Pháp: Vì sao đảng cực hữu thắng lớn tại đất nước của nhân quyền?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Pháp: Vì sao đảng cực hữu thắng lớn tại đất nước của nhân quyền?

Hai dì cháu Marine Le Pen và Marion Marechal-Le Pen đều đạt hơn 40% số phiếu ở những vùng họ ra tranh cử. – Reuters

Theo RFI – Thụy My – 07-12-2015

Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) vừa giành được một chiến thắng lịch sử : dẫn đầu tại phân nửa số vùng của nước Pháp với tỉ lệ 28% trong cuộc bầu cử hôm qua 06/12/2015, các lãnh đạo của đảng này còn thắng lợi tại những địa phương họ ra ứng cử.
Chủ tịch đảng, bà Marine Le Pen chiếm được gần 41% số phiếu ở Nord-Pas-de-Calais-Picardie. Tại vùng PACA, cô cháu Marion Maréchal Le Pen đạt tỉ lệ tương tự, còn cánh tay mặt của bà Marine là Florian Philippot cũng đạt đến 36% ở Alsace-Lorraine-Champagne-Ardenne. Một cú sốc thô bạo cho nước Pháp, cũng như lần cựu chủ tịch FN Jean-Marie Le Pen lọt được vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống năm 2002.
Cực hữu đã ngấp nghé ngưỡng cửa của quyền lực, chứ không còn là con « ngoáo ộp ». Một khi đã trở thành lãnh đạo vùng, chính họ sẽ quyết định về những lãnh vực thiết yếu đối với hàng triệu người Pháp, từ phát triển kinh tế, quản lý trường học, vận chuyển đường sắt cho đến chuyển đổi năng lượng, tài trợ cho các hiệp hội, tổ chức lễ hội…trong suốt sáu năm tới. Và tham vọng của FN không dừng ở đây : bà Marine Le Pen chưa hề giấu giếm ý định trở thành Tổng thống Pháp.
Làm thế nào tại đất nước quê hương của nhân quyền như Pháp mà một đảng cực hữu có tư tưởng phản động và bài ngoại lại tiến mạnh như thế?
Trước hết là do đa số cử tri Pháp thất vọng về chính sách của chính phủ Đảng xã hội cầm quyền, và cũng không còn mấy tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của đảng đối lập cánh hữu. Như báo chí Pháp đã đồng loạt nhận định hôm nay : đây là một thất bại ê chề đối với cánh tả cũng như cánh hữu.
Thứ hai là cuộc bầu cử cấp vùng diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang đang đối phó với khủng hoảng nhập cư, với hàng trăm ngàn người từ vùng Trung Đông, đặc biệt là từ Syria, ồ ạt tìm đường sang châu Âu lánh nạn. Chỉ riêng tại nước Đức, số di dân tiếp nhận từ đầu năm đến nay đã lên đến gần một triệu người. Tại Pháp, nhiều thị trưởng và cư dân phản đối việc chính quyền áp đặt phải tiếp nhận người tị nạn. Đảng cực hữu vốn chủ trương hạn chế số người nhập cư đã biết khai thác mối lo ngại của cử tri trước cuộc khủng hoảng đó.
Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng đó là loạt tấn công khủng bố tại Paris ngày 13/11 khiến dân Pháp càng thêm lo âu cho an ninh của mình. Những hình ảnh thảm thương của các nạn nhân, sự tàn bạo của bọn khủng bố khiến cả nước Pháp sững sờ. Tuy chính quyền lần đầu tiên đã ra tay đóng cửa vài đền thờ Hồi giáo cực đoan chuyên rao giảng hận thù, không ít người nay nghĩ rằng với chính sách cứng rắn, đảng Mặt trận Quốc gia có thể hành động hiệu quả hơn đế chống khủng bố.
Chưa kể là ngày càng có nhiều người gắn nguy cơ khủng bố và khủng hoảng nhập cư, nhất là có hai trong số những kẻ tấn công tự sát ở Paris hôm 13/11 đã trà trộn vào dòng người nhập cư vào châu Âu. Đảng Mặt trận Quốc gia bỗng thấy những bài diễn văn dân tộc chủ nghĩa, chống nhập cư của họ nay tỏ ra hợp lý.
Nói chung, thành công của đảng cực hữu đó là do người dân Pháp không còn tin tưởng vào các chính đảng truyền thống nữa, nhất là vào lúc mà nạn thất nghiệp vẫn còn rất nặng nề, với gần 3,6 triệu người không có việc làm. Lá phiếu ngày hôm qua phần nào cũng là lá phiếu trừng phạt của cử tri Pháp đối với các đảng truyền thống đó.
Cuộc bầu cử cấp vùng lần này là cuộc bỏ phiếu cuối cùng trước khi nước Pháp bầu lại tổng thống vào năm 2017. Như vậy có thể nói bầu cử này là chiếc bệ phóng để ứng cử viên Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen tranh chiếc ghế nguyên thủ quốc gia trong một bối cảnh thuận lợi hơn bao giờ hết.
Các bên đang ra sức kêu gọi các cử tri chưa đi bầu hoặc bỏ phiếu cho các đảng khác, dồn phiếu cho mình trong vòng hai. Đây cũng là một thử thách của cử tri Pháp : biểu lộ sự thất vọng, giận dữ trước chính sách của chính quyền thông qua lá phiếu bầu, hay giúp cho cực hữu lên ngôi trong một đất nước lâu nay nêu cao phương châm « Tự do- Bình đẳng – Bác ái »?