Phạm Chí Dũng: Thế lực nào đang muốn “diễn biến” báo Nhân Dân?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phạm Chí Dũng: Thế lực nào đang muốn “diễn biến” báo Nhân Dân?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng. DR

Theo RFI – Thụy My – Thứ Bảy 23 Tháng Tám 2014

Hôm 19/08/2014 báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam – đã đăng bài viết mang tựa đề “Thúc đẩy nhân quyền hay can thiệp vào công việc nội bộ?”. Bài báo chỉ trích cuộc hội thảo “Truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” diễn ra vào cuối tháng 7/2014 tại Đại sứ quán Australia (cùng với Liên minh châu Âu, và các sứ quán Canada, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ).

Việc tờ báo đảng “bất ngờ” công kích phương Tây, theo cách nhìn của tờ Việt Nam Thời Báo (ijavn.org) thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam mới ra đời, thì phải chăng có một thế lực chính trị không muốn tái lập bang giao Việt – Mỹ. Phải chăng thế lực này muốn cản trở hình ảnh phát triển giữa Việt Nam với những quốc gia đang đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét cho Việt Nam tham gia TPP ? Nếu đúng như thế, những “nhà cải cách” Việt Nam cần và phải làm gì để “lập lại trật tự”, chí ít là trong nội bộ đảng cầm quyền? RFI Việt ngữ đã trao đổi với nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
RFI: Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, sau một loạt nỗ lực ngoại giao khá tấp nập giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, vừa rồi lại xuất hiện một bài báo trên báo Nhân Dân, chỉ trích cuộc hội thảo truyền thông phi nhà nước do đại sứ quán Úc tổ chức. Điều này đã gây ngạc nhiên cho không ít người… Nhà báo Phạm Chí Dũng: Bài báo này không chỉ chỉ trích cuộc hội thảo trên, mà còn chỉ trích luôn cả hội thảo “Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế”. Nhưng có một chi tiết hơi lạ, là cuộc hội thảo của Liên minh châu Âu diễn ra từ cuối tháng 5/2014, mà cho đến giờ báo Nhân Dân mới lên tiếng điểm lại và “nhắc nhở” các cơ quan, tổ chức quốc tế cần tuân thủ luật pháp về tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của Việt Nam. Có thể ghi nhận đây là lần đầu tiên một bài viết mang mục đích “phòng, chống diễn biến hòa bình” trên báo Nhân Dân cùng lúc công kích cả Liên minh châu Âu và Chính phủ Úc. Tuy nhiên, bài viết này lại “bỏ quên” một khía cạnh rất đáng xem xét là hai cuộc hội thảo tại trụ sở EU và Đại sứ quán Úc chỉ thuần túy nằm trong hoạt động của xã hội dân sự quốc tế và xã hội dân sự ở Việt Nam. Mà quy ước về hoạt động của xã hội dân sự lại được chính Nhà nước Việt Nam cam kết mở rộng trong 14 điều cam kết trước Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 11/2013. Việc mở rộng xã hội dân sự cũng được chính phía Việt Nam cam kết một lần nữa, khi tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Hà Nội vào tháng 12/2013 và nữ Phó ngoại trưởng phụ trách chính trị Wendy Sherman cũng tại Hà Nội vào tháng 3/2014. Thậm chí bà Wendy Sherman còn cảm hứng : “Xã hội dân sự là một trong những điểm thú vị nhất giữa hai quốc gia”. Sự chia sẻ Việt – Mỹ về chủ đề này là hoàn toàn khác với mô tả “Xã hội dân sự – một thủ đoạn của diễn biến hòa bình” trên báo Nhân Dân vào cuối năm 2012. Nhưng khi phê phán hội thảo “Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” diễn ra tại Đại sứ quán Úc, báo Nhân Dân lại quên bẵng những lời lẽ tốt đẹp mà chính phủ Úc – một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam – dành cho Việt Nam trong thông cáo báo chí về hội thảo này. Bởi theo cách nhìn của cơ quan ngoại giao Úc, việc Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền vào tháng 11 năm 2013 đã thể hiện thiện chí ngày càng tăng của Việt Nam trong tiến trình phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước về các vấn đề nhân quyền. Phía Úc cũng đánh giá là thiện chí của Việt Nam trong Đánh giá định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền (UPR) năm 2014 là “đầy tính xây dựng”, và “Chính phủ Úc hoan nghênh sự tán thành chấp nhận của Việt Nam đối với những khuyến nghị của UPR Úc trong các vấn đề ‘cho phép truyền thông phi nhà nước”, tự do thể hiện quan điểm, và tự do hội họp. Việt Nam cũng chấp nhận những khuyến nghị rằng Việt Nam nên tạo điều kiện cho một môi trường thuận lợi, để các nhà hoạt động xã hội dân sự có thể tự do hội họp và thể hiện quan điểm của mình. RFI : Theo anh thì tác động của những bài báo như thế này ra sao?
