kết. Ví dụ, Nhật bản, có thể bán nhiều xe ô tô ở Hoa Kỳ nhưng lại có rất nhiều vấn đề về nhập khẩu thịt bò từ Hoa Kỳ. Và những gì chúng ta đã làm là để đảm bảo rằng rất nhiều các hàng rào thuế quan hiện nay đang được áp đặt vào xuất khẩu Hoa Kỳ và hàng hóa Mỹ đang được cắt giảm.

Và do đó, nó sẽ tạo ra một môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ – đặc biệt là vì một số quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, rất nhiều những gì chúng tôi bán ra ngày nay là sản phẩm của nền kinh tế tri thức của chúng tôi. Và vì vậy, xét toàn diện thì đây là một việc làm thông minh.

Giờ đây, vấn đề ở Hoa Kỳ là về thương mại – và điều này không phải là mới. Điều này đã là như vậy trong suốt 30 năm qua – đó là một số trong các Hiệp định thương mại trước đó đã không có luật bảo hộ lao động hay luật bảo vệ môi trường được thi hành. Tôi nghĩ khi Trung Quốc tham gia vào WTO, Trung Quốc đã có thể tranh thủ chuỗi cung cấp toàn cầu đang phát triển và nhiều hoạt động sản xuất đã được chuyển sang Trung Quốc một cách rõ rệt. Vì vậy rất nhiều người Mỹ đã chứng kiến các công ty đóng cửa và chứng kiến những gì mà họ coi là công việc của họ bị xuất khẩu sang Trung Quốc. Và một số điều đó đã diễn ra ở Mexico, với hiệp định NAFTA.

Và do đó có một nhận thức chung là điều này tồi đối với người lao động Mỹ và việc làm Mỹ. Nếu bạn nhìn vào dữ liệu, sự thật là một số công việc sản xuất đã bị mất do hậu quả của thương mại. Song mặt khác, các ngành khác của nền kinh tế lại được cải thiện đáng kể. Về tổng thể thì, điều đó tốt cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng tôi nghĩ rằng do đề cương của một số thỏa thuận thương mại dầu và một số sai lầm trong quá khứ, người dân trở nên ngờ vực về thương mại và lo lắng rằng nếu chúng ta thực hiện TPP, thì khuôn mẫu tương tự sẽ lặp lại, và Hoa Kỳ sẽ mất thêm việc làm.

Lý luận của tôi là nếu bạn không hài lòng với các sắp đặt thương mại hiện tại trong đó thuế quan được áp đặt vào hàng hoá Mỹ nhưng hàng hoá khác đã lại thâm nhập vào Hoa Kỳ rồi, tại sao bạn chỉ muốn duy trì nguyên trạng? Tại sao không thay đổi nó để tất cả mọi người điều hành một cách công bằng và minh bạch?

Và tin tốt lành là, đa số người Mỹ vẫn tin tưởng vào thương mại và vẫn tin rằng cái đó tốt cho nền kinh tế của chúng tôi. Tin xấu là giới chính trị tại Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng – tôi nói thế nào nhỉ – hợp lý. Đó là từ tôi đang tìm kiếm. (Cười). Nhưng tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể làm được điều đó bởi vì, trong quá khứ, khi chúng tôi đàm phán các thỏa thuận thương mại, mặc dù có rất nhiều phản đối, cuối cùng, chúng tôi kết thúc bằng việc thực hiện được nó. Hãy nhớ rằng chúng tôi đã thương lượng một thỏa thuận thương mại tự do rất lớn với Triều Tiên, và mặc dù chính quyền Bush đã đàm phán nó, ông đã không nhận được sự thông qua, khi tôi nhậm chức, một trong những việc đầu tiên chúng tôi làm là chúng tôi làm việc với Triều Tiên, chúng tôi làm một số sửa đổi nhỏ đối với các điều khoản và chúng tôi đã thực hiện được, và ngày nay nó đã có hiệu lực.

Vì vậy, luận cứ mà tôi đã đưa ra và tôi sẽ tiếp tục đưa ra tại Hoa Kỳ sẽ là chúng ta sẽ không thể chấm dứt toàn cầu hóa. Chúng tôi phải làm cho toàn cầu hoá phục vụ cho chúng tôi. Và điều đó có nghĩa rằng chúng tôi không cố gắng đặt hàng rào và các bức tường ngăn cách chúng tôi với phần còn lại của thế giới; thay vào đó, chúng tôi cố gắng để đảm bảo rằng thế giới có tiêu chuẩn cao, đối đãi các công ty của chúng tôi một cách công bằng. Và nếu chúng tôi làm điều đó, tôi tin tưởng chúng tôi có thể cạnh tranh với bất kỳ ai.

Thế đấy, không có gì là dễ dàng ở Washington những ngày này. Nhưng mặc dù đôi khi thiếu sự hợp tác với Quốc hội, dường như tôi vẫn có thể thực hiện được rất nhiều việc. (Cười). Nó đáng ra phải dễ dàng hơn. Tôi sẽ có ít tóc bạc hơn — (Cười) — nếu Quốc hội đã làm việc hiệu quả hơn, nhưng chúng tôi có một số thành viên Quốc hội Hoa Kỳ, những người có mặt tại đây. Đó là Nghị sĩ Castro và Nghị sĩ O’Rourke, là hai nghị sĩ trẻ xuất sắc từ bang Texas. Họ là những người ủng hộ mạnh mẽ TPP và chúng tôi rất tự hào về công việc mà họ đã làm. Vì vậy chúng tôi sẽ chỉ cần phải làm việc tích cực để thuyết phục đồng nghiệp của họ. Và cuối cùng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể nhận được sự phê chuẩn.

Vâng, thưa tất cả các bạn, tôi nghĩ rằng nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ gì về tương lai xuất sắc của doanh nhân Việt Nam, thì tất cả những nghi ngờ đó giờ đã được đẩy lùi bởi các bài thuyết trình xuất sắc của ba cá nhân. Hãy dành một tràng vỗ tay lớn cho họ.

Rất cám ơn các bạn. (Vỗ tay)

6:10 P.M. ICT

Bản dịch này được đăng lần đầu trên Website của Đại sứ quán Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.