Pháp phát hành tiểu thuyết của Ocean Vương

Cac Bai Khac

No sub-categories

Pháp phát hành tiểu thuyết của Ocean Vương

Tiểu thuyết On earth we’re briefly gorgeous của nhà thơ Ocean Vương vừa được Nhà xuất bản Gallimard ra mắt độc giả Pháp qua bản dịch của Marguerite Capelle với nhan đề Un bref instant de splendeur (Một khoảnh khắc huy hoàng ngắn ngủi).

image.png

Đây là tiểu thuyết đầu tay của nhà thơ Mỹ gốc Việt Ocean Vương xuất bản tại Mỹ năm 2019, được nhật báo Washington Post đánh giá là một trong 10 quyển sách hay nhất năm. 

Tác phẩm được viết dưới dạng bức thư của một người con trai Mỹ gốc Việt gửi cho mẹ mình – người không bao giờ đọc được bức thư vì mù chữ. Là con của một người lính Mỹ và một nông dân Việt Nam, bà mẹ này hầu như không nói được tiếng Anh và làm việc trong một tiệm nail ở Mỹ. Con trai của bà (vốn có làn da quá sáng so với người Việt nhưng lại chưa đủ đối với người Mỹ) đã đi tìm lịch sử gia đình anh.

Giới thiệu tác phẩm trên trang web chính thức, Nhà xuất bản Gallimard viết: “Được viết bằng một ngôn ngữ đẹp tráng lệ, quyển tiểu thuyết đầu tay này đặt ra những câu hỏi cấp bách và duyên dáng đáng kinh ngạc về chủng tộc, giai cấp và nam tính. Ocean Vương đã phát đi một thông điệp trong dòng chảy đen tối của bạo lực, lang thang và nghiện ngập nhưng luôn được đối trọng khéo léo bởi sự dịu dàng và lòng trắc ẩn. Một quyển sách thật sự xúc động về khả năng của ngôn từ trong việc hàn gắn những vết thương vốn có tự bao đời”.

Ở Việt Nam, một tác phẩm khác của Ocean Vương là tập thơ Night sky with exit wounds đã được Hoàng Hưng dịch và ra mắt bạn đọc vào tháng 10-2018 với nhan đề Trời đêm những vết thương xuyên thấu.

TRƯỜNG LÂN

03/2021

https://tuoitre.vn/phap-phat-hanh-tieu-thuyet-cua-ocean-vuong-20210302095851227.htm

“Trên mặt đất chúng ta đã một thoáng huy hoàng”

https://tuoitre.vn/tren-mat-dat-chung-ta-da-mot-thoang-huy-hoang-1508880.htm

TTCT – Dịu dàng và thô ráp, “On Earth We’re Briefly Gorgeous” là một cuốn tiểu thuyết tham vọng và táo bạo theo nghĩa nó tìm cách kể câu chuyện của những con người vốn không được đoái hoài đến trong nền văn chương Mỹ và xã hội Mỹ.

1.Ocean Vuong được biết đến trước hết là một nhà thơ. Khi tập thơ đầu của anh, Night Sky with Exit Wounds, đoạt giải T. S. Eliot năm 2017, Vuong đã bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tay, On Earth We’re Briefly Gorgeous (Trên mặt đất chúng ta đã một thoáng huy hoàng), như một sự nối dài của những gì được ghi lại trong tập thơ mà anh mô tả là như bức ảnh chụp một cái cây.

Khi cái cây đã lớn vượt ngoài khung hình, viết một cuốn sách khác là cách duy nhất để nắm bắt nó thêm một lần nữa. Vuong có một câu chuyện để kể, và không chỉ bằng một hình thức.

Những ai đã đọc thơ Vuong sẽ không tìm thấy những chủ đề mới trong On Earth We’re Briefly Gorgeous, nhưng dưới ánh sáng của một thể loại mới, chúng ta không có cảm giác Vuong đang lặp lại chính mình với những ám ảnh của anh: tình yêu, tình dục, cái chết và sự cô đơn, cái đè nén của tuổi trẻ bất lực nhưng chan chứa những niềm hi vọng bất khả.

Những gì anh chưa giải quyết – hay thậm chí dường như không tìm cách giải quyết – trong những thách thức mà thể loại tiểu thuyết đặt ra, anh đã bù đắp lại, phần lớn là thành công, bằng những kỹ năng thơ thuần thục của mình, bằng cái nhạy cảm ngôn ngữ của một người có khiếu quan sát. Vuong viết một cuốn tiểu thuyết theo cái cách người ta viết một bài thơ, bằng động lực của từng dòng.