Nếu đọc bài công kích trên báo Nhân Dân, chắc hẳn giới ngoại giao Úc, EU và Hoa Kỳ không thể không cảm thấy bị xúc phạm. Riêng phía Úc, thái độ thân thiện của họ đã chỉ được đền đáp bởi một cách đánh “vỗ mặt”, càng cho thấy phía Việt Nam chưa có gì được gọi là thành tâm đối với yêu cầu về dân chủ và nhân quyền tại đất nước này. Trong khi đó, Nhà nước Việt Nam, cả cánh bảo thủ lẫn phe lợi ích, đều đang quá cần đến sự “cảm thông” của các quốc gia này đối với việc thông qua TPP để cứu vãn nền kinh tế đang trên bờ vực thẳm của Việt Nam. Bối cảnh của bài “Thúc đẩy nhân quyền hay can thiệp vào công việc nội bộ?” trên báo Nhân Dân lại xảy ra không bao lâu sau khi diễn ra một cuộc đối thoại song phương Việt – Úc về nhân quyền vào cuối tháng 7/2014. Cũng vào cuối tháng 7, giới quan sát chính trị cũng chứng kiến một sự kiện có thể coi là đặc biệt về tái lập bang giao Việt – Mỹ: sự hiện diện bất ngờ của Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị tại Hoa Kỳ. Hầu như rõ ràng, tín hiệu “diện kiến” giới chính khách của ông Nghị đã mở đường cho hai chuyến công du liên tiếp của Thượng nghị sĩ John McCain và chuyến công du của Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đến Việt Nam, với những lời hứa hẹn cùng xác nhận không thể nói là đáng bi quan cho tương lai từ cả hai quốc gia cựu thù. Thậm chí còn diễn ra cuộc gặp giữa John McCain với ông Nguyễn Phú Trọng, để sau đó khi người đứng đầu Đảng tuyên bố: “Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam”, thì Martin Dempsey trả lời phỏng vấn báo chí cũng không kém cạnh: “Việt Nam có thể trở thành người bạn tốt nhất của Hoa Kỳ”.
RFI : Thưa anh, trong bối cảnh như vậy có thể hiểu quan điểm và thái độ của báo Nhân Dân là thế nào? Tôi cũng đang tự hỏi như vậy! Tờ báo này, trong khi vẫn rắp tâm công kích và quy chụp chính trị đối với Úc và EU là “hợp thức hóa cho các đối tượng đang chống đối Nhà nước Việt Nam”, và vẫn theo thói thường tung hô điều được xem là “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người”. Tuy nhiên lại không hề nhắc tới một sự kiện nóng hổi xảy ra cùng thời điểm với cuộc hội thảo “Truyền thông phi nhà nước…” do phía Úc tổ chức tại Hà Nội: chuyến làm việc của ông Heiner Bielefeldt – Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp Quốc về tự do tín ngưỡng tại Việt Nam. Kết quả sau 11 ngày tận mắt chứng kiến, ngay cả bản thân cũng bị giám sát chặt chẽ bởi cơ quan an ninh Việt Nam, đã khiến ông Heiner Bielefeldt phải tổ chức một cuộc họp báo, công bố về “những sai phạm nghiêm trọng” của nhà cầm quyền Việt Nam đối với điều được nhà nước này gọi là “tự do tôn giáo” khi ngăn chặn rất lộ liễu và thô bạo nhiều chứng nhân mà ông muốn gặp. Phê phán – quy chụp – răn đe – xử lý vẫn thường là quy trình mà giới dư luận viên thể hiện trên những tờ báo đảng như Nhân Dân. Những bài viết trên tờ báo này trong thời gian gần đây vẫn cho thấy có một lực lượng chính trị trong đảng Cộng sản Việt Nam, hoặc hết sức bảo thủ hoặc vì động cơ cực kỳ riêng tư, đang cố tìm cách “còn nước còn