Bài học nào từ thắng lợi của Quốc hội Mỹ trong vụ Will Nguyễn?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bài học nào từ thắng lợi của Quốc hội Mỹ trong vụ Will Nguyễn?
Cho tới sát thời điểm Will Nguyễn – người thanh niên Mỹ gốc Việt đã tham dự một cách quá nhiệt tình vào cuộc biểu tình ngày 10 Tháng Sáu phản đối dự luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng tại Sài Gòn – bị đưa ra xét xử tại Tòa án TP.HCM vào ngày 20/7/2018, vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam muốn nương nhẹ bản án bỏ túi về tội ‘gây rối trật tự công cộng’ có thể lên đến 7 năm tù giam đối với Will Nguyễn.
 
Will Nguyễn tại tòa ngày 20/7/2018.
Bất ngờ và bất thườngThậm chí báo chí nhà nước còn cho biết quan điểm của Viện kiểm sát TP.HCM là “hành vi của Nguyen William Anh đã xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên phải xử lý nghiêm nhằm cải tạo, giáo dục và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội”.

Thông thường trong các vụ xử án trọng điểm, quan điểm và nhận định của Viện kiểm sát được xem là ‘án chỉ đạo’. Quan điểm này có thể được xem là phép cộng quan điểm điều tra của ngành công an với tòa án, nhưng lại phải chịu tác động với mức độ có thể lên đến 50 – 100% từ phía các cơ quan đảng như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Nội chính trung ương…

Còn với việc xét xử những vụ án chính trị, có thể hiểu quan điểm của công an, viện kiểm sát, tòa án và khối đảng là một. Nếu có khác biệt đôi chút chỉ là do ‘yêu cầu đối ngoại’ mà thôi.

Với quan điểm ‘phải xử lý nghiêm’ mà Viện kiểm sát TP.HCM nêu ra trước khi phiên tòa xử Will Nguyễn, hoàn toàn có thể hình dung là một mức án bỏ túi đã được sắp sẵn với Will, mà nhẹ thì 2 năm, còn trung bình thì từ 3-4 năm.

Nhưng quyết định trục xuất Will Nguyễn của tòa án vào sáng ngày 20 tháng Bảy là đầy bất ngờ. Và cũng đầy bất thường.

Khi Mike Pompeo thờ ơ…

Will Nguyễn bị công an bắt trong cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 ở Sài Gòn, và mặc dù giới Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn ra rả ‘không có việc đánh đập’, thì một video clip được loan tải rộng rãi trên mạng xã hội đã hiển thị rõ mồn một nhiều hình ảnh những kẻ mặc thường phục nhưng đậm lốt an ninh đã đánh Will Nguyễn đổ máu đầu và kéo lê anh trên đường ngay trước mặt công an mặc sắc phục, trước khi tống anh vào xe bít bùng. Đoạn video này sau đó đã có mặt cả trên nhiều tờ báo lớn trên thế giới và trở thành một trong những bằng chứng sống động nhất để dư luận quốc tế hiểu lời tuyên rao ‘Việt Nam luôn bảo đảm các quyền con người’ là ngược ngạo đến thế nào.

Chỉ 40 ngày sau khi bị bắt, Will Nguyễn đã bị đưa ra tòa. Tiến độ thời gian tố tụng hình sự quá nhanh như thế là hiếm có trong lịch sử tư pháp Việt Nam, chỉ có thể so sánh với khoảng thời gian chỉ mất vài tháng kể từ lúc Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bị tống giam cho tới lúc ông ta bị dẫn giải ra tòa.

Hy vọng tự do cho Will Nguyễn còn đáng thất vọng hơn sau chuyến công du Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mà đã không trở về Hoa Kỳ cùng với Will Nguyễn, trong khi chỉ mấy tháng trước đó quan chức ngoại giao này đã có một chuyến đàm phán thành công với Bắc Triều Tiên để mang khỏi nhà tù chế độ này 3 công dân Mỹ gốc Hàn về Hoa Kỳ cùng với mình.

Sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo trở về Hoa Kỳ từ Hà Nội, người ta cũng không nghe ông hay Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập đến triển vọng của vụ Will Nguyễn. Những thông tin trong và sau chuyến đi của Mike Pompeo đều phản ánh chính phủ Mỹ dường như đã hành động một cách chậm chạp và không mấy quan tâm đến trường hợp Will Nguyễn, cho dù trước đó đã được hàng chục nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là các dân biểu liên bang Hoa Kỳ như Alan Lowenthal, Jimmy Gomez và Lou Correa yêu cầu phải can thiệp đối với Will – không chỉ bảo đảm an toàn cho một công dân Mỹ mà còn thể hiện giá trị dân chủ và nhân quyền của người Mỹ từ thời George Washington.

