Phẫn nộ dâng trào
Theo Nguoi-viet
Nếu không được ai nhắc, nhiều người Việt chắc không biết ngày kỷ niệm một biến cố quan trọng trong lịch sử cận đại mới đi qua: Ngày 19 Tháng Mười Hai. Những người ở lớp tuổi 80-90 có thể không quên. Nhưng lớp tuổi 50 trở xuống có thể không biết có chuyện gì xẩy ra.
Một nhà trí thức ở Sài Gòn, trên 80 tuổi, mới nhắc lại ngày kỷ niệm này, là Giáo Sư Tương Lai. Ông coi chương trình ti vi về biến cố lịch sử ngày 19 Tháng Mười Hai năm 1946, ngày bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của người Việt Nam. Nhưng coi xong, Giáo Sư Tương Lai lại nhớ đến bài thơ của Thâm Tâm: “Đưa người ta không đưa qua sông. Sao có tiếng sóng ở trong lòng!” Trong lòng ông, có những cơn sóng dào dạt khi nhớ lại những thanh niên Việt Nam đã quyết hy sinh mạng sống trong cuộc chiến đấu kéo dài hai tháng ở Hà Nội sau ngày “Toàn quốc kháng chiến” đó. Nhưng ông cũng cho thấy nổi lên một cơn sóng “phẫn nộ” vì “Một sự nghiệp bị phản bội, thì gợi nhớ lại những trang hào hùng của sự nghiệp ấy sẽ càng làm cho sự phẫn nộ dâng trào!”
Ông Tương Lai nhắc đến tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam cho công tác kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Nếu tò mò, quý vị có thể đọc nguyên văn những lời “hướng dẫn” này, được đưa trên mạng từ tháng Tám năm 2016. Các ông bà Tuyên Giáo chỉ thị cho các đảng viên cộng sản làm công việc tuyên truyền về ngày 19 Tháng Mười Hai, với các mục tiêu tóm tắt như sau: “…1) nhằm ôn lại truyền thống yêu nước và lịch sử vẻ vang, ý chí độc lập tự do, khí phách quật cường của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm…; 2) khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân …; 3) Tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và cảnh giác trước âm mưu ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch …; 4) Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước …”
Cơn sóng phẫn nộ dâng trào trong lòng ông Giáo Sư Tương Lai vì “bộ máy tuyên truyền lừa bịp của hệ thống Tuyên Giáo các cấp” thuộc đảng cộng sản “nói vậy mà không phải vậy!” Như ông viết, “… trong tâm thế Việt Nam, xưa cũng như nay, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, lòng tự hào tự tôn dân tộc thường đi liền với chống Tàu.” Nhưng trong lúc “bộ máy tuyên truyền lừa bịp” đưa ra các hướng dẫn trên đây thì ngày 8 Tháng Mười Hai năm 2016, Hải Quân Trung Quốc “ngang ngược” tổ chức kỉ niệm 70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa” của quân Trung Cộng! Người Việt Nam còn lương tâm không thể nao không nổi giận! Ai cũng phải thấy như ông Tương Lai: “lờ tịt chuyện ngang ngược đó đi để rồi kêu gào “khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc” thì quả là trơ tráo!”
Nhờ Giáo Sư Tương Lai nhắc, chúng tôi mới biết người tổng chỉ huy cuộc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 là Hứa Thế Hữu. rồi chính ông Tướng Tàu này cũng chỉ huy Chiến tranh biên giới 1979, khi Đặng Tiểu Bình muốn “dậy cho Lê Duẩn một bài học” vì Duẩn su phụ Liên Xô, chống Trung Cộng. Cũng nhờ ông giáo sư kể, chúng tôi mới biết Hứa Thế Hữu là cháu chắt của Đề Đốc Hứa Thế Hanh, viên võ tướng theo Tôn Sĩ Nghị sang chiếm nước ta rồi bị quân Vua Quang Trung cho một trận đại bại, năm 1789. Theo “Việt – Thanh Chiến Dịch” của Nguyễn Duy Chính, mới xuất bản năm 2016, thì Hứa Thế Hanh chỉ huy các đạo quân Quảng Đông và Quảng Tây, và ông ta đã chết đuối khi tranh nhau chạy trốn trên chiếc cầu phao bắc qua sông Nhị Hà khiến cây cầu gẫy sập!