tát” nhằm bảo vệ quyền lực và quyền lợi mà họ cho rằng có thể bị tan vỡ, nếu buông lỏng cho xã hội dân sự hoạt động và để chính giới Việt Nam ngả vào vòng tay của phương Tây. Lối tuyên truyền và phản tuyên truyền đầy tủn mủn, cố chấp và khiên cưỡng như thế bắt buộc giới quan sát phải đặt ra câu hỏi là liệu có bàn tay của Bắc Kinh trong việc tác động hoặc chỉ đạo một thế lực “thân Trung” tìm cách ngăn cản hoặc phá hoại mối tiếp dẫn tái hòa hợp Việt – Mỹ ? Còn nếu không phải bàn tay của Bắc Kinh, thì phải chăng đang có một thế lực chính trị nằm ngay trong nội bộ đảng muốn “phá bĩnh”? Và phương tiện được sử dụng để gây nhiễu dư luận nằm ngay trong báo Nhân Dân. Thậm chí tờ báo này cũng đang nằm trong tình trạng “bất đồng chính kiến” bởi các quan điểm, đường lối và phe phái khác nhau?
RFI: Sở dĩ bài báo này được chú ý, có lẽ vì trong thời gian gần đây trên báo chí nhà nước ở Việt Nam đã có xu hướng mở hơn, ít có những từ ngữ, cách nói quy chụp như trước?
Cũng cần ghi nhận là khác khá nhiều với thời gian năm 2012 trở về trước, thời gian gần đây cho thấy không phải tất cả những gì mà báo Nhân Dân hay Quân Đội Nhân Dân nêu ra đều mang bóng dáng của dư luận viên an ninh và giới chức ngành công an. Càng về sau này, dường như giới quan chức Bộ Công an càng nương theo cái nhìn độc lập tương đối với báo đảng và giới tuyên giáo các cấp từ trung ương đến tỉnh thành, và có vẻ họ ít tham gia vào các chiến dịch “bút chiến”, nếu có tham gia cũng không mấy nhiệt tình. Thay cho hàng loạt từ ngữ “chống đối, thù địch, vu cáo, vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, đội lốt…” trước đây, phần lớn các bài “chống diễn biến hòa bình” gần đây chỉ “khuyến cáo” khá nhẹ nhàng đối với hoạt động “thù địch”, thậm chí còn dùng cả từ ngữ “nên chăng” và lược bớt công đoạn “xử lý pháp luật” ở cuối bài… Còn nếu nhìn từ trang báo ra ngoài đời, có thể nhận ra hiện tượng đối với một bộ phận trong giới nhân viên an ninh. Thay cho mục tiêu bắt giam và một số hành vi bị dư luận coi là “côn đồ” như trước đây, thời gian qua đã có một bước chuyển khá rõ về đối sách: từ “bắt bớ” sang “đánh đập”, rồi từ “đánh đập” sang “ngăn chặn”. Sắp tới có thể còn “mềm” hơn. Việc giao hảo và còn có thể đồng minh Việt – Mỹ là một xu thế tuy chậm nhưng khó cưỡng lại được. Xã hội dân sự ôn hòa cũng vì thế không thể bị phủ quyết thô bạo như trước đây. Có lẽ tình thế nền chính trị, đặc biệt là chính trị đối ngoại đang mở dần ra, đang khiến cho xã hội trở nên đa nguyên hơn, mỗi tổ chức hay cá nhân cũng có ý thức hơn về việc bảo toàn thân phận của mình. Nhất là khi các dư luận viên tuyên giáo và nhân viên an ninh không thể biết “sếp cao cấp” của họ “đối ngoại” ra sao và muốn “binh” theo “đường” nào. Đó cũng là bối cảnh mà thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ, đường ai người nấy đi. Giống như một cán bộ ngành an ninh thở dài : “Thời buổi này không biết thế nào mà lường…”
RFI: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng ở Saigon đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.