Các nhà thơ giỏi chưa chắc đã là những người trình diễn giỏi. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận được thơ trong sự đầy đủ nhất của nó khi chúng ta lắng nghe nó. May mắn là trên YouTube, chúng ta có thể thấy những đoạn video ghi lại những buổi đọc của Vuong, một chàng trai nhỏ bé với nụ cười duyên dáng, rất dễ làm người nghe sững sờ với chất giọng dịu dàng, tưởng như có thể vụn vỡ ra bất cứ lúc nào nhưng không, bởi nó được giữ lại bằng một sự mạnh mẽ không hề có ý định che giấu đi nỗi đau đằng sau nó.

Vuong cho thấy làm thế nào tính dễ bị tổn thương và tính táo bạo không phải luôn loại trừ lẫn nhau trong những màn trình diễn của mình, dù đó là những bài thơ anh đã viết, hay là những lá thư làm nên cuốn tiểu thuyết mới đây.

2. Tác phẩm mới của Vuong là một tập thư, những lá thư mà Little Dog – cái tên duy nhất mà qua đó chúng ta biết về nhân vật chính, cái tên “Cún” mà bà ngoại cậu đặt cho, thể hiện một quan niệm của người Việt là đặt tên xấu cho đứa bé dễ nuôi, cho đứa bé được bảo vệ khỏi ma quỷ – viết cho mẹ cậu, Rose. 

Rose đến Mỹ mang trong mình những di chứng tinh thần từ cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, con gái của một phụ nữ Việt và một người lính Mỹ. Người phụ nữ Việt Nam ấy – bà ngoại của Little Dog – sống sót sau cuộc chiến, đang chết dần vì ung thư.

Rose không biết đọc. Mỗi chữ của Little Dog, một nhân vật mang trên mình những nét tương đồng với chính Ocean Vuong ngoài đời hay ít nhất là Vuong như chúng ta biết qua tập Night Sky with Exit Wounds, là một chữ kéo Little Dog xa hơn khỏi người mẹ, nhưng cậu vẫn viết để với tới bà. Và cậu viết bằng tiếng Anh.

Đó là một nỗ lực để thử xem ngôn ngữ có phải là một cầu nối như vai trò mà nó vẫn khao khát đóng hay không, một nỗ lực thất bại ngay từ đầu. Một sự bất khả cho thấy chúng ta – những đất nước, ngôn ngữ, những cộng đồng, cá nhân – có thể cách xa nhau như thế nào, và đôi khi, người ta mất cả một đời người để xích lại gần nhau hơn, dù chỉ là một phân.

Nhưng cái một phân ấy có thể là đủ, có thể đủ lớn và đủ mạnh mẽ để trở thành một thành tựu, một chiến thắng đối với hai người, mẹ và con, mỗi người đều vật lộn với những nỗi đau riêng, bên nhau nhưng không thực sự hiểu được cảm giác của nhau. Và cũng chính vì Rose không biết đọc, Little Dog mới có thể viết ra được những lá thư này.

Giống như Vuong, Little Dog sinh ra ở Việt Nam và đến Hartford từ khi còn rất nhỏ, được bà ngoại và mẹ nuôi dạy trong những năm 1990 ở một nơi mà tầng lớp da trắng nghèo cũng phải vật lộn với rượu và ma túy. Đó là nơi cậu bé mười bốn tuổi Little Dog gặp và phải lòng Trevor, cháu của chủ đồn điền thuốc lá mà cậu đến làm thuê.

Chuyện tình giữa Little Dog, cậu bé mười bốn tuổi mang trong mình những chấn thương của cuộc chiến tranh Việt Nam mà mẹ cậu gián tiếp mang lại, với Trevor, một thiếu niên da trắng, nghiện thuốc giảm đau, không phải không dằn vặt với những câu hỏi về dục tính và nam tính, là nơi cuốn tiểu thuyết của Vuong thể hiện rõ ràng nhất sức lay động của nó.

Đó là hành trình của bạo lực và tình yêu, nỗi đau và khoái lạc, tổn thương và chữa lành. Vuong đặt những nhân vật của mình vào một cuộc thử thách của bạo lực và sự dịu dàng, của quyền lực trước sự tổn thương trong hành trình khám phá bản thân.