Năm 2016, Hứa Thế Hữu lại cho Nguyễn Phú Trọng một bài học, ngang nhiên cho làm lễ kỷ niệm vụ cướp Hoàng Sa và Trường Sa năm 1974, hơn một tháng trước ngày gây chiến, 19 Tháng Giêng! Nhưng hệ thống Tuyên Giáo của đảng Cộng Sản Việt Nam không dám mở một chiến dịch tuyên truyền phản bác hành động khiêu khích ngang ngược đó!
Họ chịu khuất phục Tàu quen rồi!
Từ năm 1990 đến nay, sau khi Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười và đồng bọn cúi đầu quy phục thiên triều, cả hệ thống báo đài của đảng cộng sản không được nhắc đến cuộc chiến “trừng phạt” tàn bạo của Đặng Tiểu Bình. Sách giáo khoa môn lịch sử không được phép viết đến. “Táng tận lương tâm hơn,” ông Tương Lai viết, “để làm vừa lòng kẻ thù, chúng đã dám cho đục bỏ những bia liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu chống quân thù,…” Thay vì “khơi dậy lòng tự hào tự tôn dân tộc” thì bọn tuyên giáo cộng sản đang nhồi nhét vào đầu người dân Việt “bốn cái tốt” và “16 chữ vàng oan nghiệt và bịp bợm” theo đuôi quan thầy Bắc Kinh!
Đọc bản Bản đề cương tuyên truyền về kỷ niệm 70 ngày Toàn quốc kháng chiến 19 Tháng Mười Hai của ban Tuyên Giáo, điểm thứ ba chứng tỏ họ không muốn nhắc đến kẻ thù truyền kiếp phương Bắc mà lại nhắm đến những người dân Việt Nam! Khi họ viết “Tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và cảnh giác trước âm mưu ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch …” thì ai cũng hiểu họ đang nhắm vào những người như ông Giáo Sư Tương Lai, những Nguyễn Văn Đài, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Minh Hạnh, vân vân, là những nhà trí thức muốn dân Việt Nam được sống trong tự do dân chủ. Kẻ thù của đảng Cộng sản không phải là nhưng “đồng chí anh em” như Tập Cận Bình, Hứa Thế Hữu, mà là những bạn trẻ Việt Nam yêu nước đi biểu tình chống Trung Cộng xâm lược!
Điều trâng tráo nhất trong bản “đề cương” này là ban Tuyên Giáo ra lệnh thuộc cấp kỷ niệm ngày 19 Tháng Mười Hai bằng cách kể công những “thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước” của đảng Cộng Sản.
Tất cả mọi người trên 35 tuổi sống ở Việt Nam đều biết rằng “đường lối đổi mới đất nước” của đảng chỉ là chịu thua, từ bỏ những chủ trương và chính sách do đảng cộng sản áp đặt trên dân tộc Việt Nam. Cái “ý nghĩa lịch sử” của 30 năm qua là cộng sản khắp thế giới đã quay đầu 180 độ chạy theo chủ nghĩa tư bản, mà lại là thứ tư bản thời sơ khai thế kỷ 18, 19 ở Âu Mỹ!
Còn những “thành tựu to lớn” của đảng nó to như thế nào? Có thể nói suốt lịch sử, nước Việt Nam chưa bao giờ bất công và thối nát như vậy!
