Pháp bắt đầu giải tỏa trại di dân ở Calais

Cac Bai Khac

No sub-categories

Pháp bắt đầu giải tỏa trại di dân ở Calais
Image copyrightPA
Image captionChiến dịch giải tỏa trại Calais có thể kéo dài một tuần
BBC
24 tháng 10 2016

Hơn 1.200 cảnh sát và nhân viên công quyền Pháp vừa bắt đầu chiến dịch giải tỏa trại di dân ở Calais, còn gọi là “Rừng rậm” (Jungle).

Trại này chứa tới 7.000 người trong tình trạng sơ sài.

Người di cư xếp hàng trật tự chờ làm thủ tục, và chiếc xe buýt đầu tiên trong số 60 xe chở họ tới các trại tỵ nạn trong toàn nước Pháp cũng đã lăn bánh.

Đang có quan ngại rằng một số di dân không muốn rời đi vi ̀họ muốn vào nước Anh, và dịp cuối tuần qua đã xảy ra vài cuộc đụng độ.

Trại Calais sẽ bị giải tỏa hoàn toàn vào thứ Ba 25/10.

Anh quốc đã đồng ý nhận một số trong khoảng 1.300 trẻ không có người giám hộ từ trại Calais.

‘Hết mơ tưởng rồi’

Phóng viên BBC Simon Jones, hiện có mặt tại Calais, nói rằng đa số người ở đây tỏ ra khá lạc quan cho dù tình hình có hơi lộn xộn. Chỉ có một người đàn ông Sudan hét lớn: “Chúng ta hết mơ tưởng rồi!”

Người nhập cư được xếp vào các hàng riêng để xác định xem ai có gia đình, ai chỉ có một mình, và liệu họ có thuộc diện dễ bị thương tổn hay không.

Sau khi làm xong giấy tờ họ sẽ được chở tới các nơi khác nhau ở Pháp và làm thủ tục xin tỵ nạn. Nếu không được tỵ nạn, họ có thể bị trục xuất.

Giới chức Pháp đã sắp xếp 7.500 giường cho người di cư tại 450 trung tâm trong nước.

Migrants at the JungleImage copyrightAP

Chiếc xe buýt đầu tiên rời Calais với 50 người Sudan đang trên đường tới vùng Burgundy, theo thông tấn xã AFP.

Vào giữa buổi sáng, người xếp hàng dài dặc tại cửa trung tâm đăng ký.

Các quan chức ước tính khoảng 2.500 người sẽ rời trại Calais trong ngày thứ Hai 24/10.

Vào lúc 05:00 giờ sáng giờ địa phương, ba giờ trước khi chiến dịch giải tỏa bắt đầu, các nhóm di dân và tỵ nạn đã bắt đầu xếp hàng.

Sau đó hàng trăm người đổ ra từ trại và đứng dọc đường phố chờ xe buýt tới chở họ đi.

Cuối một hàng là Adil, người Sudan, đứng chờ với hai túi to, một quả bóng đá và một chiếc đàn guitar. Adil nói: “Giấc mơ của tôi chết rồi, những người ở đây ai cũng đau khổ.”

French police at Calais campImage copyrightAFP
Image captionCảnh sát đứng quan sát quá trình giải tỏa

“Chúng tôi không thể tin được là không còn hy vọng gì nữa.”

Bên trong trại, các nhân viên cứu trợ của tổ chức Care đang đi từ lều này sang lều khác, cảnh báo người di cư rằng nếu họ không ra đi thì sẽ bị bắt. Cảnh sát hiện diện đông đảo, nhiều người ngồi trong xe để tránh lạnh.

Trẻ em sẽ được ở trong các công-ten-nơ được cải tạo trong khi các lều trại bị giải tỏa.

Từ ngày 25/10, máy móc sẽ được chuyển tới để phá dỡ toàn bộ khu này. Việc giải tỏa được trông đợi kéo dài ba ngày.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói Pháp “không muốn dùng vũ lực nhưng nếu người nhập cư không chịu đi hay các tổ chức phi chính phủ muốn gây vấn đề thì cảnh sát sẽ phải can thiệp”.

Một người Afghanistan, Karhazi, nói với hãng thông tấn AFP: “Họ sẽ phải bắt chúng tôi ra đi. Chúng tôi muốn đi Anh quốc”.

Trại Calais là nơi đã xảy ra nhiều vụ xung đột và bạo lực, khi người di cư, chủ yếu từ châu Phi và Trung Đông, tìm cách trốn lên xe tải vào Anh quốc.

Họ cho rằng ở Anh dễ tìm việc hơn, và một số người cũng muốn xin tỵ nạn. Một số người nghĩ là ở Anh điều kiện sinh hoạt và dịch vụ giáo dục cởi mở hơn với người nhập cư.

“Rừng rậm” là gì?

A aerial photograph of the Calais migrant camp known as the JungleImage copyrightREUTERS
Image captionTrại di dân nằm gần cảng Calais
  • Trại di dân nằm gần cảng Calais và đường hầm nối Anh và Pháp
  • Chính thức có 7.000 người sống trong trại, tuy nhiên thực tế, theo cư quan hỗ trợ tỵ nạn, vào thời điểm giải tỏa con số người là 8.143
  • Trại này đã giảm một nửa hồi đầu năm, nhưng số người vào đây vẫn tăng lên và ngày càng nhiều vụ bạo lực
  • Nhiều người nhập cư tìm cách trốn sang Anh bằng xe tải
  • Lái xe và dân địa phương đã tổ chức một số cuộc biểu tình phản đối

Trại Calais chỉ là một phần trong khủng hoảng nhập cư quy mô lớn ở châu Âu.

Năm ngoái hơn một triệu người nhập cư, nhiều người trốn khỏi cuộc nội chiến Syria, đã tới châu Âu. Các nước châu Âu gặp nhiều khó khăn trong giải quyết tình trạng này.

Một số người tới châu Âu tìm cuộc sống kinh tế tốt hơn nhưng những người khác chạy trốn chiến tranh và các chính phủ độc tài.