Phản ứng quốc tế về quyết định của Nga

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phản ứng quốc tế về quyết định của Nga

Theo BBC – Cập nhật: 21:55 GMT – thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Trong lúc quốc tế tiếp tục tìm hiểu xem Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin sẽ làm gì cụ thể sau khi Thượng viện Nga cho phép ông đưa quân vào Ukraine, đài báo Nga tiếp tục phê phán chính quyền Kiev.

Chương trình đêm thứ Bảy 1/3/2014 của kênh Russia Today bằng tiếng Anh liên tục nhấn mạnh đến ‘sự nguy hiểm’ đối với người Nga tại Ukraine.

Kênh này chiếu hình ảnh các cuộc biểu tình của người Nga ở nhiều vùng phía Đông và Nam Ukraine và nói chừng 140 nghìn người – là ‘công dân Ukraine’ – đã nộp đơn xin tỵ nạn với Nga trong hai tuần qua.

Phỏng vấn nhiều chuyên gia và nhà bình luận gọi chính quyền mới ở Kiev là ‘những kẻ đảo chính, phát-xít mới’, kênh Russia Today cũng nhấn mạnh đến phát biểu của một dân biểu cánh hữu Ukraine, Mikhail Golovko “đe dọa rằng Ukraine sẽ giành lại vị thế cường quốc có vũ khí nguyên tử”.

Phía Nga cho rằng đây là cách chính giới Ukraine, ít ra là những chính trị gia thuộc phe hữu, muốn lật ngược thỏa thuận 1994 để Liên bang Nga thu nhận mọi tên lửa hạt nhân Liên Xô để lại trên lãnh thổ Cộng hòa Ukraine. Tuy thế, báo chí Nga cũng cho rằng đây không phải là lần đầu tiên đảng Svoboda(Tự do) ở Ukraine nói như vậy.

Đài báo Nga cũng tập trung mô tả các hoạt động của tân chính quyền Ukraine sau cuộc biểu tình ở Quảng trường Maidan là ‘phát-xit’, và trích lời một số nhân vật thiên tả ở Phương Tây kêu gọi Hoa Kỳ và EU không viện trợ ‘cho phái Nazi cầm quyền ở Ukraine’.

Các nhóm biểu tình của dân Nga ở Ukraine cũng mang các biểu ngữ dán hình chữ thập ngoặc của phát-xít Đức trước đây lên hình ảnh Quảng trường Maidan.

Họ cũng tập hợp trước những bức tượng Lenin và phất cờ Nga cùng cờ búa liềm và hô khẩu hiệp đả đảo chính quyền Kiev.

Tương lai?

Những người tự xưng là dân quân địa phương đứng gác đoạn đường dẫn vào Crimea

Cùng ngày, tin từ New York cho hay Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban Ki-moon dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về các diễn biến mới nhất.

Anh Quốc vừa triệu đại sứ Nga đến Bộ Ngoại giao ở London để bày tỏ phản đối quyết định của Nga, thủ tướng David Cameron nói “Nga không thể dùng bất kỳ cớ gì” để can thiệp quân sự vào Ukraine.

Ông Cameron cho rằng, “các bên cần nỗ lực để làm giảm căng thẳng chứ không phải khiến nó trầm trọng hơn.”

Theo phân tích của Jonathan Marcus trên trang BBC News 1/3/2014, đây không phải là lần đầu tiên Moscow can thiệp quân sự vào các vùng thuộc Liên Xô cũ nhưng nằm ngoài Liên bang Nga.

Ở mức độ nhỏ hơn, Nam Ossetia và Abkhazia đã được Nga công nhận và trên thực tế trở thành khu vực bảo hộ của Moscow, còn ở mức độ lớn hơn, Nga đánh thẳng vào Gruzia năm 2008.

Nhưng lần này với Ukraine, theo phóng viên BBC, câu chuyện không chỉ dừng ở quyền kiểm soát Crimea vì trên thực tế người Nga đã chiếm đa số tại đây và lực lượng của cả một hạm đội Nga ở Sevastopol hoàn toàn có thể áp đảo bất cứ kháng cự nào của quân địa phương Ukraine.

Vấn đề là, theo Jonathan Marcus, với ông Putin, khẳng định ảnh hưởng ở Ukraine là một phần của ‘cuộc cạnh tranh ý chí’ với Phương Tây và sẽ có thể có tác động sâu rộng đến bối cảnh quốc tế và vai trò của Nga trong đó, từ xung đột ở Syria tới chương trình hạt nhân của Iran.

Một số báo Nga đã đặt câu hỏi vì sao Iran không được có vũ khí nguyên tử mà một số nhân vật thuộc phe hữu Ukraine cứ phát biểu về chuyện ‘tái thiết kho vũ khí hạt nhân’ mà không bị Phương Tây lên án.