Rằng dịu dàng không phải lúc nào cũng xoa dịu được nỗi đau; bạo lực không phải luôn luôn không có sự gần gũi. Đôi khi đón nhận nỗi đau là cách duy nhất để tìm thấy sức mạnh.

Dịu dàng và thô ráp như vậy, On Earth We’re Briefly Gorgeous cũng có thể nói là một cuốn tiểu thuyết tham vọng và táo bạo theo nghĩa nó tìm cách kể câu chuyện của những con người vốn không được đoái hoài đến trong nền văn chương Mỹ và xã hội Mỹ.

Nó được viết ra với niềm hi vọng thẳng thắn rằng nó có thể biến cái tình cảm thành cái chính trị, cái cá nhân thành cái cộng đồng. Và như thế, On Earth We’re Briefly Gorgeous sẽ không chỉ là một thoáng huy hoàng.

Những bức thư trong cuốn On Earth We’re Briefly
Gorgeous

Cái lần [má đánh con] bằng một gallon sữa. Cái bình vỡ trên xương vai con, rồi một cơn mưa đều đặn rơi trên những viên gạch bếp.

Cái lần ở công viên Six Flags, má chịu đi tàu lượn siêu nhân với con bởi vì con sợ quá không đi được một mình. Má nôn thốc sau đó, cả cái đầu mất tiêu trong thùng rác. Trong niềm vui còn đang rít gào của con, con quên cả nói lời cám ơn má.

Cái lần chúng ta đi đến cửa hàng đồ cũ và chất đầy xe đẩy bằng những món hàng có dán nhãn vàng, bởi ngày hôm ấy nhãn vàng có nghĩa là giá giảm thêm một nửa. Con đẩy xe và tì lên cái thanh đẩy đằng sau, lướt đi, cảm thấy thật giàu có với một lô những kho báu người ta bỏ của mình. Hôm ấy là sinh nhật má. Má con mình oai lắm.

“Trông má giống người Mỹ hông?” – má nói, ướm một chiếc váy trắng lên người. Cái váy có hơi trang trọng làm sao má có dịp mặc nó, nhưng đủ suồng sã để vẫn có một khả năng được dùng. Một cơ hội. Con gật đầu, nhe nhởn. Cái xe chất nhiều thứ quá con chẳng thấy gì đằng trước nữa.

Cái lần với con dao bếp – con dao má đã cầm lên, rồi lại đặt xuống, run rẩy, nói khẽ: “Đi ra. Đi ra”. Và con chạy ra cửa, xuống những con phố mùa hè sầm tối. Con chạy cho đến khi con quên mất mình mười tuổi, cho đến khi nhịp tim là tất cả những gì con còn nghe được trong mình.

*****

Má từng bảo con rằng mắt người là tạo vật cô đơn nhất của Chúa. Bao nhiêu phần nhân gian đi xuyên qua con ngươi mà nó giữ không gì. Mắt, cô đơn trong cái hốc của nó, thậm chí chẳng biết rằng có một con mắt khác, giống như nó, cách chỉ đốt ngón tay, cũng đói khát như thế, cũng trống trải như thế. Mở cửa trước đến mùa tuyết đầu tiên của đời con, thì thầm má bảo: “Kìa”.

*****

Má có nhớ ngày hạnh phúc nhất đời mình không? Ngày buồn nhất? Có bao giờ má tự hỏi nỗi buồn và niềm hạnh phúc có thể kết hợp với nhau, để tạo nên một cảm xúc màu tím biếc, không tốt, không xấu, nhưng đáng nhớ chỉ bởi vì má không phải sống ở phía bên này hay phía bên kia?

*****

Đôi khi, lúc bất cần, con cứ nghĩ sống sót thì dễ: ta chỉ cần cứ thế bước tiếp với những gì mình có, hoặc những gì còn sót lại từ những gì ta được trao cho, cho đến khi có điều gì đó thay đổi – hoặc ta nhận ra, rốt cuộc, rằng ta có thể thay đổi mà không cần biến mất, rằng ta chỉ phải đợi cho đến khi cơn bão đi qua và ta nhận ra – phải – tên ta vẫn còn gắn với một sinh vật sống.

Đôi khi, lúc bất cần, con tin rằng vết thương cũng là nơi làn da gặp lại được chính nó, nơi nó hỏi mỗi đầu vết thương rằng mi đã ở đâu?

Chúng ta đã ở đâu, hả má?

NGUYỄN HUY HOÀNG