Xét theo lẽ trên, đã khó xảy ra một cuộc đàm phán không công bố giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo với giới chóp bu Việt Nam về vụ Will Nguyễn. Và nếu có tồn tại ý đồ lợi dụng Will Nguyễn như một thứ con tin để mặc cả ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’ mà chính thể độc đảng ở Việt Nam đã luôn luồn lách hành xử với Mỹ trong nhiều năm qua, việc Mike Pompeo trở về Mỹ mà không có Will Nguyễn đã cho thấy ý đồ đó không còn giá trị trước một chính quyền Trump không thực sự chăm sóc nhân quyền nhưng cũng chẳng chịu để đối tác tương mại hay đối thủ chính trị nào qua mặt mình.

Vậy tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại đột nhiên ‘từ tâm’ và ‘mở lượng khoan hồng’ khi trục xuất Will Nguyễn, dù trước đó có vẻ đã bỏ túi sẵn mức án tù ít ra vài ba năm đối với anh?

Tại sao Việt Nam lại không xử Will Nguyễn, chí ít với một mức án bằng với thời gian đã giam giữ anh để giữ thể diện ‘đã bị bắt là phải có án’?

Vietnam Caucus lên tiếng!

Ngay sau khi công bố quyết định trục xuất Will Nguyễn, báo chí nhà nước đã tường thuật phiên tòa với một giọng điệu khác hẳn sự hung hăng và quy chụp trước đó: Will Nguyễn ‘phạm tội lần đầu, là người nước ngoài và thành khẩn khai báo’.

Nhưng trước việc công an đạo diễn để Will Nguyễn “thú tội” trên đài truyền hình ở Việt Nam, rất nhiều người dân trong nước lại tin đó là một thủ đoạn rất thường có của Bắc Hàn khi bắt giữ và ép cung công dân Mỹ phải thú tội ở Bình Nhưỡng.

Còn nội dung ‘là người nước ngoài’ lại có vẻ liên quan đến quy định ‘do yêu cầu đối ngoại’ trong luật Đặc xá của Việt Nam, theo đó sẽ đặc xá cho những tù chính trị có yêu cầu trả tự do từ một số chính phủ trên thế giới, chủ yếu là Chính phủ Mỹ và gần đây là Chính phủ Đức.

Trong khi tác động từ Chính phủ Mỹ là quá mờ nhạt, chỉ còn một tác động quốc tế từ Quốc hội Mỹ mà có thể đã gây sức ép đủ lớn đến ‘yêu cầu đối ngoại’ của chính thể Việt Nam, để thay vì chính thể này xử Will Nguyễn một số năm tù thì cuối cùng đã bắt buộc phải xuống thang áp dụng hình thức trục xuất đối với anh – một chế tài hành chính chứ không phải theo luật Hình sự.

Đài VOA cho biết: “Vài giờ trước phiên tòa xét xử William Nguyễn diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh , một dân biểu liên bang Hoa Kỳ cảnh cáo rằng Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu kết án tù công dân Mỹ gốc Việt này…

Từ thủ đô Washington, dân biểu Dân chủ Alan Lowenthal của tiểu bang California, lên tiếng rằng anh William ‘vô tội’ trước những cáo buộc và bày tỏ hy vọng anh Will sẽ được trả tự do trong một phiên tòa xét xử công bằng. Nghị sĩ này khuyến cáo nếu Việt Nam kết án tù anh Will Nguyễn một cách bất công thì ‘sẽ có những hậu quả nhanh chóng và dứt khoát từ Quốc hội Hoa Kỳ’…

“Quyết định đó của chính quyền Việt Nam hầu như sẽ lập tức châm ngòi cho một cuộc thảo luận nghiêm túc trong Quốc Hội Hoa Kỳ về các hậu quả tài chính, ngoại giao, và chính trị đối với Việt Nam,” Alan Lowenthal nói. “Đó sẽ là một sự tính toán sai lầm nghiêm trọng nếu chính quyền Việt Nam nghĩ rằng chúng tôi sẽ cho phép anh William sống mòn mỏi trong một nhà tù nước ngoài vì những tội danh anh chưa hề vi phạm.”…

Dân biểu Alan Lowenthal đại diện các khu vực có đông đảo cử tri gốc Việt như các thành phố Westminster, Garden Grove, Anaheim, Long Beach ở bang California. Ông Lowenthal đã lên tiếng rất nhiều về các vấn đề dân quyền của Việt Nam…”

Còn đài RFA cũng dẫn lời của Dân biểu Alan Lowenthal: “Tôi nghĩ rằng vụ việc này đã khiến Quốc hội Hoa Kỳ rất quan ngại. Tôi rất ngạc nhiên bởi vì trước đây chỉ có một nhóm nhỏ trong số chúng tôi chuyên trách về các vấn đề nhân quyền, nhưng bây giờ sau vụ bắt giữ Will cũng như nỗ lực của chúng tôi để cậu ấy được trả tự do thì một số lượng lớn thành viên trong Quốc hội đã tham gia vào vụ việc này và đã đưa sự việc lên một cấp độ khác”…

Alan Lowenthal lại chính là đồng chủ tịch của nhóm Vietnam Caucus (Nhóm làm việc về Việt Nam) trong Quốc hội Mỹ.

