Phát biểu của Chủ Tịch Ðảng Tân Ðại Việt nhân dịp Kỷ Niệm 77 năm Ngày Đức Huỳnh Giáo chủ Khai Sáng Nền Đạo PGHH
Kỷ Niệm 77 năm Ngày Đức Huỳnh Giáo chủ Khai Sáng Nền Đạo PGHH (Ngày 18 Tháng Năm) Tổ chức tại Nam California ngày 26/6/2016
Trong lịch sử cận đại nước nhà, có thể nói không người Việt Nam nào lại không biết đạo Phật Giáo Hoà Hảo, một tôn giáo đâm nét dân tộc do một vị Phật lâm phàm độ thế là Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng mà mọi tín đồ thường kính gọi là Đức Thầy. Đức Thầy đã ghi đậm trên trang sử Việt Nam với hai sự nghiệp lớn lao là mở Đạo cứu Đời cho sự sống còn của dân tộc, trong một giai đoạn mà thế giới chìm đắm trong thảm hoạ của Thế Chiến Thứ Hai (1939-1945), trong khi nước nhà nhiễu nhương, dân gian đói khổ, đạo đức xuống dốc, Phật giáo lâm vào cảnh suy đồi, phủ mờ trong mê tín dị đoan. Đây cũng là khúc quanh lịch sử cho cuộc đấu tranh của toàn dân giành độc lập cho xứ sở; mà đây cũng là lúc bọn Công Sản Đông Dương do Hồ Chí Minh lãnh đạo theo lịnh Liên Xô Trung Cộng lợi dụng lòng yêu nước nhơn dân, thành lập mặt trận Việt Minh (1941) phát động phong trào đoàn kết đấu tranh với chiêu bài chống ngoại xâm (Pháp, Nhựt bổn), nhưng đồng thời họ lại chủ trương triệt tiêu các lãnh đạo chánh trị quốc gia, các vị lãnh đạo tôn giáo, nhằm lần lần nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam, để độc quyền, toàn trị đất nước.
Chính vào giai đoạn đầy biến chuyển chánh trị, xã hội lúc bấy giờ mà một vị Phật đã giáng trần bên dòng Cửu Long tại làng Hoà Hảo, Châu đốc, Miền Nam nước Việt: “Ta thừa vâng sắc lịnh Thế Tôn, Khắp hạ giái truyền khai đạo pháp”, Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo PGHH cũng vào năm 1939, ngày 18 tháng 05 năm Kỷ Mão (ngày 4-7-1939) nhằm hoằng dương chánh pháp cứu độ chúng sanh.
Ngài cứu độ cả hai mặt Đạo và Đời. Ngài chấn hưng đạo Phật chơn truyền của Đức Phật Thích Ca:
“Ta là kẻ vô hình hữu ảnh”
“Ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca” (Kệ Dân Của Người Khùng)
và đồng thời phát huy và canh tân nền đạo dân tộc, một đạo Phật nhập thế, đi vào đời với giáo lý “Học Phật Tu Nhân”, với Tứ Đại Trọng Ân.