Trong tuần qua, ký giả Mặc Lâm, đài RFA mới viết về ông Nguyễn Phúc Gia Huy, biệt hiệu là Dưa Leo, một nhà hài hước đã thu góp các tin tức trên báo, trên đài trình bày lại trên trang mạng của anh. Dưa Leo nhận xét về tình trạng truyền thông, hoàn toàn trong tay đảng cộng sản nắm: “Báo chí chúng ta tập trung có hai vấn đề: vú và tiền. Những bài viết về đất nước thì phần lớn tập trung ở hai tờ báo dành cho mấy ông già coi đó là Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Còn tuổi trẻ thật thì tụi nó đọc Kênh 14. Kênh 14 thì kiếm đỏ con mắt cũng không ra một bài viết về đất nước nữa…”
Đó là một “thành tựu” trong công tác tuyên truyền, giáo dục của đảng cộng sản: “kiếm đỏ con mắt cũng không ra một bài viết về đất nước!”
Vì thế, ngày trong gia đình cha mẹ cũng không nói chuyện đất nước trước mặt con cái, mà họ chỉ bàn chuyện phim ảnh nhập cảng hoặc chuyện ăn nhậu. Dưa Leo viết: “…bản chất con nít thì nó bắt chước người lớn. Hồi còn nhỏ nó thấy ba má ông bà nó gặp nhau là nhậu thì khi lớn lên nó cũng nhậu. Nó bị cấm đoán nói về đất nước riết nó không thèm quan tâm luôn, nó chỉ quan tâm chuyện nhậu, nhậu, nhậu và nhậu!”
Dưa Leo có lúc cũng nêu thắc mắc: Thí dụ, “ngày 4 Tháng Mười Hai chúng ta chọn làm ngày quốc tang ông Fidel Castro. Oh! Lạ nha, Việt Nam để quốc tang ông Cuba còn dân Cuba thì lại ăn mừng cái chết của ổng Tại sao ở Việt Nam mình người chết một đống. Lũ lụt thiên tai vừa rồi ở miền Trung chết quá trời người luôn. Rồi thêm ảnh hưởng Formosa cũng chết nữa tới bây giờ sao không thấy quốc tang nào hết vậy!”
Nếu thực dân Pháp sống lại được chứng kiến cảnh đảng cộng sản “tuyên truyền và giáo dục” trẻ em và người lớn ở Việt Nam thì chắc họ bái phục! Nếu đám thực dân biết làm những trò “tuyên giáo” của Cộng sản thì chắc không có cảnh ngày 19 Tháng Mười Hai năm 1946, khi dân Việt nổi lên chống Pháp.
Cuộc kháng chiến của toàn dân Việt Nam đã bị đảng cộng sản cưỡng đoạt và lợi dụng. Một dân tộc đã bị đánh lừa đi vào đường suy vong, tụt hậu hàng nửa thế kỷ so với các nước chung quanh họ không mắc tai nạn cộng sản.
Giáo Sư Tương Lai “nghe thấy tiếng sóng ở trong lòng.” Ông đã làm nghề dậy học nhiều năm. Bây giờ ông tự hỏi, cũng như nhà thơ Chế Lan Viên đã tự hỏi chính mình. Nhân ngày 19 Tháng Mười Hai, ông viết, “Với tôi, đó là gợi lại trong suy tư và tự nhìn lại mà tự vấn, liệu có phải từ trên bục giảng, mình đã ‘xui dại’ một thế hệ ‘cả tin’ để rồi họ chưng hửng, ngơ ngác trước những sự thật phũ phàng của cuộc đời đầy bụi bặm và không thiếu lừa lọc, dối trá rồi vỡ ra rằng: ‘cách mạng’ không ‘cách mạng’ như người ta tưởng, và tệ hơn, như người ta nói!” Chúng ta hiểu vì sao bao nhiêu người Việt Nam chỉ cảm thấy nhớ lại một ngày lịch sử chỉ “càng làm cho sự phẫn nộ dâng trào!”