Chính thể độc đảng ở Việt Nam – một tổ chức quá đông đảo của nhiều quan chức đảng viên nhưng lại quá ít điểm chung về ‘lý tưởng’, chỉ là một tập hợp rời rạc, đàn áp dân chúng và nhân quyền theo phương châm ‘lấy thịt đè người’, nhưng lại ‘thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ’ vào thời buổi kim tiền, sẵn sàng lên máy bay bỏ trốn sang trời Tây một khi xã hội trong nước có biến, hiển nhiên không thể bỏ qua lời cảnh cáo rất cụ thể của những nghị sĩ như Alan Lowenthal.

Người Mỹ cần rút ra bài học nào từ vụ Will Nguyễn?

‘Mềm nắn rắn buông’ chính là như vậy. Vụ Will Nguyễn là một bài học kinh nghiệm rất đắt giá cho người Mỹ và cả Liên minh châu Âu trong các cuộc đàm phán nhân quyền với chính thể Việt Nam.

Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc có vẻ người Mỹ đã rút ra một bài học đắt giá: đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền.

Nhưng dường như người Mỹ lại chưa đúc rút được một bài học khác không kém đắt giá: Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, nếu không bị chế tài về lợi ích cá nhân, bản chất sẵn sàng vi phạm nhân quyền của chế độ toàn trị và giới quan chức ở Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi.

Từ năm 2014-2015 đến nay, Hoa Kỳ có khá đầy đủ ưu thế để thiết lập biện pháp chế tài nhân quyền trên cơ sở cán cân thương mại với Việt Nam.

Vào năm 2018, tình hình kinh tế và ngân sách của Việt Nam còn tồi tệ hơn cả năm 2017.

Việt Nam vẫn đang cần đến Mỹ hơn bao giờ hết trên phương diện thương mại, nhất là làm sao để duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm để bù đắp cho hơn 40 – 50 tỷ USD Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc cứ sau 12 tháng.

Bởi thế, không có gì phải quá lo ngại về ‘Việt Nam bị ép sẽ ngả theo Trung Quốc’ – một lý lẽ mà giới công an và tuyên giáo Việt Nam đã cố tình cường điệu để đe dọa phương Tây và đã phần nào thành công trong những năm qua.

Thái độ và hành động mạnh mẽ cứng rắn cần thiết của phương Tây đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện thời, chứ không phải quá khứ, đang dễ mang lại kết quả không ngờ.

Một khả năng có thể đã xảy ra là chỉ đến những giờ phút cuối cùng của phiên tòa xét xử Will Nguyễn, án chỉ đạo mới đột ngột thay đổi theo cách ‘trả tự do ngay tại tòa’.

Ở Việt Nam đã từng có tiền lệ về ‘trả tự do ngay tại tòa’: nhà hoạt động trẻ Nguyễn Phương Uyên.

Phương Uyên bị bắt vào cuối năm 2012, bị án sơ thẩm đến 6 năm tù giam. Đến tháng Tám năm 2013, tòa Việt Nam xử phúc thẩm Phương Uyên và đã đột ngột tuyên án trả tự do cho cô ngay tại tòa. Sau đó có tin cho biết Phương Uyên xếp thứ năm trong danh sách 5 tù nhân lương tâm mà phía Mỹ đã đề nghị Việt Nam trả tự do nhân cuộc gặp Barak Obama – Trương Tấn Sang tại Washington vào tháng Bảy năm 2013.

Tuy nhiên vào năm 2018 này, tác động nhằm ‘trả tự do ngay tại tòa’ có lẽ không đến từ chính phủ, mà lại từ Quốc hội Mỹ. Xem ra, nước Mỹ vẫn không quên lãng giá trị dân chủ, chỉ là địa chỉ biểu hiện cho giá trị này không còn theo cái cách như trước đây.

Vụ Will Nguyễn là một bằng chứng sống động cho thấy rốt cuộc, chế độ cộng sản ở Việt Nam đã biết phải sợ Quốc hội Hoa Kỳ như thế nào và theo cách nào.

Phạm Chí Dũng(VOA)


http://www.tintuchangngayonline.com/2018/07/pham-chi-dung-bai-hoc-nao-tu-thang-loi.html