Với phương pháp hành đạo cực kỳ đơn giản cho phù hợp với phong hoá nhơn sanh lúc bấy giờ, Ngài đánh đổ mê tín dị đoan; đưa giáo lý Học Phật Tu Nhân đi thẳng vào đời sống dân gian với ngôn ngữ bình dị, chan chứa tình thương, dễ hiểu, dễ cảm thông, chan hoà tình tự dân tộc:
“Quyết dạy trần nên nói lời thường,
Cho sanh chúng đời nay dễ biết“
Chẳng bao lâu, Ngài đã dẫn dắt một khối tín đồ trên hai triệu gồm quảng đại quần chúng đa số là nông dân trên khắp lục tỉnh Miền Nam. Ngài trang bị cho tín đồ tình tự dân tộc, đầy tình người, trọng đạo nghĩa, biết yêu thương tổ quốc giống nòi, sẵn sàng dấn thân cho đại cuộc. Thật vậy, cái vĩ nghiệp song sinh của Học Phật Tu Nhân là nhập thế cứu Đời, là cứu Nước, là hành xử Tứ Đại Trọng Ân, trong đó Ơn Đất Nước. Trong khi Chúa Jésus nói “Nước của Ta chẳng phải thuộc về thế gian này” thì Đức Huỳnh Giáo chủ tích cực đi vào đời, tham gia chánh trị cứu nước, trước bối cảnh quốc phá gia vong. Trước hoạ ngoại xâm (hết Nhựt, tới Pháp). Ngài cho thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt, Măt Trận Quốc Gia Liên Hiệp, Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội (21-9-1946). Thực vậy, vào năm 1945, lúc Ngài vừa 25 tuổi đã quyết chí thực hiện “Yêu đời yêu lẫn cả non sông”. Trên báo Quần Chúng ngày 14-11-1946) Ngài Tuyên Bố ”…tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở Thiền Lâm mà còn phải thực hiện trên trường chánh trị. ”Trong bài thơ tặng thi sĩ Viêt Châu (1945) Ngài ứng khẩu:
“Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha,
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật đà nam mô”
Với một khối quần chúng lớn lao, trong đó mỗi tín đồ vừa là cư sĩ tại gia vừa là chiến sĩ sẵn sàng sống chết để bảo vệ đất nước trước ngoại xâm, trước kẻ nội thù CSVN làm tay sai cho Đệ Tam Quốc tế, đem chủ nghĩa ngoại lai Mác-Lê áp đặt lên dân tộc. Trong lich sử thành lập đảng, chưa có một chánh đảng nào vừa ra mắt mà đã có ngay trên hai triệu đảng viên như đảng Dân Xã do Đức Thầy thành lập, với lập trường quốc gia với chủ trương dân chủ hoá đất nước và chủ trương toàn dân chánh trị; PGHH và Đảng Dân Xã quả là cái gai nhọn, là kẻ thù đối với chủ nghĩa cộng sản. Từ sau khi cướp được chánh quyền 2/9/1945, Hồ Chí Minh chủ trương thanh toán hết các lãnh tụ quốc gia. Chánh sách này đã dẫn tới ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Thọ Nạn tại Đốc Vàng (16-04-1947).
Ngày Đức Thầy thọ nạn (16-04-1947) là một bước ngoặc quan trọng trong sự lãnh đạo đoàn thể PGHH trên hai mặt Đạo và Đời.
Trong hoàn cảnh Đức Thầy vắng mặt, các tín đồ và những đệ tử trung kiên vẫn hết lòng giữ đạo chờ Thầy, tiếp tục hành xử Học Phật Tu Nhân, giữ gìn và phát huy Tứ Đại Trọng Ân, có những đóng góp xây dựng xứ sở, cho nền VNCH cho đến khi CSVN cưỡng chiếm Miền Nam 30-04-1975.
Từ khi cưỡng chiếm Miền Nam và áp đặc chế độ toàn trị, độc tài độc đảng với chủ trương tam vô của CSVN, với chủ trương xoá bỏ tôn giáo, triệt tiêu tín ngưỡng, để tiến lên nhà nước xã hôi chủ nghĩa, nhà nước CSVN có nhiều phương cách ngăn cấm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng người dân, nhứt là đối với PGHH thì mức độ trấn áp nặng nề hơn cả mà chúng ta đều biết rõ lý do. Nhưng sau 23 năm trấn áp bằng mọi biện pháp thâm độc, đảng Cộng sản Viêt Nam thấy không xoá nổi PGHH, ngày 25-05-1999 họ tự động thành lập Ban Đại Diện PGHH do các đảng viêncộ ng sản điều hành theo đường lối của họ.
