Phản ứng về sự hiện diện của quân đội Nga ở Crimea

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phản ứng về sự hiện diện của quân đội Nga ở Crimea

James Brooke -02.03.2014

Diễn biến quan trọng ở Ukraina từ tháng 11 năm 2013

21-11: Ukraina đình chỉ kế hoạch ký hiệp định gia nhập Liên Hiệp Châu Âu

30-11: Cảnh sát chống bạo loạn trấn áp những người biểu tình chống chính phủ tại Kyiv

17-12: Nga đề nghị cung cấp 15 tỉ đô la trong các khoản cho vay và hạ giá khí đốt

2014

16-01: Quốc hội Ukraina thông qua dự luất chống biểu tình

22-01: Các cuộc biểu tình lan rộng, hai người biểu tình bị bắn chết trong các vụ đụng độ tại Kyiv

29-01: Quốc hội chấp thuận dự luật ân xá những người biểu tình bị bắt nếu người biểu tình dời khỏi các tòa nhà bị chiếm.

16- 02: Những người biểu tình dời khỏi các tòa nhà chính phủ bị chiếm sau hai tháng

18-02: Cảnh sát tấn công các trại biểu tình, 18 người biểu tình và cảnh sát bị giết

20-02: Giao tranh nổ ra mặc dầu có việc loan báo đình chiến một ngày trước đó. Ít nhất 39 người thiệt mạng

21-02: Tổng thống Yanukovych loan báo bầu cử sớm sau các cuộc hội đàm do các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu đứng làm trung gian dàn xếp

22-02: Lãnh tụ đối lập Yulia Tymoshenko được trả tự do

23-02: Oleksandr Turchynov được chỉ định làm tổng thống lâm thời, chưa rõ ông Viktor Yanukovych ở đâu

24-02: Ukraina ban lệnh bắt giữ Tổng thống bị lật đổ Yanukovych

Các đoàn xe chở binh sĩ Nga tỏa ra khắp bán đảo Crimea của Ukraina hôm Chủ nhật.

Binh sĩ Nga tiến chiếm các vị trí chiến lược trên khắp bán đảo Crimea hôm Chủ nhật.

Đáp lại, hôm thứ Hai Ukraina ra lệnh 1 triệu quân nhân dự bị ra trình diện.

Tân Thủ tướng của Ukraina Arseniy Yarsenyuk nhận định về tình hình căng thẳng đang gia tăng như sau:

“Chúng ta đang ở trên bờ vực của thảm họa. Không có lý do gì để Liên bang Nga xâm lăng Ukraina.”

Tại Crimea, binh sĩ Nga bao vây các phi trường, các căn cứ quân sự, và đào hào để kiểm soát xa lộ độc nhất nối liền đất liền Ukraina với bán đảo Crimea. Thủ tướng Ukraina mô tả về hành động quân sự của Nga:

“Đây quả thật là một sự tuyên chiến với đất nước của tôi. Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Putin nhanh chóng triệt thoái quân đội của ông.”

Không có tiếng súng ở Crimea. Tuy nhiên 2 căn cứ quân sự của Ukraina đã bị bỏ trống và viên đô đốc cao cấp nhất của Ukraina ở Crimea, xuất hiện trong một video được đưa lên YouTube, cam kết trung thành với nhà lãnh đạo của vùng chủ trương ly khai.

Các giới chức quân đội Ukraina nói rằng Nga đề nghị cấp hộ chiếu Nga cho các sĩ quan Ukraina đóng quân ở Crimea.

Hai nhà lãnh đạo quốc hội Ukraina nói, hôm Chủ nhật, rằng Ukraina động viên quân đội để thương thảo với Nga trong tư thế mạnh.

Hôm Chủ nhật, Bộ Ngoại giao Nga công bố sơ lược về cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Trong cuộc điện đàm, ông Putin nói, “Nga duy trì quyền bảo vệ các quyền lợi và khối dân nói tiếng Nga” ở Ukraina. Cuộc điện đàm được thực hiện một khoản thời gian ngắn sau khi quốc hội Nga cho phép ông Putin đưa binh sĩ đến bất cứ nơi nào ở Ukraina.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đã chỉ trích gay gắt hành động xâm lăng của Nga ở Crimea trong các cuộc phỏng vấn trên 3 đài truyền hình hôm Chủ nhật.

Trong chương trình “Meet the Press” của đài truyền hình NBC, nhân vật ngoại giao cap cấp nhất của Hoa Kỳ nói rằng ông đã hội đàm với tất cả các Bộ trưởng Ngoại giao các nước trong khối G-8, ngoại trừ Nga. Ông dự đoán, “Họ đơn thuần sẽ cô lập Nga. Họ sẽ không giao tiếp với Nga theo cách giao dịch bình thường như thường lệ.”

Được biết biện pháp cụ thể duy nhất, cho đến hiện giờ là Hoa Kỳ, Anh, Canada và Pháp nói rằng họ sẽ ngừng chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh khối G-8 được dự kiến diễn ra vào tháng 6 ở Sochi, thành phố của Nga trên bờ Biển Đen cách bán đảo Crimea 400 kilomet.

Tại Brussels, Tổng thư ký liên minh NATO Anders Fogh Rasmussen cũng lên án hành động quân sự của Nga.

Ông nói trước Hội đồng Bắc Đại tây dương, một cơ chế đại diện cho tất cả 28 nước đồng minh như sau: “Những gì Nga đang làm ở Ukraina vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc và đe dọa nền hòa bình và an ninh ở châu Âu. Nga phải ngưng các hoạt động quân sự và các lời đe dọa.”

Tại Moscow và thành phố St. Petersburg, hàng ngàn người xuống đường để chính thức hậu thuẫn các cuộc biểu tình ủng hộ việc đưa quân đội Nga vào Crimea.

Các cuộc biểu tình phản chiến nhỏ hơn diễn ra tại 2 thành phố này, kết quả đã có khoảng 300 người bị bắt.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người Nga tin rằng bán đảo có đông đảo cư dân nói tiếng Nga của Ukraina nên thuộc về Nga. Các gợi ý đưa ra hôm Chủ nhật là về mục tiêu của Nga ở Crimea.

Thông tấn xã Nga loan tin một cuộc trưng cầu dân ý được dự định vào ngày 30 tháng 3 ở Crimea sẽ cho cử tri quyền lựa chọn, hoặc tiếp tục là vùng tự trị trong lãnh thổ Ukraina hoặc sát nhập vào Nga.

Song song với việc này Hạ viện Nga (viện Duma) trong tuần tới sẽ thảo luận một dự luật mới để Nga sát nhập các vùng lãnh thổ mới dễ dàng hơn. Theo luật này, các cuộc trưng cầu dân ý địa phương sẽ vượt qua các hiệp định quốc tế.

 

  • Binh sĩ Ukraina bảo vệ cổng vào căn cứ bộ binh tại Privolnoye, Ukraina, ngày 2/3/2014