Đảng CSVN đặt vấn đề kiểm soát tôn giáo là công tác ưu tiên trong việc ổn định chánh trị; ở phía nhà nước có Ban Tôn giáo chánh phủ tổ chức từ trung ương đến địa phương; về phía đảng có Vụ Tôn Giáo theodõi và tham mưu cho BCH Trung ương ĐCSVN. CSVN dùng chách sách phân hoá chia để trị, cho thành lập mỗi tôn giáo một uỷ ban tôn giáo nhà nước (quốc doanh) do Mặt Trận Tổ quốc kiểm soát. Đối với PGHH có Ban Đại Diện PGHH Trung ương quốc doanh, và phủ nhận mọi tổ chức độc lập, trấn áp “Phật giáo Hoà hảo Ngoài luồng”, (PGHH Thuần Tuý); về phía Phật Giáo có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do chánh quyền dựng lên, và nhà nước cộng sản phủ nhận mà còn thường xuyên đàn áp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhứt (mà người đứng đầu là Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã bị giam cầm và quản chế hơn 3 thập niên; chánh sách chia rẽ này áp dung cho mọi tôn giáo ở mức độ khác nhau. Theo một tín hữu Cao Đài tham dự buổi điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 22/6/2016 (dưới sự chủ trì của Dân Biểu Christopher Smith) cho biết Cao Đài bị nhà nước Công sản xoá sổ từ ngăm 1975 và thành lập một Cao Đài quốc doanh dưới sự quản lý của nhà nước từ năm 1977, và luôn có sự đàn áp đối với Cao Đài không thống thuộc nhà nước.
Nhiều luật lệ ban hành nhằm cản trở quyền tự do tôn giáo – tín ngưỡng (thí dụ Pháp lệnh về Tôn Giáo-Tín Ngưỡng năm 2004 và Nghị định 92 năm 2012; ĐCSVN còn dựa vào Luật Đất Đại 2003 để chiếm đoạt cơ sở bất động sản của các giáo hội; dưới áp lực của nhơn dân, một cộng sản cho ra đời “Dự thảo luật tôn giáo tín ngưỡng” (4-8-2015), nhưng đã bị các giáo hội góp ý cho là nó đi ngược lại tinh thần của luật nhơn quyền về tự do tôn giáo, còn tệ hại hơn Pháp lệnh 2004). Còn một hình thức ngăn chặn tự do tôn giáo nữa là CSVN dùng “côn đồ, xã hội đen” hành hung các nhà hoạt động cho tự do tôn giáo; và tệ hơn nữa là Hà Nội cho nhiều cán bộ công an giả dạng nhà sư xuất khẩu ra hải ngoại tạo thêm sự chia rẽ cộng đồng người Việt ngoại.
Tình trạng quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam càng ngày càng thụt lùi, dù những quyền đó đã ghi trong Hiến Pháp CSVN 2013 và trong Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà nhà nước Hà Nội ký kết phê chuẩn, nhung không bao giờ tuân thủ.
Báo cáo thường niên 2016 của Uỷ Hội Hoa Kỳ về tự do Tôn giáo Thế giới (USCIRF) bao gồm thời gian từ tháng Hai 2015 đến tháng Hai năm 2016 đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách “Các Quốc Gia đáng quan ngại” (CPC)
Hội đồng Liên Tôn Viêt Nam quy tụ đại diện các tôn giáo độc lâp (Công giáo, Phật giáo, PGHH, Cao Đài, Tin Lành trong năm qua đã lên tiếng các vụ đàn áp tôn giáo, tham gia điều trần, găp gỡ các tổ chức nhơn quyền quốc tế, phản đối Dự Luật về Tôn Giáo-Tín ngưỡng. Tại khoá hợp thứ 28, tháng Ba năm 2015 của Hội Đồng Nhân quyềm LHQ Báo cáo viên đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo đã báo cáo chánh thức về chuyến công tác tại Việt Nam trong năm 2014 về những vi phạm không khác gì báo cáo năm 1998, không có biến chuyển nếu không muốn nói là thụt lùi.
Điều đáng mừng cho tiền đồ đạo pháp là đa số đồng đạo PGHH trung kiên còn ở lại trong nước, và con em của thế hệ cha ông, vẫn không chểnh mảng mà vẫn hết lòng hết dạ thực hành và phổ truyền giáo lý Học Phật Tu Nhân, bền lòng giữ vẹn TỨ ÂN. Chúng ta khó bề biết rõ được hết các sanh hoạt của các đồng đạo “ngoài luồng”, không thống thuộc trong Ban Đai Điện PGHH quốc doanh. Các đồng đạo ngoài luồng giữ được giáo lý truyền thống của Đạo, nhưng luôn đương đầu với trăm ngàn thử thách hiểm nguy trong chế độ toàn trị, độc tài dầy đặt mạn lưới công an, tình báo cộng sản; một số cư sĩ PGHH bị bỏ tù, quản chế, hoặc trở thành người tù lương tâm.
Trái với tình trạng PGHH trong nước, PGHH hải ngoại có hoàn toàn tự do hành đạo, nhưng sống phân tán trên một địa bàn khá rộng trên đất khách quê người, đã mất nhiều thập niên trong viêc mưu sinh, dù vậy đã có cơ hội liên lạc với nhau, đã tái lập lại tổ chức thành cơ sở từ trung tới địa phương đặc biệt là ở Hoa Kỳ ngoài việc trao dồi tu học tại gia, tại các trụ sở giáo hội, còn có những sinh hoạt trên paltalk, skype.
Đau lòng nhìn về quê hương, hướng về toàn dân, hướng về đồng đạo sống trong dưới cảnh đoạ đày của chế độ toàn trị độc tài, nơi đó mọi nhơn quyền, quyền tự do tôn giáo, chánh trị đều bi tước đoạt. Nhìn vào hiện tình đất nước, tình trạng nhơn quyền, tình trạng tự do tôn giáo đang thụt lùi, dù có những khuyến cáo, những áp lực của các tổ chức nhơn quyền quốc tế, của các quốc gia trong thế giới tự do. Tổng thống Obama qua bài nói chuyện với công chúng Hà Nội, nhơn chuyến công du Viêt Nam (5/2016) có nhắc nhở nhơn dân chúng ta rằng tương lai Việt Nam phải được quyết định bởi chính người Việt Nam. Chúng ta phải tự đứng lên tranh đấu cho nhân quyền, cho dân chủ, cho tự do, không thể trong chờ người khác mang lại cho ta. Tuy nhiên trong thời đại thông tin toàn cầu hoá, trong thời đại thông tin, công cuộc vận động tìm thêm sự hổ trợ quốc tế, vào công tác vận động hành lang có vai trò đáng kể.
Nhơn ngày Lễ Mừng ngày Khai Sáng Đạo PGHH, nhớ lời Đức Thầy dạy:
“Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi Toà sen”
Với ý thức và trách nhiệm của người tín đồ PGHH, của con dân nước Viêt, trước cơn quốc nạn, thù trong giặc ngoài là CSVN và giặc Bắc phương, việc làm tròn Tứ Đại Trọng Ân trong đó Ơn Đất Nước nặng trĩu bên lòng, quả là “nợ thế” cần phải trả cho xong, bằng đấu tranh tuỳ khả năng và hoàn cảnh, người tín đồ PGHH nên tham gia và tích cực hổ trợ cho công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ cho sự sống còn của dân tộc, cho đến khi chế độ CSVN bị giải thể, Đảng CSVN phải ra đi, chúng ta cùng xây dựng lại quê hương, trong một nước Viêt Nam tự do dân chủ pháp tri, thạnh vượng, độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Đức Tôn sư đã từng Hiệu triệu “…Hễ nước mất thì cơ sở của Đạo phải bị lấp vùi; nước còn nền Đạo được phát khai rực rỡ.”
Trân trọng kính chào quý liệt vị.
Bác sĩ Mã Xái